Sidebar

Thứ Ba
14.05.2024

Quy về điều cốt yếu

 

Không lâu sau sinh nhật lần thứ bảy mươi, Morris West viết cuốn tự truyện với nhan đề Nhìn từ Đỉnh. Đỉnh là nhãn quan mà bảy mươi năm cuộc đời đã đem lại cho ông.

Điều ông viết trong cuốn sách đó là một nhãn quan chín chắn phi thường về cuộc đời.

West cho rằng, khi bạn bảy mươi lăm tuổi, từ ngữ bạn dùng cần phải khá đơn giản. Bạn chỉ cần có hai từ thôi: “Cảm ơn!” Lòng biết ơn là dấu hiệu đích thực của một tâm hồn chính chắn đích thực, của một tinh thần lành mạnh. Đừng bao giờ hiểu sai về điều này.

Hơn nữa, đối với ông, lòng biết ơn không dễ mà có được. Như trong cuốn tự truyện kể lại rõ ràng, cuộc đời của ông phải chịu những đau thương và chối bỏ, trong số đó có việc bị loại bỏ bởi chính giáo hội mà ông yêu thương. Như vậy câu chuyện cuộc đời của ông bật lên cho thấy lòng biết ơn phải dựa trên sự tha thứ, trên sự buông bỏ những đau thương, trên việc đừng để quá khứ nhuốm màu chua chát lên hiện tại. Để biết ơn phải tha thứ.

Tất cả chúng ta đều có những nỗi đau, những tổn thương sâu sắc. Không ai bước vào tuổi người lớn – huống hồ tuổi già – mà không bị tổn thương sâu sắc. Alice Miller, nữ tâm lý gia nổi tiếng, đã diễn đạt như thế này: Tất cả chúng ta, từ thuở còn là em bé nằm nôi cho tới khi tự chủ tới mức đủ để viết được tự truyện như ông Morris West, đều đã không được (người khác) yêu thương và trân trọng đầy đủ. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều từng trải nghiệm sâu đậm thế nào là chối bỏ hay ngược đãi. Bất công cuộc đời không chừa một ai trong chúng ta. Bà đặt tên cho điều này là bi kịch của đứa trẻ tài năng, nghĩa là, bi kịch của một con người cá biệt, nhạy cảm, thông minh, sâu sắc và tài năng mà trong đời lại chưa bao giờ được thật sự yêu thương đầy đủ, được công nhận đầy đủ, được kính trọng đầy đủ, hay được vinh danh đầy đủ, là người đôi khi bị chối bỏ và bị ngược đãi hết sức. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy mình dễ dàng cảm thấy chua chát hơn là biết ơn, lo nghĩ người khác hại mình hơn là thân ái với người khác, phẫn nộ hơn là ôn hòa dễ chịu.

Chúng ta có thể làm gì đây, làm được gì nữa bên cạnh việc trước tiên thừa nhận rằng chúng ta nuôi trong lòng mối hận với cuộc đời?

Miller cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của tuổi trung niên và tuổi kế đó là phải chịu cái tang, phải dứt khoát. Bà nói, chúng ta phải khóc than cho tới khi nào tất cả nền tảng đời sống chúng ta bị lung lay. Vào một thời điểm nào đó trong đời, vấn đề không còn là “Ta có bị tổn thương không?” nữa, mà là “Tổn thương của ta là gì và làm thế nào để ta có thể vượt lên trên tổn thương đó?” Nó giống như khi mình bị tai nạn xe hơi, phải mang sẹo và bị suy yếu suốt đời. Tai nạn thì đã xảy ra, thương tật thì phải mang, không gì có thể đảo ngược thời gian nữa, vì vậy lựa chọn duy nhất của chúng ta là giữa chua chát hoặc tha thứ, giữa phẫn nộ hoặc làm hòa với cuộc sống, giữa sống tiếp cuộc đời mà luôn miệng nói “giá như” hoặc sống tiếp cuộc đời bằng cố gắng thích thú hít thở khí trời cho dù bước chân đi khập khiễng.

Một ý nghĩa quan trọng trong nhận thức của Do thái giáo và Ki-tô giáo về lễ Xa-bát là trong khi làm lễ mừng, nghỉ ngơi, vui thú và cầu nguyện của lễ Xa-bát chủ yếu vì chính ngày lễ, còn có một chức năng cụ thể là lòng biết ơn. Chúng ta mong muốn được thường xuyên nghỉ ngơi, cầu nguyện, làm lễ mừng và vui hưởng cuộc đời vì đó là những gì chúng ta sẽ tiếp tục làm trên thiên đường, vì khi làm như vậy, chúng ta có thể tìm thấy trong bản thân mình một trái tim thương yêu mà chúng ta cần để thứ tha.

Thường thường, không phải ngẫu nhiên mà những kỳ nghỉ của chúng ta không thật sự có ích như đáng lý nó phải vậy: chúng ta phải làm việc cật lực và mệt mỏi, chúng ta trông đến ngày nghỉ, có thời gian nghỉ ngơi tách khỏi công việc, thư giãn với bạn bè, uống rượu, tắm nắng. Rồi chúng ta đi nghỉ và thật sự rất thích thú. Nhưng buồn thay, chỉ trong vòng vài ngày hay vài tuần sau khi đi nghỉ về, chúng ta lại thấy mệt mỏi như chưa hề đi nghỉ. Chuyện gì vậy? Tại sao đi nghỉ rồi mà chẳng có tác dụng gì?

Kỳ nghỉ của ta chẳng có tác dụng vì chúng ta chẳng tha thứ được ai. Chúng ta không buông bỏ đi chút nào mối hận trong lòng mình. Cái phần mệt mỏi và căng thẳng nhất của chúng ta vẫn không hề đi nghỉ, không hề buông xả và thư giãn, và cái phần đó chẳng thấy ấm áp lên được nhờ bia rượu và bạn bè. Cái phần đó vẫn lạnh giá, lo lắng, căng thẳng, kiệt lực. Có một sự mỏi mệt không thể nào chữa khỏi bằng giấc ngủ sâu, bằng kỳ nghỉ tuyệt vời hay bằng thời gian vui vẻ bên cốc rượu ngon với những người bạn thân, cái phần mệt mỏi đó từ trong sâu thẳm nhất của chúng ta. Chính cái phần mệt mỏi này đang làm ta đau nhói vì bị tổn thương, đang lạnh lẽo vì không được yêu thương, đang chai lì vì đã bị cứa đau tàn nhẫn, đang đùng đùng oán giận vì bị bỏ rơi và chối từ. Đây là sự mệt mỏi chán ngán tận xương tủy mà một kỳ nghỉ không thể chữa lành, nó chỉ có thể chữa bằng sự thứ tha.

Chỉ có duy nhất một mệnh lệnh tối hậu trong đời: Trước khi chết, chúng ta cần tha thứ. Chúng ta cần tha thứ những ai đã làm tổn thương ta, cần tha thứ bản thân chúng ta đã không hề tốt đẹp hơn những ai làm đau ta, cần tha thứ chính cuộc đời với những gì đời đã giáng lên, và còn nữa, cần tha thứ Chúa trước sự việc rằng đời bất công. Như thế, ta không phải chết đi mà ôm lòng cay đắng và phẫn nộ.

Biết ơn là quả ngọt của cuộc chiến cam go đó.

J.B. Thái Hòa dịch

832    13-11-2017