Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Nét đẹp người mẹ điên dưới cái nhìn Kitô giáo

 

Labruyere từng nói: “Không có phụ nữ xấu chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp”. có lẽ vì thế mà ngày nay chị em phụ nữ lưu tâm hơn đến việc làm đẹp, từ vẻ đẹp bên ngoài đến nét nội tâm. Nhân ngày quốc tế phụ nữ, tôi muốn giới thiệu cho bạn về nét đẹp của một người phụ nữ có thực dưới cái nhìn Kitô giáo để khám phá ra những nét đẹp của Thiên Chúa được đặt để trong phẩm tính của người phụ nữ, kể cả những người cùng đinh nhất trong xã hội, người phụ nữ ấy là “ Mẹ điên”

89

“Mẹ điên” đó là tên nhân vật chính trong ký thực tiểu thuyết “Tấm lòng người mẹ điên”của tác giả Vương Hằng Tích. Truyện kể rằng: năm 1970 ở Trung Quốc, có một cô gái trẻ vốn bị điên, suốt ngày đầu tóc bù xù lang thang đầu đường cuối xóm. Bỗng một hôm cô được một người đàn bà dẫn về nhà làm vợ cho con trai mình, vốn bị khuyết tật, lại mắc thêm cái gia cảnh quá nghèo, với mong muốn may ra tìm  được một thằng cu nối dõi tông đường  mà không mất tiền cưới hỏi. Rồi cô gái điên ấy cũng  trở thành mẹ theo kế hoạch của mẹ chồng, nhưng niềm vui vừa chớm nở, cô bị mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà khi chưa một lần được bồng ẵm con trên tay. Dẫu là một người điên, nhưng tình mẫu tử đã thúc đẩy cô nhiều lần phải quỳ lạy van xin, cho dù phải chấp nhận những làn roi vọt và sự xỉ vả của nhà chồng với mong muốn được một lần ẵm con vào long, nhưng cũng không thành công, cuối cùng mẹ điên bị đuổi ra khỏi làng. Sau nhiều năm xa con, lầm lũi vất vưởng đâu đó, không ai biết vì sao mẹ điên lại biết đường trở về  nhà với trái bóng bẩn thỉu trên tay để dành cho đứa con. Trước thảm kịch ấy, mẹ chồng không lỡ đuổi cô lần nữa, từ đó đời cô bước sang trang sử mới, dệt nên những huyền thoại của tình mẫu tử theo cách của người điên, đã làm rung động trái tim biết bao người

SỐNG VỚI VÀ SỐNG VÌ

Hơn bất kỳ tôn giáo nào, Kitô giáo ngay từ khi tạo dựng vũ trụ, hình ảnh người phụ nữ đã được đề cao, không phải bởi giới tính, nhưng  bởi con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa ( x. St 1,27). Thiên Chúa tạo dựng con người có nam, có nữ, cả hai cùng là con Thiên Chúa, vì thế ngay từ khởi đầu họ đã sống  trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, sự hỗ tương ấy làm cho họ biết sống vì nhau  và chấp nhận liên lụy  vì nhau. Đây là nét đẹp  khởi điểm  mà Thiên Chúa đặt để nơi người phụ nữ, nhất là nơi những người mẹ, để qua họ, nhân loại  có thể cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa cách dễ dàng hơn.

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta” (x.Ga1,14). Con Thiên Chúa vì muốn hiệp thông với con người cách mật thiết hơn, nên Ngài đã chấp nhận cúi xuống dòng sông Giođan để hòa mình vào dòng người tội lỗi, với lòng thương xót, Ngài muốn để trái tim mình chịu liên lụy vì những người con yếu hèn, để thánh hóa, chia sẻ , cảm thông, cuối cùng là để sống chết vì sự sống đời đời của con người. Phải chăng đó là thứ tình yêu “ điên rồ mà Thánh Phaolo đã nói  trong thư Corinto (x. 1,22-25), một thứ tình yêu  mà con người tuy không định nghĩa  cách hoàn hảo được, nhưng lại có thể cảm nhận  được dễ dàng nơi tấm lòng của những người mẹ.

Gina Lomhoso đã nói: “Bản chất của người phụ nữ trực thuộc vào  sứ mạng làm vợ và làm mẹ của họ, chìa khóa của tâm hồn người nữ là tính hướng về người khác”.

Mẹ điên trước khi làm mẹ, chắc chắn bà chẳng có khái niệm sống vì người khác là gì? Ai cho gì ăn nấy, chỗ nào thích thì ngủ, nơi nào muốn thì tè, và khi đã làm mẹ, cái khái niệm tình mẫu tử cũng chỉ là thứ cỏ cây bà vẫn bứt bên đường . Bà chỉ biết có cái gì đó lôi kéo bà về  một “cái gì đó” đã từng làm cho bà đau, cũng từng là cái cớ để bà ở trong nhà này với những bữa cơm qua ngày…Nhưng cũng  không ai giải thích được tại sao bà lại biết ú ớ van xin mẹ chồng cho mình được một lần bồng ẵm đứa con vào lòng, cũng không ai hiểu được tại sao bà lại hành động như một hiệp sĩ lao vào bảo vệ con  khi phát hiệt thằng con bị tụi bạn bắt nạt, càng không hiểu được tại sao sau sáu năm xa cách, bà biết đường  trở về làng và  nhận ra ngay đứa con trai giữa đám con nít đang bu quanh trêu ghẹo mình???

Khoa học, y học, tâm lý học…không thể giải thích được sự huyền nhiệm của tình mẫu tử, có chăng chỉ là những hạn từ văn chương có thể cảm nhận được phần nào nét đẹp thiêng liêng ấy.

Chỉ với Kitô giáo mới có thể lý giải được nguyên nhân  của sự diệu kỳ nơi tấm lòng những người mẹ đó là: Ngay từ thuở ban đầu, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, mạch huyết trong họ, sự sống của họ không phải bởi họ, nhưng bởi Thiên Chúa, chính vì thế, có thể những yếu tố bên ngoài làm thay đổi biến dạng một con người, nhưng không thể thay đổi nguồn gốc của họ.

Ngay từ bản chất, con người được tạo dựng trên nền tảng tình yêu Chúa Ba Ngôi, nên họ luôn được mời gọi quy hướng về Ngài. Được đón nhận tình yêu tuyệt vời ấy, người phụ nữ nói chung, người mẹ nói riêng có bổn phận và tự do đáp trả qua việc bảo vệ và thăng tiến hồng ân ấy nơi những người thuộc về họ, đây cũng là lý do phân giải  cho nét đẹp ơn gọi của phụ nữ- những người mẹ luôn muốn sống và trao ban cả sự sống  mình vì hạnh phúc của những người trong gia đình, đó cũng  là thái độ sống trung tín trong ơn gọi làm mẹ của người phụ nữ đối với Thiên Chúa và với tha nhân.

Trong thư gửi phụ nữ thế giới ngày 29.6.1955 Đức Gioan Phaolo II đã gọi: phụ nữ là những người MẸ, người Vợ, người CON, người CHỊ, người EM, người LAO ĐỘNG, tuy mỗi phụ nữ “Nhà Đạo Diễn” tạo ra những sắc thái  riêng, nhưng điểm giống nhau nơi họ là PHỤC VỤ.

ƠN GỌI CỦA PHỤ NỮ LÀ PHỤC VỤ

Và theo Tin Mừng PHỤC VỤ là CAI TRỊ

Họ CAI TRỊ BẰNG TÌNH MẪU TỬ

Họ trao ban chính mình để sinh ra từng người con, họ sẵn sàng chết đi để gieo hạnh phúc yêu thương cho cộng đồng nhân loại[1]

Đối với người Kitô hữu, chính trong những cuộc đối thoại với Thiên Chúa  mà phụ nữ KiTô giáo luôn tìm ra cách đáp lại tiếng Chúa mời gọi trong những hoàn cảnh khác nhau, tạo nên những công trình xây dựng đầy sáng tạo cho nhân loại. Đáng buồn thay thực tế ít ai nhận ra điều ấy, nhưng cho dẫu những công trình của người mẹ có được nhìn nhận cách công khai hay không , thì nó vẫn luôn là niềm kiêu hãnh  cho những ai đã và đang tận hưởng  niềm hạnh phúc của người còn có mẹ.

Bạn là phụ nữ, là mẹ hay là nữ tu, chúng ta được thế giới trân trọng gọi bằng “phái đẹp”, chúng ta được mời gọi trở nên đẹp hơn mỗi ngày như Cha trên trời,  qua việc chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa, để nhờ đó   trái tim của chúng ta được nuôi dưỡng dần  nhạy bén hơn, biết trắc ẩn trước những hoàn cảnh đau thương của nhân loại, và gợi lên những ý nghĩ, những sáng kiến để xoa dịu nỗi khổ cực của những người nghèo, những bệnh nhân, hay có khi là nhũng ngươi bên cạnh đang cần chúng ta giúp đỡ.

Nữ tu Maria Thúy Kiều

………………………………………………………………..

[1]X. ANH EM TỈNH DÒNG ĐAMINH VIÊT NAM, Chuyên đề ơn gọi phụ nữ, phụ nữ giữa thế giới hôm nay, Dòng Đaminh Tam Hiệp, 1995, tr.48

3394    08-03-2017