Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Tản mạn về Phục Sinh - 2

(7). Phần còn lại của 40 ngày

A. Chắc chắn Chúa Giêsu còn tiếp tục có những cuộc hiện ra khác với các môn đệ. Thánh Luca chứng tỏ điều này trong Công Vụ khi ngài viết tại 1:3: Có nhiều bằng chứng cho thấy sau cuộc khổ hình, Người cho họ thấy Người bằng cách hiện ra với họ trong 40 ngày, và nói với họ về Nước Thiên Chúa.

 

B. Trong thời gian trên, có lẽ có một lần hiện ra như đã được Thánh Mátthêu (Mt 28: 16tt) và Thánh Máccô (Mc 16:14tt) ghi lại. Lần hiện ra này diễn ra trên “ một đỉnh núi ở Galilê”. Thánh Máccô viết thêm: họ đang nằm ở bàn ăn. Vì thế, ta có thể gọi lần hiện ra này là (cuộc hiện ra thứ mười một). Chính ở lần hiện ra này, Chúa Giêsu trao nhiệm vụ lớn cho họ. Dù bản văn của Thánh Máccô xem ra muốn hàm ý rằng Chúa Giêsu lên trời từ đỉnh núi này, nhưng một kết luận như thế có hơi vội vã vì Thánh Máccô chỉ muốn nói rằng Chúa Giêsu chỉ lên trời “sau khi đã nói với các ông” (Mc 16:19).

 

Hiển nhiên, Chúa Giêsu cũng đã bảo họ trở lại Giêrusalem, ít nhất cũng vào khoảng cuối thời kỳ 40 ngày. Ở đó, họ sẽ tham dự Lễ Ngũ Tuần. Ta có thể tưởng tượng còn nhiều cuộc hiện ra thường xuyên nữa với những giáo huấn liên tục, vì Thánh Luca ghi lại rằng Chúa Giêsu “ở lại với họ”. Phần lớn những lần hiện ra và giáo huấn này đã không được ghi lại. Trong Công Vụ, Thánh Luca viết rằng: Và trong khi ở với họ, Người dặn các ông không được rời Giêrusalem, nhưng phải đợi lời hứa của Chúa Cha, một lời hứa được Người cho hay “các con đã nghe từ Thầy, là Gioan rửa bằng nước, nhưng ít ngày nữa, các con sẽ được rửa bằng Chúa Thánh Thần” (Cv 1:4).

 

(8). Lần hiện ra cuối cùng và lên trời:

A. Sau 40 ngày hiện ra và giáo huấn, ta có trình thuật sau cùng về cuộc hiện ra sau hết (cuộc hiện ra thứ mười hai) theo đó, Người dẫn họ tới một nơi gần Bethany, dặn dò họ lần sau cùng là chờ đợi ở Giêrusalem cho tới khi Chúa Thánh Thần được sai tới. Và rồi Người được nâng lên trời ngay trước mặt họ (Lc 24:50-53; Cv 1:1-11).

 

Đó là trình tự rất có thể có và theo thứ tự thời gian của các cuộc hiện ra sau phục sinh, một tổng hợp nhằm gom lại mọi dữ kiện và trình bày chúng theo một thứ tự hợp luận lý. Dĩ nhiên, ta không thể chờ mong một trình thuật Thánh Kinh hoàn toàn viết theo một khung thời gian và trình tự hợp luận lý, vì các bản văn Thánh Kinh vốn chủ yếu không có ý định này.

 

Như trên đã nói, Sách Thánh là các trình thuật có lọc lựa, dựa trên câu truyện hơn là theo phương thức viết lịch sử ngày nay, một phương thức có tính báo chí. Sách Thánh thường thu thập các lời nói và việc làm của Chúa Giêsu quanh một chủ đề thần học nào đó, hơn là theo một dòng thời gian chính xác. Các sách Tin Mừng không có ý tường thuật thấu đáo mọi điều Chúa Giêsu nói và làm trong hết mọi chi tiết chính xác của chúng (xem Ga 20:30; 21:25). Đúng hơn, các soạn giả Tin Mừng chọn lựa những gì phù hợp với mục tiêu thần học của họ.

 

Tuy nhiên, dù biết thế, ta vẫn phải biết rõ rằng các sách Tin Mừng đều là các trình thuật lịch sử, theo nghĩa chúng thuật lại những điều Chúa Giêsu thực sự nói và làm (xem Dei Verbum số 19).

V. Cách tính ngày lễ Phục Sinh hằng năm


Nói đến Công Đồng Nixêa năm 325, người ta thường chỉ nghĩ tới Kinh Tin Kính bất hủ của Công Đồng này, tức công đồng đầu tiên của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, nếu ta không coi công đồng Giêrusalem do Thánh Phêrô triệu tập tại Giêrusalem là một công đồng theo nghĩa sau này. Thực ra, công trình tài tình của Công Đồng Nixêa còn bao gồm công thức tính ngày lễ Phục Sinh hằng năm, một công thức, vẫn còn được sử dụng cho tới tận thời đại khoa học tiến bộ ngày nay.

Thực vậy, Công Đồng này ấn định Lễ Phục Sinh rơi vào Chúa Nhật sau trăng tròn vượt qua, nghĩa là trăng tròn vào hay sau ngày xuân phân. Nhưng công thức này không được áp dụng trong nhiều thế kỷ. Giáo Hội Rôma vẫn sử dụng cách tính riêng của mình cho mãi tới thế kỷ thứ sáu.

Tại sao lại chọn ngày trăng tròn vượt qua? Vì đó là ngày Lễ Vượt Qua theo lịch Do Thái, và Bữa Tiệc Ly diễn ra vào ngày Lễ Vượt Qua này. Do đó, Lễ Phục Sinh là Chúa Nhật Sau Lễ Vượt Qua. Tuy nhiên, trong những năm như 2008, các Kitô hữu Tây Phương mừng Lễ Phục Sinh trước khi người Do Thái mừng Lễ Vượt Qua. Thành thử, ta nên để ý một điều không được nhắc đến trong công thức trên, đó là chính Lễ Vượt Qua.

Công Đồng Nixêa đưa ra công thức trên để tách việc Kitô hữu mừng việc Phục Sinh của Chúa Kitô ra khỏi việc người Do Thái mừng Lễ Vượt Qua. Dù Lễ Phục Sinh và Lễ Vượt Qua có liên hệ với nhau về lịch sử và thần học, nhưng Công Đồng Nixêa tuyên bố rằng mối liên kết ấy đã kết liễu với sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô; Người là Chiên Vượt Qua mới, mà chiên hy tế trong Lễ Vượt Qua chỉ là một biểu tượng. Biểu tượng này tìm được sự ứng nghiệm của nó trong lễ hy sinh của Chúa Kitô trên Thánh Giá; việc tiếp tục mừng Lễ Vượt Qua của Do Thái không còn ý nghĩa nào nữa đối với các Kitô hữu, vì Chúa Kitô hiện là Chiên Vượt Qua của chúng ta.

Giáo Hội ước tính một ngày gần ngày trăng tròn vượt qua, nhưng ngày này có thể rơi vào những ngày khác nhau tùy theo các vùng thời gian khác nhau, nghĩa là ngày Lễ Phục Sinh có thể khác tùy vùng thời gian nơi bạn sống. Để dễ tính, ngày trăng tròn luôn được ấn định vào ngày 14 của tháng mặt trăng (tháng mặt trăng bắt đầu với ngày trăng mới). Ngày xuân phân năm nay rơi vào ngày 20 tháng Ba (giống như Nixêa hồi ấy) (Bán cầu là thu phân). Nhưng việc này cũng thay đổi. Năm 2007, nó là 21 tháng Ba. Các giáo phụ xưa đã điều chỉnh việc này bằng cách định nghĩa lại ngày trăng tròn. 

Các ngài quyết định rằng Ngày Trăng Tròn Vượt Qua (TTVQ) sẽ không phải là ngày trăng thiên văn nhưng là Ngày Trăng Tròn Giáo Hội (TTGH), một ngày có thể ấn định trước được. Từ năm 325, các nhà thiên văn đã ước tính các ngày TTGH cho Giáo Hội và Lễ Phục Sinh được ấn định là Chúa Nhật sau ngày TTGH thứ nhất sau 20 tháng Ba. Và ngày này là ngày được chỉ định là ngày xuân phân, bất kẻ nó có thật là ngày xuân phân hay không.

Ngày Phục Sinh có thể là bất cứ Chúa Nhật nào từ 22 tháng Ba tới 25 tháng Tư! Nhưng nó luôn là Chúa Nhật thứ nhất sau ngày Trăng Tròn đã tính vào hay sau ngày 21 tháng Ba. Nếu Ngày Trăng Tròn rơi vào Chúa Nhật, Chúa Nhật Phục Sinh sẽ là Chúa Nhật kế tiếp. 

Năm 2008, Lễ Phục Sinh rơi vào ngày 23 tháng Ba. Đây có lẽ là Lễ Phục Sinh sớm nhất trong đời những người đang đọc bài này. Năm 1761 và 1818, nó rơi vào ngày 22 tháng Ba, nhưng chỉ xẩy ra lại như thế năm 2285. Nó sẽ rơi vào ngày 23 tháng Ba lần nữa năm 2160. Ngày trễ nhất là là 25 tháng Tư nhưng ta chưa gặp ngày này kể từ năm 1943 và sẽ không xẩy ra cho tới năm 2038. Thông thường nhất là ngày 19 tháng Tư.

Tính ngày lễ Phục Sinh không dễ, bạn phải có ít nhất một năng khiếu toán học nào đó. Nhưng hiện có một số phương pháp để tính ra ngày đó. Dưới đây là một cách có giá trị cho lịch Grêgôrô trong các năm từ 1900 tới 2199, gồm các bước sau đây:

1. Chia năm cho 19: 2015/19 = 106.05
2. Nhân con số trước dấu chấm thập phân cho 19 (106 cho năm 2015): 106 x 19 = 2014
3. Rồi trừ kết quả ở bước 2 khỏi số của năm: 2015-2014 = 1
4. Cộng 1 + 1 = 2
5. Nhìn vào Bảng Vàng trong bảng đính kèm (2 cho năm 2015!). Lễ Phục Sinh rơi vào Chúa Nhật thứ nhất sau ngày trong Bảng Vàng. Năm 2015, nó là ngày 5 tháng Tư. Rất chính xác!

 

 

Số Vàng

Ngày

Số Vàng

Ngày

Số Vàng

Ngày

Số Vàng

Ngày

0

27 tháng 3

5

31 tháng Ba

10

5 tháng Tư

15

10 tháng Tư

1

14 tháng Tư

6

18 tháng Tư

11

25 tháng Ba

16

30 tháng Ba

2

3 tháng Tư

7

8 tháng Tư

12

13 tháng Tư

17

17 tháng Tư

3

23 tháng Ba

8

28 tháng Ba

13

2 tháng Tư

18

7 tháng Tư

4

11 tháng Tư

9

16 tháng Tư

14

22 tháng Ba

19

27 tháng Ba

 


Con số 19 được dùng để tìm ra Số Vàng vì các ngày Trăng Tròn gần như luôn luôn được lặp lại mỗi 19 năm. Các ngày trong Bảng Vàng trên đây là các ngày “Trăng Tròn Vượt Qua” (tượng trưng cho ngày Trăng Tròn dùng để tính), rất gần với ngày Trăng Tròn thực sự.

Xin xem thêm: http://www.whyeaster.com/customs/dateofeaster.shtml
http://www.tiemanddate.com/calendar/determining-easter-date.html
http://spreadsheetpage.com/indes.php/tip/calculating_easter
http://www.almanac.com/content/when-easter

 

 

 

Vũ Văn An

705    20-04-2019