Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Lời mời gọi sám hối.

14/01/2019

Thứ Hai Tuần I Mùa Thường Niên 

 BÀI ĐỌC I: Dt 1, 1-6; Mc 1, 14-20

LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI

          Tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa; không ai xứng đáng được ơn cứu độ… Chính vì thế cần phải ăn năn sám hối quay trở về với Thiên Chúa để được thứ tha và trở thành công dân Nước Trời. Thân phận con người yếu đuối, tội lỗi, nên việc sám hối, sửa mình là điều cần thiết mà mỗi người phải ưu tiên thực hiện từng ngày từng giờ trong cuộc sống, luôn luôn phải bắt đầu lại ngay hôm nay để có một ngày mai tốt đẹp. Và như vậy, bắt đầu công việc rao giảng, sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giêsu gởi đến cho mọi người là: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15).

          Lòng hối cải của con người ta thường bắt đầu với sự đánh động từ thẳm sâu của Thiên Chúa, nói một cách khác chính ân thánh của Thiên Chúa biến cải tâm hồn và làm cho con người tìm về đàng ngay nẻo chính. Tiếp đến là một đoạn tuyệt, cắt đứt với đời sống dĩ vãng, cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, con người được tái tạo trong ân thánh. Dân thành Ninivê đã nhận lấy lời cảnh cáo của sứ giả Thiên Chúa, đã ăn năn sám hối và chắc hẳn đã cải bỏ nếp sống lăng loàn cũ để bắt đầu cuộc sống mới trong đức tin vào Thiên Chúa.

          Chúa Giêsu gọi các môn đệ của mình “ăn năn sám hối" (Mc 1, 15).  Sám hối là đi từ đời sống tội lỗi sang đời sống con cái Chúa, từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ chán nản đến vui mừng, từ bóng tối ra ánh sáng. “Sám hối vì nước Thiên Chúa đã gần đến” (Mc 1, 15) vẫn luôn có tính chất thời sự của Tin Mừng. Quyết tâm sám hối trở về cùng Chúa là con đường dẫn đưa Giáo Hội đến sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn vào thời kỳ Thiên Chúa thiết định.

          Sám hối là điều kiện căn bản để trở thành môn đệ của Chúa. Khi sám hối, chúng ta khiêm tốn nhìn nhận những sai sót lỗi lầm của mình, đồng thời hứa với Chúa sẽ thay đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn. Ý thức thân phận tội lỗi và những khuyết điểm yếu kém nơi bản thân, chúng ta sẽ có cái nhìn quảng đại và bao dung hơn đối với người khác.

          Sám hối chân thành bao giờ cũng đi đến đổi mới cuộc đời. Vì sám hối là muốn đoạn tuyệt với con đường xưa cũ để bước vào một con đường mới. Vì tâm hồn sám hối không những muốn sửa chữa lại những lỗi lầm quá khứ mà còn quyết tâm xây dựng một tương lai tươi mới,trong sạch hơn, tốt đẹp hơn, ích lợi hơn. Vì muốn hoàn toàn đổi mới, Thảo Đàn không chỉ tránh xa nhưng còn dấn thân giúp người khác đâú tranh chống tệ nạn xã hội. Vì muốn đổi mới cuộc đời, các tông đồ đã từ bỏ nếp sống cũ, từ giã những người thân, bỏ hết tài sản để lên đường đi theo Chúa. Con đường mới là con đường theo thánh ý Chúa, con đường dẫn ta đi trong tình yêu mến Chúa và yêu mến anh em. Tình yêu mến sẽ làm cho đời sống ta có ý nghĩa và trở nên phong phú vì sẽ đem lại những hoa quả thiêng liêng. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ đón nhận được Nước Chúa đang đến. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ góp phần đem Nước Chúa đến với anh em.

          Để sám hối cần phải nhận ra tội lỗi của mình : Tội là sự xấu xa làm cho ta mất liên lạc với Chúa và tha nhân. Tội có thể trong tử tưởng, lời nói hoặc việc làm. Để sám hối, hối nhân phải ý thức và chấp nhận mình có tội như nội dung Kinh Thú Nhận :“lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.” Nhưng trong thực tế, để nhận ra tội lỗi của mình không phải là chuyện dễ dàng. Con người thường có khuynh hướng đổ lỗi cho kẻ khác. Ngày xưa, ông Adong đã đổ tội cho bà Evà. Bà Evà lại đổ tội cho con rắn. Ngày hôm nay, cha mẹ – con cái, vợ – chồng, cấp trên – cấp dưới, ngày này – người khác…thường đổ lỗi cho nhau. Ít khi người ta can đảm để nhận trách nhiệm về mình. Vì cái tôi của người ta lớn quá. Vì người ta mất ý thức về tội. Vì vậy, người ta khó thực hành việc sám hối ăn năn.

          Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần, con người được mời gọi sám hối và tin  vào Tin Mừng. Nước Thiên Chúa dành cho những ai có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Thế gian đầy dẫy những dối trá và bất công. Con Thiên Chúa xuống trần mang bình an và hy vọng cho con người và tẩy trừ mọi tội lỗi.

          Khi bước đi theo Thầy Giêsu, ta được mời gọi từ bỏ lối sống cũ để sống và làm chứng cho một Tình yêu hiến tế. Các môn đệ đầu tiên đã được chọn gọi không phải vì các ông tài ba xuất chúng hứa hẹn làm nên sự nghiệp nhưng chỉ vì tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Các ông chỉ là những ngư phủ suốt ngày lưới cá kiếm sống nhưng khi được Thầy gọi, các ông đã lập tức bỏ chài lưới lại, bỏ cha mình lại trên thuyền để theo Thầy Giêsu. Ta tự hỏi, các ông sẽ được gì khi dám bỏ mọi sự để theo Thầy. Các ông đã biết gì về Thầy và con đường Thầy đi để dám bước theo? Chỉ một lời hứa của Thầy thôi hay vì chính hấp lực nơi Thầy Giêsu đã cuốn các ông đi vào con đường mà chính các ông cũng không biết rõ. Ơn gọi quả là một mầu nhiệm.

          Hành trình sám hối không phải chỉ là một giai đoạn nhất thời, nhưng nó luôn gắn kết chặt chẽ trong cuộc sống những người học trò của Đức Giêsu. Sám hối và sống tinh thần từ bỏ là điều chúng ta phải thực hành cho đến chết, bởi vì cái tôi ích kỷ luôn mãi đeo bám, khiến chúng ta phải quyết tâm và cũng phải canh tân quyết tâm đó mỗi ngày. Thánh Tôma Aquinô còn nói một cách hơi cường điệu rằng, khi chúng ta chết đi, 15 phút sau, cái tôi ích kỷ đó mới chết hẳn.

          Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng là sứ điệp Chúa gửi đến mỗi gia đình. Các bậc cha mẹ cần phải nhìn lại đời sống mình mỗi ngày, từ đời sống đạo đức đến công việc và cách làm ăn, từ tương quan vợ chồng đến các con. Những gì đang làm cản trở gia đình chúng ta trở thành cộng đoàn Nước Trời, ta cần mạnh dạn thay đổi. Chúng ta hãy mạnh dạn thay đổi cách sống, cách suy nghĩ và cách cư xử để gia đình thực sợ trở thành một tổ ấm, thành Nước Trời. Hãy thay đổi cách làm ăn gian dối để thay vào đó bằng sự thật thà ngay thẳng; thay sự nóng nảy tự ái bằng hiền hòa và quan tâm đến nhau; thay bạo lực bằng tình yêu và sự tha thứ, vì đang có những gia đình rơi vào cảnh căng thẳng rạn nứt chỉ vì những vấn đề rất nhỏ, nhưng không bên nào chịu nhận phần sai lỗi về mình.

          Thiên Chúa luôn giang rộng vòng tay ôm ấp cả vũ trụ này, trong đó có cả người tốt và người chưa tốt, người công chính và các tội nhân. Ngài luôn mời gọi con người hãy canh tân hối cải. “Hãy sám hối và tin vào Phúc âm”, đó là lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu, khi Người khởi sự công cuộc loan báo Tin Mừng. Tin vào Phúc âm là tin vào Chúa Giêsu, để rồi nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha.

          Ước gì chúng ta biết lắng nghe lời rao giảng của Chúa để sám hối từng ngày và canh tân đổi mới cuộc đời. Xin Chúa giúp chúng ta sống xứng đáng trở nên môn đệ của Chúa Kitô.

1794    13-01-2019