Sidebar

Thứ Ba
14.05.2024

Phêrô và giáo hoàng

 

Suy nghĩ của Đức Hồng Y Christoph Schoenborn về đoạn Tin Mừng chúa nhật ngày 16 tháng 9, 2018 (Mc 8, 27-35)

Phúc Âm Thánh Mát-thêu đưa ra lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô và lời này đã đi vào lịch sử: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Điều đó vẫn còn đúng, và đúng cả  với giáo hoàng? Điều này có ý nghĩa gì trong thực tế?

Thực ra đó là ông Simon, người chài lưới cùng với em mình là ông Anrê. Chúa Giêsu mời cả hai đi theo Ngài để thành những kẻ đi “lưới người”. Chúa Giêsu đặt cho Simon thêm một tên: “Cephas” dịch ra tiếng Hy Lạp là “Phêrô”, có nghĩa là “đá”. “Anh là Phêrô, và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Phêrô đã bị đóng đinh năm 67 dưới thời Hoàng đế Nêrôn ở Rôma. Đền thánh Phêrô được xây trên mộ của Thánh Phêrô. Giáo hoàng được xem là người kế vị Thánh Phêrô.

Tin Mừng hôm nay nói đến Phêrô này. Và những gì Phúc Âm trình thuật thì không vinh quang. Chúng ta hiếm khi thấy Chúa Giêsu quở trách một trong các môn đệ của Ngài với lời lẽ nặng như vậy. Ngài gọi ông là “Satan” và cáo buộc “tư tưởng của anh không phải tư tưởng của Thiên Chúa mà của loài người”. Nhưng Ngài lại giao phó Phêrô này hướng dẫn cộng đồng của Ngài. Trong danh sách mười hai tông đồ được Chúa Giêsu chỉ định, Phêrô đứng đầu danh sách. Rõ ràng Chúa Giêsu cho Phêrô sứ mạng: “Hãy chăm sóc đàn chiên của Ta”, có nghĩa “hãy là mục tử có trách nhiệm trên đàn chiên của Ta!”

Simon là ai mà được gọi là Phêrô? Chúng ta biết gì về tính tình, điểm mạnh cũng như điểm yếu của Phêrô? Tôi thú nhận, tôi rất có cảm tình với Phêrô. Chắc chắn Phêrô là người dũng cảm, gần như là kẻ liều mạng. Không do dự, Phêrô bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa Giêsu. Ngoài niềm tin, ông mong chia sẻ số phận của Chúa Giêsu. Thậm chí Phêrô đã sẵn sàng chết với Chúa Giêsu khi mọi sự trở nên nghiêm trọng. Nhưng vào lúc nghiêm trọng thì Phêrô lại yếu, sợ hãi, hoảng loạn và chối bất cứ gì liên quan đến Chúa. Phêrô là đá ư? Khi một người giúp việc nói: Ông cũng là một trong những người theo Chúa Giêsu này! Phêrô trả lời ngay: Tôi không biết người này! Phêrô phủ nhận thầy yêu quý của mình. Sự sợ hãi của con người đã chiếm lấy Phêrô.

Nhưng Chúa Giêsu đã không hạ Phêrô xuống. Phêrô cay đắng khóc lóc cho sự phản bội của mình. Phêrô đã nói mình yêu Chúa Giêsu biết là chừng nào và Chúa đã tha cho ông. Chúa đã đặt Phêrô thay mặt Ngài để là người mục tử tối cao của Giáo Hội.

Giáo hoàng là người kế vị Phêrô. Đức Phanxicô là người kế vị thứ 266 của Phêrô. Thời đại đã thay đổi rất nhiều. Những gì Chúa Giêsu hứa với Phêrô vào thời đó bây giờ còn đúng không? Phúc Âm Thánh Mát-thêu đưa ra lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô và lời này đã đi vào lịch sử: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Điều đó vẫn còn đúng, và đúng cả với giáo hoàng? Điều này có ý nghĩa gì trong thực tế? Tôi thấy ở đây có hai sứ điệp. Một mặt, Đức Giáo Hoàng có một nhiệm vụ duy nhất đã được Chúa Kitô giao phó. Mặt khác, như Thánh Phêrô, giáo hoàng là một người “bình thường”, với các điểm mạnh và điểm yếu của mình, với thành công và thất bại của mình. Trong năm năm nay, qua chức vụ của mình, Đức Phanxicô đã chạm đến trái tim của nhiều người trên thế giới. Sự đơn giản của ngài, tình yêu của ngài cho người nghèo, lời nói trực tiếp của ngài đã gây ấn tượng với nhiều người. Cùng một lúc, ngài bị nhiều người chỉ trích, đặc biệt là từ những những người trong Giáo hội, họ yêu cầu ngài từ chức.

Đức Phanxicô luôn xin và luôn lặp lại: Xin cầu nguyện cho tôi! Tôi muốn đáp trả lời cầu xin của ngài. Bởi vì mỗi ngày tôi cám ơn Chúa đã cho chúng ta một vị mục tử cao cả như vậy.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

679    18-09-2018