Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Tình yêu đã biến đổi phận người

Thứ Bảy tuần I TN

Mc 2:13-17

TÌNH YÊU ĐÃ BIẾN ĐỔI PHẬN NGƯỜI

Theo truyền thuyết,  Lêvi con ông Anphê (và ông còn có tên gọi là Matthêu). Ông là một người thu thuế ở Caphanaum,  phục vụ cho Vua Hêrôđê Antipas.  Câu chuyện này  đã được Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật lại (Mc 2, 13 -17; Mt 9, 9; Lc 5, 27). Cả ba Tin Mừng đều ghi lại diễn tiến Chúa gọi Lêvi, ông là một người tội lỗi công khai (vì là người làm nghề thu thuế). 

Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.

Ở dưới bất cứ thời đại nào cũng vậy, người làm nghề này đều bị dân chúng coi thường, xa tránh, và còn bị  xếp vào loại người trộm cắp của dân bỏ vào túi  của mình. Cùng trong tâm trạng đó Lêvi cũng bị mọi người thời của ông khinh dể, coi ông là một người phản quốc, bóc lột dân mình và làm tay sai cho đế quốc. Để có sự hoán cải hôm nay, chắc hẳn Lêvi đã từng nghe biết về con người Chúa Giêsu, về các phép lạ Chúa làm. Tình yêu thương tha nhân của Chúa đã đánh động tâm hồn ông từ lâu, lương tâm ông đã cảm thấy ray rứt và nhận ra con người thật của mình.

Ðối với người Do thái cũng vậy, họ xem những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.

Chính lúc đó Chúa Giêsu đã đi bước trước đến với ông, đã dùng chính tình yêu biến đổi cuộc đời của ông. Chúa Giêsu đã đi ngang qua cuộc đời của ông: "Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông; "Anh hãy theo tôi". Ông đứng dạy theo Người" (Mc 2, 14). Lêvi nào dám đến với Chúa Giêsu, vì ông ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình. Chúa Giêsu biết được mặc cảm đó  nên Ngài đã tự động đến tìm gọi ông. Chúa Giêsu gọi ông khi ông đang ngồi ở bàn thu thuế. Ngồi là một tư thế (không muốn di chuyển hay thay đổi) còn "bàn thu thuế" là nơi ông(hành nghề với chức vụ được trao), một nghề hái ra tiền và cũng có địa vị trong xã hội, một nghề nhiều người mơ ước mà không được. Nhưng khi  nghe tiếng Chúa gọi ông liền đứng dạy bỏ lại tất cả, nhanh chóng và đi theo.

Chúa đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: "Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi". Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".

Chúa chọn gọi  Lêvi  một người thu thuế theo Chúa,  để Chúa rèn  luyện thành môn đệ, đã đem lại một niềm vui mừng rất lớn cho ông và cho cả những người đang cùng ngành nghề với ông.  Vì Chúa ghé mắt nhìn đến họ là người tội lỗi bị mọi người xa tránh. Chính niềm vui này lan tràn và dâng cao cho nên họ tổ chức  một bữa tiệc để ăn mừng. Họ vui mừng, vì một Ngôn sứ vĩ đại đã hiểu họ và không xa tránh họ.

Ngược lại với lòng yêu thương nhân hậu của Chúa là thái độ chỉ trích và lên án của nhóm Pharisiêu, khi thấy Chúa Giêsu ngồi ăn đồng bàn với người tội lỗi " Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!" (Mc 2 16). 

Tiện dịp này Chúa dạy cho họ một bài học: "người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần….". Vâng, quả thật là câu nói chí lý chỉ những người đau ốm mới cần đến thầy thuốc, và chỉ những người bệnh là những người đã từng hiểu được sự cần thiết  của người thầy thuốc đối với mình. Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài là một thầy thuốc cao tay không những chữa trị bệnh tình thể xác, mà đặc biệt căn bệnh nan y của tâm hồn  "Ta đến không phải để kêu gọi người  công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi" (Mc 2 ,17). Chúa Giêsu đã thể hiện chính sứ vụ của Người là một Vị Thiên Chúa Cứu Tinh, Người đến trần gian này, để cứu nhân độ thế "Ta đến để cho mọi người được sống và sống dồi dào".

Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được trang Tin Mừng hôm nay.

Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.

Chúng ta đều là những người tội lỗi, mang thân phận mỏng dòn và yếu đuối của một kiếp người. Từ con người yếu đuối tội lỗi này Thiên Chúa biểu lộ quyền năng vô biên của Người trên tôi. vì thế Thánh Phao lô đã thốt lên;"Chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh" chúng ta có được những gì đều là Hồng Ân của Chúa ban cho ta,  chúng ta phải biết cám ơn Chúa về những Hồng Ân trọng đại trong đời của ta, cho nên ta không được khinh dể  và xa tránh người anh em của ta. Đừng như nhóm Pharisiêu tự cho mình là tốt lành mà chỉ trích và lên án người khác.

Hãy để ơn Chúa tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng ơn Chúa qua đi mà không trở lại. "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng nữa".

 

          Lêvi đã không ngần ngại và  không chút do dự hay tính toán gì, khi ông đứng dậy để đi theo Chúa, khi ông được Chúa gọi"Hãy theo Thầy". Ta thấy nhiều lần nhiều lúc trong cuộc sống của ta, ta cũng đã được Chúa gọi nhiều lần với nhiều cách thức khác nhau, thế nhưng, có khi ta còn do dự còn tính toán hơn thiệt với Chúa. Giờ đây, xin Chúa ban cho ta sức mạnh của Thánh Thần Tình Yêu Chúa, để ta mạnh dạn và dứt khoát thưa lên tiếng "Xin Vâng" như Mẹ Maria xưa, để ta được Chúa biến đổi ta từ con người tội lỗi và nhút nhát này, trở thành chứng nhân tình yêu của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

1486    11-01-2018