Sidebar

Thứ Hai
06.05.2024

Chúa Nhật IV MC A_2

Ánh Sáng Chiếu Soi
Ga 9, 1 - 41

Các nhà thơ thường thi vị hóa cặp mắt "như cửa sổ tâm hồn", chính nhờ cặp mắt mà con người mới có thể nhìn thấy ánh sáng để biểu lộ tình yêu, biểu lộ với các tương quan, ánh sáng tự nhiên để dẫn ta đến với các cảnh vật xung quanh. Còn ánh sáng tâm hồn để nối kết những mảnh đời, những con tim lạc điệu đến gần nhau hơn. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là ánh sáng đức tin cho con người "thấy" được Thiên Chúa và đến gần với Ngài hơn.

Trong công việc mục vụ thăm viếng, tôi có dịp đến thăm một bà già bị mù từ lúc bẩm sinh. Qua tâm sự tôi biết được sự khao khát lớn nhất của bà là được nhìn thấy ánh sáng để đi đọc kinh, xem lễ và làm việc dễ dàng hơn. Nhưng điều làm tôi nể phục là bà không bao giờ bỏ một lễ Missa nào, cho dù là trời mưa gió đường khó đi , hay lễ sớm trời tối. Bà vẫn đi dự lễ với cây gậy tre, bà mò mẫm từng bước một thật cực khổ. Bà cũng thuộc được rất nhiều câu Kinh Thánh và các kinh đọc hàng ngày.... Nhưng ngược lại, có rất nhiều người sáng mắt gần đó tôi không bao giờ thấy đi dự lễ Missa hàng ngày, mà chỉ thấy có mỗi ngày Chúa Nhật, khi được hỏi nguyên do tại sao, thì họ trả lời là do trời tối đi không được. Do đó tôi mới đi đến kết luận là nếu nhìn thấy ánh sáng thì mỗi người phải tự mình biết "mở mắt" ra để đón nhận ánh sáng.

Bà già mù tôi viếng thăm , tuy không thấy gì bên ngoài, cặp mắt bà đã bị hư từ lúc mới sinh, cũng giống như anh mù trong bài Ti n Mừng hôm nay. Hay nói đúng hơn cả hai chỉ bị mù con mắt thân xác, nhưng con mắt tâm hồn họ không mù. Họ đang chờ đợi một ánh sáng xuất hiện, chỉ cần một cơ hội là họ nhận ra, họ bước theo ngay. Trong suốt bài Tin Mừng là một hành trình của người mù, anh tiến vào ánh sáng đức tin một cách tiệm tiến. Tuy anh chỉ là người thụ ơn và đến lúc sáng mắt vẫn chưa biết người chữa mình là Ánh Sáng Thế Gian. Việc lành bệnh đối anh chỉ là điều không tưởng, nhưng đó lại là sự thật anh đã sáng mắt, mà anh chỉ biết mình được sáng mắt là nhờ ông Giêsu nào đó đã lấy bùn thoa vào mắt và anh vâng lời đi rửa và đã nhìn thấy.

Hành trình đức tin của anh mù không phải là một con đường dễ dàng, anh phải đi từ những nghịch cảnh đơn giản đến những tình huống phức tạp. Chính thái độ chấp nhận và hành trình dấn thân theo lời Chúa dạy mà mắt anh lập tức đã được mở ra, anh đã "Thấy" Chúa Giêsu không phải bằng cặp mắt xác thịt, mà còn cảm nhận thấy Ngài bằng cặp mắt đức tin. Người hành khất mù loà bẩm sinh, kẻ bị coi là tội lỗi bị xã hội từ chối, một hình phạt mà người Do Thái cho là nặng nề, nhục nhã nhất đã trở nên "dấu chỉ" sống động của những người được Đức Giêsu soi sáng và tái sinh.

Trong cuộc sống đạo, chúng ta không bị mù về con mắt thể xác, cũng không bị mù về con mắt tinh thần. Nhưng thực tế thì sao? Chúng ta vẫn chưa biết mở con mắt ra để sống trong ánh sáng đức tin. Rất nhiều lần ta sống như một kẻ mù loà. Mù vì không bao giờ thấy được những hồng ân Chúa ban để tạ ơn Người. Ta mù vì không thấy được những kỳ công quyền năng Chúa làm để mà ca tụng ngợi khen, mù loà vì đã không thấy được biết bao nhiêu điều thiện hảo mà những anh em đồng loại khác đã làm cho chúng ta để mà tạ ơn... Có những lúc chúng ta không bị mù loà nhưng lại cố ý đóng kín mắt để không nhìn thấy, cố ý bịt tai như bị tê liệt để không còn nghe thấy những điều khốn cực, nghèo khổ mà đáng ra tôi phải có bổn phận giúp đỡ, tê liệt trước những thiếu thốn của anh em xung quanh trong khi hiện tại tôi đang dư thừa.

Ngược lại với bà già mù mà tôi viếng thăm, là những người sáng mắt xung quanh. Cũng giống như những đầu mục Do Thái và những người Pharisêu hôm nay, tự kiêu tự mãn là minh "sáng mắt" chối bỏ những "dấu chỉ". Hậu quả là phải chịu đắm mình trong đêm tồi triền miên. Trong khi những người mù nhờ Đức Giêsu đã trở nên sáng mắt, thì những người tự cho mình là sáng mắt lại trở nên mù loà. Như Đức Giêsu đã cảnh cáo "Tôi đến thế gian này để xét xử cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại trở nên đui mù" (Ga 9, 39). Những người Phariseu tự cho mình là người sáng mắt lại trở nên mù loà. Chính sự cứng đầu kiêu căng đó đã tố cáo rằng không phải mắt họ bị mù loà. Nhưng là tâm hồn họ bị mù loà, lòng trí họ bị bóng đêm phủ lấp, đến nỗi họ không thể nhìn thấy được các dấu chỉ của Thiên Chúa. Và khi Ánh Sáng đến họ không chịu chấp nhận mà lại lao mình vào trong bóng tối u mê.

Lạy Chúa , xin Chúa biến đổi tâm hồn con trong Mùa Chay này, xin chữa lành bệnh mù tinh thần của chúng con, xin Chúa làm cho đôi mắt đức tin của chúng con được nhìn thấy. Xin Chúa làm cho chúng con thành những người biết nhận ra Chúa trong mọi sự và cảm nhận được rằng: Chúa là Ánh Sáng, là Sự Sống và là sự cứu rỗi. Amen

Ánh Sáng
Ga 9, 1 - 41

Cách thị trấn Cầu Ngang 2km, có một thôn xóm người ta gọi là Cà-tum. Cái xóm quê mùa dân dã giống như tên gọi ấy đến nay vẫn chưa biết đến dòng điện. Khi màn đêm buông xuống, cả một vùng tối bao la chỉ ẩn hiện một vài ánh đèn dầu leo lét. Người dân ở đây hằng đêm nhìn về góc trời thị trấn sáng rực mà ước mơ có một ngày ánh sáng của những bóng đèn điện chiếu toả trong ngôi nhà của mình.

Khao khát của người dân Cà-tum tựa như người mù mơ thấy được ánh sáng mặt trời, thấy được những đổi thay từng ngày của thế giới vật chất. Hạnh phúc biết bao cho người dân Cà-tum khi dòng điện được đưa về! Hạnh phúc biết bao cho người mù khi họ nhìn thấy ánh sáng!

Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta đi từ biến cố Đức Giêsu chữa cho một người mù từ thuở mới sinh, đến một ý nghĩa siêu nhiên: tuyên xưng Đức Giêsu là ánh sáng thế gian. Anh mù từ lúc mới sinh đã sống trong tăm tối, tối cả thể xác lẫn tâm hồn. Thế nhưng, Đức Giêsu đã dùng quyền năng Thiên Chúa mà cho anh được sáng mắt, đồng thời mời gọi anh tiến tới ánh sáng đức tin. Anh mù quảng đại đón nhận ánh sáng đức tin ấy: "Lạy Ngài, tôi tin". Tâm hồn anh đã được chữa khỏi tật mù thiêng liêng và anh đã tuyên xưng Đức Giêsu là ánh sáng thế gian.

Niềm vui được lành bệnh và sự nhận biết Đức Giêsu Kitô làm anh mù can trường, dũng cảm tuyên xưng đức tin và chấp nhận bị trục xuất từ nhóm người biệt phái. Quả thật, những người biệt phái là nạn nhân của tinh thần hẹp hòi, cố chấp. Họ không nhìn thấy hạnh phúc mà Đức Giêsu mang đến cho anh mù, họ chỉ nhìn thấy sự việc Đức Giêsu đã vi phạm ngày Sa-bat khi chữa bệnh. Với cái nhìn hẹp hòi như thế, họ chỉ nhận ra Đức Giêsu là một người tội lỗi!

Thật là một định mệnh éo le: người mù từ lúc mới sinh đã được sáng cả thể xác lẫn tâm hồn; còn những người biệt phái vẫn tự hào sống trong ánh sáng lại hoá ra mù không nhìn thấy chân lý: "Ta là Ánh Sáng thế gian" (Gn 9,5).

Đức Giêsu là Ánh Sáng. Ánh Sáng đã đến, đang chờ đợi bạn tiếp nhận để chiếu soi, đổi mới cuộc đời bạn. Bạn quảng đại đón nhận hay từ chối để suốt đời sống trong u tối như những kẻ đui mù? Thật đáng tiếc cho những ai "chuộng bóng tối hơn ánh sáng" (Gn 3,19). Vậy bạn hãy chân thành đón nhận Ánh Sáng, nhất là ánh sáng lương tâm mà Chúa đang rọi chiếu cho bạn. Đừng kiêu ngạo chối từ, nhưng hãy khiêm tốn trông chờ ánh sáng chân lý. Đừng vị kỷ trước những đòi hỏi của Ánh Sáng, nhưng hãy sẵn sàng đón nhận lời mời gọi của Ánh sáng Lời Chúa. Có như thế, tâm hồn bạn sẽ trở nên trong sáng và Đức Kitô sẽ luôn chiếu sáng trên cuộc đời bạn (x. Ep 5,14).

Ánh Sáng Ban Sự Sống
Ga 9, 1 - 41

Trên đường đi mua nước a-xít đậm đặc trở về để pha chế làm bình ắc-qui, anh Hiếu, thợ làm bình ắcqui, cố tránh một con chó chạy ngang qua đường, nên anh bị té xe. Những giọt a-xít từ chiếc bình bị vỡ đã bắn tung toé khắp người anh. Khủng khiếp nhất là một vài giọt đã văng trúng vào mắt anh và vĩnh viễn cướp đi đôi mắt của anh. Gặp lại anh trong cảnh mù loà, anh tâm sự : "sống trong cảnh mù loà và tối tăm này thật là khủng khiếp." Anh nói trong sự thất vọng và chán chường những lời như thế. Tôi hiểu được nỗi đau khổ quá lớn của anh và thầm cầu mong cho anh có đủ sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng cơn đau đớn và buồn khổ mà anh đang gánh chịu. Nhưng khi đó, tôi lại suy nghĩ về một sư mù loà lớn lao hơn là sự mù loà về mặt tinh thần. Sống trong cảnh mù loà thể xác đã đau khổ như thế, thì sống trong sự mù loà về mặt thiêng liêng chắc chắn sẽ còn đau khổ hơn gấp nhiều lần. Vì những ai sống trong cảnh mù loà thiêng liêng sẽ không nhìn thấy được sự thật, không nhìn thấy ánh sáng thật mang lại sự sống đời đời cho họ. Ánh sáng đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành một người mù từ lúc mới sinh. Anh mù này đã gặp được chính nguồn sáng là chính Đức Giêsu. Ngài đã mở mắt cho anh và cứu chữa anh. Từ việc được sáng mắt thể xác, anh đã tiến đến việc sáng mắt tâm tâm hồn : nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhờ ơn Chúa trợ giúp anh. Đức Giêsu chính là Ánh sáng, Ánh sáng phát xuất từ Nguồn Sáng là Thiên Chúa, Ngài là Ánh sáng ban sự sống vĩnh cửu cho con người .

Thấu hiểu sự đau khổ của anh mù, Đức Giêsu đã cảm thương anh và tự nguyện đến cứu chữa anh. Ngài đã giải thoát anh khỏi đau khổ nơi thân xác như dấu chỉ của Sa tan đang đè nặng trên con người của anh. Việc chữa lành người mù từ lúc mới sinh cho ta thấy quyền năng của Thiên Chúa trên ma quỷ, trên sự tối tăm và sự chết. Đức Giêsu chính là Ánh sáng ban sự sống cho hết mọi người, đặc biệt là cho những ai biết nhận ra Ngài. Câu chuyện của người mù cũng chính là câu chuyện của chính chúng ta hôm nay. Chúng ta tuy không bị mù về thể xác, nhưng rất có thế chúng ta đang bị mù về tinh thần.

1. Mù vì không nhận ra sự thật.

Sự thật đó là :
- Thiên Chúa là Đấng Tạo hoá muôn loài và là Cha của tất cả chúng ta; còn tất cả chúng ta đều là anh em với nhau.
- Con người là hồn và xác được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài
- Đức Giêsu là Con một duy nhất của Thiên Chúa, đã xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta. Ngài đã chịu muôn vàn đau khổ và sỉ nhục chỉ vì yêu chúng ta.
- Tất cả những gì chúng ta đang có đều là hồng ân của Chúa ban.
- Ơn Chúa chính là sự sống của chúng ta.
- Hội thánh Công Giáo do Chúa Giêsu sáng lập chính là người mẹ dịu hiền của tất cả chúng ta.
Những sự thật đó rất nhiều khi chúng ta không nhìn thấy. Như vậy, có thể nói là chúng ta đang sống trong cảnh mù loà về mặt tinh thần và thiêng liêng.

2. Mù vì không sống theo những giá trị Tin Mừng đòi hỏi:

Lời Chúa là sự thật, là ánh sáng soi đường con người tìm về Chân Thiện Mỹ, dẫn đưa con người về sự sống vĩnh cửu. Nhưng nhiều khi vì muốn sống và làm theo ý riêng, vì lười biếng, vì nhát sợ, vì lợi lộc thấp hèn và những thú vui chóng qua ở đời này mà chúng ta đã bỏ qua Lời của Thiên Chúa .

Chấp nhận sống theo Lời Chúa là chấp nhận lội ngược dòng, chấp nhận bước trên con đường chẳng mấy ai đi. Nhưng chắc chắn ở phía cuối của con đường ấy là một tương lai huy hoàng dành cho những ai can đảm và trung tín đến cùng.

Chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa chữa cho mắt tâm hồn chúng ta khỏi cảnh mù tối thiêng liêng, để chúng ta biết nhìn ra sự thật, hiểu được giá trị lớn lao của Tin mừng và can đảm sống theo những giá trị đích thực đó. Đừng bao giờ tìm cách huỷ diệt ánh sáng chân lý vì kiêu ngạo hay vì thành kiến như những Biệt phái trong Tin mừng hôm nay. Đức Giêsu chính là Ánh sáng ban sự sống cho hết mọi người. Hãy hân hoan tìm đến với Ngài để được sống và sống muôn đời.

Đức Tin Của Người Mù
Ga 9, 1-41

Khi còn là sinh viên triết học, đã có nhiều lần tôi được đi thăm trường mù. Gặp những anh chị em mù, cảm giác của tôi là thương họ, tôi vẫn còn nhớ thật rõ những gương mặt thật rạng rỡ của những em học sinh mù, nhưng ẩn khuất một cái gì thật khó nói nơi họ, đó là họ không thể nhìn thấy người đối diện họ. Tin Mừng Chúa nhật thứ IV Mùa Chay trình bầy về một người mù từ thuở mới sinh. Người mù này đã được Chúa Giêsu làm phép lạ cho sáng mắt...

Tôi đã có dịp trò chuyện, thăm hỏi những anh chị em mù và đã được các anh chị em mù tâm sự rất nhiều về cuộc sống, về tình trạng mù lòa của mình và về những ước mơ, mơ ước các anh chị em mù mong muốn. Có thấy những người mù, có trò chuyện với họ, chúng ta mới cảm thấy chúng ta được hạnh phúc thế nào khi sáng mắt, bởi vì nhờ đôi mắt chúng ta được nhìn ánh sáng, vũ trụ và con người. Nỗi khổ của người mù là không thấy ánh sáng, đặc biệt đau khổ nhiều nhất là những người đã sáng mắt bỗng bị mù lòa, họ đã được thấy, nay bỗng không nhìn được nữa và tất cả đối với họ chỉ là mầu đen, chỉ là ê chề, thất vọng, nêu họ không được động viên, khuyến khích, nhất là khi họ không được khơi dậy niềm tin. Bài Tin Mừng của thánh Gioan 9, 1-41 thuật lại về một người mù từ lúc bẩm sinh. Người mù này đã hạnh phúc biết bao khi được Chúa Giêsu làm cho sáng mắt. Tin Mừng cho hay người mù này trước và sau khi được Chúa chữa lành luôn khiêm nhường, luôn nhìn nhận thân phận đen đủi, hẩm hiu của mình. Người mù được Chúa chữa lành về mặt thể xác là một ân huệ cao cả. Nhưng cao cả hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã khai mở đức tin cho người này khiến anh nhận ra Chúa là một ngôn sứ, là Người bởi Thiên Chúa mà đến, là Ánh Sáng thế gian. Tuy nhiên, để nhận ra Người đã chữa lành cho anh lại là một chuyện khác bởi vì anh đã phải vượt qua một cuộc hành trình đầy chông gai do anh chưa thể hiểu, do Lề luật của tôn giáo rào cản, do sự cứng cỏi, chống đối của những người Pharisêu có mắt nhưng lại mù lòa. Cuộc hành trình đi tới đức tin của anh cứ bị đe dọa, hạch sách, ngăn đe của giới có quyền, có chức, của giới lãnh đạo tôn giáo. Với sự cố gắng, với sự khai mở của Đức Giêsu Kitô, anh mù đã vượt qua được tất cả sự cam go, thử thách và dọa nạt từ nhiều phía và rồi anh đã tới được với đức tin ngời sáng. Chính anh đã bênh vực cho Đức Giêsu khi biết bao người phủ nhận phép lạ Chúa Giêsu mới làm cho người mù mắt, kết tội Chúa đã chữa lành ngày sabbat, là ngày nghỉ không được làm việc, không được chữa lành, không được cứu vớt. Anh đã không những bênh vực cho Chúa Giêsu mà còn dõng dạc tuyên xưng niềm tin của mình: " Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi, còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì " ( Ga 9, 31-33 ).

Anh mù đã nói rất chi lý bởi vì nếu Chúa Giêsu là người tội lỗi thì làm sao Ngài có thể làm phép lạ cho anh ta sáng mắt. Những người lên án Chúa tưởng mình sáng nhưng kỳ thực họ đang sống trong tình trạng tội lỗi và họ có mắt nhưng thực tế đang mù lòa. Những người Pharisêu, những Kinh sư, những người Do Thái cứng lòng, cố chấp, mù quáng, chai lì, họ làm sao nhận ra được Thiên Chúa, làm sao họ thấy được Chúa Giêsu, Đấng Mêsia, Đấng Thiên sai, Đấng cứu độ thế gian. Họ đã không thể nhận ra Người đã chữa anh mù đang đứng ở đó là chính Con Thiên Chúa: Đức Giêsu Kitô. Họ đã chai lì, họ đã mù lòa cả thể xác và tinh thần. Đây quả là một sự bất hạnh lớn lao cho họ.

Chúa Giêsu đã làm một phép lạ mà y khoa muôn thời đã bó tay vì mù từ bẩm sinh không thể chữa lành được. Chúa đã dùng quyền năng phi thường của Thiên Chúa để làm cho anh mù bị mù bẩm sinh được sáng mắt về mặt thể xác nhưng trên hết Ngài đã làm cho anh ta có đức tin để nhận ra Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa mà rất nhiều người sáng mắt không nhận ra.

Có một thứ mù lòa về tinh thần nghĩa là chìm đắm trong tối tăm tội lỗi thì thật khổ sở bởi vì họ không thể nhìn ra sự thật, họ tự kiêu, tự mãn, cố chấp, ương ngạnh trong suy nghĩ và trong cái nhìn của mình khiến họ không thể nhận ra Chúa là Ánh Sáng.

Anh mù hôm nay quả hạnh phúc và sung sướng biết bao khi Chúa mở mắt cho anh và mở đức tin cho anh để anh nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là ánh Sáng chiếu soi thế gian. Chúa đã thắp sáng tin yêu đời của anh mù. Chúa luôn chờ đợi chúng ta, đặc biệt trong Mùa Chay, Chúa cho chúng ta một cơ hội, một dịp thuận tiện để chúng ta đến với Chúa Giêsu. Chắc chắn Chúa sẽ mở mắt đức tin, mở mắt tâm hồn cho chúng ta và thắp sáng tin yêu để chúng ta vui sống, vượt thắng mọi khó nguy, thử thách và chông gai trên cuộc hành trình đức tin của chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi (nguồn vietcatholic.org)

Đức Tin Người Mù
Ga 9,1 - 41

Có một người kia sinh ra đã bị mù, anh sống trong một gian phòng, bởi vì không nhìn thấy gì nên anh phủ nhận tất cả những gì những người chung quanh quả quyết là có : "Tôi không tin, vì tôi có thấy đâu nào". Một vị lương y thấy vậy thì thương hại anh, ông đi tìm một thứ linh dược chữa cho anh được sáng mắt, anh sung sướng quá, tự phụ nói : "Giờ đây tôi đã thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi". Nhưng có người nói với anh : "Bạn ơi, bạn mới chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này thôi. Như thế có là bao, ngoài kia người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng và các tinh tú hằng hà sa số, còn biết bao vật khác mà bạn chưa thấy, bạn đừng tự phụ như vậy". Anh tỏ vẻ không tin, lại còn nói mạnh hơn : "Làm gì có được những cái đó, những gì có thể thấy được, tôi đã thấy tất cả rồi".

Một vị y sĩ khác lên tận núi cao, gặp được Sơn Thần chỉ cho một thứ linh dược khác, đem về giúp cho anh được cặp mắt sáng hơn và thấy xa hơn. Bây giờ anh thấy được mặt trời, mặt trăng và các tinh tú trên không trung. Mừng quá và lòng tự phụ tự đắc lại tăng thêm, anh nói với mọi người : Trước đây tôi không tin, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin. Như thế giờ đây không còn có gì mà tôi chẳng thấy, chẳng biết, đâu còn ai hơn tôi được nữa".

Thấy anh tự phụ như vậy, một hiền nhân nói với anh : "Cậu ơi, cậu vừa hết mù, nhưng cậu cũng vẫn chưa biết gì cả. Tại sao cậu lại quá tự phụ như thế ? Với chừng mực và giới hạn của tầm mắt, cậu làm gì biết có những vật ngoài ngàn dặm mà mắt cậu không làm sao thấy được. Cậu có thấy được những nguyên nhân nào đã cấu tạo ra cậu khi cậu còn nằm trong bào thai của mẹ cậu chăng ? Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống đây, còn không biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không kể hết như cát ở bãi biển, cậu có thấy không ? Tại sao cậu dám tự phụ bảo rằng :"Tôi thấy cả, tôi biết cả rồi". Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối".

Đó là câu chuyện của một anh mù bẩm sinh ở Ấn Độ. Còn câu chuyện của anh mù, cũng mù bẩm sinh, kể lại trong bài Tin Mừng, thì lại khác hẳn : trong khi mù và sau khi được sáng, anh luôn khiêm nhường, luôn nhìn nhận thân phận hẩm hui buồn tủi của mình. Ngược lại, những người sáng mắt thì lại mù tối, kiêu ngạo trong sự mù tối của mình, đó là những người Pha-ri-sêu. Chúng ta thấy sự khác biệt tàn nhẫn giữa đôi mắt của người mù và đôi mắt của những người Pha-ri-sêu. Đôi mắt thân xác của người mù nhưng mắt tâm hồn anh lại sáng. Những người Pha-ri-sêu có đôi mắt thân xác không mù loà, nhưng đôi mắt tâm hồn đã chết. Sự khác biệt đó là niềm tin và đức tin : anh mù được phép lạ đã tin Chúa Giêsu. Còn những người Pha-ri-sêu thấy phép lạ nhưng không tin Chúa.

Đây là một phép lạ đặc biệt chưa từng có trong nhân loại. Cho đến ngày nay, mặc dầu y khoa tiến bộ nhưng vẫn còn bó tay trước những người mù bẩm sinh. Còn đối với những người vì một lý do nào đó bị mù loà thì y khoa có thể dùng một loại ra-đa hay dùng con mắt của người khác thay vào thì có thể thấy được. Trường hợp anh mù trong Tin Mừng, Chúa Giêsu không làm thế, Ngài không thay mắt cho anh, Ngài dùng quyền năng Thiên Chúa để làm một phép lạ phi thường cho anh được sáng mắt. Nhưng trên hết con mắt đức tin của anh được bừng sáng, anh nhận ra Đức Kitô mà nhiều người sáng mắt không nhận ra.

Theo ý nghĩa tượng trưng, trong phạm vi thiêng liêng, bệnh mù về tinh thần là tình trạng mê muội của những người sống trong tội lỗi và tình trạng mù quáng của những kẻ cố chấp. Vậy hình thức thứ nhất của bệnh mù về tinh thần là tội lỗi, nó che lấp mắt linh hồn làm cho linh hồn không nhận ra Chúa và cũng chẳng nhận ra thánh ý Chúa. Vì thế, Kinh Thánh gọi những người sống trong tội lỗi như ngồi trong chỗ tối tăm, ngồi trong bóng đêm, ngồi trong bóng sự chết. Một hình thức khác của bệnh mù tinh thần là sự cố chấp, tức là bảo thủ trong sự lập luận sai lầm hay càn dở của mình và nhất định không chịu phục thiện. Chính vì thế mà nhiều lần Chúa Giêsu đã gọi những người Pha-ri-sêu là những người mù quáng, bài Tin Mừng hôm nay là một điển hình. Chúa đã nói : "Tôi đến thế gian này chính là để những kẻ không xem thấy thì được xem thấy, còn những kẻ xem thấy sẽ trở nên đui mù". Chúng ta thường nói về những người cố chấp : "Không ai điếc nặng cho bằng kẻ không muốn nghe", thì chúng ta cũng có thể nói về những người mù tinh thần : "Không ai mù quáng nặng cho bằng kẻ mở mắt mà không muốn xem".

Chúng ta có đang sống trong tình trạng mù lòa về tinh thần không ? Chúng ta tội lỗi và cố chấp ư ? Và hiện giờ chúng ta vẫn còn cố chấp trong tình trạng đó ư ? Không được đâu. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu để Ngài thắp sáng cuộc đời chúng ta như Ngài đã thắp sáng cuộc đời người mù xưa kia. Nói khác đi, trên đời này không ai có thể giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, vì lý do ai cũng có tội, chỉ có một Đấng không có tội gì, tuyệt đối chí thánh, mới có quyền cứu giúp chúng ta mà thôi, đó là Chúa Giêsu. Vấn đề là chúng ta có bằng lòng đến với Chúa không ?

Người mù sung sướng biết bao khi đôi mắt anh ta mở ra và nhìn thấy Chúa Giêsu, vị ân nhân vĩ đại của mình. Chúa đã thắp sáng đời anh. Trong Mùa Chay, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu, vị đại ân nhân của chúng ta, để Chúa mở mắt tinh thần cho chúng ta, để Chúa thắp sáng đời chúng ta.

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP. (nguồn vietcatholic.org)

Hãy Sống Như Con Cái Sự Sáng
Ga 9, 1-41

Phụng vụ tuần này còn tiếp tục dẫn dắt tín hữu suy niệm về ý nghĩa bí tích Rửa tội trong đêm vọng Phục sinh. Tuần trước là về nước ban sự sống đời đời. Hôm nay về ánh sáng (bài đọc 2 và 3) và sự cao trọng của ơn gọi làm công dân Nước Trời (bài đọc 1). Đa phần chúng ta lãnh Bí tích Thánh tẩy hồi mới lọt lòng mẹ, tức lâu lắm rồi, cho nên không còn ý thức sự phong phú của bí tích khởi sự đời sống Ki-tô hữu. Vậy thì cơ hội suy niệm lại thật là hữu ích.

Bài đọc 1 kể chuyện David được chọn làm vua Israel thay thế Saun. Vua này bị Thiên Chúa loại bỏ vì làm nhiều điều gian ác. Thiên Chúa sai tiên tri Samuel đến thành Bethléem với chiếc bình đầy dầu và tìm David, con Jessé để xức dầu cho ông. Jessé gọi lần lượt gọi 7 con trai của mình đến trước mặt vị tiên tri. Nhưng Thiên Chúa từ chối tất cả những đứa con đó, mặc dù chúng đều cao lớn và đẹp đẽ. Cuối cùng, Ngài chọn đứa con út David với đôi mắt sáng và đẹp trai. Tuy nhiên không phải hình dáng bên ngoài mà David được chọn. Kinh thánh nói chính là vì phẩm chất bên trong mà Thiên Chúa đã chọn ông. Liên tưởng đến các tín hữu, chúng ta cũng được chọn không phải vì lý do loài người, nhưng hoàn toàn bởi lòng tốt của Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu thành Côrintô viết : "Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem : Khi anh em được Chúa kêu gọi thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại thì Thiên Chúa đã chọn ...(1 Cr 1, 26) để nhận lấy Thánh Thần của Thiên Chúa."(1 Cr 2, 10) Dầu là dấu chỉ rõ ràng nhất chúng ta được hiệp thông với chức vụ của Chúa Giê-su là tư tế, tiên tri và vương đế cho đến cõi sống muôn đời. Còn gì sang trọng hơn địa vị người tín hữu trong thế gian này ?

Cho nên ở thư gửi tín hữu thành Êphêsô hôm nay, thánh nhân khuyên nhủ : "Thưa anh em, xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng mang lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật." Nhờ xức dầu bằng Thánh Thần khi chịu phép Rửa tội, chúng ta tiến đến ánh sáng Chúa Ki-tô, rời bỏ bóng tối tội lỗi, các tính hư nết xấu như say sưa, rượu chè, dâm đãng, những tội kéo cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trên nhân loại. Tội lỗi là bóng tối, là đêm đen. Chỉ duy sự thánh thiện mới là ánh sáng, ánh sáng huy hoàng của Chúa Ki-tô. Hội thánh được mời gọi đến cùng ánh sáng. Thánh Phaolô dùng cụm từ "mặc lấy Chúa Ki-tô" chính là trong ý nghĩa này. Tác giả Prat viết : "Các tín hữu có những con mắt của một trái tim rực sáng. Họ là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày.(1 Tx 5, 5) Hơn thế nữa, ánh sáng thâm nhập họ khi chịu phép Rửa tội biến hoá họ thành những lò lửa rực sáng. Họ phản ánh và phân tán ánh sáng như những khối thuỷ tinh phản chiếu mặt trời. Họ rực rỡ như những ngọn đèn đặt vào thế gian. Họ chính là ánh sáng trong Đức Ki-tô. Như thế, Hội thánh chính là vương quốc ánh sáng mà Bí tích Rửa tội đã đưa chúng ta vào." Có đối kháng tuyệt đối giữa tội lỗi và ánh sáng. Thánh Phaolô viết : "Thật thế, làm sao sự công chính lại liên kết với sự bất chính ? Làm sao Đức Ki-tô lại hoà hợp được với Bêlia (satan) ? Làm sao người tin lại chung phần được với người không tin ? Làm sao đền thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được ? Vì chúng ta là đền thờ Thiên Chúa hằng sống." (2 Cr 6, 14)

Bài đọc 2 hôm nay tiếp theo ý tưởng đó : "Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối. Trái lại, phải vạch trần những việc ấy mới đúng. Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến là đã nhục nhã rồi. Nhưng tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra, thì trở nên ánh sáng." Người ta có thể dễ dàng nhận ra ý nghĩa tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, ám chỉ thần khí và xác thịt mà thánh Gioan đề cập đến trong bài Phúc âm hôm nay.

Để rộng đường suy niệm, trước hết xin ghi chép ý kiến của tác giả Patrica Datchuck Sanchez viết năm 1999 đăng trong nguyệt san "Celebration" về bài Tin Mừng. Cô nói mỗi khi đọc nó cô nhớ lại thời thơ ấu của mình, khi còn học tại trường mẫu giáo của các dì, lần đầu tiên cô được nghe chuyện về Helen Keller, một bé gái câm điếc từ 7 tuổi, đã nhờ cố gắng mà trở nên một trong các diễn giả, tác giả danh tiếng nhất của Hoa Kỳ ở thế kỷ 20. Helen Keller là con của một gia đình khá giả. Lúc 7 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo đưa đến việc cô hoàn toàn bị câm và điếc khi khỏi bệnh. Gia đình thương hại, chiều chuộng hết mức, mặc cho con thoả mãn mọi ước muốn của mình. Sự mù loà của cô vượt xa bất hạnh thể lý. Nó cắt đứt cô khỏi mọi quan hệ thân yêu, đẩy cô vào cô đơn buồn thảm. Nhưng Helen Keller rất thông minh. Cha mẹ thuê Annie Sullivan làm cô giáo dạy tư cho bé. Nhờ sự kiên trì của cô giáo, Helen Keller thắng được bệnh tật, vượt qua bất hạnh và trở nên danh tiếng. Trên sân khấu và trong màn ảnh lớn, giây phút "phá ngu" được diễn tả một cách thật mãnh liệt. Cô giáo Annie mang Helen ra chiếc giếng bơm và khi nước chảy xuống tay Helen, cô giáo làm hiệu từ "nước". Hàng trăm lần như thế, bé Helen học được một từ. Bé đã liên hệ được giữa ký hiệu và thực tế. Dần dần bé học thêm các từ ngữ khác và tiến bộ rất nhanh. Tuy nhiên, giây phút đầu tiên là quan trọng. Nó khai mở cho bé vào thế giới bình thường của mọi người, giải phóng bé không những khỏi sự im lặng nặng nề của câm điếc mà còn cho bé tự do tiếp xúc với sự vật xung quanh. Quả là giây phút quyết liệt và huy hoàng. Nó cho phép bé sống một cuộc đời phong phú mà ít người có được. Ở nhà trường, chúng tôi phải phân tích và học hỏi một số những áng văn hay của cô. Cô đã ảnh hưởng trực tiếp vào tôi chứ không còn nghe về cô nữa. Cô giúp đỡ chúng tôi ngộ ra những ân huệ mà loài người được hưởng; xưa nay cứ ngỡ là quyền lợi tự nhiên; những giá trị quý báu cuộc sống tặng ban hằng ngày mà chúng ta coi là tầm thường. Cuộc "đột phá" của bé Helen tại giếng bơm khởi đầu một loạt những "phép lạ" khác của đời bé sau này và qua bé tất cả chúng ta đều được ân hưởng.

Tôi muốn nói : Câu chuyện người mù hôm nay tương tự trường hợp của Helen Keller. Ông ta được sáng mắt qua một đột biến ngoạn mục. Mùa chay này chúng ta cũng được "sáng lòng" qua những biến cố như vậy, nhờ ân huệ Chúa Giê-su. Tuy nhiên, đối với anh mù, đó mới chỉ là bước khởi đầu. Anh còn phải trải qua một hành trình đầy nhiêu khê : Khi Chúa Giê-su để ý đến anh ngồi ăn xin, Ngài muốn chữa lành thì các môn đệ đặt câu hỏi thần học : "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ?" Theo não trạng tôn giáo khi ấy, các bất hạnh của con người là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống kẻ có tội hoặc do chính đương sự phạm hay cha mẹ gây nên. Tư tưởng này ngày nay vẫn phổ thông và người ta chờ đợi câu đáp tích cực : Chúng ta chịu đựng khổ đau bởi đã phạm tội. Không còn đường lối giải trình nào khác nữa. Ôn dịch, tai nạn, thảm hoạ, thiên tai, chẳng qua là hình phạt do tội lỗi làm nên. Nhưng phải chăng các nạn nhân sóng thần vừa qua tại đông nam Á châu cũng là do tội lỗi của họ ? Phải chăng hiện trạng mỗi người là do khiếm khuyết di truyền, khiếm khuyết giáo dục dưỡng nuôi ? Khiếm khuyết môi trường hoàn cảnh ? Hằng trăm nghi vấn tương tự được đặt ra cho khoa học luân lý, thần học, xã hội mà vẫn chưa tìm thấy câu trả lời thoả đáng.

Quay về với hoàn cảnh của anh mù trong Phúc âm, Chúa Giê-su trả lời dứt khoát : "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội." Nó là hoàn cảnh chung của toàn thể nhân loại xa lìa Thiên Chúa. Vì vậy, Ngài nói tiếp : "Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh." Nói kiểu khác : Chúa Giê-su chính là công trình cứu độ của Thiên Chúa nơi trần gian. Cho nên, Chúa tiếp : "Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian." Ngài nhìn nhân loại theo quan điểm siêu nhiên, chứ không hoàn toàn tự nhiên. Ngài đến để cứu chữa loài người khỏi vòng tối tăm tội khiên và hậu quả khốc liêt của nó. Như có lần Ngài chữa lành kẻ bại liệt do bốn người khiêng mang đến, Ngài tuyên bố : "Này anh, tội của anh đã được tha rồi."(Mc 9, 1) làm cho các kinh sư bực bội. Trường hợp của anh mù bẩm sinh hôm nay cũng vậy, Chúa chữa anh lành về thể lý và tinh thần thì các quyền bính Do thái lại trở nên mù tự ý (Aveuglement volontaire) do lòng kiêu ngạo của mình, không dám chấp nhận sự thật Thiên Chúa ban cho. Đây là điểm chúng ta cần lưu ý, bởi chúng ta cũng đầy dẫy những thành kiến, thậm chí định kiến về người khác không cùng phe với mình, hoặc những tổ chức, những tôn giáo khác. Có lẽ chúng ta cũng mù tự ý chăng ?

Qua câu chuyện hôm nay, Chúa Giê-su muốn đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của người mù, tức muốn chữa nhân loại khỏi tối tăm về phần linh hồn. Ngài muốn khai sáng chúng ta khỏi những giới hạn và những quan niệm sai lầm về Thiên Chúa, về đồng loại, về tội phúc. Chúng ta cũng nên suy nghĩ thêm về câu chuyện đau khổ của con người và sự liên hệ giữa chúng với tội lỗi hình phạt. Chúa Giê-su khởi sự bằng cách chữa lành phần xác cho anh mù, nhưng không dừng lại tại đó mà tiến xa hơn, soi sáng cho anh nhận ra thân phận bị xã hội khinh bỉ, chà đạp để tiến đến tâm lý tự tin, độc lập, trưởng thành tinh thần. Anh đã có khả năng chống lại ý kiến của hội đồng Do thái, coi Chúa Giê-su và anh thuộc thành phần tội nhân. Anh thờ lạy Ngài như nguồn mạch đời sống mới của mình. Con đường của anh chạy song song với đời sống đức tin của chúng ta khi lãnh Bí tích Rửa tội. Từng bước chúng ta được Chúa Giê-su dẫn đến cùng Thiên Chúa. Nước khởi đầu cuộc hành trình đức tin và ánh sáng dẫn lối chân thật cho loài người đi đến cùng đích. Chúng ta đang ở giữa Mùa chay, giống như anh mù ở suối Silôê, chúng ta cũng được ơn thanh tẩy soi sáng cho biết thân phận mình. Chúng ta có cơ hội kiểm tra các viễn tượng. Liệu chúng ta đã có những lựa chọn tốt hay chạy theo giả dối thế gian ? Liệu chúng ta ưa thích ánh sáng của Chúa Giê-su hay những ảo tưởng lầm lạc và bóng tối lừa đảo của Mammon và các tiện nghi xác thịt khác ? Cuộc sống khắc khổ đạm bạc hay say sưa nhung lụa ? Điều chi khiến chúng ta lầm đường lạc lối ? Gần đây tôi đi giảng thuyết ở thành phố Miami Hoa kỳ, một địa điểm khá tốt. Gió biển thổi hiu hiu khắp nơi. Tôi đi bộ một mình qua công viên vào buổi chiều tàn, say sưa ngắm mặt trời lặn từ từ trên nước biển. Quang cảnh thật huy hoàng. Mặt trời đỏ to như chiếc đĩa lớn với muôn hồng nghìn tía, làm ngây ngất tâm hồn. Nhưng trước khi tôi trở về với ý thức, thì mặt trời đã biến mất từ lúc nào, màn đêm đen nghịt buông xuống trên vạn vật. Người ta phải mò mẫn kiếm lối đi và rất dễ bị lạc trong các phố xá xa lạ như thế này. Đâu là hàng rào thấp bằng các dây thừng ? Đâu là giếng nước ? Có lẽ có cái ao ở đây ? Còn chỗ quẹo ngấp ? Tôi đã đậu xe ở đâu ? Hằng trăm câu hỏi, giống như các nghi vấn của cuộc đời, đúng không quý vị ? Ánh sáng lại dần dần biến mất mà không nhận thấy, khi chúng ta bị thu hút bởi mặt trời đang lặn. Lúc tỉnh ngộ mới chú ý đến các nhu cầu của mình và muốn có hết mọi sự : Tự do, độc lập, hạnh phúc, thoát khỏi mọi giới hạn ràng buộc ? Chăm lo các dự án, các chương trình ? Chúng ta lại bị thôi miên bởi những bận rộn của cuộc sống giống như người ngắm mặt trời lặn. Dĩ nhiên, chúng ta lại có ít ánh sáng soi đường dẫn dắt mình. Chúng ta lại bỏ bê các ưu tiên cần thiết như gia đình, lòng tin, cộng đồng giáo xứ. Chúng ta lại vướng chân vào cạm bẫy của satan. Ánh sáng lại phai nhoà, nguy hiểm khắp nơi. Chúa Giê-su trông thấy trước những khó khăn này xảy ra cho môn đệ và cho cả chúng ta nữa, nên Ngài phán : "Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy khi trời còn sáng, kẻo đêm đến không ai có thể làm việc được. Thầy là ánh sáng thế gian."

Ở ý nghĩa nào đó, mù loà cũng là kết quả của hoàn cảnh mỗi người. Khi được sinh vào thế gian, tội lỗi đã chờ sẵn chúng ta. Chúng ta hít thở bằng không khí luân lý bị ô nhiễm nặng nề, bóng tối thâm nhập vào tận tâm can từ khi còn bé. Một tù nhân nặng ký đã kể với tôi rằng : Cha anh ta đang ngồi tù ở Soledad, người anh cả ở Folsom. Hai khám đường nổi tiếng của bang California. Tôi không mấy ngạc nhiên về việc anh bị giam giữ nghiêm ngặt tại đây, bởi vì đã lớn lên trong điều kiện như vậy. Liệu chúng ta có khả năng chống lại bóng tối định mệnh ? Thật là khó khăn nếu không có ơn Chúa trợ giúp : "Bao lâu còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian." Hôm nay, chúng ta có bài đọc Tin Mừng dài, xin hãy lắng nghe trọn vẹn, đừng thiếu chi tiết nào. Bởi nó là câu chuyện của chúng ta, của cộng đồng giáo xứ. Giống như anh mù, chúng ta đã tìm thấy Thiên Chúa, nguồn mạch sự sáng. Có lẽ, chúng ta không cần đến chữa lành thể lý, nhưng tâm linh th&igrav 1156    30-03-2011 15:03:39