Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Xin Chúa chữa lành cho ta

Mc 1:40-45

 

Bệnh cùi là một bệnh khủng khiếp. Tuy nhiên nó không khủng khiếp bằng nỗi khổ bị xua đuổi. Có thể nói, đau khổ lớn nhất của con là bị người khác xua đuổi, vì sự xua đuổi khiến người ta cảm thấy cô đơn, thấy mình không còn phẩm giá gì nữa, thậm chí nó còn khiến người ta nổi loạn.

Trẻ con mà bị cha mẹ xua đuổi thì kể như chết. Người lớn thì sợ bị xua đuổi còn hơn phải chịu tất cả mọi đau khổ khác dồn lại. Vết thương làm người tàn tật đau đớn nhất không phải là chứng bệnh thể xác hay tinh thần người đó đang mắc phải, mà là bị người khác xa lánh.

Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà coi như đã chết.

Người cùi đến với Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng này là một người bị xua đuổi. Vì cùi, anh không được sống chung với người khác trong xã hội. Anh phải tránh không để cho người khác chạm tới mình. Hơn nữa vì người ta coi người cùi là kẻ tội lỗi bị Chúa phạt, nên anh còn thêm mặc cảm mình bị chính Thiên Chúa xua đuổi nữa.

Chúa Giêsu không ngại đi ngược lại tập tục và quy chế lề luật về người phong hủi bị cách ly khỏi đời sống xã hội và đời sống tâm linh: Ngài giơ tay chạm đến người phong hủi. Đức Giê-su biết và Ngài sẽ nói thẳng ra rằng điều làm cho con người ra ô uế không đến từ bên ngoài nhưng từ những tư tưởng gian tà ở trong lòng của con người. Đó mới thật sự làm cho con người ra ô uế (Mt 15, 17-20).

Khi chữa khỏi bệnh phong, Chúa Giêsu giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay, anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ.

Khi chữa khỏi bệnh phong, đồng thời Chúa Giêsu cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn bao năm tháng qua. Khi chạm đến thân thể anh thì Người cũng chạm đến tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh, nay qua Chúa Giêsu anh cảm thấy mọi người gần gũi thân thương. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt, nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi, nay anh cảm thấy đựoc yêu thương vỗ về.

Trước một con người bị xem là đồ ô uế và bị cách ly khỏi đám đông, không ai dám đến gần, Chúa Giêsu đã “chạnh lòng thương”, một diễn ngữ Tân Ước được dùng để diễn tả sự đồng cảm sâu sắc dâng lên tận đáy lòng đến nỗi Ngài không thể khoanh tay đứng nhìn được.

Ðối với người Do thái, kẻ mắc bệnh phong cùi bị coi như Thiên Chúa chúc dữ và xã hội loại bỏ. Không được tham dự nghi lễ trong hội đường. Họ là thành phần tội lỗi, phải sống thành từng nhóm nơi mồ mả, phải la lên “ô uế” để mọi người tránh xa. Ai trò chuyện với họ là phạm luật. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, người phong cùi đã hết lòng tin tưởng quyền năng của Chúa Giêsu, nên anh đã quỳ xuống van xin: “Nếu Người muốn, Người có thể khiến tôi nên sạch” (Mc. 1, 40).

Thấy lòng tin của anh, Ðức Giêsu động lòng thương, giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh” (Mc. 1, 41). Chạm đến người phong cùi, Chúa Giêsu đã phạm luật, khiến người ta khó chịu. Người muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Qua việc đặt tay của Ðức Giêsu, con người được tiếp xúc thần tính của Người, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Người. Chính vì thế mà bệnh phong biến mất và anh ta được sạch.

Anh đã liều lĩnh vượt ra khỏi những điều luật lệ quy định là phái xa tránh người khác, thậm chí còn phải la to để người khác biết mà tránh. Anh đến với Chúa Giêsu, để trình bày tình trạng của mình, cũng như ý muốn được chữa lành. Hành động liều lĩnh này hẳn phải xuất phát từ lòng tin tưởng không những ở quyền năng của Chúa Giêsu có thể chữa lành bệnh, mà nhất là ở lòng nhân từ thương yêu của Ngài, muốn giải thoát người ta khỏi bệnh tật. Chắc là anh đã từng được nghe thiên hạ nói về Ngài. Diễn tiến của sự việc cho thấy anh đã không tin tưởng hão huyền. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước thái độ và lòng tin của anh. Và Ngài đã làm phép lạ để cứu chữa anh.

Chúa Giêsu đã chữa lành thể xác và tâm hồn của người bệnh phong. Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ của anh đã chạm đến lòng thương xót của Chúa. Phép lạ phát sinh từ lòng tin của bệnh nhân và từ ý muốn đầy quyền năng của Chúa Giêsu.

Được chữa lành, anh quên ngay lời Chúa Giêsu căn dặn “đừng nói gì với ai cả.” Bởi vì lòng anh tràn ngập niềm tri ân, cảm tạ Thiên Chúa. Anh không thể giữ niềm vui, ân huệ cho riêng mình, mà hân hoan công khai chia sẻ với mọi người về hồng ân mới lãnh nhận nhưng không. Nên vừa đi khỏi, anh đã rao truyền và loan tin ấy khắp nơi.”

Lòng Mến tràn đầy của anh đã lan tỏa khắp nơi, khiến dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Chúa Giêsu. Niềm tri ân, lòng cảm mến đã biến anh thành chứng nhân sống động, rao giảng Tin Mừng đến tha nhân. Anh không sở hữu ơn cứu độ cho riêng mình, mà trái lại anh đã thực hiện đúng ba bước như mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích. Ngài cho rằng có ba tiêu chuẩn để không không tư nhân hóa sự cứu rỗi: “Đức Tin vào Chúa Giêsu, Đấng thanh tẩy chúng ta, Đức Cậy khích lệ chúng ta nhìn tới những lời hứa và tiến đi về phía trước và Đức Mến là chăm sóc lẫn nhau, khuyến khích tất cả chúng ta thực hành bác ái và các việc lành.”

Ðiểm hay trong chuyện này không phải là việc Chúa Giêsu chữa anh này khỏi bệnh cùi, mà là cách Ngài đối xử với anh. Khi thấy anh đến gần mình, Ngài không xua đuổi, nhưng để anh đến. Chẳng những thế Ngài còn giơ tay đụng vào anh. Bằng cử chỉ giơ tay đụng vào anh như thế, Ðức Giêsu tỏ dấu hoan nghênh anh, đón nhận anh. Và thái độ hoan nghênh đón nhận đó đã chữa anh khỏi mặc cảm và nỗi đau bị xua đuổi. Cho nên có thể nói, trước khi chữa bệnh thể xác cho anh, Ngài đã chữa lành tinh thần của anh.

“Chạnh lòng thương”. Kiểu nói này ta có thể hiểu ngay. Thực vậy, Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa vô cảm, dửng dưng, nhưng là một Thiên Chúa dễ bị thương tổn một Thiên Chúa cùng chịu khổ với nhưng người đau khổ, một Thiên Chúa mang trên mình những thương tích của chúng ta (Is 53,5). Đấng “làm cho Thiên Chúa hiện diện cụ thể” nói cho ta biết tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa đối với bệnh nhân.

Vậy khi nào chúng ta mới chấp nhận thế giới này, như thực trạng hiện nay của nó, không thể “hoàn hảo” được? Chỉ có mình Thiên Chúa là Thiên Chúa. Chỉ có mình Thiên Chúa là hoàn hảo. Thế gian không phải là “Chúa”. Thế gian không thể hoàn hảo. Thiên Chúa đã không thể làm khác hơn là tạo dựng một thế gian “không phải là Chúa nếu không Người đã không làm được điều gì cả, và Người có thể sẽ muôn đời cô đơn.

Do đó, Người đã quyết định tạo dựng con người, được ghi dấu ấn “hữu hạn”, rõ ràng “không phải là Chúa”. Và như thế, con người phải gánh chịu những rủi ro về tình trạng sức khỏe suy sụp, với khả năng nguy hiểm trở thành phong hủi, điên khùng, khi các nhiễm thể hoạt động lệch lạc. Cần phải có can đảm nhìn thẳng vào “thế gian này”. Nhưng, nếu Thiên Chúa tạo thành một tạo vật mang dấu tích hạn hẹp và bất toàn, thì Người chỉ tạo dựng nó trong chương trình là một ngày kia sẽ ban cho nó sự sống thần thiêng của Người.

Chúa Giêsu đối xử người phong hủi đáng thương này như thế nào, thì Ngài cũng đối xử những người tội lỗi khác cũng như vậy. Ngài không ngại tiếp xúc họ. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy Ngài để cho một phụ nữ tai tiếng chạm đến mình, và thậm chí Ngài còn đồng bàn với những người thu thuế và những kẻ tội lỗi. Như vậy, Ngài muốn bảo đảm với chúng ta: Ngài không ghê tởm tội lỗi của chúng ta. Ngài không muốn khai trừ chúng ta, nhưng ngược lại là đàng khác khi Ngài công bố: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9, 12; Mc 2, 17).

 

 

1627    11-01-2018