Sidebar

Thứ Ba
21.05.2024

Giêsu - Dấu lạ tình yêu

Thứ Hai trong tuần thứ Sáu Mùa Quanh Năm

Gc 1:1-11; Tv 119:67,68,71,72,75,76; Mc 8:11-13

GIÊSU – DẤU LẠ TÌNH YÊU

          Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, những người Pharisiêu cùng nhau kéo đến Đức Giêsu. Họ đến vì lý do nào, trong đoạn Tin Mừng hôm nay mặc dù rất ngắn nhưng Thánh Sử Maccô sẽ cho chúng ta thấy rõ lòng dạ của người pharisiêu.

Ai cũng dễ bị hấp dẫn bởi cái lạ thường, cái khác thường. Còn cái bình thường, như thường, thì ít hấp dẫn, lắm khi tẻ nhạt.Chỉ cần nghe đâu đó có hiện tượng khác thường là người ta đổ xô đến, lắm khi chẳng cần suy nghĩ để biết có thực không, có đáng tin không.

Những người Pharisêu muốn xin Chúa Giêsu một dấu lạ. Thật ra, Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ, cụ thể là hai lần hóa bánh ra nhiều cho bốn ngàn người ăn no nê, đã trừ quỷ, chữa nhiều bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Hơn nữa, Chúa Giêsu chính là dấu lạ của Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa đã hạ mình xuống ở với con người, để gần gũi với loài người. Thế nhưng, vì sự nhỏ hẹp của lòng người, họ đã có thành kiến với Chúa, không chấp nhận Chúa và những việc Người làm. Họ chỉ muốn Chúa làm theo ý riêng của họ.

            Ngay từ câu mở đầu, chúng ta đã thấy bộ mặt thật và tâm địa của người pharisiêu. Họ có những hành vi sau đây: “ Những người…kéo ra… tranh luận… đòi dấu lạ… để thử Chúa Giêsu…”. Đây là hành vi của một nhóm người có mưu kế sắp đặt trước. Họ “ cùng nhau kéo ra” nghĩa là họ đã chọn một thời điểm, một không gian và nhất trí làm cùng nhau. Có lẽ sau khi chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều, họ sợ dân chúng tôn Chúa Giêsu lên làm Vua, nên vội vã cùng nhau đi gặp Chúa để “ tranh luận”.

Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ, gần nhất là phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8, 1-10), nhưng những người Pharisêu vẫn “chê” đó là dấu lạ “dưới đất” mà có lần họ đã họ xuyên tạc là Ngài dựa vào quyền thế của Bêendêbun để thực hiện (Mc 3, 22).

Thế nên họ đã “đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người”. Không phải là Chúa Giêsu không đáp ứng yêu cầu của họ, bởi vì Ngài là chính “dấu lạ từ trời,” điều đã được chứng thực khi Ngài chịu phép rửa: “Có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Ta” (Mc 1,11). “Dấu lạ từ trời” đó có tên là Giona khi Ngài sẽ trỗi dậy vinh hiển sau ba ngày chịu mai táng trong lòng đất. Cũng như dân Do Thái trong sa mạc thử thách Chúa, để rồi cứng lòng tin vẫn hoàn cứng lòng tin “dù đã thấy những việc Chúa làm” (Tv 95,8-9), người Pharisêu cũng vẫn cứng lòng tin, dù đã thấy biết bao dấu lạ, ngay cả dấu lạ Giona!

Họ có tâm tưởng khác với dân chúng. Dân chúng muốn Chúa Giêsu làm Vua để dân được cầu lợi. Không phải vất vả lầm than và chỉ để giải quyết vấn đề ăn uống, chữa bệnh. Còn pharisiêu, họ sợ Chúa Giêsu hưởng hết các phúc lợi của họ, khi dân chúng bỏ họ mà theo Chúa, vì thế, họ mới tranh luận với Ngài. Nhưng chúng ta không thấy Maccô đưa ra vấn đề để tranh luận mà ngài đi thẳng vào vấn đề cốt lõi “ đòi dấu lạ”. Tại sao họ lại đòi dấu lạ khi họ vừa chứng kiến một dấu lạ nhãn tiền: 7 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ cho 4000 người no nê mà vẫn còn thừa? Thánh Maccô nói vắn gọn: “ Để thử Người”.

Đây là để trả lời vấn nạn này, cốt lõi vấn đề, là điểm chính mà người pharisiêu cất công tụ họp bàn tán. Hậu quả này mang dấu vết “ Kinh Thánh”. Xưa kia trong hoang mạc, dân Israel đã thử thách Thiên Chúa bằng hết các phép lạ, dấu lạ lớn nhỏ (Xh 16, 1-36; Ds 14, 1-38). Bây giờ, có lẽ họ muốn Chúa Giêsu chứng tỏ cho họ thấy thần tính và uy quyền của Ngài, một “ Mêsia trần tục” theo kiểu của họ. Đây là cơn cám dỗ mà Satan đã sử dụng trong sa mạc, khi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ (Mt 4, 1-11). Đã bao lần Chúa Giêsu làm phép lạ vì chạnh lòng thương, vì lời van xin của bệnh nhân, vì  long tin của dân chúng…

Nhưng lần này Ngài lại từ chối và khẳng định họ sẽ không được một dấu lạ nào. Vì sao vậy ? Có lẽ vì thời khắc của Ngài chưa đến. Vì Ngài không muốn họ hiểu sai về sứ vụ của Đấng Mêsia và những dấu lạ sẽ là mối nguy hiểm cho niềm tin của họ đối với Thiên Chúa, xem Thiên Chúa như một thầy phù thuỷ bùa phép hay một nhà ảo thuật với những xảo kế tuyệt vời. Và có lẽ Ngài muốn họ đến với Ngài bằng niềm tin, chứ không bằng sự nghi ngờ hoặc đặt điều kiện này nọ “đòi dấu lạ, để thử…”

Nhưng phép lạ phải trở nên “ dấu chỉ” về Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người và hướng tâm hồn con người đến với ân sủng thiêng liêng. Vì thế, mà ta thấy Chúa Giêsu bực mình đến thở dài não ruột ( c. 12). Câu hỏi Ngài đưa ra cho họ như một lời tố cáo, lời trách cứ sự cứng lòng của họ (Tv 95,10). Và kết thúc Ngài bỏ đi và để họ ở đó với những đòi hỏi thái quá của họ (c. 13) mà qua bờ bên kia. Lúc nào cũng thế, Ngài không để lòng mình bị chao đảo trước những thách thức của con người và cám dỗ của cuộc sống. Sứ mạng của Ngài là đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi.

Qua đoạn Tin Mừng rất ngắn này, chúng ta soi mình trong những hành vi của người pharisiêu.

          Chúa Giêsu đã làm biết bao điềm thiêng dấu lạ, ấy thế mà những người Pharisêu vẫn chưa cho là đủ lại còn đòi hỏi “một dấu lạ từ trời.” Thiên Chúa vẫn thực hiện rất nhiều phép lạ qua vạn vật và ngay trong chính cuộc đời chúng ta. Đối với tha nhân cũng vậy, không ít lần chúng ta đòi hỏi anh chị em chung quanh làm theo ý của chúng ta.

Cái gì khiến những người Pha-ri-sêu khó tin nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến thế nhỉ? Thực ra không cần Chúa Giêsu phải làm thêm dấu lạ nào nữa mà cần biết cởi mở tâm hồn, biết xoá bỏ mọi thành kiến, như một Nicôđêmô khi đến gặp Chúa Giêsu ban đêm (Ga 3,1-21). Phải khiêm tốn như người phụ nữ xứ Canaan lượm nhặt cả “những vụn bánh từ bàn ăn rơi xuống” để rồi nhận được ơn trọng đại hơn nhiều: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì được vậy” (Mt 15,21-28). Phải có lòng khao khát tột cùng muốn được gặp Chúa, gần Chúa, để được Chúa chữa lành.

          Trong cuộc sống thường ngày, nhiều lúc chúng ta cũng có thái độ giống như người Pharisêu, chúng ta đòi hỏi Thiên Chúa thực hiện những phép lạ, những ước muốn riêng của mình. Trong khi đó, Thiên Chúa vẫn âm thầm hiện diện trong cuộc sống của mỗi người qua những biến cố hằng ngày. Hơn thế, chúng ta còn nhìn họ theo cái nhìn thành kiến nữa. Cách sống ấy đã làm chúng ta không đón nhận những điều tốt nơi tha nhân.

Để nhận ra "dấu lạ" của Thiên Chúa, chúng ta phải bỏ đi lối nhìn "pharisêu" là sự thành kiến và đố kỵ, mà mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm tốn của Chúa Giêsu và mở rộng trái tim để lãnh nhận tình thương. Vì Chúa Giêsu là dấu lạ lớn nhất của tình yêu. 

 

 

1299    10-02-2018