Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Đến với Chúa để được chữa lành

17/01/2019

Thứ Năm Tuần I Mùa Thường Niên 

Dt 3, 7-14; Mc 1, 40-45

ĐẾN VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH

          Theo quan điểm Do Thái giáo, bệnh phong hủi là một sự ô uế cho xã hội. Người mắc bệnh phong hủi phải ở riêng, không được đến gần ai, và cũng không ai được đến với họ cho đến khi lành bệnh và được thanh tẩy theo nghi lễ.

          Trong Đạo Do Thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng. Họ bị xua đuổi vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu phải kêu lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà tránh xa. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị coi như người mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong.

          Đứng trước nỗi đau thể xác và tinh thần của người phong hủi, Chúa Giêsu, thay vì phải xa lánh con bệnh kẻo bị ô uế, đã chạm đến anh ta để chia sẻ nỗi đau khổ cùng anh và chữa anh lành bệnh. Chúa thương anh không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng hành động cụ thể. Đối với Chúa, không có vấn đề kỳ thị chủng tộc, bệnh tật, cấm kị, phân biệt giàu nghèo... Chúa là tất cả cho mọi người. 

          Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những chữa lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoàn nhân loại, khi bảo bệnh nhân đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống. Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người khác. Vi trùng Hansen đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận. Chúng đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết.

          Thực tế vào thời đó, bệnh phong hủi vẫn còn là một thứ bệnh không thể chữa trị được. Việc chữa lành người phong hủi là một thứ kỳ công giống như việc phục sinh một người chết. Đó là một trong những “dấu chỉ” của thời Thiên Sai (Mt 11, 25; Lc 7, 18-22). Thái độ khiêm tốn phủ phục của người phong hủi biểu lộ lòng tin của anh nơi Chúa Giêsu. Đúng vậy, có những tình huống mà cách cầu cứu duy nhất là “kêu xin” Thiên Chúa, Đấng làm chủ tất cả, ngay cả những gì con người không thể thực hiện được: “Thưa Ngài, Ngài muốn là Ngài chữa tôi được khỏi bệnh”.

          Thấy lòng tin của anh, Chúa xúc động thương cảm, giơ tay chạm vào người anh và nói: “Ta muốn anh được khỏi”. Chạm đến người phong cùi, Chúa đã phạm luật, khiến một số người đang dò xét Chúa phải bực bội vì hành động này. Dĩ nhiên, Chúa muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Chúa có quyền và đến để làm việc đó. Nhưng ở đây, Chúa muốn tỏ ra Người đã hài lòng trước lòng tin vững mạnh của người phong cùi. Tình yêu Chúa đã trao ban rộng rãi và có thể phát sinh những hiệu quả kỳ diệu, khi con người tin tưởng mở rộng tâm hồn đón nhận.

          Đây là một lời cầu xin đẹp lòng Chúa Giêsu qua câu “Nếu Ngài muốn”. Anh coi ý muốn của Chúa quan trọng hơn ý muốn của anh, và phó thác cho Người toàn quyền quyết định có cứu chữa anh hay không.

          Chúa Giêsu đã chữa lành thể xác và tâm hồn của người bệnh phong. Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ của anh đã chạm đến lòng thương xót của Chúa. Phép lạ phát sinh từ lòng tin của bệnh nhân và từ ý muốn đầy quyền năng của Chúa Giêsu.

          Lời khẩn cầu của người bệnh chứng tỏ một niềm tin tưởng phi thường: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c. 40). Anh ta gán cho ý muốn của Chúa Giêsu một quyền lực to lớn. Lời khẩn cầu này cũng vừa là một thách đố vừa chứng tỏ lối xử sự trước đây của Chúa Giêsu đã gây ra ấn tượng nào và thức tỉnh những niềm chờ mong nào. Chúa Giêsu hành động như Thiên Chúa: chỉ cần Người muốn một điều là điều ấy được thực hiện. Người phong hủi được chữa lành tức khắc.

          Với tất cả lòng chạnh thương trước nỗi khốn khổ của anh ta, Chúa đã sẵn sàng mở rộng vòng tay đón anh về lại cuộc sống. Đang khi mọi người sợ bị nhơ uế mà không dám tiếp xúc với anh ta, thì nay Chúa đã đưa tay ra và chạm đến anh. Cánh tay chất chứa lòng xót thương của Ngài đã nối kết giữa sự thánh thiện, tốt lành của Thiên Chúa với tình trạng bị coi là nhơ uế, tội lỗi của con người. Sự thánh thiện của Thiên Chúa đã thánh hóa tình trạng nhơ uế, tội lỗi của con người.

          Điều quan trọng hơn, đó là khi chữa anh khỏi chứng bệnh nan y, Chúa Giêsu đồng thời cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi Chúa Giêsu vuốt ve thân thể bệnh tật của anh. Người đã vuốt ve tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh. Nay anh cảm thấy qua Chúa Giêsu mọi người gần gũi anh hơn bao giờ. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt. Nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi. Nay, dưới bàn tay dịu hiền của Chúa Giêsu, anh cảm thấy được yêu thương vỗ về. Những vết thương sâu thẳm trong trái tim anh đã liền da lành lặn. Chúa Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.

          Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội. Đức Giêsu bảo anh đi trình diện với thày cả theo như luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nay anh được bàn tay âu yếm ân cần của Chúa Giêsu đón nhận anh trở lại xã hội loài người. Qua vị thượng tế, anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm anh được phục hồi. Danh dự anh được tôn cao. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người, như mọi người.

          Chúa Giêsu truyền cho người được ơn lạ phải im lặng, không được lộ chuyện với dân chúng, đồng thời Người cũng trao cho anh trách nhiệm phải đến gặp các tư tế. Đây là việc rất cần thiết, để có thể tái hội nhập vào xã hội. Nhưng hơn nữa, Chúa Giêsu còn muốn mở mắt các tư tế ở Giêrusalem là những người sẽ kình chống Người kịch liệt. Cho họ dấu chỉ thiên sai qua việc chữa lành người phong hủi, để họ sẽ không có lý do nào biện minh khi họ kết án Người. (Ga 15, 22).

          Anh chàng phung hủi đã vi phạm lệnh Chúa truyền phải nín lặng về trường hợp khỏi bệnh của anh ta (c. 45a); Anh ta vẫn cứ “công bố” tin này ra; đây chính là động từ được dùng để diễn tả việc công bố Phúc âm. Rõ ràng ở đây Maccô đã “ nhảy qua” thời đại Chúa Giêsu để đặt các độc giả của ông vào “hiện thực tính”. Người từng bị phung hủi trước kia giờ đã trở thành một loại thừa sai loan báo Tin Mừng. Khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại thì “Bí mật Mêsia” không cần giữ kín nữa. Giờ đây, sau khi được các biến cố cứu độ soi sáng, theo gương anh chàng phung hủi được Chúa Giêsu chữa lành, các độc giả được mời gọi loan báo sứ điệp giải phóng vui mừng của Chúa Giêsu. 

          Anh đã rao truyền khắp nơi những gì đã xảy ra cho anh. Do đó, danh tiếng của Chúa Giêsu càng lan rộng hơn nữa và tiếp tục làm gia tăng lòng tin tưởng vào Người: dân chúng từ khắp nơi tuôn đến với Người. Thật ra, các hành vi quyền lực của Đức Giêsu không có ý nghĩa tối hậu nơi sự kiện là có người bệnh nào đó được khỏi. Ý nghĩa của các hành vi đó là cho thấy rõ ràng quyền lực cao vời của Thiên Chúa, thấy rằng Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần, để mọi người có thể tin vào Người.

          Ta cũng học nơi người phong thái độ mau mắn đi làm chứng để bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, Đấng đang liên tục ban muôn vàn ân sủng cho chúng ta. Muốn vậy, cần phải ý thức chúng ta đã và đang nhận được những ân huệ lớn lao nào.

 

 

 

1215    16-01-2019