Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Chúa Nhật XXXI TN A_2

LÀM CHỨNG CHO CHÚA
Mt 23,1-12

Thánh Phanxicô nói với một thầy Dòng ngài : Chúng ta cùng đi giảng đạo chiều nay. Thế rồi sau một buổi chiều rảo quanh các phố xá, khu xóm, làng mạc, hai cha con trở về, ngồi bệt xuống ghế, hổn hển thở hơi tai. Ngài buông lời : Tạ ơn Chúa rồi lại im lặng. Thầy tùy tùng mới cất tiếng hỏi : Thưa cha, cha nói đi giảng đạo mà con có thấy cha giảng gì đâu. Ngài mìm cười trả lời : Chính cách đi đứng tử tế, nói năng thưa hỏi kẻ qua đường một cách đoan trang, lễ phép, chính cách cư xử bác ái, chân thành và ân cần giúp đỡ mọi người của chúng ta, là một bài giảng hùng hồn, và đánh động nhất đó con. Chúng ta đã giảng bằng chính gương sống của mình rồi.

Việt Nam có câu :
Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn. Là cách diễn tả bằng thực hành nhiều hơn là bằng rao giảng. Có một nhà nghiên cứu xã hội làm một bản trắc nghiệm và phỏng vấn. Ông cho hay : tám mươi phần trăm người trả lời : Xem gương người xưa đã sống và đã làm.

Chúa trách cứ người Pharisiêu, và các thầy thông luật chỉ chú tâm vào nghĩa chữ mà không thực hành :
Họ chỉ tay mà không làm. Họ bó cho người khác gánh còn họ không hề đưa ngón tay lay thử. Hỏi trong gia đình, chúng ta phục ai, thương ai, nếu không phải là người có lòng quán xuyến mọi việc, có chân tay mau rảo, có việc làm luôn tay luôn chân, có tâm hồn đạo hạnh, có tấm lòng rộng rãi, cởi mở...... Hỏi trong gia đình chúng ta ghét ai nhất : Nếu không phải là kẻ hay nói đổng, lắm mồm, nói dai và đay nghiến mà không chạy việc.

Nhìn vào gương người xưa có đủ mọi khía cạnh gương sáng cho chúng ta soi. Họ là những nhân chứng của Tin Mừng, của nước trời : Nhân chứng đức tin như ông Abraham giết con. Nhân chứng thứ tha như vua Davít cắt vạt áo vua khi vua cho ông là kẻ thù. Nhân chứng lề luật như Daniel trong lò lửa không chịu ăn thịt. Nhân chức trong sạch như Maisen đẹp trai và hoàng hậu Pharao mê sắc. Nhân chứng giữ đạo như bảy con của bà Macabêu bị hành quyết. Nhân chứng hy sinh cho đồng loại như Đức Cha Cassaigne, Thánh Damien tông đồ người hủi, Mẹ Têrêsa Ấn Độ. Nhân chứng gia đình như Đức Mẹ và thánh Giuse thành Nazareth. Nhân chứng từ bỏ như hoàng hậu Elzabeth, như Phanxicô khó khăn tụt áo sống trả lại cha trước quan tòa.


Thật đáng ca ngợi những bậc cha mẹ luôn nêu gương cho con cái. Đáng ca ngợi những người con sống và giữ theo lời cha mẹ khuyên dạy. Đáng ca ngợi những bậc ông bà sống đạo cho các con cháu thấy, nghe và bắt chước. Sống và thực hành như vậy chắc chắn các ngài sẽ bị phản đối, bị công kích, bị chê bai, bị kết án là khác đời. Nhưng các ngài sẽ giúp con cháu can đảm chấp nhận và vươn lên khỏi những nếp sống đê hèn đè bẹp cuộc sống. Sống như vậy các ngài đã nên tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau và không sống như vậy sẽ không có các thánh trên trời. (2002).

Lm. Thu Băng, CMC

CHỈ CÓ MỘT CHA
Mt 23,1-12

Xu hướng tự nhiên của muôn loài và lòng người luôn hướng về một duy nhất, một nguồn, một Đấng tuyệt đối độc nhất. Xu hướng này không do thụ tạo, mà do Thiên Chúa, vì Người lôi kéo tạo vật hướng về Người, dù tạo vật chẳng nhận ra Người : "Người ở giữa thế gian và thế gian nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người" (Ga. 1, 10). Không nhận biết Người, mà chúng vẫn hướng về Người. Các hành tinh vĩ đại quy về một định tinh, các hệ thống định tinh hay thái dương hệ lại đi theo một hướng, toàn thể vũ trụ được tổ chức trong một trật tự lạ lùng. Kinh Thi nói : Thiên sinh chưng dân hữu vật hữu tắc - Trời sinh dân chúng có sự vật có phép tắc. Nhà sinh vật thời danh Darwin đã dầy công tìm tòi, sắp xếp, phân loại giúp ta thấy rõ trật tự đó. Các tổ chức của loài người, ở mọi thời đại cũng luôn luôn có một thủ lãnh : trong gia đình, làng xã, đất nước, thế giới. Các đạo giáo lớn như đạo Khổng, Lão, Phật, Ấn, Hồi đều qui niềm tin về một Đấng duy nhất. Đạo Khổng gọi Đấng ấy là Thượng Đế hay Ông Trời. Đức Khổng nói : Duy thiên sinh thông minh, (Kinh thư trọng hủy cáo) Duy thiên vi đại. Lão gọi là đạo: Đạo khả đạo phi thường đạo (Đạo đức kinh ch. I). Phật gọi là tâm bình đảng, tâm bát nhã, chân như, tâm đại giác.

Ấn gọi là Đại ngã (Brahma). Hồi gọi là thánh Allah (Ar-Allah) "There is no god, but God, and Mohammed is the messenger of God" (Không có thần nào khác ngoài Thiên Chúa, và Mohammed là sứ giả của Ngài). Thánh Allah là Chúa duy nhất, độc nhất, chỉ có Ngài là Đấng tạo hoá, quan phòng, tác tạo mọi sự hiện có và sẽ có, siêu việt, nội tại, toàn năng ân điển, hiện hữu vô hình và đời đời.


Có thể nói đó là bản tóm tắt niềm tin của nhân loại hướng về Thiên Chúa, Đấng tối cao tuyệt đối. Nhưng đó là một niềm tin còn lờ mờ ẩn hiện trong lương tri của một số người, họ chưa được Thiên Chúa mạc khải qua các ngôn sứ và nhất là qua Con Một Thiên Chúa giáng trần là Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, họ đã có xu hướng tự nhiên về Người : "Muôn loài thọ tạo những mong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người" (Rm. 8,19).


Tại sao có sự diễn tả khác nhau : Vì mỗi người có cá tính và tự do riêng. Có những người nhờ đức tính chân thật khiêm tốn họ công nhận chắc chắn có Thiên Chúa. Họ không thể hiểu được Người nhưng họ vẫn "Kính nhi viễn chi" và chuyên chăm trau dồi đạo đức như Khổng tử, Lão tử và Đức Phật.


Có những hạng người kiêu căng đầy tham sân si, đã tự tôn mình làm Chúa tể như bao nhiêu bạo chúa : Kiệt, Trụ, Tần thủy Hoàng bên Đông phương. Nabukôđônôsô, Xêda và Nêrông bên Tây phương. Biệt phái, luật sĩ và tư tế Do thái cũng thuộc hạng tự cao tự đại như vậy, nên Đức Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo họ : họ như mồ mả quét vôi bên ngoài mà trong đầy thối tha. Thối tha vì họ dám ngạo mạn "ngồi trên toà Môisê.. .." Họ làm mọi việc cốt để cho người ta thấy. Cho nên họ đeo những hộp sách kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm ghế đầu trong Hội đường.. . Họ thích thiên hạ gọi bằng thầy (Rabbi) (23, 4-7). Họ tôn mình lên, không còn thấy Thiên Chúa trên họ nữa, cho nên họ sẽ bị hạ xuống (23, 12).


Thiên Chúa, Chúa tể càn khôn đã phán để hạ họ xuống: "Ta đã làm cho các ngươi đáng khinh bỉ và hèn hạ trước mặt toàn dân". "Ta sẽ trút lời chúc dữ xuống trên các ngươi". Bởi lẽ : "các ngươi đi trệch đường; không chịu nghe và không để tâm làm vinh danh Ta; và đã làm cho bao nhiêu người vấp ngã vì lời các ngươi". (Bài đọc I -Ml. 2, 2. 8-10).


Chỉ có lời của Đấng từ trời hạ mình xuống mới làm cho muôn dân nhận biết : Chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Đấng ấy là Đức Giêsu Kitô đã đến dạy chúng ta : "Anh em đừng gọi ai ở dưới đất là Cha, vì anh em chỉ có một Cha trên trời" (23,9). Cha trên trời thế nào ? Thưa là "Đấng ngự trên trời, vì Người làm cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như kẻ tốt, và làm mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính" (Mt. 5,45).


Như vậy chỉ có Cha trên trời mới tạo thành và nuôi dưỡng muôn loài muôn vật chứ không phải ai khác. Nếu ta gọi người sinh ra ta, nuôi dưỡng ta là cha, thì Cha trên trời mới đích thực là Cha toàn năng, là Cha muôn thuở. Cha dưới đất chỉ là cha tạm thời tham dự vào quyền phép Cha trên trời trong việc sinh ra, nuôi dưỡng ta ngắn hạn. Cha trên trời còn là "Đấng vô cùng toàn thiện" (Mt. 5,48), là Đấng đã yêu thương thế nhân, đã ban Con Một chí ái của Người cho thế nhân, để cứu thế nhân khỏi chết đời đời và cho họ được sống muôn đời (Ga. 3,16). Cho nên khi "anh em làm vinh danh Cha, mở rộng nước Cha, vâng theo ý Cha, yêu thương anh em, yêu thương mọi người và cả kẻ thù, biết cầu nguyện tha thứ cho nhau" (Mt. 6, 9-15), có tâm tình và sống như Đức Giêsu Kitô để tôn vinh Cha trên trời (Phil. 2, 6-7) như vậy anh em mới nên "hoàn thiện như Cha trên trời, Đấng thấu suốt mọi sự sẽ thưởng công cho anh em" (Mt. 5, 49 và 6, 6).


Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho chúng con biết lo làm sáng danh Cha, như thánh Phaolô "khi ở giữa anh em, biết cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ". Xin cho chúng con biết quý mến anh em, sẵn sàng hiến cho anh em Tin mừng của Cha và cả mạng sống chúng con nữa mà không quản khó nhọc vất vả ngày đêm (1Tx. 2, 7-9) để cho mọi người nhận biết chỉ có một Cha trên trời và chỉ có một Thầy là Đức Giêsu Kitô, còn tất cả là anh em với nhau. Lạy Cha, xin cảm tạ Cha muôn đời. Amen.

Lm. Vikini

CHÚA NHẬT 31 QUANH NĂM
Mt 23,1-12

Một bà đến thưa với vị linh mục, " Thưa cha con khổ quá tại vì đã lâu lắm rồi nhà con bỏ không đi nhà thờ, không xưng tội rước lễ. Con không biết làm sao khuyên nhà con được."

Cha hỏi, "
Vậy thì ông nhà có nói lý do tại sao ông bỏ không chịu đi nhà thờ và không xưng tội rước lễ không?"

Bà trả lời, "
Thưa cha, ông nhà con ông ấy rất là gàn, nhưng ông ấy nói cũng có lý nên con không biết nói làm sao để tranh luận với ông ấy được. Nhà con nói rằng: 'Tôi thấy có qúa nhiều người giả hình. Họ siêng năng đi nhà thờ, đọc kinh xem lễ, ăn chay kiêng thịt, gia nhập hội đoàn này, tổ chức nọ, nhưng chẳng có tinh thần đạo đức bác ái thật gì cả. Đến nhà thờ thì ê a đọc kinh và rầm rang ca hát, nhưng về nhà thì sống bê bối, ra xã hội thì sống tham lam, hẹp hòi ích kỷ. Nhiều người còn gian lận, bỏ vạ cáo gian, phê bình chỉ trích, nói hành nói xấu người khác. Đến nhà thờ tôi chỉ thấy toàn là những người giả hình! Đi lễ đi nhà thờ mà như thế thì vô ích đi làm gì! Họ cũng đâu có khá gì hơn tôi đâu!"

Nghe như thế, cha nói với bà: "
Ông nhà nói rất đúng đấy. Bà đừng cãi với ông làm gì, bà về nói với ông như thế này, 'Cha bảo là cha đồng ý với ông trăm phần trăm. Ông nói rất có lý. Và cha nhắn tôi về nói lại với ông là ở nhà thờ vẫn còn chỗ trống cho thêm một người giả hình nữa. Cha mời ông đến để gia nhập đầy nhà thờ cho vui!'"

Chúng ta không ai có thiện cảm với những người nói mà không làm. Chúng ta càng ghét những người giả dối bề ngoài nói thánh nói tướng lên mặt đạo đức giảng cho người khác, nhưng đời sống riêng tư của họ lại bê bối không sống theo điều họ rao giảng. Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta phải tránh lối sống giả dối ngôn hành bất thuận như thế. Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri Malakia để cảnh cáo các tư tế và dân chúng vì họ đã hủy bỏ giao ước; sống vị nể, và đi sai đường lối làm cho nhiều người vấp phạm. Trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu đã nghiêm khắc phê bình những người Biệt phái và Pharisiêu là giả hình, vì họ đã sống quá xa lạ với những lời họ giảng dạy. Họ nói một đàng làm một nẻo.


Thái Độ Của Luật Sỹ và Biệt Phái


Luật sỹ là những nhà chuyên môn về luật. Họ là những người được tuyển chọn làm tư tế, và làm thầy dạy thiên hạ. Pharisiêu là những người biệt phái; tuy họ không phải là những người được học có bằng cấp cao, không phải là tư tế, nhưng họ là những người được biệt phái làm đầu trong dân. Họ tận tình và tỉ mỉ giữ lề luật. Họ rất hãnh diện về địa vị lãnh đạo trong tôn giáo, về sự yêu mến tôn trọng lề luật và lòng sùng đạo của họ. Họ thích được nhìn nhận và được coi là gương mẫu cho thiên hạ. Họ muốn tài năng của họ phải được người khác nhận ra và được ngưỡng mộ cũng như được tưởng thưởng xứng đáng. Họ chuộng được người khác chú ý.


Chúa Giêsu nhìn thấu tỏ lòng dạ của các Luật sỹ và Biệt phái. Ngài biết là họ không rao giảng Thiên Chúa mà là rao giảng chính họ và những kiến thức hiểu biết của họ. Hiện tượng dài dòng kinh kệ và mặc áo tua rua chỉ là sự trình diễn phô trương, bởi vì trong thực tế họ đã lơ là hay bỏ qua tinh thần đức tin, sự công bình và lòng nhân ái. Họ trống rỗng và nông cạn, không tốt lành và cũng chẳng thánh thiện. Lối sống của họ là lối sống tìm sự vinh hoa giả tạo cho bản thân, chú trọng đến bề ngoài và nặng tinh thần thế tục.


Nói cách khác, họ đã nói những bài nói đạo đức, nhưng đã không bước đi trên con đường đạo đức. Họ trình bày những nguyên tắc sống đạo, nhưng lại không sống đạo. Họ nói thánh nhưng không sống thánh. Họ thích đứng nơi công cộng để được chú ý và được kính trọng, nhưng lại không có những tư cách xứng đáng để được kính trọng. Họ thích được ngồi bàn trên và chỗ danh dự, thích được gọi là thầy, nhưng lại không có tư cách của một vị thầy. Kết quả là việc rao giảng của họ tạo ra nhiều khuấy động rối loạn và sai lạc; gây đau khổ và thiệt hại cho nhiều người. Chúa Giêsu đã nhìn thấy sự giả dối của ho, và Ngài đã không ngần ngại lên án lối sống giả tạo và giả hình như thế.


Chúng ta sẽ lầm lẫn nếu chúng ta chỉ phân tích và nhận định thái độ của những người Biệt phái và Pharisiêu. Trong một cách nào đó chúng ta cũng có những hình thức và lối sống kiêu ngạo, và giả hình của Pharisiêu.


Loại giả hình thứ nhất là nói mà không làm đúng theo lời mình nói. Rất ít người trong chúng ta dám nói rằng chúng ta đã thực hành tất cả những gì chúng ta nói hay những điều chúng ta tin. Chúng ta cũng dễ dàng mặc cho mình những cái tốt đẹp bề ngoài. Chúng ta tô điểm cho cái tôi xã hội, cái tôi công cộng một vẻ bề ngoài thật lịch sự, đạo đức, liêm sỉ hơn với con người thực sự của chúng ta. Hoặc nhiều khi lòng chúng ta không trong sáng đủ để sống với một chủ đích là tìm vinh danh Thiên Chúa. Chúng ta còn tìm mình và tìm hư danh cho mình.


Loại giả hình thứ hai xấu xa hơn một khi chúng ta không những không thực hành mà còn không tin cả những điều chúng ta rao giảng. Chúng ta công bố lớn tiếng nơi công cộng chỉ vì chúng ta muốn lấy lòng người nghe và chiêu mộ người ta để đạt tư lợi. Chúng ta nói hay, giảng hay, tô điểm bề ngoài với những cử chỉ đạo đức thanh liêm để che mặt thiên hạ, nhưng trong lòng không tin nhận. Rồi trong đời sống tư lại có một lối sống ngược lại với những gì chúng ta rao giảng. Chúng ta lên án người này người kia sống bê tha tội lỗi, trong khi chính mình cũng vụng trộm tình nghĩa lăng nhăng, hoặc kín đáo làm những điều vô luân bất nghĩa, bất chính. Hoặc với người ngoài và với khách hàng thì chúng ta lịch sự khiêm tốn để chiếm được cảm tình của người ta, nhưng khi trở về nhà thì chúng ta lại không đối xử lịch sự với những người thân trong gia đình; chúng ta đánh đập hành hung hay chửi bới con cái... Sống như thế có nghĩa là còn giả hình. Sống như thế là sống hai lòng, hai mặt. Sống như thế là vừa kiêu ngạo vừa lừa bịp. Và Chúa Giêsu không bị lừa bởi tất cả những lớp vỏ bề ngoài giả hình như thế.


Tinh Thần Người Môn Đệ Chúa Kitô


Chúa Kitô đòi các môn đệ của Ngài phải sống điều mình rao giảng. Không ai được muốn người khác gọi mình là thầy hay là cha. Tất cả là anh chị em với nhau. Hơn thế nữa những người môn đệ của Chúa Giêsu phải biết quý trọng và chú ý đến tinh thần phục vụ trong khiêm tốn. Lời của Chúa Giêsu là một thách đố cho tất cả mọi Kitô hữu về tinh thần sống đạo và làm chứng về niềm tin của mình.


Cách đây không lâu, một người ở Port Arthur, TX biên thư thắc mắc về việc tại sao Giáo Hội lại bắt giáo dân gọi các linh mục là
'cha' trong khi Chúa Giêsu lại nói là đừng gọi ai dưới đất là cha, vì chỉ có một Cha trên trời? Và tại sao các cha lại tránh né không chịu giải thích? Tôi cũng cảm thấy khó khăn để giải thích. Tôi cũng cảm thấy ngượng ngùng khi xưng mình là 'cha' trong lúc nói chuyện với người khác.

Nhưng một lần có người gọi tôi là '
anh' thay vì gọi là 'cha' thì tôi cũng như một số người khác đứng đó đã cảm thấy có cái gì ngường ngượng nghe không thuận tai. Tuy nhiên danh từ 'cha' dùng để gọi các linh mục cũng chỉ là một tước hiệu nói lên tình liên hệ thiêng liêng trong Giáo Hội giống như địa vị làm cha trong tình liên hệ của người cha đối với con cái trong gia đình. Tước hiệu đó đã được dùng từ lâu do lòng quý mến và kính trọng của người giáo dân dành cho các linh mục là những người đại diện Thiên Chúa và là hiện thân của Chúa Kitô trong chức vị tư tế. Nếu chúng ta chú trọng quá nghiêm khắc vào từ ngữ thì chúng ta không hiểu đúng ý của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu có ý nói là không ai được tự đặt mình vào địa vị làm Cha như Thiên Chúa, và cũng không được coi bất cứ ai dưới đất là Cha thay thế Thiên Chúa. Chỉ có một chức vị Cha chân thật là Thiên Chúa, và chỉ có một Thầy chân thật là Đức Kitô. Điểm Chúa Giêsu nhấn mạnh là "Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi." Do đó có lẽ chúng ta không nên quá quan tâm đặt vấn đề khi người giáo dân gọi các linh mục là 'cha', nhưng chúng ta có thể đặt vấn đề nếu thấy các linh mục của mình không có tinh thần phục vụ như Chúa Giêsu mong muốn và đòi hỏi.

Trong tinh thần phục vụ Tin Mừng chân chính, Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã thẳng thắn tâm sự với giáo đoàn Thessalonica rằng, "
Anh em còn nhớ đến công lao khó nhọc của chúng tôi: Chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa anh em" (1 Thes 2:9).

Một vị truyền giáo ở Ấn Độ đã tâm sự như sau:


Là một sinh viên ở Paris, tôi đã học nhiều lớp triết và tôn giáo. Tôi dùng nhiều giờ để bàn luận với những sinh viên khác về Thiên Chúa, về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời. Đó là thời gian vui và hứng thú, nhưng tôi vẫn không tìm ra được hướng đi cho đời mình cho đến khi một người bạn trẻ nói với tôi một điều làm thay đổi đời tôi. Trong một cuộc bàn luận, anh ta đã nhìn thẳng vào tôi và nói, "
Anh sẽ không bao giờ tìm gặp được Thiên Chúa qua việc bàn thảo và tranh luận về Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Anh chỉ tìm được Thiên Chúa khi anh yêu thương vô vị lợi." Lúc đó tôi đang khảo cứu về thánh Phanxicô thành Assisi. Tôi học thấy điểm đổi đời của Phanxicô không phải là lúc ngài bỏ hết mọi sự giầu sang phú quý, nhưng là lúc ngài dùng lý trí và ý chí để xuống ngựa và ôm lấy người phong cùi. Điều này đã cảm kích tôi và khi tôi nghe biết ở Ấn Độ đang cần có người phục vụ trong trại phong cùi, và tôi đã tới đây. Nơi đây tôi vẫn đang phục vụ, và nơi đây tôi tìm được Thiên Chúa. Bạn sẽ không tìm được Thiên Chúa qua bàn thảo hay tranh luận, và bạn cũng chẳng bao giờ tìm thấy Thiên Chúa trong việc tự đưa mình lên, bởi vì Ngài là Thiên Chúa của Tình Yêu. Bạn chỉ tìm được Ngài khi bạn biết yêu thương vô vị lợi.

Lm. John Trần Khả

CHỚ GIẢ HÌNH, KIÊU NGẠO
Mt 23,1-12

Trong sử các đấng tổ phụ tu hành có chép chuyện một thầy ẩn tu nổi tiếng nhân đức. Khi biết mình sắp lìa cõi đời, thầy xin Bề trên dòng đến ban các Bí tích sau cùng. Tình cờ một tên trộm khét tiếng trong vùng cũng đến chỗ của thầy ẩn tu. Thấy thầy cả làm các phép trong đạo, tên ăn trộm động lòng thống hối và được ơn trở lại. Cho mình không xứng đáng vào phòng thầy ẩn tu, hắn chỉ đứng ngoài và kêu lên: "Ôi, chớ gì tôi được phúc như thầy". Thầy ẩn tu nghe thấy lấy làm đắc ý và đáp lại: "Ừ, thật đó, giả mày được giống như tao, thì còn phúc nào bằng."

Rồi tên ăn trộm liền chạy đi xưng tội. Nhưng vì chạy mau quá, nên đâm đầu xuống vực thẵm mà chết. Vị ẩn tu được tiếng là nhân đức cũng chết sau một vài ngày. Một thầy ẩn tu khác trước vốn ở chung với thầy này khóc thương cho bạn mình, nhưng lại vui cho kẻ trộm đã chết. Có người hỏi tại sao, thì thầy trả lời: "
Người trộm chắc được rỗi linh hồn vì đã có lòng ăn năn tội. Còn thầy ẩn tu đã hư đi đời đời vì kiêu ngạo."

Thầy ẩn tu trong chuyện thuộc vào loại thầy "
nói mà không làm" (Mt 23,3). Thầy làm những việc nhân đức cốt để cho người ta trông thấy và khen ngợi. Thầy thích được gọi là "Rabbi " (thầy hoặc vĩ nhân) nơi công cộng và chiếm chỗ nhất trong đám tiệc. Khoác áo nhà tu, nhưng không có tinh thần tu trì, thầy mắc hai lỗi lớn trong đường thiêng liêng: giả hìnhvà kiêu ngạo.

Tại sao thánh sử Matthêu lại chống việc gọi các vị lãnh đạo tinh thần là "
thầy" hoặc "cha"? Tiếng "Rabbi" được dùng vào khoảng năm 60-80 A.D. để chỉ về những vị thầy Do Thái có quyền giảng dạy luật Môisen. Theo mạch văn và theo hoàn cảnh lịch sử, thánh sử Matthêu chống lại những vị lãnh đạo tinh thần thời bấy giờ hơn là danh xưng. Ông Saul Ben Batnith (ca.80-120) là vị lãnh đạo tinh thần đầu tiên dùng danh xưng Abba, "cha". Mặc dầu Thánh kinh ngăn cản việc dùng danh xưng này, nhiều vị ẩn tu đã dùng danh xưng Abba để chỉ về những người cha tinh thần.

Theo Cha Benedict T. Viviano, OP., nhà chú giải Thánh kinh, những Kitô hữu tin chỉ có một Cha trên trời và một vị Thầy duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, cũng có những vị "
cha" và "thầy" giữ vai trò chuyển tiếp (transitory role). Những vị "cha" và "thầy" đó giúp cho những người theo Chúa hiểu về người Cha nhân lành và vị Thầy khả ái là Chúa Giêsu Kitô. Những vị "cha" hay "thầy" chuyển tiếp này nên được gọi là "ngôn sứ, hiền nhân, và kinh sư". (Mt 23,34)

Vấn đề ở đây không phải là dùng danh xưng nào cho chỉnh hơn, nhưng là làm sao để sống đúng với danh xưng của mình. Nếu mình là "
cha" hoặc "thầy" thì phải làm sao cho đời sống nội tâm phù hợp với danh tính và cử điệu bên ngoài của mình. Càng ý thức mình là những vị lãnh đạo tinh thần của dân Chúa, "cha" và "thầy" càng phải hại mình xuống và phục vụ hết sức mình (Mt 23,11). Nếu được thế thì chắc chắn người Cha trên trời sẽ được kính mến và vị Tôn sư duy nhất sẽ được tôn vinh.

Br Vincent Quốc Thanh, CMC (Nguồn Vietcatholic.org)

1279    27-10-2011 09:29:57