Sidebar

Thứ Tư
08.05.2024

Vì sao tiền lại mê hoặc đến như vậy?

 

Tác giả quyển sách “Tiền, là chủ hay đầy tớ?” (L’Argent, maître ou serviteur?” nxb. Mame), Nhà kinh tế học Pierre de Lauzun giải thích về nghịch lý của tiền bạc. Trong một xã hội mà mọi thứ đều bình đẳng, tiền là công cụ không có giá trị nội tại nhưng lại ngang hàng với Chúa. Thách thức của người khôn ngoan là dùng tiền như một phương tiện, chứ không phải là điều tuyệt đối.

Có một bí ẩn về tiền bạc. Đó là một cái gì không có giá trị tự chính nó, thậm chí thuần túy chỉ là một quy ước xã hội, nó không những thống trị xã hội chúng ta, mà còn làm mê hoặc nhiều người trong chúng ta. Nhưng đồng thời, chúng ta không thể sống không có nó. Vậy làm thế nào để đặt nó cho đúng chỗ?

Tiền trong Phúc âm

Các sách Phúc âm nói nhiều về tiền bạc. Và không phải chỉ nói xấu. Trong dụ ngôn các nén bạc (Mt 25, 14-30), ông chủ đã trách cứ người hầu đã không biết sinh lợi đồng tiền được giao. Tiền không được ngủ! Chúa Giêsu còn đi xa hơn trong dụ ngôn người quản lý bất lương (Lc 16, 1-8): để bảo đảm đời sống của mình sau khi bị đuổi việc, người quản lý còn ăn cắp thêm của chủ, vậy mà Chúa lại ca ngợi mưu mẹo của ông: không phải khen sự bất lương, nhưng khen trí thông minh của ông trong vấn đề tiền bạc.

Thế mà bản văn này lại đặt Chúa và Tiền bạc đương đầu với nhau: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ” (Mt 6, 24). Nói rộng hơn, đứng trước tiền bạc mà nó có thể hư mất và mọi hệ lụy vật chất đi kèm, Chúa Giêsu kêu gọi sự vô tận của đời sống vĩnh cửu, một đời sống không hư mất. Chính ở đời sống phong phú này mà chúng ta phải dốc hết sức lực, để không bị mê hoặc bởi của cải thế gian: “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi (Lc 6, 24). Dứt khoát chúng ta phải dùng tiền, nhưng phải dùng khôn ngoan. Đó là lời khuyên cuối cùng của dụ ngôn người quản lý bất lương: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16, 9). Tiền chỉ là một phương tiện.

Nhất là đối với đời sống vĩnh cửu, một đời sống bắt đầu với các việc bác ái. Và nếu chúng ta để mình bị tiền bạc chiếm lấy, để nó làm mê hoặc thì chúng ta đánh mất điều thiết yếu.

Một quy ước thuần túy

Cái gì đã mang đến cho tiền bạc một sức mạnh như vậy? Tiền bạc là công cụ phổ biến để trao đổi. Nó được thiết lập để là đại diện tổng thể, trung lập, có trong giá trị kinh tế. Nhưng không có gì xây dựng trên nó, nhất là từ khi nó không còn mối liên hệ với kim loại quý; nó không có một giá trị nội tại nào. Tiền chỉ thuần túy là một quy ước xã hội, có thể bị triệt tiêu trong chốc lát. Nhưng làm thế nào một quy ước thuần túy lại có một vai trò như thế trong xã hội? Làm thế nào một cái gì được cho là rút từ giá trị trung lập của nó lại được thèm khát, bị mê hoặc đến như vậy? Bởi vì dường như nó mở cửa vào cho tất cả mọi chuyện? Hơn nữa, nhất là ở thời buổi chúng ta, nó cho phép một số người cảm thấy tự do vì giải thoát được sức nặng của mối quan hệ giữa con người: tôi trả tiền, vậy tôi ra đi. Nhưng đối với một số người, nó là yếu tố chính của sự phi nhân hóa, làm giảm mọi thứ và chỉ quy vào giá trị kinh tế của nó. Làm thế nào một công cụ lại có thể tạo ra các hiệu ứng ngược nhau như vậy?

Chúa hay Thần Tài

Câu trả lời ở trong chọn lựa tận căn: Chúa hay Thần Tài. Ở vị trí trọng tâm, khi đánh giá tất cả những gì tồn tại và có thể có được, tiền có thể đứng lên đối diện với Chúa. Nhưng trong khi Chúa là viên mãn của Tồn tại và Tình yêu, thì chính sự không xác định rõ của Ngài, như thế là tự hư vô của Ngài, mà tiền bạc chiếm chỗ trung tâm. Nó có thể mang lại ảo ảnh của một sự tự do hoàn toàn, với hình ảnh ngược với sự khiêm tốn của con người đứng trước Đấng Tạo Dựng. Vì thế một cách nào đó, chúng ta có chọn lựa thiết yếu giữa Tồn tại và hư vô. Bí ẩn của tiền bạc, chính trong cơ bản nghịch lý xem nó là công cụ không có giá trị nội tại, nhưng lại có một sức mạnh mê hoặc tác động trên con người, đặt nó đối diện với Chúa. Vì thế mới có sự cảnh tỉnh trong tinh thần phúc âm: không được để tiền bạc làm chủ, nhưng dùng nó để chuẩn bị cuộc sống trong Chúa, cuộc sống vĩnh cửu. Nhận thức được vai trò phụ và phù du này của tiền, đó là chuẩn bị cho sự giải phóng của chúng ta.

Sức mạnh của hư vô

Ngày nay câu hỏi này thật sự gay gắt. Trong các xã hội theo chủ thuyết tương đối của chúng ta, không có gì có giá trị chung, không có tuyệt đối, tiền bạc thường chỉ là trọng tài phân xử giữa các ước muốn này ước muốn kia. Từ đó mới có vai trò trọng tâm của nó. Bởi vì nếu trong một xã hội chúng ta nghĩ điều tuyệt đối duy nhất là tính tương đối của mọi sự, thì cuộc tranh luận công khai không còn nói về giá trị thực sự của con người, nhưng vì chúng ta vẫn còn cần một công cụ chung để định giá. Công cụ đó là tiền bạc. Thì không cần đi sâu vào mọi sự, không cần mối quan hệ giữa con người với nhau, ngay cả cũng không cần nói chuyện với nhau: một con số là đủ, giá cả. Theo cách của mình, nó thay thế mối quan hệ xã hội. Nhờ tiền bạc, trong các sự việc, chúng ta có thể qua mặt các giá trị xã hội và đạo đức, nhân danh cái gọi là tự do cá nhân để biến nó thành điều tuyệt đối. Nhưng nếu nói theo tinh thần phúc âm, mối quan hệ giữa con người là phản ánh tình yêu của Chúa, chọn lựa tiền được hiểu như vậy là phá hủy mối quan hệ này, và qua đó là hình ảnh của Chúa, và hình ảnh của chính con người. Đó là chọn lựa hư vô.

Đồng thời, theo bài học phúc âm, tiền bạc tự nó không đáng lên án nhưng phải biết đặt nó đúng chỗ. Điều này trước hết cho phép chúng ta giải phóng bản thân khỏi sự mê hoặc và khôi phục các mối liên hệ đúng với những gì xung quanh chúng ta. Tiền này, phải được sử dụng, được huy động, nếu không thì nó thành vô dụng; nó được làm để luân lưu. Theo một nghĩa nào đó, nó chỉ tồn tại bằng cách xóa đi ngay, bởi vì nó được làm để phục vụ. Nhất là để cho.

“Tiền, là chủ hay đầy tớ?” (L’Argent, maître ou serviteur?” nxb. Mame, 2019).

Marta An Nguyễn dịch

706    02-12-2019