Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Lời mời gọi truyền giáo

Thứ Ba tuần XVI TN

Hs 8:4-7,11-13; Tv 115:3-4,5-6,7-8,9-10; Mt 9:32-38

LỜI MỜI GỌI TRUYỀN GIÁO

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi mỗi Ki-tô hữu trở nên những thợ gặt để đi gặt lúa về. Sau khi trừ quỷ cho người câm, Chúa Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Người thấy đám đông vất vưởng, lầm than, như bầy chiên không người chăn dắt thì chạnh lòng thương và Người nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Không quản khó nhọc, vất vả ngược xuôi trên những chặng đường dài khắp xứ Palestina, Chúa Giêsu “rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9, 35). Làm biết bao việc tốt lành như thế, nhưng dường như Chúa Giêsu cảm thấy mình vẫn chưa đáp ứng hết mọi nhu cầu của con người. Chúa Giêsu “động lòng thương xót” đoàn lũ dân chúng đông đảo, vì Người thấy họ “tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn” (Mt 9,36). Tất cả thể hiện tấm lòng của Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu (x. Ga 10,1-30), tấm lòng thương xót của một Vì Thiên Chúa.

Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mang, nơi có tất rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại.

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mục đích của Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời xuống thế làm người là để cứu chuộc toàn thể nhân loại. Vì thế, trước khi về trời, Chúa Giê-su đã truyền lệnh cho các tông đồ tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Người. Sứ vụ này được tiếp nối nhờ các giám mục là những người kế nhiệm các tông đồ, và qua các ngài cho mọi thế hệ đến tận thế.

Khi được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Ki-tô hữu trở nên thành phần của dân Thiên Chúa, được tham gia vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Ki-tô. Vì thế, họ có bồn phận đem Tin Mừng đến cho mọi người. Năm xưa, để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giê-su đã chịu khổ nạn, chịu chết trên cây thập giá và sống lại từ cõi chết. Ngày nay, giáo dân loan báo Tin Mừng cho thế giới bằng chính từ đời sống của họ, cũng như qua lời nói và việc làm.

Theo thống kê của Tòa Thánh Vatican mới đây, người Kitô giáo trên toàn thế giới khoảng hơn 2 tỉ người, trong đó người Công giáo có khoảng 1 tỉ 253 triệu người. Trong khi, tổng dân số thế giới ước tính là 7 tỉ 137 người. Như vậy, chiếu theo thống kê trên, vẫn còn tới hơn 2 phần 3 dân số thế giới chưa nhận biết Tin Mừng của Đức Kitô.

Chúng ta phải truyền giáo vì Thiên Chúa muốn mọi người được hưởng ơn cứu độ. Và như vậy, mọi người đều có quyền được nghe loan báo Tin mừng cứu độ. Chúng ta phải truyền giáo còn vì ơn cứu độ mà chúng ta đã đón nhận là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, tức là quà tặng không do công phúc của chúng ta nhưng do lòng yêu thương của Thiên Chúa, và đã là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, thì chúng ta không được giữ lại cho riêng mình nhưng phải được trao ban cho người khác. Và cuối cùng, chúng ta phải truyền giáo vì đó là lệnh truyền giáo của Đức Giêsu, cứu Chúa của chúng ta.

Nhìn vào Giáo hội Á châu, chúng ta sẽ cảm thấy cánh đồng truyền giáo quá mênh mông. Cụ thể là Giáo hội Việt Nam vốn được xếp hàng II sau Giáo hội Philippin. Thế nhưng, trong số gần 80 triệu dân vẫn còn hơn 70 triệu người Việt Nam chưa được nghe loan báo Tin mừng, chưa được nghe biết Chúa Kitô, cứu Chúa của họ. Trách nhiệm đó thuộc về chúng ta vì đó tính khẩn cấp.

Tại Hàn Quốc, số người theo Chúa ngày càng tăng. Có được sự phát triển mạnh mẽ như thế, người giáo dân cũng đóng góp phần không nhỏ. Trở thành Ki-tô hữu cũng có nghĩa là gia nhập một hiệp hội hay phong trào và dấn thân sống đức tin Ki-tô giáo hết mình, theo các điều lệ xác định cung cách sống, đóng góp niên liễm tham dự hằng năm, và hàng ngày phải đọc một số kinh nguyện nào đó. Khi gia nhập Giáo Hội, thì tín hữu chấp nhận tất cả. Và đó là tinh thần sống đạo của người Đại Hàn: hoặc là chấp nhận và dấn thân, hay là không chấp nhận và bỏ đạo.

          Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta hãy trở nên dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa cho con người hôm nay. Tình thương của Thiên Chúa phá vỡ thái độ khép kín chết chóc là sự dửng dưng, tình thương ấy được Giáo Hội trao tặng cho chúng ta qua giáo huấn, và nhất là qua chứng tá của Giáo Hội. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng về điều mà trước đó chúng ta cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho chiếc áo lòng từ nhân và thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để trở nên giống Chúa, là Tôi Tớ của Thiên Chúa và loài người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta suy nghĩ về bổn phận truyền giáo của chúng ta. Nếu như mọi lời nói, hành động của chúng ta đều có ảnh hưởng đến người khác, thì mỗi người hãy tự hỏi lòng mình, qua những gì chúng ta nói, những gì chúng ta làm và nhất là qua đời sống cụ thể của chúng ta, chúng ta có đưa người khác đến với Chúa Kitô hay chúng ta làm cho người ta xa Chúa

 

814    07-07-2018