Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Lắng nghe tiếng Chúa..

Thứ Ba trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh


Cv 2:36-41; Tv 33:4-5,18-19,20,22; Ga 20:11-18

LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA

Trong đời sống chúng ta, có những khoảnh khắc mà trong đó mọi việc đều sụp đổ.  Tất cả mọi việc dường như đã kết thúc.  Cái chết, thiên tai, nỗi đau đớn và sự khổ đau, tâm trạng vỡ mộng, sự phản bội!  Rất nhiều điều khiến chúng ta cảm thấy được trong bầu không khí, chới với và có thể dẫn đưa chúng ta vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.  Nhưng những điều khác cũng xảy ra.  Ví dụ, đột nhiên chúng ta gặp lại một người bạn và người này có thể cho chúng ta một niềm hy vọng mới và có thể khiến cho chúng ta khám phá ra rằng tình yêu thì mạnh mẽ hơn cái chết và sự thất bại.   

Trang Tin mừng trên đây đưa chúng ta đến gặp một người đàn bà thật tội nghiệp, đó là Maria Mađalena, một người đã từng theo Đức Kitô tới chân thánh gía đầy tang thương. Trước hết, chúng ta thấy bà đầy sao xuyến, lo âu, sợ hãi bên nấm mồ, đến nỗi khi Chúa hỏi mà bà cũng không biết đó là ai, nên bà đã thốt lên : “tôi không biết người ta đã đặt Ngài ở đâu” dù trước đó bà đã có mặt lúc táng xác Ngài.

Đối với bà, xem ra tất cả đều sụp đổ, chẳng còn gì hy vọng nữa cả; thế nhưng, chính trong sự tận cùng của cái tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy mà bà đã được Chúa ban cho một món qùa: không phải trên đôi tay, mà là một cuộc gặp gỡ ‘diện đối diện’, một cuộc gặp gỡ bằng con tim mà bà đã giành cho Chúa kể từ lúc bà gặp được Ngài. Một cuộc gặp gỡ đầu tiên, nhất là bà được Chúa gọi bằng chính tên của bà “Maria!”.

Khi được gọi tên, thì đó là dấu cho thấy sự thân mật giữa Chúa Giêsu và người đó. Chẳng hạn như tương quan thân tình giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa vị mục tử nhân lành và đòan chiên, người mục tử tốt lành thì nhận biết từng con chiên của mình và Ngài gọi tên từng con một. Như vậy, việc được gọi tên diễn tả sự thân thương, gần gũi, mà đối với những người bình thường không thể có được.

Ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Mađalêna ra thăm mộ Chúa Giêsu để hoàn tất việc mai táng Người. Đây có lẽ là nghĩa cử yêu thương cuối cùng mà bà dành cho Thầy Chí Thánh, Đấng mà bà vẫn hằng tin tưởng và yêu mến. Trong tâm trí bà đang sống lại ký ức về một con người Giêsu đã từng sống, đã từng hiện diện, đã từng làm bao điềm thiêng, dấu lạ và đã từng rao giảng về một Tin mừng tình yêu, nhưng giờ Người đã chết và đã được mai táng trong mồ.

Lòng yêu mến đã hối thúc bà Ma-ri-a Mác-đa-la đến mộ Chúa từ sáng sớm khi trời còn tối. Lòng yêu mến  thúc đẩy bà chạy tìm các môn đệ, và bây giờ sau khi các ông ra về, lòng yêu mến ấy níu chân bà lại bên ngôi mộ trống. Buổi sáng hôm đó, bà đã trải qua bốn tâm trạng khác nhau: lo lắng làm thế nào lăn tảng đá lấp cửa mồ để ướp thuốc thơm cho xác của Thầy, đau buồn vì nghĩ người ta đã lấy xác Thầy, vui mừng vì nhận ra Thầy, và cuối cùng, vinh dự được là người đầu tiên đưa Tin Mừng Phục sinh cho các Tông đồ. Những giọt nước mắt đau buồn đã biến thành niềm vui vỡ òa. Niềm vui ấy không thể giữ riêng trong tim, ghi trong trí, nhưng phải được loan đi, truyền lại cho mọi người: “Tôi đã thấy Chúa!”

Tâm trạng đau buồn và thất vọng của bà được thay thế bằng sự kinh ngạc khi thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mộ và thân xác Chúa Giêsu không còn ở đó. Sự kinh ngạc đó khiển bà không những không nhận ra Chúa, mà còn tường Chúa là người giữ vườn khi Chúa hỏi bà: ‘‘Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” (Ga 20, 15).

Thế nhưng, khi Chúa gọi tên bà bằng một giọng thân quen “Maria”, sự kinh ngạc của bà đã chuyển thành niềm vui, vì tiếng gọi đó không là của của ai khác mà là của Thầy Chí Thánh. Bằng một tiếng gọi thân thương của Chúa, bà Maria đã nhận ra Người là Đấng đã bị đóng đinh, đã chết nhưng giờ đây Người đang sống, đang hiện diện bên bà và sai bà đi loan báo Tin mừng Phục Sinh cho các môn đệ.

Việc Chúa gọi tên Maria Madalena năm xưa còn được giành cho tất cả mọi kitô hữu chúng ta. Chúng ta được Chúa mời gọi để lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, khi đó, chúng ta được gọi tên, được đổi mới từ con người cũ thành con người mới; được nâng lên thành con cái của Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống Phục sinh trong nhiệm thể Đức Kitô. Sự sống mà Chúa Phục Sinh đem lại, sẽ làm cho con người sống đúng vị trí làm người và làm con của Thiên Chúa đến muôn ngàn đời.

Bà Maria Mađalêna nhận lãnh sứ mạng đi loan báo sự phục sinh cho các Tông Đồ.  Trong thực tế, giống như Chúa Giêsu, cách mà được ở cùng với bà không còn giống như trước nữa.  Chúa Giêsu bảo bà:  “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta!”  Người về cùng Chúa Cha.  Bà Maria Mađalêna phải để cho Chúa Giêsu đi và bà lãnh nhận sứ vụ của mình:  đi loan báo với các anh em biết rằng Người, Chúa Giêsu, đã về cùng với Chúa Cha.  Chúa Giêsu đã mở ra con đường cho chúng ta và do đó, một lần nữa, Thiên Chúa ở gần kề chúng ta

Trong những tiếng gọi ấy, Chúa vẫn hiện diện và nhắc nhở ta, nhưng ta có đủ tỉnh thức để sẵn sàng nghe và đáp lại tiếng gọi của Chúa không ? Có khi nào chúng ta đã vô tình không nhận ra Người bởi quá mải mê với những lo toan trần thế, những tham sân si của cuộc đời,...? Thiết nghĩ, chúng ta chưa nhận ra Chúa hoặc gạt đi tiếng gọi của Chúa là vì chúng ta chưa thực sự yêu mến và gắn bó thiết thân với Người. Vì thế, để có thể nhận ra tiếng gọi của Chúa và mau mắn đáp lời như bà Maria Mađalêna, người môn đệ hôm nay cần kiến tạo một tương quan thiết thân với Người.

Ý thức được giá trị cao qúi trên đây, nếu tội lỗi vẫn còn đang làm cho chúng ta vô cảm, u buồn, tuyệt vọng ... thì chúng ta luôn nhớ rằng: Chúa Phục Sinh đang ở bên chúng ta và Ngài gọi tên từng người một. Nếu chúng ta chưa nhận thấy và chưa nghe được tiếng Chúa gọi mình, thì có thể vì chúng ta chưa nhiệt tâm yêu mến Chúa, chưa ước vọng tìm kiếm Ngài như Maria Madalena. Nhưng nếu chúng ta biết tìm kiếm Chúa trong yêu mến thì chắc chắn không ai trong chúng ta phải thất vọng, vì Chúa đang chờ đợi ta. Xin cho tất cả chúng ta trong mùa Phục sinh này được gặp Chúa Phục sinh trong yêu mến và khát khao.

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta thường phải đối diện với rất nhiều tiếng gọi: tiếng gọi của con tim và lương tâm, tiếng gọi của tha nhân, nhất là của những người đau khổ, tiếng gọi của thế gian hay của những đam mê thế tục.

 

 

1426    02-04-2018