Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Sống chứng tá của Tin Mừng

11/07/2019

Thứ Năm Tuần XIV Mùa Thường Niên

St 44, 18-21. 23b-29; 45, 1-5;  Mt 10, 7-15

SỐNG CHỨNG TÁ CỦA TIN MỪNG

          Chúa Giêsu sai các Thánh Tông Đồ đi công bố cho mọi người biết Nước Trời đã gần đến. Đây là tin vui mừng cho những ai đang đợi chờ ngày Thiên Chúa viếng thăm và cứu độ dân Người. Nhưng đối với những ai thờ ơ, dửng dưng, không mong đợi Triều Đại Thiên Chúa thì việc rao giảng của các Tông Đồ sẽ là sự phiền hà, quấy rầy họ. Tuy nhiên, dù người ta có đón tiếp hay không thì các Tông Đồ vẫn cứ rao giảng, vẫn chào chúc bình an cho họ. Bởi vì bổn phận của các ngài là thi hành lệnh truyền của Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, động lực thôi thúc các ngài là lời nhắn nhủ của Thầy Chí Thánh: “các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” (Mt 10, 8b).

          Ta được mời gọi rao truyền Tin Mừng cho mọi người. Đó là bổn phận của người Kitô hữu. Do đó, trong mọi hoàn cảnh, dù người khác sẵn lòng hay dửng dưng, đón nhận hay từ chối, chúng ta vẫn cứ chia sẻ món quà đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không.

          Khi được chuyển trao sứ điệp quan trọng này, các môn đệ cũng được Đức Giêsu ban cho những năng quyền để khắc phục sự dữ (c.8), đồng thời Ngài cũng đòi hỏi người môn đệ phải thật nghèo khó, thanh thoát (c. 9-11), để hết mình phục vụ Nước Trời (c.12-13). “Nước Trời đã đến gần” còn là sứ điệp quan trọng cho con người thời đại hôm nay không? Khi mà trong thực tế, nhiều người như cảm thấy Thiên Chúa rất xa lạ, mơ hồ đối với họ, vì những cảm thức duy thực dụng đã lún sâu trong tâm khảm của họ.

          Đứng trước thảm trạng đau buồn ấy, người môn đệ Đức Giêsu phải làm gì để “Nước Trời” thực sự được hiện diện giữa trần gian hôm nay! Phải chăng đây là sứ mệnh quan trọng và cấp bách, đang hối thúc mỗi chúng ta hãy can đảm mạnh dạn lên đường, để tung gieo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người. Dẫu có những khó khăn và thử thách đang chờ đón phía trước, nhưng chúng ta hãy vững tin vào quyền năng Đức Giêsu, Ngài luôn đồng hành bên chúng ta để thi thố những việc kỳ diệu cho vinh danh Ngài. Điều quan trọng là mỗi chúng ta hãy ý thức “chúng ta đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (c. 8b). 

          Thực thi mệnh lệnh truyền giáo của Thầy Chí Thánh, Giáo hội tiếp tục công bố cho thế giới về Tin Mừng cứu độ. Rập theo kiểu mẫu truyền giáo của Chúa Giêsu, người môn để phải mang trong mình hai chiều kích của mầu nhiệm: Nhập Thể và Vượt Qua. Đó là tiến trình nội tâm hóa Lời Chúa vào chính cuộc đời và dấn thân loan báo Tin Mừng.

          Với việc nội tâm hóa, đời sống người môn trở nên Lời nhập thể để giới thiệu cho thế giới về Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta (Mt 1, 23); với việc dấn thân, người môn đệ vượt qua những khoảng cách về không gian địa lý, không gian tâm lý, vỏ bọc an toàn giả tạo, tinh thần thế tục hóa để tập trung vào Tin mừng cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến. Sự nhất quán giữa hai chiều kích trên mang lại sự nhất quán giữa đời sống và lời rao giảng. Nhờ đó, sứ mạng truyền giáo của người môn đệ trở thành dấu chỉ hữu hình cho thế giới về mầu nhiệm Nước Trời.

          Ta thấy với trọng trách là đem Tin Mừng Chúa đến cho mọi người. Chúng ta đã nhận được biết bao ơn lành từ nơi Thiên Chúa; như sức khỏe, tài năng, trí tuệ, của cải… Nhất là chúng ta đã được diễm phúc biết Chúa là Đấng tạo dựng nên mình. Ngài cũng là người Cha nhân từ đã yêu thương nhân loại và đã cho Con Một Ngài xuống thế cứu chuộc loài người chúng ta. Do vậy chúng ta phải có bổn phận giới thiệu Chúa đến với mọi người sống chung quanh, đó là một đòi hỏi rất cần thiết và quan trọng mà Chúa Giê-su muốn chúng ta phải thi hành.

          Con người hôm nay đang dần giàu lên về nhiều mặt: vật chất, sự hiểu biết, sự hưởng thụ, danh vọng . . . nhưng lại vô cùng nghèo về tình yêu, sự thật và công lý. Thế nên, từ sâu thẳm nội tâm, con người vẫn thật sự khao khát một chiều kích tâm linh đích thực, có thể lấp đầy sự trống vắng của cõi lòng họ. Thế nhưng, người môn đệ Đức Kitô không chỉ giới thiệu về Nước Trời bằng những chân lý mặc khải, nhưng chính một nếp sống đơn sơ, nghèo khó, thanh thoát của người môn đệ sẽ có sức thuyết phục rất mạnh mẽ, vì con người hôm nay “cần chứng nhân hơn thầy dạy”.

          Chỉ khi chúng ta cố gắng sống một đời sống thực thi những điều Chúa Giêsu đã truyền dạy, thì chúng ta mới có thể trở thành những chứng nhân đem Chúa đến cho mọi người được. Nói thì có vẻ dễ, song sống lời Chúa thật khó, Thế nên chúng ta phải biết sống kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su qua việc cầu nguyện và năng rước Ngài vào trong tâm hồn, để nhờ đó Chúa sẽ giúp sức cho chúng ta hoàn thành được sứ mạng quan trọng này.

          Và ta thấy mẫu gương thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một khuôn mẫu cho chúng ta noi theo bắt chước. Tuy rằng ở trong một tu viện kín, nhưng nhờ vào lòng tin yêu Chúa Giê-su một cách thiết tha, kết hợp với những hy sinh hãm mình cho dù rất bé nhỏ, như lau nhà , rửa chén… Nhưng thánh nhân đã làm vì lòng kính mến Chúa có ý cầu nguyện cho công việc truyền giáo chính vì thế mà Chúa đã mở lòng cho  nhiều người  được biết Chúa và gia nhập Hội Thánh!

          Ý thức sứ mạng truyền giáo của chúng ta được biểu lộ cụ thể qua cách sống tràn đầy niềm vui Tin Mừng. Niềm vui thiêng liêng đó thắng lướt mọi tình cảm riêng tư, giúp chúng ta có thể chào chúc bình an cho mọi người ngay cả với những người khó chịu với chúng ta. Để làm được như vậy, chúng ta cần có một sức sống thiêng liêng từ Chúa Giêsu Thánh Thể.

          Qua việc tham dự Thánh Lễ mỗi ngày và những lần viếng Chúa, chúng ta sẽ càng cảm nghiệm rõ hơn tình yêu Chúa dành cho ta. Từ đó, với ý thức đáp trả tình yêu Chúa, chúng ta được thôi thúc đến với tha nhân để giới thiệu Chúa cho họ. Chính khi biết cho đi, chúng ta lại được lãnh nhận nhiều hơn từ nguồn ân sủng dạt dào của Chúa.

 

 

1028    10-07-2019