Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Nước Trời đã đến gần

Thứ Năm tuần XIV

Hs 11:1,3-4,8-9; Tv 80:2,3,15-16; Mt 10:7-15

NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN

 “Nước Trời đã đến gần” (c. 7) là sứ điệp quan trọng Đức Giêsu mang đến cho nhân loại. Nước Trời còn được biểu hiện nơi chính con người Đức Giêsu, vì Ngài là hiện thân của Chúa Cha, đến trần gian để minh chứng tình yêu Cha dành cho nhân loại. Vâng, sứ điệp ấy đã được Đức Giêsu thông truyền lại cho các môn đệ, để các ngài tiếp nối công trình cứu độ của Ngài nơi trần gian qua Giáo hội.

Khi được chuyển trao sứ điệp quan trọng này, các môn đệ cũng được Đức Giêsu ban cho những năng quyền để khắc phục sự dữ (c.8), đồng thời Ngài cũng đòi hỏi người môn đệ phải thật nghèo khó, thanh thoát (c. 9-11), để hết mình phục vụ Nước Trời (c.12-13). “Nước Trời đã đến gần” còn là sứ điệp quan trọng cho con người thời đại hôm nay không?

Chúa Giêsu đã căn dặn các ông về căn tính của người môn đệ:

Trước hết là nhiệm vụ của người ra đi: người được sai đi là để loan báo Tin Mừng chứ không phải là loan báo tin buồn, đồng thời sai đi để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền chứ không phải gieo rắc đau thương. 

Kế đến là tinh thần của người ra đi: người được sai đi sẽ gặp không ít khó khăn, nên cần phải tin tưởng, trao phó mọi sự nơi Chúa. Ra đi trong tinh thần thanh thoát, không cần phải cồng kềnh và quá lo lắng cho ngày mai. Hãy là người tôi tớ phục vụ, bởi vì : “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.

Thứ ba là thái độ của người ra đi: người môn đệ muốn được thành công thì phải mặc lấy thái độ của hạt lúa, tức là tự hủy ra không, phải nhân từ để “ngửi thấy mùi chiên” và “mang mùi chiên nơi mình”. Không ngại khổ, ngại khó và cần phải hy sinh. Luôn quan tâm đến người khác hơn là nghĩ về mình.

Thứ tư là lập trường của người ra đi: sống trong một xã hội chủ chương vô thần, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tư tưởng, nhận thức của con người. Lập trường của họ là không có Thiên Chúa, cũng chẳng có niềm tin… Vì thế, họ không ngần ngại uốn nắn và tìm đủ mọi cách dưới nhiều hình thức tinh vi để gây nên những hoang mang, thất vọng.

Bên cạnh đó là những trào lưu tục hóa, những văn hóa phẩm đồi trụy… nhằm gieo rắc những chân lý nửa vời và làm cho con người lấn sâu trong tội mà không biết! Và cũng những con người đó, họ muốn loại bỏ người môn đệ của Chúa, vì thế, cái chết là kết cục cuối cùng của người môn đệ. Số phận của người môn đệ là: như chiên đi vào giữa bầy sói.

Thứ năm là chiến lược của người môn đệ: được mời gọi hiện hữu giữa thế gian nhưng không bị thế gian điều khiển và đẩy đưa để dẫn đến cái gọi là: dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt. Phải khôn như rắn để xây dựng, bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội, và phải hiền lành, đơn sơ như chim bồ cầu trong tinh thần huynh đệ.

Thật thế, lập trường của người môn đệ, trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ và không có cách nào được phép đồng lõa, thỏa hiệp để chỉ vì mục đích “rẻ tiền” nhằm được yên thân. Lập trường của người môn đệ còn là hiện diện và sống những giá trị Tin Mừng cách thực tế chứ không chỉ lo cái gọi là bề ngoài cho thật “hoành tráng” theo thói đời, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.

Trong thực tế, nhiều người như cảm thấy Thiên Chúa rất xa lạ, mơ hồ đối với họ, vì những cảm thức duy thực dụng đã lún sâu trong tâm khảm của họ. Đứng trước thảm trạng đau buồn ấy, người môn đệ Đức Giêsu phải làm gì để “Nước Trời” thực sự được hiện diện giữa trần gian hôm nay! Phải chăng đây là sứ mệnh quan trọng và cấp bách, đang hối thúc mỗi chúng ta hãy can đảm mạnh dạn lên đường, để tung gieo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.

Dẫu có những khó khăn và thử thách đang chờ đón phía trước, nhưng chúng ta hãy vững tin vào quyền năng Đức Giêsu, Ngài luôn đồng hành bên chúng ta để thi thố những việc kỳ diệu cho vinh danh Ngài. Điều quan trọng là mỗi chúng ta hãy ý thức “chúng ta đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (c. 8b). Con người hôm nay đang dần giàu lên về nhiều mặt: vật chất, sự hiểu biết, sự hưởng thụ, danh vọng . . . nhưng lại vô cùng nghèo về tình yêu, sự thật và công lý.

Thế nên, từ sâu thẳm nội tâm, con người vẫn thật sự khao khát một chiều kích tâm linh đích thực, có thể lấp đầy sự trống vắng của cõi lòng họ. Thế nhưng, người môn đệ Đức Kitô không chỉ giới thiệu về Nước Trời bằng những chân lý mặc khải, nhưng chính một nếp sống đơn sơ, nghèo khó, thanh thoát của người môn đệ sẽ có sức thuyết phục rất mạnh mẽ, vì con người hôm nay “cần chứng nhân hơn thầy dạy”.

Lời rao giảng “Nước Trời đã đến gần » đi đôi với một dấu chỉ, đó là dấu chỉ “nhưng không” : “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. Có thể nói, nếu chúng ta không kinh nghiệm sự nhưng không, không thực hành sự nhưng không, không xây dựng sự nhưng không, thì Nước Trời sẽ không hiện diện ở giữa chúng ta. Bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là nhưng không.

Chúa Giêsu không những ủy thác việc rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ, Ngài còn muốn đời sống các ông phù hợp với lời giảng dạy. Nội dung cốt yếu của sứ điệp không do quyết định tự do hoặc sáng kiến của người rao giảng, mà là do chính Chúa Giêsu ấn định, đó là Nước Trời. Người được sai đi với tư cách là thừa tác viên phải thi hành đúng như Chúa đã truyền. Ngài mời gọi họ dấn thân sống đầy đủ mỗi ngày lý tưởng truyền giáo và lý tưởng của người môn đệ.

Ðiều quan trọng phải nhớ là hành trang của nhà truyền giáo khi theo Chúa Giêsu là lời của Ngài và đời sống nghèo khó của Ngài. Tất cả những sự khác phải được coi là dư thừa, nhiều khi còn là ngăn trở cho việc truyền giáo. Kinh nghiệm cho thấy rằng những ai dấn thân sống nghèo khó và hy sinh cho người khác, sẽ được Chúa cho lại gấp trăm.

 

1795    11-07-2018