Sidebar

Thứ Hai
13.05.2024

Jeanne Pelat đi tu: “Xin đừng lo cho tôi, tôi sẽ là người hạnh phúc nhất thế giới!”

 

Cô Jeanne Pelat 22 tuổi, biểu tượng của Téléthon từ năm 2004 sẽ đi tu: “Xin đừng lo cho tôi, tôi sẽ là người hạnh phúc nhất thế giới!”. Báo La Voix du Nord có bài phỏng vấn cô trước khi cô vào dòng tu, 16-10-2018.

Cô Jeanne Pelat bị bệnh co cơ, khi cô 8 tuổi cô là ngôi sao của chương trình gây quỹ trên truyền hình Pháp Téléthon để quyên tiền cho việc nghiên cứu các bệnh hiếm. Bây giờ cô từ bỏ đời sống “ngôi sao” để sống cuộc đời “ẩn dật thinh lặng, cầu nguyện và yêu thương.” Một phần gia đình cô sống ở Wavrin. Jeanne sống với cha mẹ ở Lezennes. 

Jeanne, cô có văn bằng cử nhân báo chí, bằng cử nhân lịch sử nghệ thuật, cô vừa xuất bản quyển sách thứ nhì. Tuy bị khuyết tật nhưng cô vẫn đi chơi, vẫn có bạn bè… Vì sao cô từ giã cuộc sống hiện nay để sống ẩn dật cầu nguyện?

Tôi cũng có bằng thần học nữa… và một quá trình đào tạo thiêng liêng năm năm, điều đã đưa tôi đến chọn lựa này. Đối với nhiều người, điều này có vẻ như nghịch lý vì tôi thích nói chuyện, thích đi chơi. Tháng 11 này tôi mới 22 tuổi, tuy nhiên tôi có thể nói, tôi đã sống những gì tôi muốn sống: đúng, tôi có đời sống xã hội và tình cảm phong phú. Tôi còn muốn lập gia đình, muốn làm việc trong ngành báo chí hay giáo sư. Nhưng tuyệt đối tôi không đi tu vì mình bị khuyết tật.  Tôi rất hạnh phúc nhưng tôi lại không thấy mình được đầy đủ trọn vẹn, tôi thiếu một cái gì tuyệt đối. Với đời sống tu trì, thinh lặng, tôi cảm nhận tôi ở đúng chỗ của mình, triển nở trong một hạnh phúc chân thành, không phải hạnh phúc giả tạo.”

Đây là ơn gọi, là tiếng gọi? Nhiều người biết câu chuyện của cô nghĩ rằng cô đi tu để cha mẹ “nhẹ gánh”…

Đó là câu hỏi mà ngay lập tức cha mẹ hỏi tôi. Nhưng hoàn toàn không phải! Nếu để làm cho đời sống cha mẹ tôi được dễ dàng, tôi sẽ thuê phòng chung ở với một người khác. Như mẹ bề trên đã nói: “Nếu không phải là một dấn thân đích thực thì mình sẽ bị phỏng chân” : chỉ có thể chịu đựng được đời sống tu trì nếu đây đúng là ơn gọi. Tiếng gọi đã rơi xuống đầu tôi, trước hết là sau khi tôi thêm sức và sau đó là lần đi hành hương Lộ Đức năm ngoái (…). Mình không chờ một tiếng nói, nó không đi qua bằng lời bằng chữ, cũng không bằng ánh sáng, bằng thị kiến! Với tôi, đó là cuộc gặp gỡ với nội tâm, với chiều sâu, cực kỳ mạnh như cú sét ngàn lần mạnh hơn. Tiếng gọi huyền bí này dắt tôi đến đời sống thánh hiến… Tôi vào tu viện ngày 16 tháng 10. Tôi sẽ là người hạnh phúc nhất thế giới! Tôi muốn được giữ kín nơi này.”

Ngồi xe lăn nhưng cô có một vai trò với các bạn cô, với độc giả, với những người xem cô hàng năm trên chương trình Téléthon bên cạnh bà điều khiển chương trình Sophie Davant. Cô đã giúp mọi người thay đổi cái nhìn về người khuyết tật, cô là người mang hy vọng đến cho họ. Khi chọn đời sống ẩn dật, như thế có làm thiệt hại cho các chuyện trên không?

Mọi chọn lựa đều phải từ bỏ một số chuyện. Trong xã hội tiêu thụ của chúng ta, mình bị tha hóa hơn là trong một đời sống có tự do đích thực. Tôi ý thức mình từ bỏ tiện nghi, từ bỏ giải trí, nhưng khi ở tu viện tôi sẽ ở trong cụ thể của những chuyện này, ở đó tất cả đều sống trong sự thật. Mười nữ tu sống ở đó, mỗi người hữu ích trong công việc của họ. Như thế còn có giá trị hơn. Có thể nói đó là một sự lãng phí quý báu (cười). Tôi đã cống hiến nhiều cho chương trình Téléthon, quyển sách của tôi tiếp tục bán gây quỹ cho Hội AFM để lo cho các bệnh co cơ, cuộc chiến cho sự sống này vẫn là cuộc chiến của tôi. Và rồi phải tin vào sức mạnh của cầu nguyện…

Ngày 23 tháng 1-2019 quyển sách thứ nhì của Jeanne Pelat sẽ được xuất bản, “Đau khổ và con đường đến Chúa” (Souffrance et chemin vers Dieu, nxb. Bayard).

 

 

Đời sống tu hành có phù với bệnh co cơ  không? Các bạn của cô sợ Jeanne bị “khép mình” trong khi bệnh của cô cần săn sóc hàng ngày, cần đi khám, cần nhập viện thường xuyên.

Ba nữ tu tự nguyện thay phiên nhau lo cho tập sinh Jeanne, sau đó cô sẽ là thỉnh sinh (trước khi mang tên thánh khi đi tu). “Nhưng tôi rất tự lập, tôi cần được giúp buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều, thế thôi. Đời tu không phải là đời sống khổ hạnh, được ăn đầy đủ, không thức khuya. Tôi có thể đi khám ở bệnh viện Đại học CHU gần tu viện, ngay cả nhập viện nếu cần”. Xe lăn di chuyển ra vào thanh chắn dễ dàng, ông Jean-Pierre, ba của Jeanne đã sửa chữa một ít cho dễ dàng. Cô hứa: “Đừng lo cho tôi quá! Ngược lại, ở đây tôi có một đời sống quy cũ hơn!” Cô Jeanne bị chứng hoại cơ tự-miễn đề kháng, và chỉ mới được chẩn đoán năm 2016. “Đã quá trễ để chữa lành cho bệnh của tôi vì bệnh đã tiến triển xa, nhưng giữa hai cơn đau, căn bệnh ở yên… Tôi không nghĩ đến nó nhiều.”

Người chung quanh phản ứng như thế nào?

Trong một lần họp ở phòng Brassens ở thành phố Lezennes, cô Jeanne giải thích quá trình của cô với 300 người đã từng ở bên cạnh cô 21 năm nay. Bà Sophie Davant, người điều khiển chương trình Téléthon cũng có mặt. Gia đình Pelat là gia đình có đạo, họ cho biết họ đã hỗ trợ cô đến độ nào và hiểu chọn lựa của Jeanne. Tuy vậy họ không thể nào không buồn khi cô vào dòng. Ông Jean-Pierre, cha của Jeanne nói: “Đây là một cảm nhận vừa vui vừa buồn, vui với con và buồn cho gia đình. Vì bệnh của con, đời sống chúng tôi quay chung quanh con. Sau ngày 16 tháng 10, chúng tôi chỉ còn hai người trong nhà, Isabelle vợ tôi và tôi” : ba đứa con đã rời tổ ấm… “Trước hết chúng tôi sẽ hưởng một chuyện sang trọng mà từ nhiều năm nay chúng tôi không được hưởng: đó là chán, là không có việc gì làm! Là rên! Chắc chắn chúng tôi sẽ qua giai đoạn suy thoái. Nhưng sau đó sẽ hay. Và rồi chúng tôi còn có gia đình, bạn bè, mọi người ở đó với chúng tôi.”

Jeanne được quyền thăm một tháng một lần. Gia đình và bạn bè thân sẽ thay nhau đi thăm.

Marta An Nguyễn dịch

1318    23-11-2018