Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Nghĩ về ngày bổn mạng

Nghĩ về ngày bổn mạng

Đối với người Công giáo, bổn mạng là một trong những ngày lễ nhiều kỷ niệm. Đây còn là dịp để các bạn bè, hội đoàn có thể gặp gỡ chia sẻ niềm vui cho nhau.

Khi tham gia các hội đoàn trong giáo xứ, lễ bổn mạng có thể được xem như ngày kỷ niệm không thể lãng quên. Thông thường, vào ngày này, các ca đoàn, hội nhóm đều được cộng đoàn giáo xứ hiệp ý cầu nguyện đặc biệt, rồi sau đó tổ chức tiệc mừng như buổi họp mặt tổng kết về quá trình hoạt động trong một năm qua. Các ca đoàn thiếu nhi thường chọn bổn mạng là thánh nữ Têrêsa hay Cêcilia. Ca đoàn thuộc giới hiền mẫu hay chọn ngày lễ kính thánh Mônica làm quan thầy. Ở các giáo xứ, việc mừng bổn mạng lại tổ chức đặc biệt hơn. Tại Giáo xứ Đức Bà Hòa Bình, TGP.TPHCM, ngày lễ kính Mẹ Thiên Chúa được xem là bổn mạng của họ đạo. Ngày 1.1.2017 vừa qua, thánh lễ được cha Ernest Trần Văn Hưởng - Quản hạt Sài Gòn Chợ Quán cử hành. Sau thánh lễ, cộng đoàn còn dùng chung với nhau bữa cơm thân mật, tạ ơn Chúa đã ban cho một năm cũ bình yên và rôm rả chuyện trò, hy vọng về năm mới hạnh phúc.

Chọn ngày mừng bổn mạng không phải là điều ngẫu nhiên mà tùy theo linh đạo và tinh thần chung của mỗi tổ chức hướng tới. Đơn cử, để noi gương đời sống vị tha, bác ái của thánh Vinh Sơn Phaolô, ban Caritas Giáo xứ Tân Phú, TGP.TPHCM chọn ngày kính thánh (26.9) làm lễ bổn mạng. Trong ngày này, thánh lễ đặc biệt dành riêng cho nhóm được cử hành, sau đó có nghi thức kết nạp hội viên mới, tham gia công tác bác ái trong giáo xứ và sau cùng là buổi họp mặt thấm đượm tình huynh đệ.

Giống như sinh nhật, hằng năm, ngày bổn mạng được một số cha mẹ tổ chức cho các con khá đặc biệt. Chị Lê Thị Như Ngọc (Giáo xứ Thánh Giuse, TGP.TPHCM) cho biết, con trai của chị có thánh quan thầy là Phêrô, mừng trọng thể vào ngày 29.6. Đây cũng là ngày bé được ban Bí tích Thêm sức hai năm trước. Để kỷ niệm bổn mạng và ngày lãnh bí tích quan trọng này, hằng năm chị đều tổ chức bữa tiệc nhỏ trong gia đình để chúc mừng con. Theo chị, đó là cách nhắc nhở bé ý thức về đạo.

Mỗi gia đình có cách sinh hoạt, mừng lễ khác nhau. Gia đình anh Nguyễn Văn Thạch, (giáo xứ Phú Bình, TGP.TPHCM) lại có cách tổ chức khác. Bé gái nhà anh năm nay 14 tuổi. Đến ngày bổn mạng, anh chị thường nhắc con đi nhà thờ cầu nguyện, vì đôi khi ngày lễ rơi vào ngày thường trong tuần. Một phần không thể thiếu trong ngày bổn mạng của bé là quà mừng. Món quà tuy nhỏ nhưng luôn được lựa chọn thật kỹ sao cho phù hợp với ý thích của con gái. Có khi là đĩa nhạc thánh ca, quyển sách về danh ngôn cuộc sống, sách học hỏi Lời Chúa hoặc tượng ảnh. Trong gia đình, anh chị hay giữ thói quen chúc mừng bổn mạng cho nhau. “Có lần, ngay ngày lễ kính thánh Matta (29.7), bổn mạng của mẹ bé, chúng tôi rất bất ngờ vì tối hôm đó, trước khi ngủ, bé tặng mẹ tràng hạt Mân Côi và chúc mừng bổn mạng mẹ”, anh vui vẻ kể lại. Anh còn cho biết thêm, bé nhớ rất rõ cả tên thánh của ông bà nội, ông bà ngoại và một số người trong dòng họ.

Chia sẻ với chúng tôi về niềm vui khi được chúc mừng bổn mạng, hầu hết các bạn đều cảm thấy rất hạnh phúc. Chị Maria Ngọc Huyền cho biết mỗi người đều có ngày sinh nhật, riêng chỉ người Công giáo mới có thánh quan thầy. Được mọi người chia sẻ niềm vui trong ngày đặc biệt là điều rất ấm áp: “Tôi cảm thấy mình cần phải sống tốt hơn”. Dù được tổ chức bằng cách nào, đơn giản hay long trọng, lễ bổn mạng vẫn là ngày lễ quan trọng đáng nhớ của người tín hữu.

Anh Nguyên

1660    04-10-2017