Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Giờ này, Đức Kitô là ai vậy ?

Thứ Năm tuần XXV TN  

Lc 9, 7-9

 

GIỜ NÀY, ĐỨC KITÔ LÀ AI VẬY ?

Trong suốt ba năm cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ, giảng dạy nhiều nơi cho nhiều hạng người. Nhiều người đã được tiếp xúc với Chúa Giêsu, nhiều người chịu ơn của Người như được uống rượu ngon trong tiệc cưới ở Cana, ăn bánh hóa nhiều ở sườn đồi Caphanaum. Nhất là những bệnh nhân được chữa lành: người bại liệt đi được, người mù  sáng mắt, phong cùi được sạch, câm điếc nghe được nói được, thậm chí cả những người đã chết được sống lại. Hẳn là họ phải nhận ra Chúa là Đấng cứu tinh. Vậy Chúa là ai?

Sau những năm tháng Chúa Giêsu ẩn dật sống dưới mái ấm gia đình Thánh Gia. Người bắt đầu công khai lộ diện công bố Tin Mừng cứu độ giữa dân chúng, danh tiếng Chúa đã vang cùng khắp nơi, vì Người đã đem tin lành đến cho muôn dân, qua những phép lạ Người đã làm cho dân chúng, những lời giáo huấn của Chúa đã cuốn hút khán giả đến lạ thường, dân chúng chỉ còn biết nghe quên cả ăn nghỉ, nhìn thấy đoàn dân đông đảo đi theo Người, khiến Chúa phải chạnh lòng thương họ, chữa lành nhiều bệnh nhân. (Mt 14, 13-21).

Chúa Giêsu đã hai lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều qua cử chỉ bẻ bánh đầu tiên của Chúa, từ đó mọi người cùng chuyền nhau bẻ bánh và trao cho nhau, cứ thế từ năm chiếc bánh và hai con cá đã được nhận ra hàng ngàn chiếc bánh, hàng nghìn con cá. (Mt 15, 32-39). Bốn sách Tin Mừng còn ghi chép nhiều phép lạ khác Chúa Giêsu đã làm trong dân chúng. Riêng Tin mừng Thánh Gioan viết câu kết: “Còn có nhiều điều khác Ðức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra”. (Ga 21,  25)

Đối với những người đã từng nghe Người giảng dạy thì sao? Ai ai cũng có chung một nhận định: “Người giảng dạy như Đấng có uy quyền”. Tư cách Người biểu lộ như thế nào? Những người thuộc nhóm biệt phái, những luật sỹ, những chức sắc đền thờ xem ra khó chịu với Người! Không phải vì thái độ của Người ngông nghênh coi thường họ mà là vì dân chúng đi theo Người rất đông làm cho họ ghen tức. Thật vậy, uy quyền của họ phải là độc tôn trong xã hội Do thái giáo lúc bấy giờ, thế mà Người đến, Người xuất hiện làm cho tầm ảnh hưởng của họ bị đe dọa.

Vì thế, nghiễm nhiên, Người trở thành đối thủ của họ, cho dù phong thái của Người rất dễ thương. Bằng chứng là họ đã dò xét, soi mói, bắt bẻ, tìm cớ để tố cáo Người nhưng đã thất bại. Bởi tư cách của Người là rất thành toàn.

Thế nhưng, dư luận quần chúng đương thời về Người không thống nhất: vì có kẻ nói rằng: “Người là ông Gioan Tẩy giả”, kẻ khác thì nói: “ông Êlia đã hiện ra”; tựu chung là: “một tiên tri nào đó”. Nếu chỉ tiếp xúc với sứ mệnh của Người, thì những nhận định trên thật có lý. Bởi những lời Người nói, những việc Người làm cũng chẳng khác gì các tiên tri thời xưa, tuy Người có thể trổi vượt hơn các tiên tri, là một đại tiên tri chăng! Những nhận định này tuy không sai mà cũng chẳng đúng. Vì nó mới ở bình diện hoạt động bên ngoài, tính cách sứ vụ nhiều hơn là về căn tính của Đức Giêsu.

Với Hêrôđê ông ta muốn tìm cách gặp Người chỉ vì hiếu kỳ, muốn được nhìn thấy Người làm phép lạ để ông ta xem. Cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả vì Gioan đã mạnh dạn lên tiếng về thái độ của Hêrôđê muốn chiếm đoạt vợ của em mình (Lc 3, 19), tuy Hêrôđê nể phục Gioan nhưng ông không biết sửa những điều mình làm sai, qua những lời Gioan đã góp ý với ông, Hêrôđê đã bị nhục dục làm chủ, chỉ vì một lời hứa với con gái người tình, mà ông đã ra lệnh chém đầu Gioan (Mc 6, 17-29). Đặt trường hợp nếu Hêrôđê có dịp gặp Chúa Giêsu, thì chắc chắn ông sẽ bị Chúa Giêsu phê phán cách kịch liệt hơn. Trong suốt ba năm Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng Hêrôđê không được hạnh phúc nhìn thấy Chúa, chỉ một lần duy nhất được diện kiến Chúa khi Người bị bắt giải từ dinh tổng trấn Philatô sang cho Hêrôđê. (Lc 23, 8).

Hêrôđê cứ nghiền ngẫm trong lòng những suy nghĩ bất an: cũng giống như cha của ông, sợ hãi, đóng kín lòng mình khi gặp các Đạo Sĩ. Làm sao ta tìm gặp Đức Giêsu, làm thế nào để đối diện với những nghi ngờ trong lòng? Với lòng thành và cởi mở? Trong tin mừng chúng ta có nhiều chứng nhân đi tìm Đức Giêsu qua một phép lạ, một sự chữa lành, qua tình yêu và cố gắng cứu thoát cuộc sống mình: có một lời nói, một cử chỉ niềm nở và chúng ta có thể nghe điều mà Đức Giêsu nói với người đàn bà tội lỗi: ‘tội lỗi bà đã được tha vì bà đã yêu mến nhiều’.

Tìm hiểu người xưa để gẫm đến người thời nay. Đức Giêsu là ai đối với tôi, đối với những người tôi tiếp xúc hằng ngày và đối với cả thế giới hôm nay? Nhiều người đã từng nghe đến một ông Giêsu nào đó mà những người Công giáo tôn thờ. Vì thế, đối với họ, Người là một vị sáng lập đạo như nhiều vị sáng lập đạo khác. Người sinh ra là người Do thái khoảng đầu Công nguyên, như thế Người là một nhân vật lịch sử, mà nhiều người biết đến, thì Người là một Danh Nhân…. Đối với nhiều người và cả thế giới thì chỉ là vậy!

Thật đáng buồn! Nỗi buồn này không phải chỉ như mất của, thi rớt, bị phụ bạc, thất bại trong công việc; nhưng là nỗi buồn của sự tuyệt vọng. Bởi mọi đau khổ trên đời này, có khủng khiếp biết mấy, nhưng nếu người ta còn hy vọng thì người ta còn gánh được; ngược lại, một đau khổ nhỏ thôi, nếu tuyệt vọng, họ sẽ không chịu nổi.

“Giờ này, đối với tôi, Đức Kitô là ai?” Dư luận thế gian và người đời giới thiệu nhiều câu trả lời khác nhau, theo quan điểm và cảm nhận chủ quan của từng người, từng nhóm. Thế nhưng Đức Kitô không là thế, không như người ta và tôi nghĩ tưởng, Ngài vẫn là một, “hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời.” Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất cho trần gian. Như vậy, chỉ nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, tôi mới có thể đạt đến sự hiểu biết đích thực về Ngài – đó là chân lý vẹn toàn do Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Đức Giêsu, Đấng cứu độ duy nhất, hôm qua, hôm nay cũng như ngày mai. Người là Thiên Chúa làm người, đã sống và chết trong thân phận con người, rồi từ trong phận người đó mà sống lại, bây giờ đang sống, đang hiện diện với mỗi phận người cho dù không ai thấy Người, nhưng Người vẫn có đó với mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Người. Nếu chúng ta không tin Người, thì sẽ không gặp Người, không chuyện vãn với Người thì thật thiệt thòi cho chúng ta.

Chúa đã chết và sống lại cũng chỉ vì chúng ta. Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế cũng chỉ vì chúng ta. Một Đấng đầy quyền năng và yêu thương chúng ta vô cùng mà ta lại không biết Người như ‘Người là’ thì thật là một thua thiệt nhất trong cuộc nhân sinh này.

 

 

 

4264    26-09-2017