Sidebar

Thứ Ba
14.05.2024

Lối sống vô cảm trong xã hội hôm nay


 
 
Nhìn từng em bé được người ta tắm rửa sạch sẽ, rồi đặt vào những chiếc khăn trắng tinh mềm mại. Các em còn rất bé và yếu ớt. Đôi mắt các em nhắm nghiền và sẽ chẳng bao giờ đôi mắt ấy còn mở ra nữa. Chính cha mẹ các em đã tước đoạt mạng sống khi các em còn chưa cất tiếng chào đời. Tôi chợt thấy lòng mình thắt lại. Thật xót xa cho một xã hội mà con người ngày càng vô cảm. Tôi tự hỏi, tại sao con người lại trở nên vô tâm và ích kỷ đến thế? Cuộc sống mai này sẽ ra sao khi con người đang ngày càng vô cảm với nhau và ngay cả với chính bản thân mình?

Vô cảm là trạng thái không cảm xúc, thờ ơ, vô tâm trước các đối vật và con người. Xã hội hôm nay xem vô cảm là một “căn bệnh nguy hiểm và phổ biến” nhưng lại chưa có “thuốc chữa”. Nó đã và đang ăn mòn đạo đức xã hội, gây ra biết bao hậu quả cho con người.

Hằng ngày, các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều nơi trên thế giới vẫn còn xảy ra chiến tranh. Người ta đã phát động nó chỉ vì lòng ích kỉ, háo thắng, danh vọng, quyền lực và vô tâm của một số thành phần đứng đầu. Hậu quả thật khiến người ta kinh hãi, hàng ngàn người chết và bị thương, biết bao gia đình sống trong cảnh tang tóc, chia li, nhiều trẻ em ngây thơ, mồ côi sống lang thang, đói khát, vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Nạn di cư, nạn đói, dịch bệnh… .xảy ra ở rất nhiều nơi là tàn dư mà lối sống vô cảm đã để lại.

Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở báo động đỏ. Con người đang ngày càng sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên của môi trường. Cây xanh phải nhường chỗ cho bê tông, sắt thép bởi người ta đã biến những khu rừng xanh thành những khu đô thị. Người ta cho mình quyền tự do thải ra môi trường các chất độc hại. Điều đó làm cho trái đất ngày một nóng lên, thiên tai xảy ra khắp nơi, cướp đi biết bao tính mạng và tài sản của con người.
           
Lối sống “Đèn nhà ai nhà nấy rạng” và “Văn hóa màn hình” khiến cho con người ngày càng lạnh nhạt với nhau. Con người trở nên vô tâm trước những đau khổ của người khác . Họ nhìn những đau khổ của người khác và tự bảo chẳng phải việc của mình. Trong gia đình, xuất hiên những bữa cơm mà mắt ai cũng sáng, mặt ai cũng tươi cười nhưng không phải với nhau mà là với cái màn hình. Dường như người ta đang quan tâm, xem trọng vật chất, các mối tương quan ảo hơn là xây dựng các mối tương quan ngay sát bên mình.


Không chỉ đối với người khác hay với thiên nhiên. Con người đang ngày càng vô tâm với cả chính mình khi họ sống mà không biết mình sống để làm gì? Sống mà không có mục đích, không có giá trị. Họ đánh mất lòng tự trọng, sẵn sàng bản rẻ lương tâm, làm tay sai cho người khác chỉ vì những như cầu vật chất tầm thường.

Kể sao cho hết những hiện trạng vô cảm trong xã hội hiện nay. Nguyên nhân do đâu? Do con người hay do môi trường? Tôi nghĩ rằng do cả hai.
Bắt đầu từ nền giáo dục chưa chú trọng đến việc hình thành nhân cách cho con người. Gia đình phó thác mọi sự cho nhà trường, còn nhà trường thì sao? Tôi nhớ thời gian trước đây tôi có được học môn đạo đức ở tiểu học và giáo dục công dân ở bấc trung học, nhưng nó là những môn kém quan trọng nhất trong những môn không quan trọng. Nó được các giáo viên dạy một cách hời hợt bởi một lí do nó không nằm trong chương trình thi của học sinh. Đáng lẽ ra nó phải là môn học ít, thức hành nhiều nhưng cái mà học sinh chúng tôi có được chỉ là học cho biết.

Tiếp đến, cuộc sống đòi con người phải chạy đua với thời đại. Điều này dẫn tới việc con người phải sống nhanh. Họ chẳng có thời gian, tâm trí để nhìn lại, để quan tâm. Lâu dần trở nên chai lì về mặt cảm xúc. Có những câu chuyện làm ơn mắc oán đã khiến người ta trở nên sợ hãi, chần chừ trong việc giúp đỡ người khác. Chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ khiến con người luôn muốn mình là trung tâm. Nó làm cho người ta chỉ thích chăm chút cho bản thân để tận hưởng cuộc sống mà phớt lờ đi những đau khổ của đông loại. Họ sợ bị phiền phức, bị thiệt thòi khi làm giúp đỡ người khác.

Kế tiếp, pháp luật chưa có chính sách hỗ trợ để moi người yên tâm, sẵn sàng giúp đỡ nhau. Tôi có đọc được một bài báo nói rằng ở một số nước trên thế giới, chính phủ cổ động phong trào tương thân tương ái. Ông chủ phải trả lương cho ngày nghỉ của công nhân nếu ngày đó họ phải nghỉ làm để giúp đỡ một người bị nạn. Uớc gì ở Việt Nam chúng ta cũng có những chính sách như thế thì hẳn sẽ chẳng còn những câu chuyện hôi của, tại nạn không người giúp….

Và còn một nguyên nhân cuối cùng rất quan trọng đó là do con người chưa tự ý thức được. Nếu ai trong chúng ta cũng có cảm thức thuộc về gia đình, xã hội, môi trường và cố gắng vun đắp, dành tình yêu cho nó thì thế giới này sẽ tốt bẹp biết bao. Nếu ai cũng biết bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi hay không vô tâm khi thấy nó mằn không đúng chỗ thì hẳn bầu không khí đã được trong lành rất nhiều rồi. Nếu mỗi người ý thức trong việc sử dụng điện, nước…thì tài nguyên thiên nhiên mà Thiên Chúa ban sẽ còn mãi cho thế hệ con cháu sau này và nếu mọi người biết dùng tình yêu để sống với nhau chắc sẽ không còn chiến tranh, chia ly, loạn lạc…

Lối sống vô cảm đang ngày làm cho con người xa cách nhau, chẳng còn gắn bó, tình đoàn kết, và đau xót hơn là mất dần tình người, tình đồng loại. Khi con người sống vô cảm là lúc con người đang tự cô lập chính mình và dần đưa con người đến chỗ diệt vong.

Chắc chắn chẳng ai trong chúng ta mong mình là nạn nhân của căn bệnh vô cảm hay phải chứng kiến căn bệnh ấy hoành hành. Muốn được như thế, chúng ta phải luôn biết tự ý thức, loại bỏ tính ích kỉ và biết sống hướng tha. “Quan tâm người khác bạn sẽ được quan tâm, yêu thương người khác bạn sẽ được yêu thương”( sưu tầm) hãy làm thế trong khi chờ đợi những thay đổ, cải cách, chính sách mới từ giáo dục và luật pháp.

Trái đất này sẽ rất đẹp nếu chúng ta biết sống cho nhau. Cuộc sống sẽ rất hạnh phúc nếu mỗi người biết sống vì nhau. Ước mong rằng tôi và bạn sẽ chọn cho mình những hành động để sống có ý nghĩa hơn. Minh Tâm
 
1114    20-12-2018