LỜI ĐÃ Ở GIỮA CHÚNG TA

  • Lời đã ở giữa chúng ta

Đó là Tin Mừng về Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình đối với  chúng ta nơi Đức Giêsu thành Nadareth,

Đấng:

là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình,

là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo (Col 1,15)

là gương mặt nhân tính của Thiên Chúa, sự trong suốt toàn hảo của Ngài,

là phản ánh vẻ huy hoàng,

là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa,

là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật (Dt 1,3)

Đó chính là tình yêu của vị Thiên Chúa có khuôn mặt con người và đã yêu thương chúng ta đến cùng (x Ga 13,1). Người đã mặc lấy những nét đặc trưng của bản tính nhân loại, gồm có sự thuộc về một dân tộc nhất định và một lãnh thổ nhất định. Được sinh ra bởi một người Mẹ Đồng Trinh trong một thôn xóm nhỏ bé tại Bêlem, Người cũng yếu đuối như bất cứ một trẻ nào khác, và còn chịu số phận của một kẻ tị nạn lẩn trốn cơn lôi đình của một kẻ cầm quyền tàn nhẫn (x. Mt 2,13-15). Người vâng phục cha mẹ là những con người, không phải luôn hiểu được đường lối của Người, nhưng Người tin tưởng và yêu mến vâng phục (x. Lc 2,41-52). (x Th hậu THĐ GH tại Á Châu, số 11)

Người đã mặc khải và thông ban cho chúng ta trong các cử chỉ mang tính người, trong những lời âu yếm của con người nơi Đức Giêsu – mà thánh Gioan Tông đồ – từ cảm nghiệm bản thân được gặp Đức Giêsu và đi theo Người (x Mc 1, 18-19), được dựa đầu vào trái tim Người (x Ga 13, 25) đã xác tín sâu xa và khẳng định với chúng ta rằng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật ” (Ga 1,14).

  • Lời đã ở giữa chúng ta

Không như “cột mây, cột lửa” của thời xuất hành để hướng dẫn Israel băng qua sa mạc trong một thời gian nhất định rồi chấm dứt (x Xh 13,21-22)! Nhưng khi “Lời ở giữa chúng ta”, Người đã đi sâu một cách độc nhất và triệt để vào mầu nhiệm con người, vào con tim của nhân loại; và cũng chỉ duy nhất có Người, có thể đi xuống các vực sâu lầm than của chúng ta, giải quyết những bi kịch của con người thời nay và cho đời sống họ một ý nghĩa, một hướng đi – bằng chính cuộc sống dương thế của Người, để ai đặt nền tảng cuôc sống trên Đức Giêsu thì thực sự xây dựng đời mình một cách chắc chắn và bền vững như ngôi nhà dựng xây trên đá (x Mt 7,24-25), như Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “Khi chiêm ngắm Đức Giêsu trong bản tính nhân loại của Người, chúng ta gặp được câu trả lời cho tất cả những câu hỏi sâu sắc nhất, hy vọng của chúng ta  được hoàn thành, nhân phẩm của chúng ta được nâng cao và sự ngã lòng của chúng ta được vượt thắng. Đức Giêsu là Tin Mừng đối với các người nam nữ của mọi thời đại và mọi nơi chốn, trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu và sự thật về bản tính nhân loại của mình” .

Thật vậy, bất cứ ai chân thành mở ra để chấp nhận Lời ở giữa họ, thì nơi ấy bắt đầu xuất hiện một sự thay đổi tận căn, vì “những ai đón nhận Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Đón nhận Lời có nghĩa là để cho Người uốn nắn trở nên đồng hình đồng dạng với Người (x Pl 3,10) và được tham dự vào sự sống viên mãn của Người.

  • Lời đã ở giữa chúng ta

Người đã sống gần kẻ nghèo, kẻ bị bỏ rơi và thấp bé, Người tuyên bố họ thật sự có phúc, vì Thiên Chúa ở với họ; Người ăn uống với kẻ tội lỗi, bảo đảm với họ rằng tại bàn ăn của Cha có chỗ cho họ, khi họ từ bỏ đường tội lỗi và trở về với Người…; Người đụng chạm tới kẻ ô uế và cho phép họ đụng chạm tới mình, Người cho họ hiểu rằng Chúa ở gần họ… Người đón tiếp những trẻ nhỏ, người bệnh tật, người què, người mù, người điếc và người câm tất cả đều được chữa lành và được ơn tha thứ khi tiếp xúc với Người…  (x Th hậu THĐ GH tại Á Châu, số 11).  Lòng thương xót của Thiên Chúa trở thành hiện thực khi Lời đã ở giữa chúng ta

Như thế, trong Đức Giêsu, chúng ta khám phá sự cao cả và phẩm giá của mỗi con người trong con tim Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người giống hình ảnh của Người (x. St 1,26); đồng thời việc hiểu biết Đấng Cứu độ “đã ở giữa chúng ta” (Ga 1,14) “là chìa khoá quan trọng giúp hiểu rõ hơn về ý định của Chúa Cha hằng hữu và tình yêu bao la của Người đối với mọi loài thụ tạo: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).(x Th Hậu THĐ Giáo Hội tại Á Châu, số 5)

Cảm nhận được tình yêu và sự hiện diện của Đức Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế, mời gọi, thức tỉnh chúng ta thuộc về cuộc đời và sứ vụ của Người, với những thao thức của Người: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy ước mong phải chi lửa ấy chày bùng lên” (Lc 12,49); “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn này, Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10, 16)…  Từ Hồng ân Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được liên kết mật thiết với sứ vụ của Đức Giêsu. Vì thế, chúng ta can đảm cùng dấn thân sống theo lối sống của các Tông đồ, những người đã rao giảng và là chứng nhân đích thực của Đức Giêsu Phục sinh, nhờ sức mạnh của Thần Khí đổ trào tràn trong ngày lễ Ngũ Tuần (x Cv 2,1-4).

Chúng ta đừng sợ! Vì Đức Giêsu cũng sẽ ban Thần Khí của Người cho chúng ta, làm cho chúng ta có khả năng loan báo hữu hiệu Lời khắp nơi trên thế giới (x Ga 14,26). Đây chính là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, họ đã thấy Lời được truyền bá nhờ việc rao giảng và làm chứng (x. Cv 6,7).

Kết:

 “Lời đã ở giữa chúng ta”

Mừng Mầu nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế của Đức Giêsu hôm nay nhắc chúng ta nhớ rằng, vì Thiên Chúa quá yêu thương chúng ta như thế, nên mọi khoảnh khắc của cuộc sống đều rất quan trọng và phải được sống cách ý thức sâu đậm vì Tin Mừng và theo cung cách của Tin Mừng. Theo gương các Tông đồ, chúng ta chuyên cần cầu nguyện với Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu, Trinh Nữ  của sự lắng nghe, Thân Mẫu của Lòng Thương Xót, Mẹ vừa là thầy dạy đời sống nội tâm, vừa là bổn mạng các vị thừa sai, là “ngôi sao sáng của việc loan báo Tin Mừng” (ĐGH Paulo VI), giúp chúng ta sống triệt để ơn gọi của người Kitô hữu, là đâm rễ sâu trong kinh nghiệm về Thiên Chúa xuất phát từ một đức tin sống động, nhờ việc trung thành nghe Lời Chúa, cầu nguyện và chiêm ngưỡng, cử hành mầu nhiệm Đức Giêsu trong các bí tích, nhất là trong bí tích Thánh Thể, và nêu gương về sự hiệp thông đích thật và yêu thương trọn vẹn, để loan báo cho mọi người biết:

Chúng tôi đã gặp Đức Giêsu:

Ngôi Lời Hằng Hữu,

“đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,

vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,

là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật…

Từ nguồn sung mãn của Người,

 tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,14.16).

Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Phượng