Sidebar

Thứ Hai
13.05.2024

Nhảy lên vui mừng vì mình thương yêu nhau

 

Sắp trăm tuổi, chúng ta vừa nói những gì mà bây giờ xơ muốn nói. 

Sứ điệp xơ muốn để lại thì đơn giản. Giống như cô bé Bernadette ở Lộ Đức, Bernadette Soubirous nói: “Chỉ cần yêu.” Đó là câu nói tóm tắt hết tất cả xác tín của xơ.

Dĩ nhiên không phải Bernadette là người đầu tiên nói. Câu đó tóm gọn tất cả Phúc Âm. Thánh Âugutinô, Tổ Phụ của Giáo Hội đã nói: “Cứ yêu, rồi muốn làm gì thì làm.” Đương nhiên câu đó không có nghĩa là “muốn làm bất cứ cái gì thì làm” nhưng “làm một cách tự do với tình yêu.” Cẩn thận, đây là tình yêu đích thực, không phải tình yêu vớ vẫn, thiện cảm, tội nghiệp, thương hại, thương xót, tình thương vụt thoáng chốc lát. Không phải mấy loại đó. Bernadette cũng như thánh Âugutinô nói đến một tình yêu cho sự sống, tình yêu hiến tặng, tình yêu nhưng không.

Phải nói chính xác chữ “nhưng không” ở đây. Không có nghĩa là phải hy sinh đời mình. Xơ không hy sinh đời xơ. Không hy sinh đời mình để mưu cầu hạnh phúc cho người khác, không, xơ lặp lại và xơ sẽ lặp lại. Chắc chắn, liều mạng để làm một việc cao cả, hay để cố gắng cứu một người đang lâm nạn, đó là một chuyện rất tốt đẹp, tuyệt đẹp và đôi khi lại rất cần thiết. Nhưng quyết định hy sinh đời mình, chịu đau khổ để mưu cầu hạnh phúc cho người khác thì không, không. Tình yêu đích thực, vững chắc, lâu dài là tình yêu vừa đi tìm hạnh phúc cho người khác và cùng một lúc tìm hạnh phúc cho mình.

Hai hạnh phúc này phải đi chung với nhau, trong “sơị giây liên kết”, đó là chữ xơ hay dùng. Chúa sinh ra mình để hạnh phúc. Và cuộc đời trở nên lý thú khi mình bứt phá cái vòng khép chặt mình lại để đi đến với người khác. Lúc đó là một phiêu lưu tuyệt vời.

Những gì xơ nói rất đẹp, dù những chữ xơ dùng bình thường. Dù vậy, không phải lúc nào cũng dễ yêu.

Đương nhiên, xơ không ngây thơ; xơ thấy quá nhiều. Xơ là người có tính xấu, hay trả thù, hay giận, đôi khi còn dữ nữa.

Xơ mở ngoặc nói một chút, khi xơ thú nhận như vậy, lúc nào xơ cũng sợ những người thán phục xơ nghĩ: “Coi kià, xơ Emmanuelle khiêm tốn chưa kìa.” Giống như nói vậy để được khen. Nhưng đúng là xơ có tính xấu, phải tin xơ. Xơ có tất cả những khuyết điểm này, cứ hỏi những người làm việc với xơ. Cũng có một vài người không chịu đựng được xơ. Họ nói xơ nghiêm khắc, chướng khí, kiêu ngạo. Xơ quá kiêu ngạo nhưng xơ chiến đấu cho phẩm cách và hãnh diện. Hãnh diện là đi tìm phẩm cách riêng cho mình. Đó không phải là một khuyết điểm.

Xơ không phải là thánh. Đương nhiên, xơ chiến đấu để chống lại tính xấu của xơ. Đó là những trở ngại mình phải vượt lên.  Cuộc sống là một chuỗi trở ngại, mục đích của cuộc sống là đi đến với người khác, cười với họ, chia sẻ cuộc đời và tình cảm với họ. Nhưng đúng vậy. Nở một nụ cười khuyến khích, một nụ cười chia sẻ, đau với cái đau của người khác.

Bà Sévigny viết cho con gái: “Mẹ đau ở ngực con.” Câu này thật hay: đau ở chỗ người khác đau. Khi mình thương, thì mình có một nguồn vui dù phải qua đau khổ. Xơ đã nếm đau khổ, xơ đã gặp những người đau khổ, nhưng khi họ ở với nhau, cùng yêu thương nhau thì có một niềm vui lóe lên trong đau khổ của họ. Xơ biết vì xơ đã thấy, con cũng đã thấy, con cũng thấy nếu con biết nhìn người khác và chia sẻ với họ.

Đừng nói với xơ đó là chuyện không thể được. Xơ không còn nhớ ai đã nói: “Chẻ quả tim con người ra, dù cứng cách mấy, cứ chẻ ra, đôi khi bạn sẽ thấy mặt trời ở đó.” Quả tim, chính là con người. Vấn đề là phải để quả tim thở, đừng làm ngộp nó. Vậy thì nguồn suối yêu thương có thể tuôn chảy. Lời cầu nguyện có thể giúp cho quả tim biết thở. Xơ ngạc nhiên khi thấy xơ hay nhận được tình yêu khi cầu nguyện. Thánh Têrêxa Hài Đồng nói: “Rồi sau đó, tôi chỉ việc trả lại tình yêu.” 

Nhưng nếu mình không cầu nguyện, còn những người ngoại đạo thì sao?

Xơ có những người bạn ngoại đạo. Xơ thường hay nói với họ: “Bạn không tin ở Chúa nhưng Chúa tin bạn. Bạn có tâm tình chia sẻ, có tâm tình yêu thương, bạn là con của Chúa, vậy thì không còn chi phải thắc mắc!” 

Chia sẻ, rất hay. Nhưng còn phải làm cho đúng, đúng lúc, đúng chỗ.

Đúng vậy, đây là cả một thông minh. Ở khu phố ổ chuột với những người bươi rác ở Caire, phải tìm giải pháp, khi làm chung với nhau sẽ nảy sinh ra sáng tạo, phải giải quyết các vấn đề về vật dụng. Chẳng hạn, nhóm xây dựng muốn xưởng ủ phân để xử lý rác. Khổ thay – những gì xơ đang nói không liên hệ đến nhà máy này – lý lẽ không phải lúc nào cũng ở tầm cao của tình yêu. Pascal đã nói rõ. Xơ lại thường có khuynh hướng nghĩ rằng tình yêu có thể giúp được lý lẽ: nó cho mình thông minh để biết người khác, các nhu cầu thật của người khác, đẩy mình đi tìm phương tiện để mang đến hạnh phúc, để làm nó hài lòng.

Xơ nói hạnh phúc, chứ không phải lạc thú. Một khác biệt lớn ngăn chia lạc thú với hạnh phúc. Xơ hay nghĩ đến bài “Tụng ca cho niềm vui” của nhạc sĩ Beethoven,  xơ đã từng nói câu chuyện này. Beethoven đã bị điếc khi ông sáng tác tuyệt tác này. Như vậy ông không bao giờ được nghe, vậy mà ông viết để mang niềm vui đến cho người khác, một niềm vui mà ông không cảm nhận được. Và đó là hạnh phúc đích thực, bởi vì nó không còn tính vị kỷ. Đương nhiên lạc thú lúc nào cũng vị kỷ, đó là việc riêng của tôi, thích thú riêng của tôi… Hạnh phúc, là người khác và tôi. 

Khi nói đến tình yêu, không thể nào không nói đến đam mê…

Đam mê… Trước hết có nhiều đam mê rất khác nhau. Đam mê cho nghệ thuật, cho một hành động… đam mê đủ chuyện. Xơ nghĩ đam mê có thể nguy hiểm vì nó thường có khuynh hướng đi về một thái cực, làm cho mình không thể nào thấy được thực tế. Thực tế không bao giờ đi đến thái cực. Nó rất phức tạp. Và đam mê không làm cho mình sáng suốt, nó không thúc đẩy mình tự hỏi xem mình có đi đúng đường cho mình…, cho người khác và cho những người khác. Đam mê có thể mang tích cách hủy hoại bởi vì nó ngăn không cho mình nhìn cuộc đời trong tổng thể phức tạp của nó, bởi vì cuộc đời không phải là một đam mê. Đam mê ngăn không cho mình hiểu người khác trong mọi khía cạnh, dưới mọi khác biệt. Đó là một tình yêu không chừng mực, vì thế là một tình yêu ích kỷ. Giống như triết gia Alain nói: “Trong đam mê có nhục hình, và chữ đó đã nói lên.”

Khi nào mình cũng đi trở lại một vấn đề: cái nghèo. Trong tình yêu đích thực, có một phần của cái nghèo. Con nghĩ đến Chúa Giêsu: tình yêu cho những người nghèo, đó là cáng đáng cái nghèo và làm phong phú sự chia sẻ với người khác.

Như thế, mỗi đam mê là một khác, mỗi người là một đơn vị duy nhất. Như vậy cần phải khiêm tốn: có những câu hỏi – làm sao nói đây – phổ quát mà xơ không thể nào trả lời được. Nhưng xơ biết, đam mê có thể làm mình khổ dù mình được thoả mãn. Bởi vì mình nhận ra mình đã quên những thực tế khác. Và đam mê thường không lâu bền. Còn hạnh phúc thì có thể lâu dài. 

Tình yêu cho người nghèo thì được nhưng thương cái nghèo thì khó hiểu quá.

Đó là tình yêu tinh tuyền, không mong chờ được biết ơn, được vinh danh cá nhân. Thương với những gì mình có, thương với con người thật của mình.

Hạnh phúc? Hạnh phúc là gì? Có phải đó chỉ là một cái gì vờ vịt. Người ta nói đến hạnh phúc đã qua và mong một hạnh phúc sắp đến. Có thể nào có một hạnh phúc ở thì hiện tại không?

Người bị suy thoái tinh thần thì không muốn nhìn hạnh phúc hiện tại…, còn với những người có tính tình khó khăn, thì thật là khó… Nhưng đúng, đó là một khái niệm tương đối… nhưng con muốn gì bây giờ? Xơ hạnh phúc và xơ biết có nhiều người hạnh phúc.

Đúng, hạnh phúc có thật.

599    01-03-2019