Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Thực và Ảo

Thực và Ảo là hai phạm trù đối lập nhau. Dường như nếu đã thực thì không thể ảo và ngược lại. Ấy vậy mà trong cuộc sống, hai phạm trù này không hẳn đã tách biệt rạch ròi. Cùng một thời điểm, nơi này là ban ngày, nơi kia là ban đêm và nơi khác lại nhá nhem tranh tối tranh sáng. Tin tưởng thề thốt trọn đời trung thủy là thế, vậy mà sau vài ngày vài tháng đã ly thân ly dị. Giây phút này tiền của thuộc về tôi, chợp mắt qua đêm tất cả không cánh mà bay, v.v. Rất nhiều thực trong ảo và ảo trong thực cũng bởi thế giới vật chất này giới hạn và bất tất.

Bài đọc I và Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay tỏ lộ cho chúng ta thấy một thực tại ‘thực mà không ảo’.

‘Thực mà không ảo’ ở chỗ Thiên Chúa đã hứa cho Abram một dòng giống đông như sao trên trời, như cát dưới biển. Và Người còn hứa sẽ ban cho miêu duệ ông một xứ làm gia nghiệp. Lời hứa của Thiên Chúa rất thật vì Người là Đấng Trung Tín. Nhưng đối với Abram, ông tin Lời Hứa nhưng vì chưa thấy nên ông thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?”.

Đối với con người, một lời hứa cho một tương lai mờ mịt phía trước mà lại không có đảm bảo thì làm sao có thể tin tưởng và chứng thực được. Đối với con người thì lời hứa là thực nhưng thực tế có thể sẽ chỉ là ảo ảnh.

Trái lại, đối với Thiên Chúa lời hứa luôn luôn là thực. Thiên Chúa đã hoàn tất lời hứa của Người. Dân Israel, dòng giống Abram, đã được Người chăm sóc và dẫn đưa vào đất hứa, một miền đất tràn trề sữa và mật. Abram vì tin nên đã trở thành tổ phụ của dân tộc Israel và Cha của các kẻ tin.

Cuộc biến hình của Chúa Giêsu trước sự chứng kiến của ba môn đệ làm cho các ông tưởng chừng như đang sống ở một thế giới khác. Sự thật là Chúa Giêsu đã biến hình trước mắt các môn đệ nhưng các ông lại quá ‘choáng’ đến nỗi có cảm giác như đang sống một thị kiến, như trong giấc mơ vậy. Phêrô đại diện cho hai anh em thưa lên cùng Thầy Giêsu nhưng ông không hoàn toàn làm chủ chính mình. Ông không biết mình đang nói gì.

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Môsê và Êlia về sự chết sẽ được thực hiện tại Giêrusalem lại càng làm cho các ông thêm tăm tối. Những sự thật đang được đàm đạo làm sao có thể xảy đến với Thầy mình được. Trong giới hạn của trí hiểu và lòng khao khát vinh hoa phú quý cách nào đó, các môn đệ tưởng chừng như đang mơ về hành trình Giêrusalem là để được tôn vinh. Thế nhưng, chính trong sự tăm tối mù lòa của các môn đệ, Chúa Giêsu đã khai sáng và mặc khải cho các ông về cuộc thương khó, cái chết của Người và vinh quang sau cuộc thương khó ấy.

Quả thực, sự kiện biến hình xảy ra khoảng một tuần sau khi Ðức Giêsu lần đầu tiên báo trước cuộc thương khó và cái chết của Người. Cuộc biến hình nhằm củng cố niềm tin nơi các môn đệ để các ông có thể can đảm bước theo Chúa trên con đường khổ giá.

Cuộc biến hình cũng trở thành một đảm bảo vinh quang cho những ai dấn bước theo Người trên con đường thập giá. “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mỗi ngày mà theo Tôi” (Lc 9,23). Sự hiện diện của hai nhân vật trong Cựu Ước: Môsê và Êlia để khẳng định việc Ðức Giêsu chịu khổ nạn và đi vào vinh quang nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đã loan báo.

Vậy giữa cái ngả nghiêng bất tất của thế giới và của con người, giữa tranh tối và tranh sáng, giữa thực và ảo của cuộc sống, chúng ta phải có thái độ thế nào?

Điều khó khăn và quan trọng nhất vẫn là xác định đâu là thực, đâu là ảo.

Thế giới vật chất trước mắt chúng ta là thực trong thời gian nhưng lại là ảo trong vĩnh cửu vì tất cả rồi sẽ qua đi. Dù là vua chúa hay người hèn mọn nghèo khó cũng không thể mang theo mình một chút vật chất cho thế giới sẽ đến ngoại trừ những nghĩa cử yêu thương đã làm cho anh em mình.

Trong cuộc phán xét cuối cùng, Thiên Chúa sẽ hỏi chúng ta: khi ta đói, các ngươi đã cho ta ăn? khi ta khát, các ngươi đã cho ta uống? khi ta mình trần, các ngươi đã cho ta áo mặc? khi ta tù đày, các ngươi đã thăm viếng ta? Tất cả những gì anh em làm cho một trong những người hèn mọn nhất là anh em đã làm cho chính Ta vậy.

Và cũng từ đó, cái thực chính là lời hứa của Thiên Chúa, là Nước Thiên Chúa.

Lời hứa của Thiên Chúa thành toàn nơi Đức Giêsu Kitô. Người chính là Lời Hứa, là hiện thực và là bảo đảm cho tương lai. Người là niềm hy vọng của thế giới. Người là đấng mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho con người và chính Người là ơn cứu độ. Người chính là đấng sẽ biến đổi tận căn những gì là ảo ảnh thành hiện thực. Lời minh định của Thiên Chúa Cha trở thành mệnh lệnh cho chúng ta: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người".

Lạy Chúa, tín thác vào sự trung tín và yêu thương của Chúa, tin tưởng vào lời hứa rất thực của Chúa, xin Chúa ở lại với chúng con và hướng dẫn chúng con trong từng chọn lựa của đời sống. Trong mùa Chay thánh này, xin soi sáng cho chúng con biết chọn lựa những gì là chân thực, là sự sống đồng thời biết loại bỏ dần những gì là ảo ảnh và không phù hợp với ơn gọi Kitô của mình. Xin củng cố niềm tin cho chúng con, để khi gặp gian nan, thử thách, chúng con không ngã lòng thất vọng nhưng sẵn sàng đón nhận và can đảm dấn thân theo Chúa. Amen. Thanh An

515    16-03-2019