Sidebar

Thứ Hai
06.05.2024

Giảng Tĩnh Tâm Mùa Chay - Ngày Thứ Nhất

Bài I : BAO DUNG

Vì khuynh hướng không bao dung của con người trên thế giới ngày càng gia tăng, nên ngày 08 . 02 . 1994 trong buổi lễ khánh thành Viện Bảo Tàng mang tên "Lòng Bao Dung" , tại Los Angeles (Hoa Kỳ), ông Federico Mayor, tổng giám đốc UNESCO, kêu gọi mọi người hưởng ứng sáng kiến của Đại Hội UNESCO lấy năm 1995 làm năm Quốc Tế Cổ Võ Lòng Bao Dung.

Lòng bao dung khác với lòng khoan dung.

Bao Dung là tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận sự đa dạng giữa người với người trong đủ mọi chiều kích.

Khoan dung là dễ dàng chấp nhận và tha thứ những lỗi lầm hay những khiếm khuyết của người khác.

Một người có thể khoan dung nhưng không bao dung, nghĩa là họ rất dễ tha thứ, thông cảm những lỗi lầm của người khác, mà không thể chấp nhận cho người khác suy nghĩ, quan niệm, hành động khác với mình. Vì thế, hể ai suy nghĩ hay quan niệm khác với họ là họ trừng trị, đòi tiêu diệt ngay.

Thực ra, với người không bao dung, vì nóng vội, họ không suy nghĩ kỹ xem: biết đâu do chính mình có gì sai lỗi nên người ta mới đối xử với mình như vậy. Và khi người ta bị mình tấn công, thì người ta cũng có thể cho là bị tấn công oan ức nên lại trả đủa mình. Thế là hai bên cứ leo thang.

Thực ra, trên đời này có mấy ai hoàn toàn tốt, cũng như, có mấy ai hoàn toàn xấu đâu. Thái độ không bao dung là thái độ phát xuất từ suy nghĩ cho mình là tốt, là đúng; còn người khác là xấu, là sai.

Dụ ngôn lúa và cỏ lùng phản ảnh hai thái độ ngược nhau: bao dung và không bao dung. Con người, được biểu hiện qua hình ảnh những đầy tớ trong dụ ngôn, là thái độ bất nhẫn, không bao dung, muốn tiêu diệt kẻ thù (cỏ lùng) ngay. Thiên Chúa, được biểu hiện qua hình ảnh ông chủ ruộng, là thái độ kiên nhẫn, bao dung, kiên trì chờ đợi cho đến mùa gặt, là ngày phán xét, mới ra tay.

Thực ra, trong cuộc sống, làm gì có nhà nông nào chấp nhận để lúa và cỏ lùng mọc chung trong ruộng mình. Nhưng dụ ngôn vẫn là dụ ngôn, mục đích của dụ ngôn là một cách nói bóng nói gió để làm sáng tỏ vấn đề. Vấn đề ở đây là lòng bao dung, chấp nhân nhau để cùng sống chung với nhau. Biết rằng: cỏ lùng muôn đời vẫn là cỏ lùng, nhưng trong cuộc sống con người, có những lúc khó mà phân biệt "chánh - tà". Cỏ lùng mọc chung với lúa, cỏ lùng không thể biến thành lúa. Còn con người sống chung với nhau, có kẻ dữ người lành, nhưng nếu biết kiên nhẫn và tin tưởng vào sự lành, thì sự lành sẽ tuần tự phát triển tốt đẹp, hơn nữa, sự lành còn có sức cảm hoá được sự dữ. Còn kẻ dữ cũng có thể cải tà quy chánh.

Tâm sự của một người vợ đã chứng minh cho lòng bao dung nói trên: nhờ kiên nhẫn, sự lành cảm hoá được sự dữ:

Chị kể rằng: Đã mười mấy năm nay, kể từ khi hai vợ chồng tôi lập gia đình, ai cũng phải công nhận rằng gia đình chúng tôi thật là hạnh phúc. Anh ấy quả là một người chồng và người cha gương mẫu, vừa bảo đảm được đời sống kinh tế gia đình, vừa chiều vợ dạy con không chê vào đâu được. Anh là một thợ may rất giỏi, nên tiệm may của chúng tôi không bao giờ thiếu khách. Chúng tôi phải thuê 3 thợ để lấp ráp những quần áo anh cắt. Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc với 3 đứa con, 2 trai 1 gái, vừa kháo khỉnh thông minh, vừa ngoan nguỳ dễ dạy.

Nhưng hạnh phúc như thế bổng nhiên bị đe doạ trầm trọng:

Đã hơn một năm nay, anh được một người bạn thân cũ mời anh cộng tác trong một công ty may mặc xuất khẩu tương đối khá lớn ở Quận. Anh bạn làm giám đốc, còn anh ấy làm phó giám đốc đặc trách kỷ thuật. Từ ngày thành lập đến nay, tuy có nhiều thất bại lúc ban đầu, nhưng về sau, công ty ngày càng làm ăn thành công. Việc giao tiếp của anh ngày càng rộng, anh phải đi suốt ngày, đêm khuya mới về. Điều đó thật dễ hiểu, vì công việc và sự giao thiệp của anh đòi buộc phải như vậy. Anh ấy là một người chồng gương mẫu và rất biết điều, lại luôn thành thật với vợ con. Vì thế, tôi cũng phải tỏ ra là người vợ gương mẫu, biết tin tưởng vào người chồng đáng tin tưởng của mình. Những đêm anh về thật khuya, tôi vẫn nghĩ rằng anh phải giao tế với bạn bè. Vả lại, anh vẫn luôn tỏ ra ân cần chăm sóc tôi, thậm chí còn hơn trước. Tôi nghĩ rằng: anh làm như vậy là để bù lại cho việc vắng mặt cả ngày của anh. Vào thời kinh tế mở cửa như hiện nay, việc bận bịu như thế đâu có gì là lạ. Tôi đã nghe nhiều về đời sống vợ chồng ở những nước tiên tiến, vợ chồng có ít thời giờ gặp nhau lắm. Và tôi vẫn cảm thấy đầy tràn hạnh phúc như thuở nào.

Nhưng một hôm, tôi được một người bạn gái làm kế toán trong công ty của anh nói rằng tôi phải coi chừng anh ấy, vì anh có liên hệ rất thân thiện với một cô thợ may trẻ đẹp và rất nhí nhảnh. Mới nghe, tôi cho rằng chắc không đến nổi nào. Một con người đẹp trai lại bặt thiệp dễ thương như anh thì được nhiều người đẹp thương là chuyện bình thường. Tôi đã từng thấy như thế, và thấy thái độ bình thường của anh là đối xử lại một cách thật nhã nhặn dễ thương, nhưng rất khôn ngoan trong việc từ chối để không đi quá giới hạn cho phép. Tôi vẫn tin rằng một người có phẩm chất như anh sẽ không bao giờ đi quá giới hạn, không bao giờ phản lại lời giao ước mà hai vợ chồng tôi đã trung thành bao nhiêu năm nay. Nhưng người bạn gái cho rằng tôi quá chủ quan và quá tin tưởng.

Tôi bèn bình thản nhờ người theo dõi. Và kết quả thật không tốt đẹp như tôi nghĩ. Sự liên hệ của anh với cô ấy đã đi đến chổ hết sức thân mật. Khi biết được sự thật, máu tôi như muốn sôi trào lên, hơi thở tôi như muốn nghẹn ở cổ: Thì ra tôi đã bị phản bội. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi cảm thấy đau đớn và tức giận đến như vậy. Lúc đó tôi mới hiểu được thế nào là ghen, và tại sao khi ghen người ta lại có thể làm được những việc hết sức tàn nhẫn mà bình thường họ không thể làm được. Cứ nghĩ đến sự thân mật mà có thể giờ đây hai người đang hưởng là tim tôi đau nhói, ruột tôi quặn lại. Phải mất nhiều giờ sau tôi mới bình tĩnh lại được.

Trong tình huống như thế, tôi nhận ra mình phải hết sức bình tĩnh mới có thể xử sự khôn ngoan được. Nếu cứ hành động theo sự tức giận, theo bản năng của mình thì có thể gây ra nhiều tai hại không thể sửa chữa được. Thế là tôi nhất quyết phải bình tĩnh để xử sự một cách khôn ngoan nhất. Bình tĩnh trong hoàn cảnh này thật là khó, vì nhiều lúc tôi muốn điên lên. Tôi cầu xin Chúa giúp tôi bình tĩnh và khôn ngoan đúng theo ý Ngài. Tôi quyết định: nếu vào một thời điểm nào đó tôi không biết phải xử sự thế nào mới là khôn ngoan, thì tôi sẽ xử sự như bình thường, như không có chuyệnï gì xảy ra. Chỉ khi nào biết một hành động nào đó là khôn ngoan thì tôi mới làm.

Khi anh ấy về, tôi hoàn toàn tỏ ra như không hề biết gì, và tôi làm tất cả những gì mà mọi khi tôi vẫn làm cho anh, có điều là làm một cách tốt đẹp và cẩn trọng hơn rất nhiều. Tôi cố tình chứng tỏ cho anh ấy thấy tôi vẫn luôn luôn là người vợ yêu thương và chăm sóc anh hết mình, một người vợ dịu hiền, ngọt ngào, dễ thương, và có một tâm hồn đẹp. Đó là những điều mà nhiều lần anh bảo rằng đã khiến anh yêu thương tôi. Và bây giờ tôi đang tham dự vào một cuộc chiến đấu giành lại tình yêu của chồng tôi khỏi tay cô gái trẻ đẹp kia. Một cuộc chiến đấu mà vũ khí là sự khôn ngoan và là tất cả những gì tốt đẹp có khả năng chinh phục được tình yêu. Chắc chắn tôi không thể hơn cô ấy về sự trẻ đẹp với những nét hấp dẫn của tuổi trẻ. Nhưng chắc chắn tôi hơn cô ấy ở chổ tôi biết ý chồng tôi và biết chiều chồng tôi như thế nào để anh ấy ưng ý. Nhất là tôi biết anh ấy bị hấp dẫn bởi những gì nơi người phụ nữ, kinh nghiệm làm vợ anh bao nhiên năm đã cho tôi biết điều ấy. Và bây giờ tôi phải đem tất cả những thứ đó ra làm vũ khí chiến đấu. Nắm được những yếu tố đó, tôi cảm thấy nắm chắc phần thắng trong tay.

Tôi biết rằng người đàn ông nào cũng đều bị lôi cuốn bởi sắc đẹp, nét duyên dáng và dịu hiền của người phụ nữ, và nhất là họ luôn ham thích một cái gì mới, cảm giác mới. Nhưng cái gì mới thì cũng sẽ trở thành cũ và bớt phần hấp dẫn đi, Những nét đẹp tinh thần tuy nhìn bề ngoài thấy không gì hấp dẫn, nhưng lại hấp dẫn mãi. Thế là tôi bắt đầu tăng cường tất cả những gì tôi vẫn có, đã từng chinh phục được chồng tôi: nụ cười, giọng nói, cách chăm sóc, cách tỏ tình, cách âu yếm, và nhất là những gì biểu lộ một tâm hồn cao thượng , bao dung, tươi mát . . . Trong những giây phút sống gần anh ấy, tôi đã cố gắng làm sống lại những ngày thơ mộng xa xưa đẹp nhất của chúng tôi. Tôi cũng khôn khéo nhắc lại những lời thề nguyền mà chúng tôi đã từng trao cho nhau. Tôi tuyệt nhiên không để cho anh ấy nghi ngờ rằng tôi đã biết chuyện của anh ấy.

Và cuối cùng thì tôi đã thắng. Tôi không hề nói một lời nào yêu cầu anh bỏ cô ấy, tôi chỉ kiên nhẫn chờ đợi anh ấy hoàn toàn trở về với tôi. Và tôi đã đạt được ý nguyện sau một thời gian chịu đựng. Nhiều ngày sau khi đã chắc chắn chinh phục lại được tình yêu của anh, tôi mới cho anh biết rằng tôi có nghe nói ít nhiều về tương quan giữa anh và cô ấy. Khi biết chắc chắn rằng tôi không ghen (lúc này tôi đâu thèm ghen làm gì) anh mới kể lại tất cả và thành thật xin tôi tha thứ. Điều làm tôi mát ruột nhất là câu nói: "Anh không tìm đâu được một tình yêu chân thành hơn tình yêu của em, và một người vợ dịu dàng và cao thượng như em !".

Tôi chỉ thương cho cô gái kia, tuy là tình địch của tôi, nhưng tôi chỉ thấy nơi cô ta một người phụ nữ cũng có nhu cầu được yêu thương y như tôi, và cũng cùng yêu một người đàn ông với tôi. Tôi rất thông cảm với nỗi buồn và đau khổ của cô ấy khi bị thất bại trong cuộc tình này. Cô ấy đã phải nhường người cô yêu lại cho tôi, cho dù một cách bất đắc dĩ. Tôi không cảm thấy một  nỗi thù hận nào, mà chỉ thấy một nỗi niềm cảm thông sâu xa. . . Tôi muốn chồng tôi đối xử tốt với cô ấy miễn là đừng đi quá giới hạn cho phép.

Thiên Chúa giàu lòng bao dung, rất kiên nhẫn đợi chờ, chờ hoài chờ mãi, chờ để người dữ cải tà quy chánh.

Và giờ đây con cảm tạ Chúa, Chúa kiên nhẫn đợi chờ, Chúa còn ban cho thế gian này có nhiều người cũng biết kiên nhẫn đợi chờ, sự kiên nhẫn có tác động mạnh đến độ biến đổi được một con người, như một người vợ đã tâm sự ở trên. Nếu như người vợ trên không bao dung, không kiên nhẫn đợi chờ, mà chỉ biết hành động theo bản năng, theo sự tức giận của mình thì sự gì sẽ xảy ra ? . . . chắc chắn đoạn kết của nó sẽ là LY DỊ. Mà nếu vợ chồng ly dị thì những đứa con sẽ ra sao?

Đây là tâm sự cay đắng của bé Trâm, 14 tuổi. Em đau khổ vì nụ hôn của ba em hôn lên má em để phản bội lời thề với mẹ em:

Con nhớ mãi buổi chiều thu ấy,

Lá rơi nhiều,

Dưới cơn mưa tấm tã,

Ba đến hôn con,

Một nụ hôn xé nát tim con,

Một nụ hôn khiến hồn con chết lặng, chết điếng,

Khiến mắt con muốn tuôn trào suối lệ,

Nhưng sao vẫn cạn khô !

Ba ơi !

Hồn con quá ê chề đau đớn !

Sao Ba lại dùng nụ hôn ấy để xé nát nhà ta ?

Sao Ba lại trao nụ hôn ấy trên má con, thay vì trên môi Mẹ,

Để chữ ký hôm nao trên bàn thờ Chúa,

Ngày Ba Mẹ thành hôn,

Nay thành chữ chết không hồn ?

Mẹ ơi !

Sao Mẹ lại không chạy đến,

Đón nhận nụ hôn ấy thay con ?

Nụ hôn mà Mẹ đã sung sướng đón nhận trên bàn thờ Chúa,

Trước mặt Giáo Hội, họ hàng nội ngoại,

Mà lại lặng nhìn con nhận nụ hôn giả từ,

Nụ hôn xé tan hôn ước,

Nụ hôn ký nhận tờ ly dị ?

Ba !

Mẹ !

Con phải trung thành với ai đây ?

Hay con phải nhìn thấy những nụ hôn mới

Ba tặng mẹ ghẻ

Mẹ tặng cha ghẻ ! ! !

Chúa ơi, con còn quá nhỏ

Sao con phải lãnh nhận nụ hôn Giuda này !                                      

 BÀI II : LÒNG NHÂN HẬU VÀ TỘI LỖI.

 André Theuriet kể cho chúng ta nghe, hồi nhỏ, nhờ sự can gián khéo léo và thành tâm, mà ông đã bỏ hẳn được thú vui hút thuốc. Câu chuyện được tóm tắt như sau :

Trước nhà ông, có người lái buôn vải, ngày nào ông cũng thấy người lái buôn kéo những hơi thuốc dài, khói phì ra nghi ngút trông thích mắt. Ống điếu bằng gổ anh đào, nồi điếu bằng bọt biển vàng hoe, nạm bạc được cậu bé coi như một kỳ công.

   Người hàng vải vỡ nợ, nên bán lại ống điếu cho người buôn bán đồ cũ tên là Marouffle. Bị ám ảnh muốn có cái ống điếu, một hôm Theuriet đánh liều hỏi giá. - "mười hai quan."  Người bán hàng thêm: "Nhìn đây nhá... đúng là đá bọt biển thật, lại có nạm bạc nữa, không ai có thể làm đẹp hơn thế này... hút êm tuyệt, đúng là mật ong."

   Để thỏa mãn sự thèm thuồng, đứa trẻ không ngần ngại "ăn cắp" mười ba quan tiền mà nó gặp được trong túi áo Gilê của ông nội, chỉ việc lấy dao tháo vài đường chỉ là xong.

   Thắng lợi, thuốc, quẹt sẳn rồi, nó ra vườn để thưởng thức mấy điếu cho đã thèm. Nhưng 15 phút sau, tim nó lộn xộn, đầu quay tít... nó thấy mệt lừ. Về đến nhà, mặt mày tái mét, hơi thuốc sặc sụa, cha nó vốn là người nghiêm nghị thẳng thắn, khám phá ra ngay tội của nó. Người cha bực tức: "À ra cái ống điếu của Bigeard, tên vỡ nợ, tên côn đồ ! mày dám hút nó à ! mày mua nó ở đâu, tiền đâu ra?... " - Ông nội lên tiếng can thiệp: "Bình tĩnh con, tiền đó là do cha, cha là người có lỗi đầu tiên". Và sau khi đập tan ống điếu xuống đất, người cha bắt cậu bé vào phòng, không cho ăn cơm tối.

   15 phút sau - Theuriet kể tiếp - cánh cửa buồng nhè nhẹ mở ra, ông nội tôi bước vào. Ông bắt đầu với giọng nghiêm nghị : "Này cháu, ông không lầm đâu. Ông biết túi áo Gilê đã bị tháo đường khâu và tiền đó đi đâu... Nhưng ông thương cháu, vì cha cháu có thể đánh đập cháu. Câu chuyện chỉ có dì cháu, cháu và ông biết... Thôi cháu ạ, cháu đã làm một điều đê hèn, và nếu có ngày nào cháu bị cám dỗ làm lại, cháu hãy nhớ lại, để cứu cháu mà ông  bằng này tuổi đầu đã phải nói dối ! và ông đã đồng lõa với tội ăn trộm của cháu !..."

   Ôi ! con người trung hậu, tấm lòng chính trực !... Tôi lăn xả vào cánh tay ông tôi, khóc nức nở, hôn ông tôi với đôi mắt ướt đẫm. Ông tôi hiểu - qua cơn khóc thảm thiết - là bài học đã thành công, và tôi không bắt đầu lại bao giờ nữa.

  Người ta có thể chắc chắn rằng sự hung bạo của người cha, và những làn roi cháy mông, sẽ không có hiệu quả bằng lòng nhân hậu của người ông.

Anh chị em thân mến,

Theo thường tình, đứa con tội lỗi đã lấy phân nửa gia tài của cha bỏ nhà đi hoang thì người cha mặc kệ nó, sống chết mặc bây; nhưng nhìn vào tâm lý chiều sâu thì người cha có "chém con thì chém bằng đàng sống chứ ai nào chém bằng đàng lưỡi", bởi vậy, khi giận thì nói thế chứ thật ra hằng ngày người cha vẫn âm thầm mong con trở về, và sẳn sàng tha thứ cho nó trước khi nó xin lỗi.

Dụ ngôn hai người con cho ta thấy rõ ý nghĩa đích thực của tình yêu và tội lỗi. Thực ra, kẻ tội lỗi không phải lúc nào cũng như người ta nghĩ đâu, và ai nghĩ rằng mình trung thành, thánh thiện, có thể người đó lại rất ít trung thành, ít thánh thiện. Bởi vì lòng nhân hậu của người cha thì vô cùng, nên rốt cuộc thì tội lỗi của người em không là gì so với thái độ của người anh trong dụ ngôn này. Lỗi tội của người em thì quá rõ, lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật: tham lam, ích kỷ, kèm theo những hệ lụy của nó.

Tiền bạc mất đi thì cũng đã mất rồi. Điều trầm trọng nhất là sự đoạn tuyệt với tình cha. Tuy nhiên, đó chưa phải là hết thuốc chữa, mà mọi việc vẫn còn có thể hàn gắn được.

Ý thức về tội lỗi mình, muốn quay về và lên đường trở về, sẳn sàng đền bù và thay đổi nếp sống, khiêm nhường thú tội . . . Dĩ nhiên phải có sự trở về, trở về không vì sợ hãi mà vì hoàn toàn cậy trông.

Thiên Chúa là một người cha, người cha không phải là một quan tòa nghiêm khắc, chỉ biết vùi dập bằng những lời trách móc và thẳng tay trừng phạt. Chúa là một người cha tuyệt vời, luôn sẳn sàng hàn gắn những mối tương giao bị đổ vỡ, Người thật sự vui mừng vì những ai mà Người tìm lại được.

Lm Andre Phạm Văn Bé

1051    02-04-2011 15:29:42