Sidebar

Thứ Tư
16.10.2024

Chúa Nhật V MC A_4

HÃY RA KHỎI MỒ 
Ga 11, 1-45

Thưa quý vị,
Bất cứ những ai đọc chương 37 sách tiên tri Edekien đều cảm thấy rùng mình, sởn ốc. Ông trông thấy một thung lũng đầy xương khô. Thiên Chúa khiến ông đi dọc đi ngang giữa những xương mà tuyên sấm : "Các xương khô kia ơi, lắng nghe lời Đức Chúa." Tức thì các xương xích lại gần nhau, trở thành da thịt, rồi những con người sống động. Bài đọc 1 hôm nay ở cuối chương đó để giải thích thị kiến mà vị tiên tri ấy đã thấy. "Bấy giờ Người phán với tôi : hỡi con người, các xương đó là toàn thể nhà Israel. Này chúng vẫn nói : xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan. Chúng tôi đã rồi đời. Chính vì thế mà ngưoi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng : Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau : Hỡi dân ta, này chính Ta sẽ mở huyệt cho các ngươi, sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel." Tình trạng của dân tộc Do thái trong cuộc lưu đày Babylon chẳng khác gì thung lũng đầy xương khô đét : không đền thờ, không tư tế, không hy vọng, ở tản lạc giữa các dân ngoại. Họ không còn là một dân tộc nữa. Nhưng là những nhóm người lang thang trên đất lạ, tôn thờ những ngẫu tượng ngoại bang. Nếu đem so sánh với hiện trạng chúng ta ngày nay, thì không khác nhau là mấy. Chúng ta cũng di cư khắp đó đây trên những lục đại mênh mông, tiếp xúc thường xuyên với những nền văn hoá xa lạ, các phong tục tập quán vô luân. Nó cũng tương tự điều kiện sống của các linh hồn tín hữu về mặt thiêng liêng trong Mùa chay thánh này. Chúng ta cũng đã mất lòng nhiệt thành và sùng mộ, trở nên khô khan nguội lạnh sau nhiều năm theo đạo. Chúng ta chẳng còn chút sinh khí nào trong các buổi cầu kinh nguyện ngắm, chỉ trơ trơ như những chiếc xương khô.

Lúc tiên tri Edekien nhìn vào đống xương, Thiên Chúa hỏi : "Hỡi con người, liệu những xương khô này có hồi sinh được không ?" Dĩ nhiên, vị ngôn sứ chỉ còn biết lắc đầu thất vọng, bởi vì theo thường tình thì làm sao xảy ra như vậy được. Những người nóng tính có lẽ còn dơ cả hai tay lên trời, tỏ dấu đầu hàng. Tuy nhiên, ngôn sứ trả lời : "Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài mới biết điều đó." Đối với quyền phép loài người, việc làm cho kẻ chết sống lại quả là viển vông, không khi nào có thể thực hiện được, huống chi là các xương khô, rải rắc khắp cánh đồng ! Toàn thể cánh đồng toàn xương cốt khô đét làm sao sống lại ? Tuy nhiên, vị tiên tri đã không dứt khoát xác quyết là không thể được. Ông nói : "Lạy Đức Chúa, chính Ngài mới biết điều đó." Rồi ông vâng lời Thiên Chúa đọc lời sấm trên đống xương. Quả vị tiên tri có một Đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa toàn năng. Ông đã không nghi nan Thiên Chúa có thể thực hiện những điều bất ngờ. Các xương kia chưa phải là tận cùng của kiếp sống con người. Chúng ta chưa có quyền hoàn toàn thất vọng ! Đúng vậy, có sự chuyển động và các xương xích lại gần nhau, ăn khớp với nhau, gân cốt và da thịt mọc ra. Thiên Chúa truyền cho Edekien thổi sinh khí vào chúng và đống xương hồi sinh, đứng thẳng lên thành một đạo quân lớn, đông vô kể (37, 10).

Điều này cũng đúng đối với các linh hồn khô khan trong Mùa chay thánh thiện này, nếu họ biết lắng nghe lời Thiên Chúa mà ăn năn hối cải. Thực tế, dân tộc Israel đã phục hồi từ kiếp nô lệ Babylon, được Thiên Chúa đưa lên khỏi huyệt, trở về đất hứa và hợp thành một dân tộc hùng mạnh. Thiên Chúa gọi họ là "Dân của Ta", nghĩa là dân đầy Thần Khí Ngài. Họ sẽ thực hiện những công việc của Ngôi Lời ban sự sống. Trước đó, không ai có thể tưởng tượng nổi họ sẽ họp thành một dân tộc, khi mà Nabucônôsô phân tán họ khắp đế quốc Ba tư. Điều mà Thiên Chúa làm khi sáng tạo vũ trụ thì Ngài lại thực hiện cho dân tộc Do thái khi xưa và cho chúng ta hôm nay. Những kẻ đã chết về phần tâm linh, tựa như những chiếc xương khô vung vãi khắp thung lũng tử thần, thì nhờ Thần Khí Chúa lại được sống đàng hoàng. "Ta sẽ đặt Thần Khí Ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ được hồi sinh." (37, 14). Có lẽ quý vị đã nhìn ra lý do sách Edekien được chọn đọc trong buổi phụng vụ hôm nay. Nó liên quan đến chuyện của ông Lazarô, một người đã chết thối rữa bốn ngày. Nhưng "Lời" của Thiên Chúa tuyên phán trên ông : "Lazarô, hãy ra khỏi mồ." Và Phúc âm kể : "Người chết liền đi ra, chân tay còn quấn vải, mặt còn phủ khăn." Một công việc kinh thiên động địa, không ai có thể thực hiện trừ một mình Thiên Chúa.

Nhưng Thiên Chúa thật sự ở đâu khi người ta cảm thấy "rồi đời", khi hy vọng không còn đất sống ? Khi sức lực đã cạn kiệt ? Khi người ta buông xuôi tất cả ? Tiên tri Edekien trả lời : "Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, sẵn sàng nói với chúng ta và thực hiện những công việc chúng ta không thể tự thân làm nổi". Đó là quyền năng của Lời Chúa. Những xương khô và mồ mả của nhân loại không mằm ngoài hơi thở của Đức Chúa Trời. Thần Khí của Ngài sẽ xâm nhập cả vào những nơi mà chúng ta sợ hãi không dám đến gần và vực dậy những chi mà nhân loại coi như tan thành tro bụi. Nếu ai đó phải hỏi vị ngôn sứ : "Khi nào sự việc đó xảy ra ?" thì Edekien sẽ trả lời : "Đó là thời gian của Thiên Chúa. Mỗi giây phút đều đầy tràn ân phúc. Hãy tỉnh thức chờ đợi, ngó thẳng ra từ ngôi mộ đau thương của mình và dõi theo Thần Khí Thiên Chúa đang tiến đến với bạn." Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể liệt kê vô số những ngôi mộ mà mình từng bị giam hãm, những nơi chốn lưu đày, những hố sâu tự đào cho chính bản thân. Những hoàn cảnh vượt quá khả năng, sức lực chịu đựng hay đối đầu, những chia rẽ, những hiểu lầm hoặc những dị biệt quá đáng do ngu xuẩn, dốt nát, kiêu căng của con người gây nên. Chúng ta có thể ngồi đếm những cơn lốc xoáy của đời sống đã từng đè bẹp mình, những lực lượng đối kháng không tương xứng mình phải đối mặt. Những cú thụi, cú đấm, những bầm dập, những vật lộn đấu tranh do thân nhân, bạn bè làm nên vô tình hay hữu ý. Mặt khác có khi chúng ta tự mình đi vào những ngôi mộ giết người do lỗi lầm của mình, bỏ ngoài tai lời cảnh báo của Lời Chúa, từng bước làm những quyết định chẳng lợi lộc chi cho linh hồn, dấn thân vào những ăn chơi trác táng, vừa ý xác thịt, rượu chè, trai gái, dâm ô, nghiện ngập. Ôi nhiều vô kể những ngôi mộ xương khô mà con người vướng mắc vào. Nếu không ơn Chúa giúp đỡ, làm sao thoát khỏi ? Tạ ơn Thiên Chúa, sự phục sinh của Đức Ki-tô ban cho loài người hy vọng.

Đối với các nhà giảng thuyết, các mô phạm gia, các nhân viên từ thiện bác ái, sau bao nhiêu năm miệt mài với công việc cứu trợ, có lúc phải ngỡ ngàng vì không thấy biến chuyển chi hết trong tình hình xã hội loài người. Mọi sự vẫn y nguyên như cũ, có thể còn tồi tệ hơn. Chúng ta cảm thấy thất vọng, giống như dân Do thái lưu đày ở Babylon, đơn độc và tối tăm. Nhiều vị bị cám dỗ bỏ cuộc nói : "Ích chi nữa đâu ? Tôi chán ngấy công việc vô ích này ! Thay đổi loài người quả khó khăn hơn phá núi, rời non !" Chúng ta cố gắng cải tạo thế giới, thay đổi cái nhìn của nó về giàu nghèo, sang hèn, tội phúc. Chúng ta nghiêng về những số phận long đong, ngoài lề, dễ bị tổn thương trong khi thiên hạ tẩy chay, khinh bỉ họ. Chúng ta đã tiêu tốn ngày tháng trong những công việc như vậy và rồi phải ngạc nhiên đã chẳng làm gì nên "cơm cháo" ! Có chi khác biệt trong xóm làng, xã hội và thế giới ? Các cuộc rút lui vào thinh lặng sẽ cho phép chúng ta thấy rõ hơn mọi sự. Nhưng ở đây tôi không muốn nói đến loại rút lui đó, nhưng là về sự rút lui vì thất bại, như trường hợp sĩ quan, binh lính, quân đội thất trận. Ngôi mộ của sự cam chịu xem ra rất thương tâm. Nó là địa điểm xa chiến trường, người ta có thể nằm ngồi nguỵ trang và chữa lành các vết thương hôi thối của mình. Tạ ơn Thiên Chúa, ngôn sứ Edekien an ủi chúng ta rằng : Thiên Chúa nhìn thấy hết mọi sự. Ngài thấy những dấu hiệu của tử thần trên mình chúng ta và Ngài vội vàng đến cứu giúp, đúng thời, đúng lúc, cương quyết và bí nhiệm. Xin hãy nghe lòng ước muốn đó trong giọng nói của Chúa Giê-su lúc hồi sinh người em của Maria và Martha : "Lazarô, ta truyền cho anh ra khỏi mồ !" (Ga 11, 43)

Thánh Phaolô gọi thứ ngôi mộ vô hình này bằng một tên khác, khi thánh nhân nói đến công việc của xác thịt. Nghĩa là chúng ta nghĩ, chúng ta quyết định hoàn toàn dựa vào những lý do xác thịt không màng chi đến đường lối của Phúc âm. Thánh nhân cảnh cáo rằng Thiên Chúa biết rõ chúng ta, biết rõ những yêu thích của xác thịt, mà xác thịt sẽ đưa đến sự chết. Do đó, chúng ta là dân mồ mả. Nhờ mặc khải của Đức Ki-tô, Thiên Chúa ban cho loài người não trạng hoàn toàn mới để suy nghĩ và hành động, dựa trên căn bản của nếp sống mới. Nguồn sống mới của chúng ta lúc này chính là Chúa Giê-su và tinh thần của Ngài trong chúng ta. Đó là lối diễn tả của thánh Phaolô điều mà tiên tri Edekien đã nói trong sách của ông : Thiên Chúa sẽ mở huyệt cho dân Israel, sẽ đưa Israel lên khỏi mồ, sẽ đặt Thần Khí Ngài vào trong dân và dân được hồi sinh (37, 14). Nghĩa là thánh Phaolô muốn nói : Nếu chúng ta chỉ sống cho mình, bằng sức lực của mình, chiều theo ý muốn của xác thịt thì chẳng khác nào chọn cho mình những mấm mồ không có sự sống. Chúa Giê-su đã gọi chúng ta ra khỏi mồ, ban cho chúng ta Thần Khí để nhìn rõ cuộc đời này thực tế lớn hơn chúng ta có thể mường tượng. Và cuộc sống Chúa ban không chỉ gồm bản thân và bạn bè, nhưng còn cả gia đình nhân loại. Lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận tinh thần Đức Ki-tô sẽ mở rộng tầm nhìn của chúng ta về cuộc sống : Cuộc sống trong toàn thể vẻ đẹp và vĩ đại của nó, trong những điều kỳ diệu lớn nhỏ, trong cộng đồng dấn thân cho lời ban sự sống, cho hành động cứu độ. Cuộc sống trong tổng thể các sắc dân và văn hoá, trong môi trường và vũ trụ chung quanh chúng ta. Khi chúng ta thoát ra khỏi mồ với sức sống của Thiên Chúa trong mình, chúng ta sẽ xem tỏ các nguy hiểm, các cám dỗ, các lôi kéo của thế gian mà xa tránh. Quả thật, cuộc sống giữa trần ai đầy rẫy mỏng dòn và chông gai. Mỏng dòn trong những người nghèo khổ, bệnh tật, di dân, ngoài lề, thất vọng, trầm uất, tù tội, trẻ thơ, thai nhi, thất nghiệp. Chông gai trên những con đường nghề nghiệp, cạnh tranh, buôn bán, gia đình tan vỡ, ly dị, tái kết hôn, ...

Những ai từng nghe Lời Chúa, từng kín múc Thần Khí mới của Đức Ki-tô như chúng ta trong buổi phụng vụ này, thì phải biết làm bổn phận : "Ra khỏi mồ." Ra khỏi mồ để thi hành những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta. Tức công bố và xác quyết lời ban sự sống bằng chứng từ và hành động. Chúng ta phải thổi hơi vào nơi thiên hạ khao khát sức sống và hy vọng. Xin cho phép tôi ghi chép lại mấy liệt kê "ra khỏi" của tác giả Patricia Datchuck Sanchez đăng trong Tập san "Celebration" tháng 3 năm 2002 trang 121. Quý vị sẽ theo đó mà khai triển thành danh sách riêng của mình, ngõ hầu rao giảng cho sát với thực tế của hoàn cảnh địa phương, Chúa nói :

  • "Hãy ra khỏi chiếc mồ của tính tự mãn, kiêu ngạo, tưởng mình như không cần ai, chẳng cần Thiên Chúa, chẳng cần anh em".
  • " Hãy ra khỏi chiếc mồ của ích kỷ, tham lam chỉ chăm lo cho những nhu cầu của mình, bỏ quên những nhu cầu của kẻ khác".
  • "Hãy ra khỏi chiếc mồ của những bộn rộn quá mức. Cần tìm thời gian suy nghĩ, lắng nghe, yên lặng và cầu nguyện".
  • "Hãy trỗi dậy khỏi nơi chôn vùi trong công việc tự áp đặt, những ràng buộc tưởng tượng, những lăng xăng kiểu Martha, trái lại nên noi gương Maria chỉ có một điều cần mà thôi đó là đời sống thiêng liêng, phần rỗi linh hồn mình".
  • "Hãy ra khỏi chiếc mồ tự đào cho mình, ngày một sâu hơn do ngu dốt, kỳ thị, lãnh đạm, tẩy chay và hãy tỉnh thức nhạy cảm đối với những số phận nghèo khổ, đói rét, bị áp bức.
  • "Hãy ra khỏi chiếc mồ buồn phiền, trầm cảm, thất vọng và hãy mừng vui về ơn huệ nhận được từ tay Thiên Chúa và lòng tốt của tha nhân".
  • "Hãy ra khỏi chiếc mồ yếm thế, vô vọng để sống lạc quan yêu đời trong hiểu biết bạn thuộc về tôi, tôi thuộc về bạn, chúng ta thuộc về Thiên Chúa.
  • "Hãy ra khỏi chiếc mồ kiên cố bằng những bức tường tự kỷ ám thị, những lo lắng vô ích, những xiếng xích, những bất an vô cớ và phó thác mình vào bàn tay toàn năng của Đấng Tối Cao, hằng yêu thương săn sóc nhân loại.
  • "Hãy thoát khỏi ngọn núi sợ hãi đang đè nặng trên vai, những buồn chán vì thất bại, bị phản bội, mất công ăn việc làm, thất nghiệp lâu ngày. Tháo gỡ mình ra khỏi những bận tâm không cần thiết và tìm sự can đảm mới, tự do mới nơi Ta".
  • "Hãy ra khỏi chiếc mồ tội lỗi, khỏi chính bản thân đầy tính mê nết xấu và tiến vào đường nhân đức trong sạch, ngay thẳng, công chính.
  • "Hãy ra khỏi chiếc mồ cô đơn lạnh giá của tính ghen tương, đố kỵ. Ngỡ mình khỏi muôn vàn suy nghĩ bất chính, toan tính ma quỷ, hậu ý xấu xa, âm mưu xảo trá. Hãy đến chia sẻ tự do của đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa, Thần Khí và với Ta."
  • "Hãy mở mắt ra xem thiên hạ đang cần thiếu những gì.

Như vậy, Mùa chay quả là hồng phúc, thuận lợi để chúng ta trở về với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Do mưu mô của satan, chúng ta đã bị lôi cuốn vào những sai lầm trí tuệ và lòng muốn, bị chôn vùi trong những chiếc mồ bảy mối tội đầu. Chúa Giê-su phục sinh Lazarô cũng là phục sinh mỗi tín hữu, ban sự sống mới cho ông cũng là cho mỗi chúng ta. Sau khi chữa lành bệnh nhân, Chúa ra lệnh : Đừng phạm tội nữa, cũng là mệnh lệnh Ngài ra cho chúng ta trong Mùa chay này. Hãy trỗi dậy để hưởng tự do của ơn thánh và vinh quang của nếp sống mới trong Thiên Chúa. Như thế, sự chết phần xác không phải là môi nguy, bởi nó không thể chia rẽ chúng ta khỏi Thiên Chúa. Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP

CHẾT?
Ga 11, 1 - 45

Là người như bao nhiêu người, Chúa Giêsu cũng xót thương, cũng rung động trước nỗi mất mát của người thân, của bạn hữu. Và Chúa đã thật sự xót thương, thật sự rung động trước cái chết của chàng trai Lazarô, bạn của Chúa. Thế nhưng điều mà Tin Mừng muốn nói không dừng lại ở việc Chúa xúc động. Vượt trên cái chết rất đỗi bình thường của Lazarô, là sự khẳng định quá sức phi thường của Chúa Giêsu: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ".

Nhưng lời khẳng định của Chúa có xác đáng không, khi mà thực tế, chết là đau xót, là chia cắt? Chứng kiến cái chết của người thân nhiều khi làm lòng ta se thắt lại. Ta muốn làm một cái gì đó để cứu giúp họ nhưng hoàn toàn bó tay. Thử hỏi lời Chúa Giêsu: "Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ" có là lời chân thật? Nếu đó là lời xác đáng, thì sự sống mà Chúa Giêsu nói là sự sống nào mà lại "không chết bao giờ"?

Trong một một bài viết mang tên Cõi đi về, mở đầu cho những lời ngậm ngùi tiếc xót một Chủng sinh đã an giấc, linh mục Giuse Nguyễn Hữu An không giấu nổi niềm đau của mình: "Mọi đám tang đều gieo vào lòng tôi một nỗi buồn tê tái". Nhất là nhìn cảnh Thầy - "một thanh niên đang tuổi xuân ra đi mà mẹ già mắt mờ, lưng còng, tóc bạc đưa tiễn", thì "chỉ có đau thương, chỉ có buồn sầu và tiếng khóc, chỉ có nghẹn ngào và nước mắt" là đúng lắm. Chết là một mất mát. Lứa tuổi cao niên, chết vẫn thấy đời người dang dở, lứa tuổi xuân thì còn dang dở biết bao nhiêu! 

Cái chết của Lazarô, người bạn của Chúa Giêsu, người được gọi là "người Thầy yêu", không chỉ làm cho hai chị của mình và những người quen biết khóc thương, mà còn làm cho Chúa Giêsu, dù biết rằng sẽ cho anh sống lại, cũng đã "thổn thức và xúc động". Điều đó càng làm nổi bật cái bi, cái khổ của nỗi chết. 

Nếu chỉ suy nghĩ như thế thôi, lời của Chúa Giêsu: "Ai tin Ta...", đúng là không xác đáng. 

Nhưng không đúng! Lời ấy phải được suy niệm bằng đức tin, vì là lời của ĐỨC TIN. Chúa không hề bảo rằng: "Ai suy nghĩ về Ta...", mà lại nói rằng: "Ai tin Ta...". Vì thế đọc Lời Chúa, bạn và tôi đừng dừng lại ở chỗ chỉ suy nghĩ mà hãy tiến xa hơn đến chỗ suy niệm. Vì điều quan trọng không nằm ở chỗ biết suy nghĩ, nhưng quan trọng là suy nghĩ trong đức tin. Chỉ trong đức tin, lời của Chúa Giêsu không những là lời xác đáng mà còn là lời ban niềm hy vọng. Một niềm hy vọng mãnh liệt vào sự sống phía sau cái chết, một sự sống "không chết bao giờ".

Không ai sinh ra là để sống ở trần gian đời đời cả, nhưng sinh ra để rồi chết. Nếu không có đức tin, không mảy may biết một chút gì đến sự sống đời sau, thì rõ ràng, cuộc đời là bi đát. Vì sao lại bi đát? Là vì cuộc sống trần gian giống như một chuyến đi. Ở cuối hành trình của cuộc đời mỗi người không phải danh vọng, địa vị, hưởng thụ, giàu sang, tiền rừng, bạc bể..., mà là cái chết. Chấm dứt tất cả. Giết chết tất cả. Bị cướp mất tất cả. 

Trong cái chết, có lẽ con người ta cô đơn nhất. Dẫu có hai người sát cạnh nhau cùng chết, cũng khó có thể nói rằng: chết cùng, chết với. Mỗi người là một cái chết, rất tư riêng, không bao giờ hòa trộn, không bao giờ lẫn lộn. Trong cái chết, con người ta trở thành nghèo nhất: bỏ lại tất cả, chỉ có hai bàn tay trắng. Điều còn lại chỉ là một cái xác không hồn. Nhưng cái xác không hồn này rồi cũng phải bị vùi dập, hay thiêu đốt lập tức, vì nó sẽ thối rữa đến đến tan nát, đến mất mát, đến không còn gì. Rõ ràng bi đát, rất bi đát...

Nhưng người Kitô hữu có đức tin. Họ xác tín mạnh mẽ vào Đấng là Thiên Chúa đã làm người chia sẻ đến cùng kiếp sống con người của họ. Người đã chết thật, nhưng đã đi bước trước để dạy họ bài học của sự sống đàng sau cái chết: đó là chính Chúa đã sống lại thật. Sự sống đàng sau cái chết mới là sống thật, sống vĩnh cửu. Một sự sống không có sự chết. Đấng Phục Sinh ấy, hôm nay, trong Tin Mừng, đã nói một cách tường tận, thẳng thắn với Martha, cũng là nói với bạn và tôi: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ".

Tin vào Đấng tự mình phục sinh và hứa ban ơn phục sinh cho những ai tin, người Kitô hữu cảm nhận bình an trong cuộc sống. Đức tin giúp họ hiểu rằng, cái chết chỉ là một sự biến đổi để trở về cùng Thiên Chúa. Nhờ đức tin, chúng ta nhận ra ý nghĩa của cuộc đời. Những cố gắng xây dựng cuộc đời sẽ cho ta hạnh phúc tương lai. Nếu hiểu như thế, cuộc đời không bi đát, nhưng đáng yêu. 

Bạn và tôi có quyền hy vọng điều mà Chúa đã hứa: "Ai tin Ta sẽ không chết đời đời"!! 

Đức tin là chìa khóa mở cửa cho niềm hy vọng của chúng ta.

Lm Vũ Xuân Hạnh

CHÚA GIÊSU ĐẤNG BAN SỰ SỐNG
Ga 11, 1 - 45

Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Đấng ban sự sống, đó là ý tưởng xuyên suốt phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Mùa Chay năm A này. Thật vậy, ngay từ bài đọc I trích từ sách tiên tri Ez.37,12-14, tác giả lên tiếng " Ta mở cửa mồ các ngươi và kéo các ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta và các ngươi được sống". Qua bài đọc II, thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi cho Giáo đòan Roma, Ngài cũng nói : "Thánh Thần của Đấng làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em"(c. 11). Và nhất là bài Tin Mừng theo Thánh Gioan 11, 1-45 Chúa Giêsu xác quyết : " Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dầu có chết cũng sẽ được sống ".

Vâng, Chúa Giêsu chính là sự sống, là Đấng ban sự sống cho những ai tin vào Ngài, điều này được chứng minh qua phép lạ làm cho Lazarô sống lại. Đây là trình thuật dài nhất trong Tin Mừng Gioan và phép lạ chỉ xẩy ra ở lúc cuối, còn phần đầu là chuẩn bị. Cả trình thuật là một thảm kịch được dàn dựng từng hồi, càng lúc càng căng thẳng, cho đến khi được kết cục trong hành vi cuối cùng : Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Đấng ban sự sống và đòi con người phải đáp trả bằng niềm tin.

Trong thảm kịch này nhân vật chính không phải là Lazarô mà là Chúa Giêsu, vai trò của Lazarô chỉ là để đưa các nhân vật khác trình diện Chúa Giêsu, như các môn đệ, Matta, Maria và các người Do Thái. Tất cả những người này đều mời gọi đến đức tin.

Trước tiên Matta và Maria nhắn tin cho Chúa Giêsu : " người Thầy yêu đau liệt "(c.3), họ không nói sắp chết, cũng không giục phải đến mau vì hai chị em biết rõ Đức Giêsu yêu Lazarô lắm, và chỉ cần nói như thế Đức Giêsu đã biết tình trạng của họ và đã biết cách làm thế nào rồi. Nghĩa là hai chị em đã tin Đức Giêsu là tiên tri, không cần phải nói rõ, Người biết cách hơn họ biết. Ngài biết điều gì cần cần hơn, tốt hơn cho họ...Họ chỉ có niềm tin và tín nhiệm vào Chúa Giêsu. 

Và Chúa Giêsu bảo " bệnh này không đến nỗi chết...Lazarô bạn chúng ta đang ngủ"(c.4a.11b). Chúa Giêsu nói thế không phải là Người không biết Lazarô chết, nhưng Chúa Giêsu muốn nói rằng : những ai chết trong niềm tin vào Đức Kitô thì chỉ là đang ngủ, những ai đang ngủ trong Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ họ đi làm một với Ngài (x.IThess.4,14), vì Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, của đầu mùa của những ai đang ngủ(ICor.15,20).

Sau đó Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy vinh quang Thiên Chúa và giúp cho các ông thêm lòng tin vào Người nên, khi nghe tin Lazarô đau nặng Ngài còn lưu lại hai ngày và sự việc là Lazarô chết : Họ phải chứng kiến việc Lazarô thực sự đã chết - có mùi rồi - 4 ngày - là cần thiết. Có lẽ chính vì Lazarô là người yêu của Người, gia đình Bêtania là gia đình Người thương mến mà Người đã để cho họ được tham dự vào sứ mạng của Người. Người không đến ngay vì nếu Người đến Người không chịu đựng được việc để bạn Người chết và việc gia đình Matta và Maria phải đau khổ. Chứng cớ là Người đã thổn thức nhiều lần. Rõ ràng Đức Giêsu vừa rất Thiên Chúa vừa rất con người.

Khi đến Bêtania Chúa Giêsu đã mạc khải cho Matta biết chính Ngài là sự sống lại và là sự sống(x. câu 25), các môn đệ cũng nghe điều này. Dĩ nhiên là Chúa Giêsu có ý nói sống lại về phần linh hồn chứ không phải thể xác như Lazarô. Chúa Giêsu sẽ dùng sự việc phục sinh cho Lazarô để nói đến việc Ngài phục sinh phần hồn cho những ai tin vào Ngài. Matta đã mạnh dạn tuyên xưng : " vâng thưa Thầy con tin"(c.27), chính niềm tin mạnh mẽ này nên Ngài đã làm cho Lazarô chết đã bốn ngày sống lại.

Tuy nhiên để các môn đệ và những người Do Thái tin vào Ngài nên Ngài đã lớn tiếng " nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con"(c.42), đã rõ Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại phần xác là để mọi người tin vào Ngài, Ngài hô lớn tiếng : " Lazarô hãy ra ngòai"(c.43). Mọi người đều vui mừng, và kinh ngạc mở mắt to ra nhìn mà không thốt lên lời.

Qua bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy :

Chúa Giêsu không dửng dưng với tạo vật mà Ngài đã tạo dựng, nên Ngài cũng xúc động, khóc cùng với nước mắt con người. Người không xa lạ với chúng ta mà rất gần gũi, vì cũng là người như chúng ta.

Chúa Giêsu cũng muốn cho con người cộng tác vào những việc lạ lùng mà người làm, nên mời gọi người ta "cất hòn đá đi " " hãy cởi ra cho ông ấy". Vì thế, Thiên Chúa không ngừng mời gọi con người khám phá vũ trụ.

Cầu nguyện đừng dài lời, chỉ cần nói ít như Matta đã cầu nguyện " kẻ Thầy yêu đau liệt".Chúa Giêsu phục sinh Lazarô, chính bởi vì Ngài là Lời tạo dựng của Thiên Chúa. Ấy thế mà Ngài sắp phải chết. Đấng vốn là chủ của sự sống, mà nay lại phải mang ách tử thần. Chúa Giêsu muốn thế vì Ngài muốn chiến thắng sự chết bằng cái chết, và Ngài không muốn cứu lấy chính bản thân Ngài mà thôi, nhưng còn cứu tất cả chúng ta nữa. 

Lạy Chúa, tảng đá kiêu căng, tự ái đã ngăn cản ơn Chúa hành động nơi chúng con, khép kín tâm hồn chúng con trước những hồng ân diệu vợi của Chúa, và chặn bước chúng con đến với tha nhân. Xin cho chúng con biết giúp đỡ nhau cất bỏ những dịp tội, để Chúa cải biến chúng con thành những tạo vật mới của tình thương và lòng nhân hậu.

Sr Mai An Linh, OP

SỐNG VÀ CHẾT
Ga 11, 1 - 45

Sống và chết là hai việc hoàn toàn mâu thuẫn, chống đối nhau. Tâm lý con người ai cũng muốn sống và không muốn chết : ham sống sợ chết là tâm lý tự nhiên của con người. Lòng ham sống thúc đẩy con người phải bám vào nhiều thứ, nhất là của cải, tiền bạc, chẳng hạn như ông nhà giàu trong Tin Mừng : thâu hoạch lúa thóc đầy tràn, ông phải xây thêm nhà kho, tự cho đời sống mình như thế thật là bảo đảm, tha hồ ăn chơi sung sướng. Nhưng Chúa bảo ông : thật là hạng khờ dại, vì đêm nay ông chết, của cải có bảo đảm được mạng sống ông không ? Ông còn nắm giữ được của cải không ? và quả thực ông đã vỡ mộng khi đối diện với cái chết. Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 30 ngàn người chết, bao nhiêu người bị Chúa cho là "hạng khờ dại", vì lúc chết, tay buông xuông, người ta không còn có thể bám vào một vật gì cả : "Vua Ngô ba mươi sáu tấn vàng, chết xuống âm phủ chẳng mang được gì". "Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì". "Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười". 

Nếu nghèo là không có, hoặc có rồi mà mất đi, như không có tiền bạc là nghèo vật chất, mồ côi cha mẹ là nghèo tình thương, dốt nát là nghèo về trí thức, bệnh tật là nghèo về sức khỏe, thì cái chết đưa người ta đến cái nghèo cùng cực. Người khoẻ mạnh hay còn trẻ chưa cảm thấy rõ điều này. Nhưng chúng ta cũng biết cái chết nói lên sự bất lực của y khoa, của mọi thứ khả năng tự vệ trên cõi đời này : quyền hành nhất trần gian cũng chết, giàu có nhất nhân loại cũng chết, sung sướng tất cả đời cũng chết. Mọi người đều bó tay trước cái chết. 

Trước định luật nghiêm khắc ấy, con người lo âu, bồn chồn, và người ta cố níu kéo sự sống lâu chừng nào hay chừng ấy, dẫu vẫn biết là bất lực. Bởi thế mới có những quảng cáo về thuốc "trường sinh" hay "bất tử". Có một câu chuyện như sau : Thời chiến quốc, có một người đem dâng vua nước Sở một vị thuốc "bất tử". Người ấy mang vị thuốc này vào hoàng cung, viên quan canh cửa quát hỏi : "Vị thuốc này có ăn được không ?". Người ấy đáp : "Dạ, ăn được", tức thì viên quan giật lấy vị thuốc và ăn. Truyện đến tai vua, vua truyền bắt viên quan đó đem giết. Viên quan xin vào gặp vua và kêu van rằng : "Tâu hoàng thượng, hạ thần đã hỏi người đem dâng thuốc, người ấy nói : ăn được, nên hạ thần mới dám ăn, thế là hạ thần vô tội mà lỗi ở người dâng thuốc, hơn nữa, người đem thuốc nói là thuốc bất tử, ăn vào thì không chết nữa, thế mà hạ thần mới ăn, đã sắp phải chết. Vậy là thuốc tử chứ sao gọi là bất tử được ? Hoàng thượng giết hạ thần thực là bắt tội một người vô tội, trong khi thiên hạ dối gạt hoàng thượng mà hoàng thượng vẫn tin". Nhà vua nghe nói có lý nên tha tội chết cho viên quan ấy.

Hiện nay các nhà bác học đang cố tìm ra một thứ thuốc làm cho con người khỏi chết. Được chăng ? Chúng ta cứ hy vọng. Đó là vấn đề còn trong giả thuyết, nhưng theo Kinh Thánh thì không thể nào có được, vì Chúa đã phán với ông bà nguyên tổ : "ngươi sẽ trở về bụi đất". Từ đó, chết là một định luật Chúa ra cho loài người, loài người không thể phá nổi định luật này. Nói khác đi, con người đã mắc phải một chứng bệnh nan y không thể nào chữa khỏi, đó là bệnh chết. Cái án chết áp dụng cho hết mọi người : hữu sinh hữu tử : có sinh có chết là một điều tất yếu.

Nhưng qua cái chết và sự sống lại của Ngài, Chúa Giêsu đã loan báo cho con người một tin mừng : cái chết không còn là một ngõ cụt hay tận cùng nữa mà là cửa ngõ dẫn vào một cuộc sống mới, một cuộc sống trong Đức Kitô và cùng với Đức Kitô trong cõi vĩnh hằng. Vì thế, thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu đã nói : "Nếu một mai bạn thấy tôi nằm chết, bạn đừng buồn, vì chính Cha chung của chúng ta là Thiên Chúa đã đến đón tôi đi, đơn giản vậy thôi". Hoặc như thánh Phaolô đã nói : "Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi". Làm thế nào để được như thế ? Chúng ta hãy sống theo câu nói của một bà mẹ kia đã khuyên bảo đứa con trai sắp bước vào đời : "Con ơi, ngày con mở mắt chào đời, mọi người đều tươi cười, còn con thì khóc. Con hãy sống thế nào đề ngày cuối đời, một mình con tươi cười, mà mọi người lại tràn lệ".

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP.

nguồn vietcatholic.org

1654    08-04-2011 07:18:14