Sidebar

Thứ Hai
13.05.2024

Nữ tu Marie-Paule: “Chúng ta đang chứng kiến một sự phá sản khổng lồ của Giáo hội”

 

Nữ tu Marie-Paule, Dòng Thánh Bernard của đan viện Collombey “kinh hoàng” khi thấy các vụ tai tiếng đã phá hoại Giáo hội đến như thế nào. Nữ tu cay đắng ghi nhận một thể chế ung hoại bởi nạn quyền lực và nạn giáo quyền. Theo nữ tu, không có một đổi mới nào có thể có được mà không quay về với Tin Mừng.

Chúng ta không thể đếm hết tất cả các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên đã xảy ra khắp nơi trên thế giới. Gần đây trên kênh truyền hình RTS đã phát hình tài liệu các nữ tu nạn nhân của lạm dụng tình dục, của hiếp dâm và một số trong họ còn bị cưỡng bức phá thai. Xin sơ cho biết phản ứng của sơ?

Nữ tu Marie-Paule: Tôi như từ trên trời rớt xuống đất. Tôi bàng hoàng. Trước khi xem, tôi đã nghe nói về cuốn phim tài liệu này. Chúng ta không thể phủ nhận bằng chứng. Đó là một thảm họa trên bình diện đạo đức, nhân bản và tôn giáo. Khi tôi nghĩ đến Đức Phaolô-VI đã giới thiệu Giáo hội như “chuyên gia về nhân loại”… tôi nghĩ chúng ta nên khiêm tốn!

Lời giải phóng nhưng cần phải có rất nhiều thời gian.

Vụ “Me too” (Cả tôi nữa) trải rộng trên Giáo hội với một chiều kích phụ thêm. Khi tố cáo các linh mục lạm dụng, các nữ tu và nạn nhân cảm thấy mình bôi bẩn Giáo hội, một Giáo hội mà dù sao họ vẫn trung thành. Một thực tế được làm lớn rộng thêm bởi các ràng buộc phải tố cáo và nhục nhã vì phải chấp nhận mình đã để cho việc lạm dụng này xảy ra. Và còn nói lên điều không thể tưởng tượng: một linh mục có thể làm những hành vi như vậy mà người phụ nữ không nổi lên chống sao.

“Đó là một thảm họa trên bình diện đạo đức, nhân bản và tôn giáo”

Điều gì làm cho sơ ngạc nhiên?

Tôi ngạc nhiên về tầm rộng lớn của hiện tượng. Tôi còn nghe nói đây là đại dịch. Không một nơi nào thoát. Chúng ta đang chứng kiến một sự phá sản khổng lồ của Giáo hội. Cần phải nhiều thế hệ để các mô hình này thay đổi. Đặc biệt cơ chế này rất hàm súc, còn hơn là trong xã hội dân sự. Trước khi vào đan viện, tôi học kỹ sư. Tôi ở trong thế giới đàn ông. Từ năm 12 tuổi, tôi học ở các lớp khoa học, nơi có rất ít con gái học. Vì thế tôi hiểu vấn đề này. Tôi có kinh nghiệm về nạn bắt nạt phụ nữ, cho phụ nữ là yếu kém. Tệ nạn này có trong Giáo hội cũng như trong xã hội. Và những người trong Giáo hội xuất thân từ xã hội này. Giáo hội dự phần vào thời buổi của mình. 

Sơ trẻ hơn các đồng hữu, trước khi khấn, sơ đã sống một tuổi trẻ khác…

Tôi nhận ra tôi là người duy nhất trong đan viện đi học trường hỗn hợp, vì thế tôi có một cái nhìn thay đổi trong mối quan hệ với đàn ông. Trong những năm 50-60, đa số các sơ đi tu khi 18, 19 tuổi, họ vào tu viện mà chưa được đào tạo gì nhiều ở ngoài. Nhưng đào tạo không phải là tất cả. Thường người ta lẫn lộn đào tạo trí thức với trưởng thành về mặt tình cảm. Điều này đòi hỏi thời gian. Không phải vì được đào tạo về mặt trí thức mà mình thành “người lớn”.

Đối với đa số nữ tu, người đàn ông là cha, Cha xứ và cũng có thể là giám đốc cộng đoàn: toàn hình ảnh của uy quyền. Ở trường, các nữ tu không bao giờ học chung với con trai, giờ ra chơi cũng không có con trai. Điều này thay đổi hoàn toàn tương quan với sự khác biệt. Nó cũng vậy nơi các ông: thế hệ này không biết có sự hỗn hợp. Họ chỉ biết trường con trai, chủng viện, một số cơ quan quân đội, họ chỉ sống trong môi trường đó. Đó là định nghĩa của họ về thế giới.

Ngày nay chúng ta sống trong một hỗn hợp có lợi, và tôi hy vọng điều này sẽ thay đổi trong quan hệ với người khác. Trong các cộng đồng tôn giáo, ít nhất là cho đến Công đồng Vatican II, thậm chí còn xa hơn một chút, tôi nhận thấy có một loại ấu trĩ nào đó.

Có nghĩa là?

Các nữ tu đi trực tiếp từ bảo vệ gia đình qua bảo vệ của mẹ bề trên. Làm thế nào trong các điều kiện này họ có thể hình thành được căn tính riêng của mình, cách đánh giá mọi sự theo quan điểm riêng của mình? Tôi nghĩ họ đã hiểu sai lời khấn vâng lời, chúng ta thấy điều này trong phóng sự trên kênh truyền hình RTS. Vâng lời trong nhà dòng không phải là vâng lời mù quáng. Là nữ tu, tôi có quyền đưa ra ý kiến và trình bày nó.

Tôi thấy lành mạnh khi mình phản kháng trong một thời nào đó khi mình ở tu viện. Tôi thấy đáng lo cho những ai, cả một đời ở trong khuôn khổ mà không có một ý kiến nào. Điều này nói lên một hình thức từ nhiệm: “Tôi làm những gì người ta bảo tôi làm, tôi đi những nơi người ta bảo tôi đi, không một phản đối dù nhỏ nhất, dù có lý nhất”.

Các người đi săn mồi thì rất khéo léo trong việc phát hiện những người này, những người sẽ bị khuất phục vì chức năng, vì lời nói. Ai đã có sự trưởng thành lành mạnh sẽ không bị vướng vào những chuyện này.

“Lời khấn vâng lời đã bị hiểu sai”

Khi nêu lên các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục, Đức Giám mục Luc Ravel, giáo phận Strasbourg nói về “căn bệnh ung thư di căn của Giáo hội”. Sơ có chia sẻ cùng ý kiến này không?

Có, “căn bệnh ung thư di căn” này ở cấp độ quyền lực. Tất cả bắt đầu từ đó. Khi chúng ta nói đến ấu dâm, đến lạm dụng tình dục trên nữ tu, trên trẻ vị thành niên là chúng ta đều thấy ở đây sự lạm dụng quyền lực. Một ước muốn chế ngự người khác. Đức Phanxicô đã có lý khi ngài nói bằng mọi giá phải chiến đấu với nạn giáo quyền, cách đặt linh mục lên trên mọi sự. Phải đảo ngược mô hình này.

Tôi còn nhớ một giai thoại biểu tượng cho triệu chứng này, đó là Ngày Đời sống Thánh hiến ở Baar, 24 tháng 6 – 2015, hồng y Braz de Aviz, (Bộ Thánh hiến và Đời sống tông đồ) trả lời cho một nữ tu về chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội. Vừa nói đùa, hồng y đặt ngược lại câu hỏi kiểu châm biếm: “Vì sao sơ đi tìm quyền lực?” Câu trả lời của ngài không xấu, cũng không ý thức. Chúng ta thấy thái độ cấp trên của nam giới, người nắm hiểu biết và vì thế là nắm quyền lực. Nói cách khác, khi một người đàn ông muốn trở thành linh mục, khi họ có một vị thế quan trọng thì đó là một ơn cho bản thân. Nhưng nếu đó là một phụ nữ, thì họ bị xem là người nắm quyền lực. Điều này dẫn đến cách ứng xử tự nhiên của người ở cấp cao. Các nữ thần học gia đầu tiên vẫn còn sống đến ngày nay. Và đó không phải là chuyện quá xưa.

Với một cuộc khủng hoảng như vậy, chúng ta có nguy cơ nhìn sự việc một cách biếm họa, một số thì cư xử đúng, một số bị cuốn hút theo cơn sóng thần không?

Chính xác. Ở đây chúng ta rơi rào sáo ngữ thảm thương: bây giờ cứ là linh mục là bị nghi. Thật đáng tiếc. Công lý phải được thực hiện, chứ không phải thấy ai cũng là phù thủy để đuổi. Tôi biết nhiều linh mục và tôi có thể làm chứng, đại đa số họ là những người không thể trách được. Tôi nghe nhiều cha mẹ nói, họ sẽ không cho con đi học giáo lý nữa, vì họ không muốn “chúng bị linh mục lạm dụng”. Thật là khủng khiếp.

“Cứ là linh mục là bị nghi. Thật đáng tiếc”.

Cuộc khủng hoảng này là có lợi cho Giáo hội?

Tất cả khủng hoảng đều không có lợi. Nó đặt vấn đề. Tất cả tùy thuộc cách chúng ta đáp ứng với vấn đề. Tôi sẽ làm gì với chuyện này? Tôi có rời Giáo hội không? Tôi đặt câu hỏi. Tôi không còn muốn đòi gì ở Giáo hội này. Đó không phải là Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô mà Giáo hội của một quyền lực nào đó, một khái niệm nào đó về linh mục. Mỗi lần tôi gặp khủng hoảng trong đời tu, tôi tự nhủ: “Chính vì Chúa Giêsu mà tôi ở lại đây, không vì một cái gì khác”. Vào thế kỷ 16, Giáo hội đã trải qua một cơn khủng hoảng cũng nặng như cơn khủng hoảng ngày nay. Những người nhỏ bé đã cứu Giáo hội. Họ tiếp tục cầu nguyện dù các linh mục chuyên quyền, không văn hóa, có tác phong đồi phong. Ngày nay chúng ta đang sống trong tình trạng tự như vậy. 

Các lý do nào để sơ còn hy vọng?

Một sự quay trở lại với Tin Mừng, không có bất cứ một thỏa hiệp nào. Một sự thanh tẩy làm cho Giáo hội không còn ở trên bệ thờ, không là Giáo hội khi nào cũng sẵn sàng cho bài học. Giáo hội phải khởi đi lại từ điều căn bản: đó là Tin Mừng và đời sống đức tin quan tâm đến người khác. Một lý do khác để hy vọng: chúng ta có một gia sản lớn đào tạo về mặt thần học và mọi người có thể tiếp cận được. Điều này đại diện cho một số lượng lớn những người nằm ngoài hệ thống phân cấp giáo hội và được đào tạo rất tốt. Chúng ta không chờ có khủng hoảng này để phát triển. Tôi thấy ở đây công việc của Thần Khí.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

560    14-03-2019