Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Đừng vụ luật - Hãy yêu thương

Thứ Sáu tuần XXX TN

Lc 14, 1-6

ĐỪNG VỤ LUẬT – HÃY YÊU THƯƠNG

Đối với người Do thái, luật ngày sa-bát có một vị thế tối quan trọng, bởi sa-bát là ngày thánh dành cho Đức Chúa (Xh 20). Ngoài chiều kích tôn giáo, luật ngày sa-bát còn có mục đích nhân đạo, nghĩa là trong ngày này, dân Chúa sẽ được nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, qua dòng thời gian, ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của ngày sa-bát đã mai một đi bởi thái độ nệ luật của giới lãnh đạo Do thái.

Vốn khởi đi từ một luật vị nhân sinh, thì giờ đây luật ngày sa-bát trở thành một sự cưỡng ép, một cơ hội để luận tội. Trong bối cảnh đó, với câu hỏi “có được chữa bệnh ngày sa-bát hay không?” Chúa Giê-su đưa nhóm Pha-ri-sêu trở về với ý nghĩa nguồn cội của luật ngày sa-bát: tôn vinh Thiên Chúa bằng cách thực thi đức ái. Chính tình yêu là khởi điểm và cùng đích của mọi lề luật kể cả luật giữ ngày sa-bát.

Trang Tin Mừng hôm nay trình thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành cho một người mắc bệnh phù thũng trong ngày sa bát. Đây không phải là lần duy nhất Chúa chữa bệnh trong ngày này, bởi chúng ta còn thấy trong các sách Tin Mừng theo thánh Gioan, Marcô và cách riêng là Tin Mừng theo thánh Luca đã kể lại nhiều lần khác Chúa đã chữa bệnh trong ngày hưu lễ như: chữa cho mẹ vợ ông Phê-rô (Lc 4,38); chữa cho người bại tay (Lc 6,6) ; chữa cho người đàn bà còng lưng mười tám năm (Lc 13, 10-13)…

Chúa Giê-su là Đấng giàu lòng thương xót, đi đến đâu là Ngài thi ân giáng phúc đến đó, và hôm nay Ngài tiếp tục chữa lành cho một bệnh nhân. Với quyền năng của mình, Ngài chỉ cần phán một lời là người bệnh sẽ được khỏi, nhưng ở đây thánh Luca đã miêu tả: “ Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về”. Hành động “đỡ lấy” nói lên tình yêu thương của Đức Giêsu dành cho những con người nghèo khổ, bất hạnh và kém may mắn. Ngài chạm vào nỗi thống khổ của kiếp người để chia sẻ, nâng đỡ, ủi an, chữa lành và giải thoát, hầu đem lại hạnh phúc cho con người.

Chúa Giêsu cho thấy con người là ưu tiên tối thượng của lề luật. Luật lệ, ngay cả luật ngày Sabát, cũng sẽ thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích của con người. Đối với Ngài, chỉ có một luật lệ gồm tóm và là nền tảng của mọi luật lệ, đó là yêu thương. Nhưng để có yêu thương, trước tiên phải có sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá mỗi người.

Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ ngày Sabát như được ghi lại trong Tin mừng hôm nay. Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương.

Những người Pha-ri-sêu và những nhà thông luật thời ấy luôn có thái độ tự mãn khi tự cho mình là thánh thiện và hiểu biết nhiều về Thiên Chúa và các giới luật. Bỏ điều chính yếu để coi trọng những gì là tùy phụ là căn bệnh trầm kha của họ. Do đó, họ có thái độ dửng dưng trước nỗi đau bệnh tật của người khác. Chính Đức Giêsu khi chữa cho người mắc bệnh phù thũng thì cũng chữa luôn căn bệnh nan y cho người Pharisêu khi để họ buộc phải tự vấn lương tâm: “Trong ngày Sabat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?”. Điều này đã khiến họ phải lặng thinh. Đối với Chúa Giê-su, con người là ưu tiên số một: luật lệ được đặt ra là vì con người và nền tảng của mọi luật lệ đó là yêu thương. Như thế, Chúa đã dạy cho những người Pha-ri-sêu một bài học căn bản về lòng nhân.

Chúa Giêsu thách thức những người biệt phái để chữa lành cho người thuỷ thũng trong ngày sabát cho thấy rằng đối với Ngài, con người là ưu tiên tối thượng. Luật lệ, ngay cả luật hưu lễ, cũng sẽ thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích của con người. Đối với Ngài, chỉ có một luật lệ gồm tóm và là nền tảng của mọi luật lệ, đó là yêu thương. Nhưng để có yêu thương, trước tiên phải có sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá mỗi người.

Tất cả vụ án của Chúa Giêsu đều bắt nguồn và xoay quanh những cuộc đối đầu về lề luật. Đối đầu với những người Biệt phái cho đến cùng bằng cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho con người thấy rằng chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là lề luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em mình

Giáo dục con người sống cho ra người có nghĩa là giáo dục cho con người biết sống yêu thương. Thông minh đĩnh đạc, mà không có trái tim để yêu thương, thì đó là một tai họa cho bản thân cũng như cho xã hội.

Có tất cả mà không có một trái tim để yêu thương, thì đó là nỗi bất hạnh lớn nhất đối với con người. Cách mạng mà không xây dựng trên tình yêu, thì đó chỉ là phá hoại. Đạo đức mà không có tình yêu, thì chỉ là một trò lừa bịp.

Một trái tim để biết yêu thương, để biết rung động trước khổ đau của người khác. Khi chúng ta không có một trái tim, thì chúng ta sẽ mù quáng: mù quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người khác, mà nhất là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác.

Khi chữa lành cho người mắc bệnh phù thũng trong ngày sa-bát, Chúa Giê-su chỉ cho thấy sống đức ái là cách thức tôn vinh Thiên Chúa trọn hảo nhất. Đây chính là phương thế hữu hiệu nhất làm cho Danh Chúa được tỏa sáng trước mặt mọi người.

 

Chúa dạy cho những người Pha-ri-sêu xưa, cũng là điều Chúa muốn nhắn nhủ với mỗi tín hữu. Những thái độ vụ hình thức, vụ lề luật cần được loại bỏ, vì Chúa Giê-su đã kiện toàn lề luật, biến lề luật thành phương tiện giúp con người gần Thiên Chúa và gần nhau hơn. Chúng ta chỉ thực sự được gọi là môn đệ của Chúa khi chúng ta biết sống yêu thương. Và sống yêu thương là chúng ta sống đúng với tinh thần của lề luật như lời thánh Phao-lô đã nói: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

658    03-11-2017