Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Giáo Hội hiệp thông

Thứ Năm

Ga 6, 37-40

GIÁO HỘI HIỆP THÔNG

 

“Kiếp phù-sinh, tháng ngày vắn-vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

Một cơn gió thoảng là xong

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103, 15-16)

“Con hãy nhớ đến mẹ mỗi khi dâng thánh lễ”. Lời thánh Monica cũng chính là ý nguyện mà các linh hồn tiền nhân muốn nhắc nhở cùng chúng ta là con cháu của các ngài.

Thánh Augustinô – người con hết sức đặc biệt của nữ thánh Monica - từng ca ngợi tập tục cầu nguyện cho người đã qua đời, kể cả không phải ngày giỗ của họ, để không một ai bị lãng quên. Thực ra, hằng ngày Hội Thánh đều nhắc tới việc tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời và “mọi người quá cố mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ” (Kinh nguyện Thánh Thể IV). Lễ nhớ này được phổ biến ở Rôma vào thế kỷ XIV, và đến thế kỷ XV, các tu sĩ Đaminh ở Valentia đã thiết lập truyền thống cử hành 3 thánh lễ - giống như ngày lễ Giáng Sinh - để cầu cho các tín hữu đã qua đời

Ngay từ thời tiên khởi, Giáo hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustinô viết, "Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ." Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền Kitô giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập. 

Hôm nay và suốt tháng 11 này, người Công giáo chúng ta đặc biệt quan tâm cầu nguyện cho những người quá cố. Chúng ta thường nghĩ họ đang phải chịu thanh luyện bằng đau khổ để trở nên hoàn hảo. Sự thanh luyện đó được Giáo Hội định tín: “Linh hồn kẻ chết chưa đền tội hoàn toàn sẽ được thanh luyện sau khi chết với những hình phạt được gọi là “Thanh Luyện””

Lý do chính yếu của ngày lễ hôm nay và trong tháng 11 này là Giáo hội đề xướng ra để kêu gọi toàn thể mọi người hãy hướng lòng về những người thân quen cũng như xa lạ đã qua đời, nhất là ra sức tìm kiếm những tặng phẩm thiêng liêng để gởi làm quà cho họ. Và một khi đã biết rõ cách thức gởi, gởi những gì và gởi nhờ ai thì sẽ đến tay các linh hồn. Chỉ còn lại khâu cuối cùng là chúng ta có hăng say kiếm quà mà gởi hay không mà thôi.

Hàng năm Giáo Hội công giáo đã dành trọn tháng 11 để tưởng nhớ những người quá cố, để sống lại đạo làm con. Người công giáo vẫn có thói quen tốt lành xin lễ cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa trang cùng với việc tảo mộ. Ngoài ra, trong ba ngày đầu năm, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày mồng hai tết để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Hòa lẫn với chủ đề kính nhớ tổ tiên, Giáo Hội cũng đã nhắn gửi tới từng người con phải biết yêu chuộng ý nghĩa thiêng liêng cao cả: con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ nhớ mà ghi tâm.

Con người sống được với nhau là nhờ ân nghĩa. Tình nghĩa càng thắm thiết càng thương nhớ đến nhau và muốn sống mãi bên nhau, nhất là đối với những người thân quen đã qua đời. Hơn nữa, khi biết sống tình nghĩa với nhau cách đằm thắm hay nhạt nhẽo thì mới rõ ai tốt hay xấu, ai thật lòng ai gian dối. Do đó, tình nghĩa không những là một nhu cầu cần thiết cho đời sống mà còn là một bổn phận, trách nhiệm phải đền đáp, chu toàn hết khả năng sẵn có.

Những linh hồn trong luyện ngục phải chịu đau khổ, nhưng không còn lập được công như khi còn sống ở trần gian, bởi vì thời gian lập công đã hết. Các ngàiï phải chịu đau khổ, nhưng lại không thểu tự cứu lấy mình được. Các ngài phải ở đó cho tới khi trả hết đồng xu cuối cùng.

Do đó, hình phạt ở luyện tội lâu hay mau còn tùy ở tội lỗi và sự đền bù của mỗi người. Tuy nhiên, những người còn đang sống vẫn có thể dâng những lời kinh, những hy sinh và những thánh lễ, để xin Chúa sớm giải thoát những linh hồn nơi luyện ngục, trong đó có ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng quyến thuộc và bạn hữu. Những người thân quen này, rất có thể vì yêu thương chúng ta, mà đã không tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Đồng thời chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi không ai tưởng nhớ đến. Thế nhưng trước hết và trên hết, chúng ta hãy cố gắng cải thiện đời sống, xa tránh tội lỗi, thực thi những việc bác ái yêu thương, để chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục, cũng như để bản thân chúng ta cũng được giảm bớt thời gian thanh luyện sau khi chết.

Các linh hồn ấy không bị ném vào chốn cực hình muôn kiếp, nhưng cũng chưa được vào thiên đàng. Sở dĩ như vậy vì Thiên Chúa là Đấng thánh thiện và trong sạch vẹn toàn. Ngài không bao giờ chấp nhận chút bùn nhơ tội lỗi, dù là nhỏ bé tầm thường. Linh hồn vấp phạm đã được tha thứ, nhưng còn phải đền bù và thanh luyện về những sai lỗi ấy. Và thật là may mắn, chúng ta có thể giúp đỡ bằng những lời kinh, những hy sinh và những thánh lễ dâng lên cho Thiên Chúa, để xin Ngài xóa bỏ tội lỗi, giảm bớt hình phạt và mau giải phóng các linh hồn ấy.

Để hiểu thấm thía hành trình tình yêu, ta nên suy gẫm suy đoạn văn sau đây của thư thánh Gioan:

"Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa"(1Ga 3,14-19).

"Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình" (1 Ga 4,19-21)

Các linh hồn lành thánh không được lập công được nữa vì họ cũng không thể phạm tội nữa. Họ không thể giúp mình nhưng có thể giúp chúng ta. Họ đau khổ chính là vì họ không có thể ở cùng Thiên Chúa và nhìn xem Thiên Chúa. Họ chịu thứ đau khổ thanh tẩy có thể so sánh với đau khổ vì lửa. Nhưng họ vẫn vui mừng: họ nắm chắc là họ sẽ được lên trời.

Nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời... Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy. Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Đức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.

 

Xin Chúa cho mỗi chúng ta, luôn biết tỏ lòng thảo kính đối với các bậc tổ tiên ông bà, cha mẹ, anh chị em đã qua đời, bằng việc đọc kinh, dâng những hy sinh việc lành, và đặc biệt là thánh lễ mồng 2 tháng 11 hôm nay, xin vì công nghiệp của Con Chúa trên Thập giá, mà thứ tha muôn tội lỗi và đưa các ngài về hưởng hạnh phúc tôn nhan Nước Chúa.

1241    30-10-2017