Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Chúa Nhật XIX TN A_4

ĐỨC KITÔ, ĐẤNG BAN BÌNH AN
Mt 14, 22-36

Hình ảnh một con thuyền bập bềnh trên mặt nước, trong đêm tối cùng với gió bão, có lẽ không lạ gì với nhiều người trong chúng ta, nhất là đối với quý ông và các bạn thanh niên, những người làm nghề biển. Nhớ lại những lúc một mình lênh đênh trên biển, chắc quý vị cũng cảm nghiệm được sự bấp bênh của con người trước sức mạnh của thiên nhiên. Đứng trước sự bao la của biển cả và sức mạnh của thiên nhiên, tất cả chúng ta chắc đều thấy mình thật nhỏ bé và mong manh. Không chỉ là sức mạnh của thiên nhiên, trong cuộc sống, mỗi người chúng ta còn phải đương đầu với biết bao những thử thách, chống đối, hiểu lầm, và nhiều sóng gió của cuộc sống. Những khó khăn này, đôi lúc làm cho chúng ta phải ngã lòng như các tông đồ thấy Chúa đi trên biển đã sợ hãi mà la lên "Ma kìa". Thế nhưng, ngay lúc đó, Đức Giêsu đã lên tiếng trấn an các ông: "Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ".

"Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ" cũng là điều mà Đức Giêsu muốn nói với từng người chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, nói như thế, không có nghĩa là cuộc sống của người môn đệ Đức Giêsu không còn gặp khó khăn, trở ngại, nhưng cho dù có khó khăn, trở ngại chúng ta hãy vững lòng vì đang có Chúa ở với chúng ta.

1. NHỮNG THỬ THÁCH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ :

Chống đối đầu tiên mà người của Thiên Chúa gặp phải là sự chống đối từ các thế lực của sự dữ. Sự chống đối đó, người môn đệ luôn phải đối mặt ở mọi thời và mọi nơi. Sỡ dĩ có sự chống đối này vì thế gian không chấp nhận sứ điệp của Thiên Chúa mà người môn đệ của Thiên Chúa loan báo. Ánh sáng không thể ở chung với bóng tối (x. Ga 1, 5. 9. 11); điều thiện không thể ở chung với điều ác. Đây cũng là điều mà ngôn sứ Êlia đã gặp trong khi thi hành sứ mạng của mình. Vâng lệnh Thiên Chúa, ông đã tố cáo đời sống bất công và thờ ngẫu tượng của vua Akhab và hoàng hậu Giêdaben. Do đó, hoàng hậu đã truy sát ông, khiến ông phải trốn lên núi Horeb.

Những thử thách, bách hại mà vị ngôn sứ đã chịu trong khi thi hành sứ mạng của mình, cũng là những sóng gió mà Giáo Hội của Đức Kitô phải đương đầu trong suốt hơn 2000 năm qua. Kể từ khi Đức Kitô, vị Hôn Phu của mình bị đóng đinh vào thập giá chỉ vì đã làm chứng cho chân lý (x. Ga 18, 37), con thuyền Giáo Hội tiếp tục gặp biết bao sóng gió cả bên trong lẫn bên ngoài. Từ bên ngoài, đó là các cuộc bách hại liên tục và đẫm máu; còn bên trong là các cuộc ly khai đầy đau buồn của các anh em Chính Thống giáo vào thế kỷ X, rồi các giáo phái của Thệ phản vào thế kỷ 16.

Ngay cả hiện nay, con thuyền Giáo Hội cũng đang phải đương đầu với biết bao sóng gió và đêm tối của thế lực tội lỗi. Hình ảnh con thuyền của các tông đồ đang bị "sóng đánh chập chờn vì ngược gió" (Mt 14, 24) là một diễn tả rất cụ thể của cuộc sống người môn đệ trong thế giới hôm nay. Là người môn đệ của Đức Kitô, chúng ta cũng đang phải đi "ngược gió", nghĩa là đi ngược với những gì mà bản năng và tính ích kỷ của chúng ta đòi hỏi. Những khi chúng ta sống công bằng và bác ái, hay sống trong sạch và trung tín trong đời hôn nhân là những lúc chúng ta đang đi ngược với tính tham lam, ưa thích được hưởng thụ của bản năng nơi con người tự nhiên. Và như thế, chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều chống đối, trở ngại từ bên ngoài và cả từ bên trong con người chúng ta nữa (x. Rm 7, 14-24), nhưng chúng ta hãy an tâm vì Đức Giêsu đã nói: "Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ".

2. ĐỨC KITÔ, ĐẤNG BAN BÌNH AN:

Thật vậy, giữa cuộc bách hại của hoàng hậu Giêdaben, và trong hoàn cảnh như cùng quẫn nhất. Thiên Chúa vẫn ở bên ngôn sứ Êlia, âm thầm, nhưng hiệu quả. Ngài đến như một cơn gió nhẹ giúp ông xua tan nỗi nhọc mệt của cuộc trốn chạy, tìm lại được sự bình an và thanh thản cho tâm hồn. Thiên Chúa không hiện diện trong sự ầm ĩ của cơn gió mạnh xé núi non, gió bão hay cơn động đất, mà là trong làn gió hiu hiu (x. 1 V 19, 11-12). Điều này cho ta thấy cần phải tỉnh thức để nhận ra bàn tay nhẹ nhàng, nhưng rất hiệu quả của Chúa giữa bao nỗi khó khăn, vất vả trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Có Thiên Chúa, có Đức Kitô là chúng ta có được tất cả và tâm hồn chúng ta sẽ được bình an. Ý thức điều đó, thánh Phaolô đã rất đau buồn khi dân Do thái là những người đồng hương của ngài chối bỏ Đức Kitô, ngài tâm sự: "lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn." (Rm 9, 1-2). Cũng chính vì muốn cho dân mình được hạnh phúc và bình an bằng cách đón nhận Đức Kitô, nên thánh nhân đã dùng một kiểu nói rất mạnh: "Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác" (Rm 9, 3). Thế đó, thánh nhân sẵn sàng hy sinh bản thân mình để cả dân tộc mình được đón nhận Đức Kitô.

Tuy nhiên, để có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, ngôn sứ Êlia đã vào một hang động. Còn các tông đồ, sau sự kiện hoá bánh ra nhiều đang được đám đông hoan hô, Chúa đã giục các ông trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước. Tất cả những điều này cho thấy để có thể nhận ra Chúa, mỗi người chúng ta cần có sự yên lặng. Không chỉ là sự yên lặng bên ngoài, nhưng quan trọng hơn là sự yên lặng bên trong, nghĩa là cần để cho tâm hồn chúng ta lắng đọng, không để tâm trí chúng ta quá lo lắng và nhất là phải chuyên cần cầu nguyện. Vì chính khi cầu nguyện, chúng ta sẽ gặp được Chúa.

Hiện diện nơi đây trong giờ phút này, có lẽ trong lòng mỗi người chúng ta cũng đang có nhiều nỗi lo lắng, băn khoăn. Chúng ta lo lắng cho tương lai của mình, không biết sẽ đi về đâu và sẽ như thế nào. Chúng ta lo lắng cho đời sống kinh tế, lo lắng cho hạnh phúc gia đình của chúng ta không biết có trọn vẹn không. Chúng ta băn khoăn vì nhiều nỗi niềm trong lòng không biết chia sẻ cùng ai. Hôm nay, lắng nghe lời Đức Kitô: "Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ", tất cả chúng ta hãy can đảm nhảy ra khỏi con thuyền của sợ hãi như Phêrô, mắt hướng thẳng về Đức Giêsu, vượt qua những sóng gió của lo lắng, và bất an để đến với Ngài. Chớ gì lát nữa đây, từng người chúng ta đều sẵn sàng để đón rước Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể lên con thuyền cuộc đời chúng ta. Có Ngài chúng ta sẽ được bình an như lời Tin mừng thuật lại: "Khi cả hai (Đức Giêsu và Phêrô) lên thuyền thì gió liền yên lặng".

Giờ đây, trong niềm tin yêu và phó thác vào Đức Kitô, Đấng ban bình an, xin mời cộng đoàn cùng đứng lên tuyên xưng đức tin.

Lm Trần Thanh Sơn


TẠI SAO PHÊRÔ BỊ CHÌM
Mt 14, 22-33

Sau khi cho hơn năm ngàn người ăn uống no nê từ 5 chiếc bánh và 2 con cá, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ lên thuyền sang bên kia biển Galilê, còn Người giải tán dân chúng và lên núi cầu nguyện. Đêm đó, biển Galilê dậy sóng, phong ba bão táp tràn đến như muốn nhấn chìm con thuyền các môn đệ xuống đáy sâu. Chính lúc ấy, Chúa Giêsu xuất hiện cứu nguy cho con thuyền đang chòng chành giữa bão táp cuồng phong. Cũng chính lúc đó, qua lời khiển trách của Chúa Giêsu, chúng ta thấy đức tin của tông đồ Phêrô cũng như các môn đệ còn non nớt như thế nào.

Theo Kinh thánh, biển khơi tượng trưng cho quyền lực của sự dữ, là cạm bẫy thường xuyên đe doạ tính mạng của con người. Con thuyền các môn đệ ra khơi và dĩ nhiên, không thể tránh khỏi cạm bẫy này. Những ai có dịp đi biển và trải qua cơn giông bão giữa sóng nước mênh mông mới cảm nghiệm hết nỗi sợ hãi mà hôm nay các môn đệ gặp phải. Thế nhưng, với kinh nghiệm từng trải của nghề biển, các môn đệ tuy sợ hãi nhưng không đến nổi quá hãi hùng nếu không có sự xuất hiện của một bóng người bước trên sóng biển đang tiến về phía các ông. Nổi ám ảnh về cuồng phong, về sóng đánh và ngược gió không làm các ông hốt hoảng cho bằng sự xuất hiện của chủ nhân biển cả- quyền lực của sự dữ, mà các ông cho là "ma" đang tiến đến gần chiếc thuyền. Các ông cho rằng nếu chỉ là sóng đánh và ngược gió, các ông có thể chống chọi bằng kinh nghiệm của mình, nhưng nếu có sự nhúng tay của ác thần, của bóng ma sự dữ, thì điều này thật tệ hại, các ông chắc chắn sẽ bị chôn vùi trong biển khơi.

Chính lúc các ông hoảng loạn, không còn biết phải làm gì hơn là việc gào thét để mong sao "bóng ma" kia rẽ lối khác mà đi, đừng đến quấy phá các ông, thì một giọng nói thân quen vang lên: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!". Giọng nó ấy rõ ràng là của Thầy- người mà các ông biết là sau khi giải tán dân chúng, đang cầu nguyện trên núi. Thế nhưng, sao Thầy lại xuất hiện ở nơi đây, trong lúc biển gầm sóng thét thế này? Giọng nói thân quen ấy chứng tỏ Chúa Giêsu không hề rời bỏ các môn đệ của mình, dù các ông đang làm gì và ở đâu. Giọng nói ấy cũng minh thị rằng Chúa Giêsu có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, nhất là trong những hoàn cảnh hiểm nguy của cuộc đời.

Hình ảnh chiếc thuyền các môn đệ vượt đại dương, đương đầu với sóng gió được sánh ví như con thuyền Giáo hội trôi theo giữa dòng đời trần thế. Phêrô được xem như viên thuyền trưởng hướng dẫn con thuyền vượt sóng đến bến bờ bình an. Trên hành trình ấy, những tảng đá ngầm, những cơn sóng thần, những trận cuồng phong và ngay cả hải tặc, ... tất cả đều có thể làm cho con thuyền mỏng manh này bị nhấn chìm xuống đáy biển sâu nếu viên thuyền trưởng lơ là nhiệm vu. Chính vì thế, vai trò của Phêrô rất quan trọng trong việc lèo lái con thuyền vượt sóng đại dương. Chúng ta thấy một khi Phêrô biết bám vào Chúa, biết tin tưởng và cậy trông vào Chúa, ông có thể làm được tất cả những phép lạ cũng như chiến thắng sự dữ như Chúa đã làm. Thế nhưng tại sao Phêrô lại bị chìm giữa biển khơi? Điều dễ nhận ra là một khi ông rời xa Chúa, tâm trí ông xao lãng việc kết hiệp với Chúa, ông sẽ không thể làm được chuyện gì. Việc ông bị chìm vào biển khơi khi đang bước đi ngon lành là một minh chứng điển hình cho việc ông rời xa Chúa. Như thế đã rõ, Phêrô chìm vào biển khơi là bởi vì ông dựa vào sức mình mà không dựa vào Chúa; Phêrô chìm vào biển khơi là bởi vì ông kém lòng tin; Phêrô chìm vào biển khơi là bởi vì ông vẫn còn hoài nghi ngay cả việc mình đang thực hiện bởi ý Chúa.

Hình ảnh Phêrô chìm vào dòng biển cũng là hình ảnh tiêu biểu cho mỗi Kytô hữu trong mọi thời đại. Trên hành trình đức tin, nhiều khi chúng ta bị vấp ngã do quá tự tin, quá dựa vào sức mình mà không cậy trông vào ơn thánh Chúa. Bài học của Phêrô vẫn còn đó. Vững tin vào Chúa, bám chắc vào ơn Chúa, ông đã bước trên biển cả như đi trên đại lộ thênh thang. Thế rồi chỉ một phút tự hào, khoái chí vì nghĩ rằng mình đang làm được điều kỳ diệu mà không dễ ai làm được, ông đã bị nhấn chìm vào biển khơi. Đôi khi chúng ta cũng như Phêrô, luôn tự đắc vì mình hơn người, mình làm được nhiều công trạng mà quên mất điều quan trọng này là tất cả đều đến từ Thiên Chúa, ngoài Chúa ra, con người không thể làm được điều gì đáng để tự hào.

Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta nhận ra thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình để không ngừng cậy trông vào ơn Chúa, xin ơn Chúa giúp và củng cố niềm tin hầu có thể can đảm vượt qua mọi trở ngại, mọi cám dỗ trong đời.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

CHÚA GIÊSU QUYỀN PHÉP
Mt 14,22-33

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, như vậy chính Ngài đã tạo dựng vũ trụ, vạn vật, muôn loài, vì thế Ngài có toàn quyền trên thiên nhiên. Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những bằng chứng để chúng ta quả quyết điều trên : Chúa đi trên biển nổi sóng và sóng gió yên lặng ngay khi có lệnh của Ngài hoặc khi có sự hiện diện của Ngài.

Hoàn cảnh của phép lạ : Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no, dân chúng phấn khởi quá muốn suy tôn Chúa làm vua, nhưng Chúa thì không đồng tình như vậy, nên Ngài bảo các môn đệ xuống thuyền ra khơi đi trước và đợi Ngài ở phía bên kia Biển Hồ, Ngài giải tán dân chúng rồi một mình lên núi cầu nguyện. Các môn đệ ra đi được khoảng vài cây số thì gặp sóng to gió lớn. Thánh Luca ghi lại : gió ngược thổi mạnh dữ dội, thánh Mát-thêu cho biết : lúc ấy vào khoảng canh tư, nghĩa là vào khoảng ba giờ sáng, như vậy lúc đó các môn đệ đã rất mệt mỏi sau mấy tiếng đồng hồ chèo chống.

Giữa lúc ấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ, hình như Ngài muốn đi ngang qua các ông. Vừa mệt mỏi, vừa đêm tối, các môn đệ thấy có bóng người đi trên mặt biển, tưởng là ma quái hiện hình, nên hoảng sợ, nhưng khi nghe tiếng nói quen thuộc trấn an : "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ", các ông mới nhận ra Chúa, lập tức Phêrô xin phép đi trên mặt nước đến gặp Chúa. Chúa bằng lòng. Phêrô bước ra khỏi thuyền đến với Chúa, nhưng đức tin của ông còn yếu kém, ông hồ nghi và lo sợ nên bị chìm dần xuống và kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đưa tay cầm lấy tay ông và trách nhẹ : "Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi?". Khi Chúa và Phêrô đã lên thuyền, sóng gió liền yên lặng và mọi người tuyên xưng Chúa : "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa".

Qua bài Tin Mừng này, chúng ta ghi nhận được ba bài học :

Bài học thứ nhất ,việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ cho chúng ta biết Ngài là Thiên Chúa. Đối với Chúa, việc này không có gì là khó khăn, và đối với chúng ta, cũng chẳng có gì là khó hiểu, vì Ngài là Thiên Chúa, là đứng tạo dựng vũ trụ, Ngài quyền phép vô cùng. Chính Ngài cầm quyền trên mọi định luật vật lý, nên việc Ngài đi trên sóng nước không có gì phản khoa học hay vô lý, nhưng lại minh chứng quyền năng Thiên Chúa của Ngài. Các môn đệ hôm ấy được chứng kiến tận mắt và ghi nhận sự kiện tỏ tường Chúa có quyền trên sóng biển, đi trên sóng, truyền cho chúng yên lặng. Vì thế, lòng tin của các môn đệ càng gia tăng. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta: Chúng ta phải tin Chúa Giêsu tuyệt đối và thể hiện niềm tin ấy bằng cách sống theo những lời Chúa dạy, bởi vì như thánh Giacôbê nói : đức tin không có việc làm là đức tin chết.

Bài học thứ hai, đang khi các môn đệ gặp bão táp, sóng gió thì Chúa xuất hiện để cứu giúp họ. Trong khoảnh khắc mọi sự đều thay đổi vì có Chúa. Điều này cho chúng ta biết : ở đâu có Chúa là có bình an. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, có giông tố bão táp, có thử thách khó khăn, nhưng chúng ta đừng bao giờ thất vọng nghĩ rằng Chúa bỏ rơi chúng ta, Chúa ở xa chúng ta hay không để ý gì đến chúng ta. Không, Chúa luôn ở với chúng ta, Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường, Chúa luôn sẵn sàng trợ giúp chúng ta. Chúng ta có thể nói : trong những giờ phút khó khăn, nguy hiểm, khổ đau, chẳng những Chúa đi bên cạnh chúng ta, mà Chúa còn bồng bế chúng ta trên cánh tay toàn năng của Ngài.

Bài học thứ ba ,Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên sóng nước ngon lành nên đã phản ứng khá mau lẹ, có thể nói quá vội vàng trước khi kịp suy nghĩ, là xin Chúa cho ông cũng đi trên sóng nước như Chúa. Chúa bằng lòng ngay, nhưng vì yếu lòng tin, lo sợ nên Phêrô đã bị chìm xuống. Ong lại vội vàng kêu xin Chúa và Chúa cũng cứu giúp ngay. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta : một quyết định hay một hành động vội vàng thường dễ sai lầm và gặp khó khăn. Vì thế, cần suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định một điều gì hay làm một việc gì, cần phải xác định được nên làm hay không nên làm và làm lúc nào. Đó là hai vấn đề : chúng ta phải cầu nguyện nhiều trước khi làm, một khi đã làm thì làm cho đến nơi đến chốn, nếu chẳng may thất bại thì cố gắng làm lại, đừng chán nản thất vọng. Thánh Phêrô đã làm như thế đã tin cậy Chúa, rồi càng yêu mến Chúa hơn trước và được Chúa tín nhiệm nhiều hơn.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ
Mt 14, 22-36

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay ghi lại những cảnh tượng sợ hãi mà dân Chúa phải đương đầu chứng kiến.

Bài sách Các Vua cho thấy tiên tri Êlia bỏ chạy trốn trong hang khi bà hoàng hậu Isabel cho truy nã giết ông vì ông quả quyết chỉ có mình Thiên Chúa là Đấng đáng tôn thờ và là Đằng điều hành vũ trụ.

Bài Phúc âm ghi lại các Tông đồ trở nên khiếp sợ khi gặp sóng to bão lớn. Thường thì biển hồ Galiêa rất phẳng lặng. Nếu bạn có dịp du lịch với nhóm qua Đất Thánh, quê hương Chúa Giêsu, nhóm bạn có thể thuê tàu ra giữa biển hồ Tiberia vào lúc nhá nhem tối. Rồi một người trong nhóm đọc bài Phúa Âm hôm nay. Bạn sẽ thấy cảm động thế nào khi suy niện cảnh Chúa đi trên mặt nước, việc Chúa làm phép lạ cho sóng gió yên lặng, việc Chúa cứu Phêrô khỏi chìm và lời Chúa trấn an các tông đồ: Thầy đây, đừng sợ (Mt 14,22). Trong một bầu khí linh thiêng trên mặt hồ phẳng lặng, lời Chúa sẽ trở nên sống động thế nào trong tâm hồn bạn.

Hôm nay khi các tông đồ vừa chèo thuyền ra khơi thì mặt hồ nổi sóng dữ dội. Rồi có người đi trên mặt nước tiến về phía các tông đồ làm các ông sợ hú vía, tưởng ma quái hiện hình trêu chọc. Chúa Giêsu liền lên tiếng trấn an các ông. Thánh Phêrô là loại người nóng tính, hăng say. Khi vừa nghe tiếng Chúa, ông đòi được đến gần. Lúc này ông cảm thấy sóng gió thổi mạnh. Sợ chìm, ông kêu lên: "Xin Thầy cứ con với" (Mt 14,30). Chúa Giêsu dang tay cứu ông với giọng trách móc: "Hỡi người hèn tin! Sao lại nghi ngờ" (Mt 14, 31). Đến đây bạn có thể nhớ lại bao nhiêu cảnh tượng kinh hoàng trong cuộc chiến tại quê nhà vào thập niên 60 và đầu thập niên 70. Rồi trong cuộc hành trình đi tìm tự do ngoài biển khơi, nhìn thấy người thân nhân chết đói, chết khát, chết chìm mà lòng xót xa nghẹn ngào. Trong chuyến đi tìm tự do, bạn còn ôm ấp nhiều mối lo sợ: sợ thuyền bị hết nhiên liệu, sợ sóng to bão lớn, sợ thiếu thực phẩm, nước uống, sợ bị hải tặc rượt bắt hãm hại. Bạn đã tựa vào niềm tin nào để bám víu?

Đứng trước những khổ trạng đó, bạn tự hỏi tại sao Chúa lại để những gian nguy khốn khó xẩy đến cho bạn và gia đình bạn? Và đâu là quyền phép của Chúa? Bạn có thể mất đức tin nếu bạn không tìm được câu trả lời thỏa đáng. Không ai có thể trả lời được tại sao, không ai biết được đường lối của Chúa, mà chỉ có thể chấp nhận bằng đức tin. Nếu nhìn kỹ vào đời sống, bạn sẽ thấy rằng những hoàn cảnh trắc trở có thể trở thành những cơ hội được chúc phúc, những cơ hội Chúa dùng để dẫn đưa bạn tiến lại gần Chúa, những cơ hội giúp bạn tìm đến và trở về với Chúa. Bạn sẽ thấy lòng từ bi và nhân hậu của Chúa đến với bạn sau những khủng hoảng của tâm hồn, và bạn sẽ tìm lại được sự bình an.

Nếu gặp sóng gió ngoài biển cả, bạn cũng có thể gặp sóng gió trong tâm hồn. Sóng gió trong tâm hồn có thể xẩy đến cho bất cứ ai, người lành cũng như người dữ. Người có đức tin sắt đá cũng có thể gặp sóng gió trong tâm hồn: những cơn cám dỗ nặng nề, những giằn vặt trong lương tâm, những nghi ngờ về sự hiện diện của Chúa. Để đối phó với những sóng gió trên biển cả, các tông đồ kêu cầu đến Chúa, một việc xem ra là cần thiết phải làm. Tuy nhiên Chúa lại trách móc họ, vì họ thiếu lòng tin. Điều Chúa muốn nói ở đây là các ông phải có lòng tin vào Chúa một cách liên tục trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chứ không phải chỉ kêu cầu đến Chúa khi gặp nguy hiểm, thất bại, bệnh tật mà thôi.

Hôm nay Chúa dạy bạn bài học là lời cầu nguyện tín thác của bạn vào Chúa phải là lời cầu xin, một tâm trạng phải có thường trực trong đời sống, trong tất cảmọi hoàn cảnh của cuộc đồi, chứ không phải chỉ khi gặp khó khăn trắc trở, khi bị dồn thế bí mới kêu cầu Chúa.

Lm Trần Bình Trọng USA (nguồn vietcatholic.org)

2433    05-08-2011 06:05:10