Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Tuyên xưng đức tin

20/10/2018

Thứ Bảy Tuần XXVIII Mùa TN

Ep 1, 15-23; Lc 12, 8-12

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Đối với các Kitô hữu, chúng ta xưng tụng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Chúng ta cần lắng nghe của lời Ngài chỉ dạy. Vâng nghe theo lời của Chúa Giêsu là bước theo con đường của Ngài đã đi qua.Đường của Chúa là con đường khiêm hạ, con đường sự thật và con đường khổ giá. Khổ giá sẽ tôi luyện niềm tin.

Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Ngài được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ, để đến được nhà thờ thì chỉ còn ngủ… Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao.

Đứng trước những cám dỗ của thời đại này, cũng có những lúc, chúng ta cũng có những lần chối Chúa, cũng có những lúc chúng ta như bỏ đạo, khi chúng ta lao mình vào trong những cuộc vui chơi giải trí với bạn bè, mà quên đi ngày lễ Chúa Nhật, thậm chí quên đi mình là một Kitô hữu, khi tôi bán rẻ lương tâm trong việc tham nhũng, khi lỡ lầm mà đã đi đến chỗ hủy hoại đi một mầm sống, và cũng có những lúc chúng ta bon chen vào những việc làm tội lỗi, vì có tiền và kiếm được nhiều tiền mà tôi đã quên hẳn đi tôi là môn đệ của Đức Kitô "người môn đệ công chính".

Chúa Giêsu đặt điều kiện: "Ai tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa". Vả lại, các ông không phải đơn độc trong gian nan, thử thách, vì có Thánh Thần luôn hiện diện với các ông. Thánh Thần sẽ dạy cho các ông phải nói gì khi bị điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu khẳng định rằng: Ai tuyên xưng Ngài trong cuộc sống hôm nay, Ngài sẽ không quên họ trong cuộc sống mai sau. Muốn tuyên xưng Chúa đòi hỏi ta phải có đức tin mạnh mẽ và có lòng cậy trông vững vàng. Chúa mong muốn ta đưa Chúa đến cho mọi người bằng những công việc và những hành động cụ thể thiết thực chứ không chỉ bằng môi bằng miệng.

Niềm tin vào Chúa Kitô không phải là học hiểu một số kiến thức, tỏ lòng sùng mộ hay việc cử hành một số nghi lễ, mà chính là sống niềm tin của mình trong cuộc lữ hành trần thế. Chúng ta phải sống đức tin trưởng thành mà chúng ta đã được lãnh nhận qua các Bí Tích trong Hội Thánh. Đức tin là ánh sáng soi đường dẫn chúng ta bước theo gót Chúa Kitô. Thánh Giacôbê tông đồ đã phát biểu rằng: Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết (Gc 2, 17). Lời nói đi đôi với việc làm. Người ta nói: Lời nói mây bay, gương bày lôi kéo. Đời sống đức tin được thể hiện qua cách sống đạo hằng ngày trong ý tưởng, lời nói và việc làm.

Truyền giáo không phải là việc tuyên truyền hay mua chuộc, cũng không phải là áp đặt một cách tinh vi, nhưng truyền giáo là hát lên niền vui chất chứa trong lòng mình, là ca lên bài ca tình yêu thương muôn đời của Thiên Chúa.

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, và tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội đều nhằm mục đích loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc. Vì vậy chúng ta có bổn phận trao ban Chúa Giêsu cho con người hôm nay, nhưng trước hết chính mỗi người chúng ta phải tràn đầy Chúa, vì nếu có Chúa trong lòng, chúng ta mới có thể cho được.

          Chúa Giêsu khẳng định rằng: Ai tuyên xưng Ngài trong cuộc sống hôm nay, Ngài sẽ không quên họ trong cuộc sống mai sau. Muốn tuyên xưng Chúa đòi hỏi ta phải có đức tin mạnh mẽ và có lòng cậy trông vững vàng. Chúa mong muốn ta đưa Chúa đến cho mọi người bằng những công việc và những hành động cụ thể thiết thực chứ không chỉ bằng môi bằng miệng.

Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Đặc biệt, có khi vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức. Đó là chúng ta vừa không tuyên xưng Chúa, vừa gián tiếp chối đạo.

Chúa Giêsu đến, Người bắc cây cầu qua cái hố sâu tội lỗi đó là thập giá, được làm bằng chất liệu gỗ khiêm nhường và vâng phục. Để từ đây, con người muốn qua gặp gỡ Thiên Chúa, muốn vào nước trời thì phải đi trên cây cầu thập giá này, bởi: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Tin mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta từng bước trên con đường thập giá mà đạt đến ơn cứu độ bằng việc: Từ bỏ và vác thập giá theo chân Chúa Giêsu.

Các thánh Tử Đạo ngày xưa chấp nhận hy sinh, thay vì nghe lệnh vua quan mà chà đạp lên thập giá, các ngài đã chấp nhận ôm lấy thánh giá và vác đi, là hy sinh, chịu thử thách và chấp nhận bỏ mình tuyệt đối kể cả mạng sống để theo Chúa đến cùng.

Lối sống thực dụng hôm nay dễ làm ta quên Chúa. Ta không chối Chúa trực tiếp như Phêrô đã chối Chúa, nhưng lại chối Chúa một cách gián tiếp để biện hộ cho những lầm lỗi, cho những hoàn cảnh, cho miếng cơm manh áo, cho sự thăng tiến bản thân và bộn bề của cuộc sống. Tuy ta chối bỏ và lãng quên Chúa nhưng Ngài vẫn một mực yêu thương và mong đợi ta trở về. Ta hãy từ bỏ tất cả để chạy đến với Chúa và làm chứng cho Chúa bằng những công việc cụ thể và thiết thực nhất.

Xin Chúa cho chúng ta ngày hôm nay, dù không phải đổ máu và chết đi cách trực tiếp vì sự bách hại công khai không còn nữa. Nhưng vẫn còn đó những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo Hội mà giữ lễ luật Chúa, để mai ngày chúng ta cũng được hợp với chư thánh Tử Đạo là cha ông của chúng ta trên trời.

 

 

481    19-10-2018