Sidebar

Thứ Hai
13.05.2024

Geneviève Laurencin: “Luôn có một nền tảng thiêng liêng nơi trẻ con”

 

 

Bằng cách nào trao truyền đức tin của mình? Đâu là thái độ cần để thích ứng với trẻ con khi chúng đã xa tôn giáo? Có nên bắt buộc trẻ con đi lễ không? Báo Aleteia đề cập các câu hỏi này với bà Geneviève Laurencin, tác giả quyển Bài học Giáo lý của một người bà, tập sách ghi lại các suy nghĩ của trẻ con, các đối thoại, các lời Phúc Âm, các bản văn của các bậc thầy thiêng liêng và các lời nguyện cá nhân.

“Luôn có một nền tảng thiêng liêng nơi trẻ con.” Với xác tín mạnh mẽ này, bà Geneviève Laurencin, người mẹ của hai người con, người bà của năm đứa cháu, tác giả quyển sách Bài học Giáo lý của một người bà (nxb. Salvator) đã cảm hứng để trao truyền đức tin của mình cho trẻ con chung quanh bà. Dù là ngoài đời hay trong sách, bà đều khéo léo làm.

Aleteia: Là bà ngoại và là người dạy giáo lý, khi đọc sách của bà, độc giả cảm thấy bà muốn trao truyền đức tin của mình cho trẻ con. Làm thế nào để bà làm được điều này?

Geneviève Laurencin: Tôi không biết tôi có truyền được đức tin của mình không. Chỉ ùmột mình Thiên Chúa là người duy nhất hành động. Nhưng những gì tôi biết, là tôi thích sống, thích nói cùng với trẻ con về Chúa. Với tôi, những giây phút ở với trẻ con là những giây phút ưu tiên. Tôi thích ở với chúng, tôi thích nghe chúng. Tôi bị mê hoặc bởi sự ngạc nhiên, bởi tính sáng tạo, bởi lòng nhiệt thành lây lan, bởi phong cách tự phát lãnh hội thế giới bên ngoài, bởi việc sát gần với ý nghĩa ẩn giấu của mọi thứ, bởi cách trẻ con chất vấn về thế giới, đôi khi rất nghiêm trọng, sâu đậm và đôi khi cũng đầy lo lắng. Tôi thích có mặt khi chúng đặt câu hỏi. Câu hỏi có thể bật ra bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, thường là những lúc chúng ta không ngờ! Khi đó tôi cảm thấy mình có sứ mạng trả lời cho lòng khát khao thiêng liêng này của chúng. Tôi cố gắng trả lời theo con người thật của tôi, với những gì tôi mong mình được trở thành: làm chứng cho Lời đã nuôi dưỡng tôi và qua đó là tôi tin, với sự khát khao không bao giờ thỏa là có Chúa Giêsu là người hướng dẫn. 

Bà nói chính bà và các cháu của bà cùng giảng Phúc Âm cho nhau? Các cháu của bà sẽ giảng những gì?

Luôn có một nền tảng thiêng liêng nơi đứa bé. Đó là điều làm cho đứa bé đặt các câu hỏi vượt quá khả năng của chúng, những chuyện chúng không hiểu. chúng cảm thấy có một cái gì khác, một cái gì vô tận, chẳng hạn như khi chúng ngắm bầu trời, có một cái gì vô hình, khi chúng thấy gió thổi. Và tất cả các câu hỏi này làm cho tôi đào sâu đức tin của tôi. Các nhận xét của chúng, dù là vô bổ cũng làm cho tôi đi tới. Chúnh nhờ trẻ con mà tôi càng ngày càng thích cầu nguyện, tôi có được cảm nghiệm khiêm tốn, tôi vun trồng cái nhìn trẻ thơ của mình. Như thử tôi cảm thấy tốt khi mình nhỏ bé và đến gần Chúa! Vì với những gì không hoàn hảo, có phải đó là những điều Chúa ban cho chúng ta không?

Bà nói gì với các ông bà nội ngoại có cháu không cùng chia sẻ đức tin hay không còn đức tin? Trong tình trạng này làm sao trao truyền đức tin?

Đối với tôi, điều cực kỳ quan trọng là phải tôn trọng cha mẹ chúng, tôn trọng sự khác biệt, thậm chí còn là sự thù nghịch của họ đối với tôn giáo. Vì chính cha mẹ là những người khai tâm đầu tiên cho con cái. Điều này đòi hỏi phải có một khoảng cách và phải kín đáo. Nhưng cũng không phải là im lặng hoàn toàn! Chúng ta có thể trao truyền khả năng kinh ngạc khi đứng trước nét đẹp thiên nhiên. Chúng ta cũng có thể nêu cao giá trị của thinh lặng, đó cũng là một chuyện tốt. Thinh lặng là cánh cửa đi vào đời sống nội tâm. Chúng ta có thể dạy sự quan tâm đến người khác, sự tôn trọng hoặc dạy cho trẻ con biết nhận. Như thế, chúng ta chuẩn bị một miếng đất màu mỡ để một ngày nào đó Lời Chúa được gieo mầm. Nếu bạn muốn đặt các câu hỏi, chẳng hạn nhân dịp viếng thăm một nhà thờ, nhân cơ hội đó bạn có thể trả lời cho các cháu: “Với bà, đó là những gì bà tin, nhưng bà chấp nhận người khác có thể họ suy nghĩ một cách khác”. 

Trong quyển sách của bà, một trong các cháu nói về bà của nó: “Bà không bao giờ ép buộc chúng con”. Dĩ nhiên, vai trò của ông-bà là làm cho nhẹ nhàng và tạo một khoảng cách. Nhưng bà có cùng thái độ này khi bà là mẹ không? Chẳng hạn bà có ép  con trai, con gái mình đi lễ không?

Đó là câu hỏi tế nhị. Tôi nghĩ, là người mẹ, trước hết tôi cố gắng hiểu xem lý do nào con cái mình không thích đi lễ. Nếu thật sự nó không muốn đi lễ, thì khi đó tôi sẽ không ép buộc. Nhưng đừng để tình trạng này kéo dài! Chắc chắn có một cái gì cần đào sâu để tìm lý do cho việc cắt đứt này. Và tôi sẽ tự hỏi tôi: cái gì đã xảy ra trong thời gian qua đối với tôi? Đức tin của tôi còn sống động không? Tôi đã làm gì để tổn thương đến con? Tôi nói với con đi theo con đường của Chúa Giêsu, nhưng còn tôi, tôi có đi theo không?

403    29-09-2018