Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Từ bỏ và theo bước

Thánh Giacôbê, Tông Đồ

Gr 1:1,4-10; Tv 71:1-2,3-4,5-6,15,17; Mt 13:1-9

TỪ BỎ VÀ THEO BƯỚC

Giáo Hội mừng kính hai thánh Tông đồ Philipphê và Giacôbê. Hai vị thánh này xuất thân từ Bếtsaiđa, cùng quê với Phêrô và Anrê thuộc nhóm môn đệ của Gioan Tẩy Giả, và trở thành những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.

Nếu như Giacôbê tiền là anh của Gioan, là con của ông Dêbêđê, thì Giacôbê chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, con của ông Anphê. Tiền và hậu chỉ sự phân biệt chứ không nói lên đặc tính gì quan trọng.

Còn thánh Philipphê là người đã giới thiệu ông Nathanaen cho Chúa Giêsu; đồng thời cũng là người giới thiệu nhóm người Hy Lạp khi họ xin được gặp Chúa Giêsu.

Chiêm ngắm hình ảnh Giacôbê, ta thấy thánh Matthêu viết : “Đang đi dọc theo biển hồ Galilê, Chúa Giêsu thấy ông Giacôbê, con ông Giêbêđê, và ngươi em là ông Gio-an, cả hai đang vá lưới” (Mt 4,18.21). Hai ông này đang cùng với cha là ông Giêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,18-22).

Giacôbê sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Chúa : ông dám chấp nhận bỏ nghề nghiệp, bỏ gia đình thân yêu của mình. Từ bỏ là một điều kiện cần thiết để trở thành người tông đồ.

Được làm tông đồ của Chúa Giêsu là một vinh dự lớn lao, nhưng cũng đòi hỏi người tông đồ : Kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là hoàn toàn thuộc về Ngài, gắn bó với Ngài, yêu mến Ngài, đi theo Ngài và làm môn đệ của Ngài.

Giacôbê được Chúa yêu thương, cải hóa, biến đổi, và ông đã trở nên người môn đệ thân thiết của Chúa. Trong nhiều trường hợp, chính ông cùng với thánh Phêrô và thánh Gioan được chứng kiến việc Chúa biến hình trên núi Tabôrê. Ông cũng được chứng kiến việc Chúa làm phép lạ cho người con ông Zairô hồi sinh. Đặc biệt, trong cơn hấp hối của Chúa Giêsu ở vườn cây dầu, ông đã cảm nghiệm được phần nào sự đau khổ cùng cực của Chúa. Tất cả những điều đó nói lên con người đặc biệt và vô cùng thân tín của ông đối với Chúa Giêsu. 

Chúa Giêsu huấn luyện tinh thần phục vụ cho các tông đồ : “Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người".

Về điều này, Giacôbê cùng với em ông là Gioan chắc hẳn rất “thấm thía”, bởi chính hai ông được bà mẹ của mình dẫn đến xin Chúa được ngồi bên hữu và bên tả của Chúa trong Nước Trời. Chúa muốn Giacôbê phải từ bỏ ý định trần tục ấy. Hơn nữa, muốn làm môn đệ của Chúa phải hết sức khiêm nhường và sẵn sàng phục vụ mọi người. Đồng thời, khi dạy các tông đồ tinh thần phục vụ, Chúa mời gọi các ông học gương phục vụ của Ngài, để trở nên giống Ngài hơn : “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người".

Đi theo Chúa và làm tông đồ cho Chúa, Giacôbê đã dành toàn bộ cuộc sống của ông cho công cuộc Loan báo Tin Mừng. Như các tông đồ khác, Giacôbê đã vâng lời Chúa “ra chỗ nước sâu thả lưới bắt cá”.

“Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân”, là lời Chúa mời gọi tất cả chúng ta hãy gieo rắc Tin Mừng cho mọi người, hầu đem nhiều người gia nhập vào Đạo của Chúa, được đón nhận ơn đức tin và chịu Phép Rửa tội để được làm con cái của Chúa và con cái của Hội Thánh. Chúng ta có sẵn sàng lên đường, sẵn sàng ra khơi?

Giống như khi chúng ta uống thuốc đắng thì khó nuốt, thì việc “uống chén đắng” của Chúa cũng không dễ dàng gì.

Tuy nhiên, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, và nhờ ơn Chúa thúc đẩy, Giacôbê đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh. Ông là người tông đồ đầu tiên được phúc tử đạo dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I năm 43 hoặc 44. Chính khi chấp nhận đổ máu đào, ông đã uống cạn chén đắng của Chúa trao cho ông. Chúa đã thưởng công và trao mũ triều thiên cho Ngài.

Thánh Phaolô đã chia sẻ bước đường của Ngài như sau : "Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng;  bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt.  Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu” (2 Cr 4, 8-10). Những đau khổ, thử thách và kể cả cái chết không làm cho người tông đồ chùn bước, nhưng càng đẩy đưa họ can đảm vác thập giá, và dẫn họ đến vinh quang.

 Đã có những phút giây Giacôbê vì yếu đuối như các tông đồ khác, như khi ngủ vùi khi Chúa Giêsu trải qua cơn hấp hối hay như việc ông trốn chạy trước cuộc khổ nạn của Thầy. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ Đấng phục sinh, nhất là sau ngày lễ Hiện Xuống, Giacôbê đã thực hiện lời hứa của Ngài, trở thành vị tông đồ đầu tiên lấy máu đào làm chứng đức tin và tình mến của mình vào thế kỷ II. 

Theo sách Công vụ kể lại thì có thể Thánh Giacôbê chịu tử đạo dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I, vào cuối thế kỷ thứ II, khoảng năm 44: "Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan" (Cv 12,1-2). Đây là thời kỳ bách hại các Kitô hữu rất dữ dội, trong suốt ba thế kỷ đầu và chỉ tạm lắng xuống sau sắc chỉ Milan của hòang đế Constantianop vào năm 313.

 

Chúa nói rằng : “Các con đừng sợ”. Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa Kitô, can đảm bước theo chân Ngài, làm môn đệ của Ngài, can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Trên đường chúng ta đi, dù có chông gai, cay đắng vẫn có nhiều niềm vui : niềm vui vì được làm tông đồ, niềm vui vì được mang Tin Mừng gieo vãi khắp nơi, niềm vui trở thành chứng nhân của niềm tin, niềm vui loan báo niềm hy vọng cho con người mọi thời đại, …nhất là niềm vui được Chúa đỡ nâng và ban đầy tràn ân sủng cho những ai làm vườn nho Chúa.

Để được làm môn đệ Chúa Giêsu điều kiện tiên quyết và không thể thiếu được đó là từ bỏ. Do đó, khi kêu gọi ai Chúa Giêsu thường mời gọi trước tiên hãy từ bỏ. Chúng ta thấy trong Tin mừng bốn Tông đồ đầu tiên là Simon Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan được Chúa Giêsu kêu gọi khi các ông đang đánh cá. Họ đã bỏ thuyền và lưới lại đó để đi theo Người (Lc 5,1-11).

Hôm nay, nếu chúng ta muốn đi theo Chúa, muốn làm môn đệ của Chúa thì cũng phải chấp nhận sự từ như thế. Từ bỏ những gì không cần thiết. Từ bỏ những gì có thể làm cản trở cho lý tưởng sống. Đây chính là ơn gọi của những ai làm muốn tông đồ cho Chúa.

Hôm nay mừng ngày sinh nhật trên trời của vị tông đồ đáng kính này, chúng ta không thể không nhớ đến quá trình chinh phục và làm biến đổi một con người như Giacôbê trở thành một tông đồ của Chúa. Chắc là Chúa đã phải kiên trì, chịu dựng và đầy lòng yêu thương mới có thể làm cho cuộc chinh phục đạt được kết quả kỳ diệu này.

 

 

529    22-07-2018