Sidebar

Thứ Ba
10.09.2024

Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa A_2

THÁNH THỂ BÍ TÍCH CỦA TÌNH YÊU
Ga 6,51-58

Chương trình của Thiên Chúa từ đời đời là tạo dựng con người để con người thông hiệp với Ngài. Thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh mình. Ngài thường xuyên đến nói chuyện với hai ông bà nguyên tổ của chúng ta trong tâm tình thân mật. Tuy nhiên ông bà nguyên tổ trong một lúc yếu lòng đã nghe theo lời ma quỷ mà từ khước tình yêu Thiên Chúa đối với mình. Vì muốn đưa con người trở lại tình trạng ơn nghĩa với Người, Người đã hứa ban Đấng Cứu Chuộc và đã ban Mình Máu Chúa Kitô ở lại trong hình Bánh Rượu cho chúng ta được thường xuyên gặp gỡ thân mật với Người.

Để thực hiện công cuộc cứu chuộc, Thiên Chúa đã chọn một dân riêng để chúc phúc và tỏ tình thương của người hầu cứu độ mọi người mọi thời. Đến thời đến buổi,Thiên Chúa đã sai con mình đến làm Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở với loài người, cho chúng ta thông dự vào tình yêu Chúa Ba Ngôi, nên một với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đến trần gian để chúng ta được ở trong Ngài và trở nên con cái Chúa, cho chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha. Ngài đã tiếp tục ở với nhân loại bằng cách trở nên của ăn nuôi sống linh hồn trong Bí tích Thánh thể. Chính Mình Máu Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là Bánh đem lại sự sống mới.

Thánh Thể là chóp đỉnh của mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa là Bí tích cao trọng nhất vì không chỉ trao ban ân sủng mà trao chính Tác giả của ân sủng, Đấng là Thiên Chúa muôn loài lại trao hiến bản thân phục vụ loài người. Điều này giống như sự điên dại vì yêu thương của người mẹ đối với đứa con lêu lổng: mẹ sẵn sàng cho đi tất cả bản thân miễn sao con mình nhận ra được lòng yêu thương của người mẹ mà cải hoá, sửa đổi nên người. Chúng ta chưa yêu mến Chúa là vì chúng chưa thấy Chúa yêu mình. Thật ra chúng ta chỉ nghe người khác nói Chúa yêu chứ chưa cảm nghiệm tình yêu Chúa trong cầu nguyện, trong cuộc sống hằng ngày nên chưa thực lòng đáp lại, chỉ làm vì nhiệm vụ cho an tâm, miễn không phải sa hoả ngục thôi!

Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể là một sáng kiến táo bạo như không còn phân biệt địa vị Thiên Chúa và thụ tạo thấp hèn. Ngài đã đến làm người nghèo và bị coi như tử tội nữa! Chính Phêrô còn không hiểu được: "Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?"( Ga 13, 6) hay có lần Phê-rô trách Thầy: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy." (Mt 16, 22). Lúc đó có lẽ các tông đồ còn chưa hiểu Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng chỉ coi là con người đặc biệt được Thiên Chúa sai đi làm nhiệm vụ Messia giải phóng dân Do thái. Thật quá ngỡ ngàng cho các tông đồ và chúng ta: một vị Thiên Chúa mà làm người chịu khổ hình bởi tay kẻ ác chết rên thánh giá và tiếp tục lấy thịt máu mình nuôi dưỡng cộng đoàn tín hữu.

Thánh thể đòi người tín hữu phải tham dự vào Hy Tế để có niềm vui Phục sinh, được tham dự vào chiến thắng của Ngài trên sự ác và hưởng hạnh phúc cùng với Ngài mai sau. Như vậy Thánh Thể cũng là câu trả lời cho những thắc mắc vì sao con người phải chịu đau khổ. Đau khổ của thánh giá đưa tới niềm vui lớn hơn là cùng được dự phần với Chúa Giêsu trong địa vị làm con Chúa. Khi chúng ta rước lễ, với tâm tình hiệp thông đó, cuộc sống chúng ta sẽ được biến đổi, sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa như Đức Kitô trên thánh giá và bảo đảm sẽ sống lại như Đức Kitô.

SỐNG NHỜ CHÚA
Ga 6,51-58

Thánh Gioan đã định nghĩa: "Thiên Chúa là tình yêu". Quả thật, Thiên Chúa luôn yêu thương con người và yêu họ đến cùng, dù cho con người có bất trung hay chưa nhận ra được tình yêu đó. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến độc đáo và tuyệt vời của Thiên Chúa để Ngài có thể được sống bên những người mà Ngài yêu mến. Đức Giêsu Kitô đã hứa: "Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Bí tích Thánh Thể là biểu lộ tình yêu vô thuỷ vô chung và tuyệt vời ấy: yêu đến cùng.

Với Bí tích Thánh Thể, không những con người được hưởng nhờ Thần lương để nuôi sống linh hồn mình mà cả vật chất bất động cũng được nâng lên, cả công lao của con người cũng được thánh hiến. Vật chất trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh. Như thế, vật chất có chỗ trong thế giới của Thiên Chúa.

Ta hãy nhớ lại ý hướng và ước muốn lạ lùng của Đức Giêsu của Chúa Giêsu khi Ngài lập Bí tích Thánh Thể: "Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1).Như thế đã đủ cho chúng ta cảm nghiệm được tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và giúp chúng ta nhận ra được chương trình của Ngài dành cho tạo vật. Thiên Chúa luôn nhất quán trong mọi hành động của Ngài. Thiên Chúa không làm việc nửa vời, không yêu nửa chừng, không làm việc tuỳ hứng, nhưng Ngài làm việc gì thì Ngài làm đến nơi đến chốn. Tình yêu thuộc về bản tính của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu toàn năng. Ngài làm mọi sự chỉ vì yêu.

Một câu chuyện cảm động được kể lại từ chính một bà mẹ và đứa con 4 tuổi của bà được cứu sống sau một trận động đất ở Ac-mê-ni vào tháng 12 năm 1987. Người mẹ đó là bà Susanna. Bà nói: "Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn cho con tôi được sống". Trong trận động đất kinh khủng ấy, hàng ngàn người bị vùi lấp dưới đống gạch trong đó có hai mẹ con bà Susanna nhưng bà và con bà được may mắn còn sống sót. Cô con gái 4 tuổi của bà đòi uống nước. Nhưng tìm đâu ra nước cho nó uống khi hai mẹ con không có lối ra? Tình mẫu tử đã gợi cho bà một ý nghĩ táo bạo. Bà đã rạch cho ngón tay của mình chảy máu để cho con mút. Đứa bé đã đỡ khát nhờ máu của người mẹ và nó đã sống cho đến khi hai mẹ con được cứu sống.

Câu chuyện cảm động trên giúp chúng ta hiểu được phần nào về Bí tích Thánh Thể. Đức Giêsu đã tự nguyện chịu chết để cho chúng ta được sống. Ngài chấp nhận chịu đổ máu qua cái chết Thập giá để cứu sống chúng ta. Ngài muốn Máu của Ngài trở nên thức uống cho chúng ta.

Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa là một trong những Bí tích cao quí nhất của người Kitô hữu, nhưng cũng là Bí tích gây nhiều thắc mắc nhất cho con người ở mọi thời. Những người ngoài Kitô giáo không thể nào hiểu nổi và chắc cũng không thể nào tin nổi tấm bánh mỏng manh và không mùi vị đó lại là Mình Thánh Chúa Giêsu, và chén rượu ấy là Máu của Chúa. Đây là mầu nhiệm đức tin không dễ gì giải thích cho người ngoài. Còn chúng ta, những người đã tin vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên mọi sự, chúng ta hãy vững tin vào Chúa. Bởi lẽ, từ hư không mà Chúa còn làm ra mọi sự, thì huống chi là từ một tấm bánh, Chúa lại không thể dùng nó để hoá nên Thân Thể Ngài cho chúng ta được sao?

Thánh Phaxicô Assisi đã nói rằng: " Khi chúng ta rước lễ, thì không phải chúng ta rước lấy Chúa Giêsu mà chính là Chúa Thánh Thần trong chúng ta rước lấy Người ". Xin Chúa Thánh Thần biến đổi lòng trí chúng ta để chúng ta hết lòng tin kính và mến yêu Chúa Giêsu Thánh Thể, để nhờ lòng tin yêu ấy, chúng ta sẽ được sống nhờ Chúa. Amen.

YÊU LÀ ĐƯỢC Ở LẠI TRONG NHAU
Ga 6,51-58

Khi yêu thương ai, ta mong muốn mãi mãi được ở trong trái tim người ấy. Đồng thời, ta sẵn sàng dâng hiến tất cả những gì có thể cho người mình yêu. Để rồi cho dù có phải xa nhau ta vẫn cảm thấy gần nhau. Bởi lẽ, trái tim của ta và người ấy đã được ở lại trong nhau.

"Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy" (Ga 6, 56). Đây là lời Chúa Giêsu nói với từng người chúng ta trong lễ Mình Máu Chúa hôm nay. Thiên Chúa tự bản chất là Tình Yêu. Tình yêu ấy được thể hiện trọn hảo nơi Chúa Giêsu. Người đã lập nên 7 Bí tích để thông ban nguồn ân sủng cho chúng ta. Trong đó, Bí tích Thánh Thể là Bí tích quan trọng nhất. Vì qua Bí tích này chúng ta được đón nhận chính Thịt và Máu của Người. Còn gì cao quý và thiêng liêng hơn nữa.

Trong một gia đình kia, vào mỗi chiều thứ tư sau khi người mẹ đi vắng nhà một chút trở về thì đứa con trai được mẹ đem về cho một cái bánh. Đây là chuyện bình thường đối với em trong vài lần đầu. Nhưng qua nhiều lần như thế em lấy làm lạ. Em quyết định tìm hiểu. Chiều thứ tư nọ sau khi mẹ ra khỏi nhà, em liền lén đi theo sau. Thì ra mẹ đến Nhà thờ để họp mặt các bà mẹ Công giáo trong họ đạo. Quan sát qua khe cửa, em thấy đến giờ giải lao mỗi bà mẹ được phát cho một cái bánh và một chai nước. Các bà mẹ khác thì vô tư thưởng thức phần của mình. Chỉ riêng mẹ của em sau khi nhìn qua nhìn lại bà vội để cái bánh vào giỏ và chỉ ngồi uống nước.

Lúc ấy, em đã hiểu vì sao mình có được cái bánh vào mỗi chiều thứ tư. Em quay về nhà và cũng như bao ngày khác ngồi chờ mẹ về. Tuy nhiên, tâm trạng của em không còn như trước nữa. Càng nghĩ đến hình ảnh đã thấy về mẹ bao nhiêu thì em càng cảm thấy thương mẹ bấy nhiêu.

Và người mẹ cũng đã trở về. Em cũng vui vẻ nhận bánh như bao ngày thứ tư khác. Đưa bánh cho con, người mẹ vào nhà tiếp tục công việc của mình. Bà đâu hay biết chuyện gì đã xảy ra với con mình. Đang khi đó, em cầm cái bánh hết sức nâng niu và ra góc nhà đứng ăn trong nước mắt vì cảm thấy quá hạnh phúc.

Theo quy luật cuộc sống, em đã trở thành người lớn và người mẹ cũng đã đi theo ông bà. Mặc dù mẹ cậu không còn nữa, nhưng tình thương của người mẹ vẫn luôn tồn tại trong trái tim của cậu. Đó cũng là động lực để giúp cậu quyết tâm mỗi ngày sống tốt hơn.

Phải chăng hình ảnh người mẹ này phần nào giúp ta hiểu sâu hơn về tình thương mà Chúa Giêsu muốn dành cho chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể. Qua Bí tích cao quý này, Người muốn ở lại với chúng ta một cách trọn vẹn và lâu bền hơn.

Xin cho mỗi người chúng ta nhờ lễ Mình Máu hôm nay biết quý trọng Bí tích Thánh Thể nhiều hơn. Quý trọng bằng việc siêng năng đến rước Chúa vào lòng để mãi mãi ta được ở lại trong tình thương của Người. Đây cũng chính là nguồn động lực thiêng liêng cao quý giúp chúng ta sống đạo vững vàng và chắc chắn hơn.

THỊT TA THẬT LÀ CỦA ĂN
Ga 6,51-58

Anh chị em thân mến,

Thời cách mạng Pháp 1789, đạo Công giáo bị làm khó dễ và bị cấm không được truyền đạo. Một cha xứ nhà quê lén đem Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt, theo sau có cậu giúp lễ tên là Benjamin. Bọn lính cách mạng phát hiện đuổi theo rất gấp. Cha xứ dúi vào tay cậu bé cái hộp đựng Mình Thánh Chúa và bỏ chạy. Lính bắt cha lại và giết cha. Cậu bé giúp lễ vừa chạy vừa mở hộp Mình Thánh Chúa ra và bỏ vào miệng nuốt đi. Lính bắt cậu và tra hỏi. Cậu nói: "Mình Thánh Chúa đang ở trong người tôi". Lính tức giận giết luôn cậu bé, rồi chôn xác cha xứ và cậu bé chung nhau dưới gốc cây sồi to...Sau đó cuộc cách mạng thất bại và qua đi. Một hôm một cơn lốc mạnh đã làm trốc gốc cây sồi, để lộ hai xác: cha xứ và cậu bé giúp lễ. Người ta phát hiện Mình Thánh Chúa vẫn còn trong người cậu bé và xác của cậu vẫn còn tươi dù đã nằm dưới đất khá lâu...

a/. Hội thánh Công giáo vẫn tin Đức Kitô hiện diện thật trong Bí tích Thánh Thể: Thánh lễ Misa ban cho chúng ta chính Thịt Máu Chúa, hiện diện cách đầy đủ trong tấm bánh và ly rượu. Đây là tín điều Hội thánh công giáo tuyên xưng từ thời các tông đồ và được xác nhận qua các Công Đồng chung. Ai là người công giáo mà không tin, sẽ bị vạ tuyệt thông. Bao nhiêu câu chuyện về phép lạ Mình Thánh Chúa qua 20 thế kỷ, đủ minh chứng cho chúng ta thấy Chúa Kitô thực sự hiện diện đầy yêu thương trong Bí tích này. Người luôn ở đó trong âm thầm khiêm tốn, chờ đợi con người đến lãnh muôn hồng ân cao cả, đến lãnh nhận chính sức sống của Thiên Chúa.

Tiến sĩ Bob Rice, một mục sư Tin lành đã trở lại đạo công giáo năm 1994, (hiện đang còn sống bên Mỹ) nói: người Tin lành được dạy từ nhỏ rằng bánh và rượu chỉ là biểu tượng cho Mình và Máu Chúa mà thôi. Một hôm, tôi được mời đi dự một buổi chầu Thánh Thể long trọng của người công giáo. Đang khi tôi quì chăm chú nhìn lên Thánh Thể, thình lình gương mặt Chúa xuất hiện giữa Bánh Thánh...Tôi vui sướng không tả được, và... tôi sẵn sàng dành cả đời mình để làm chứng về phép lạ Thánh Thể....

b/. Bí Tích Thánh Thể là mầu nhiệm yêu thương, hiệp thông, chia sẻ và hi sinh:

Cha Jean Nowen (trong quyển Đời sống người được yêu) nói: Tấm bánh (là Mình Chúa) là tấm bánh phải được bẻ ra, phân phát cho nhiều người, không phải chỉ một người... Câu nói của Cha J. Nowen rất chí lý: mầu nhiệm Thánh Thể chính là mầu nhiệm Tình yêu, hiệp thông, chia sẻ và hi sinh. Cả cuộc đời của Đức Kitô chính là mầu nhiệm yêu thương và hiệp thông này; vì yêu thương Chúa đành nên tấm bánh bị bẻ nhỏ ra và phân phát cho mọi người. Đây chính là hình ảnh sống động về sự hiệp thông, hi sinh và chia sẻ đó...

Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô: "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Người Con ấy, sẽ không phải hư mất, nhưng được sống đời đời... (Gn 3, 16). Chúa Giêsu còn nói cách riêng về Bí Tích Thánh Thể: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế... (Mt 28, 20).

Một Đức Viện Phụ nọ hỏi một thanh niên xin vào dòng: - Năm nay con bao nhiêu tuổi? - Dạ con 25 tuổi. - Con có quen cô gái nào không? Nghĩ rằng Đức Viện Phụ điều tra lý lịch mình, anh đáp: Dạ không. - Vậy con đã bao giờ yêu ai chưa? - Dạ chưa. Ngài nói: - này con, từ nhỏ đến giờ con có yêu ai không? Anh thanh niên trả lời: Thưa cha không. - Mà con cũng không yêu cô nào nữa sao? - Dạ không. Ngài nói: Con đến đây là để học yêu Chúa, yêu anh em; thế mà chữ yêu con không biết, thì làm sao ở đây được? Con hãy về học yêu đi đã...Đức Viện Phụ muốn nói: ngay cả đi tu cũng là để học yêu thương, học chia sẻ..

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Mình Thánh Chúa chính là mầu nhiệm hiệp thông và chia sẻ; là người Kitô hữu, ta có muốn hiệp thông và chia sẻ với mọi người xung quanh bằng tình yêu như Chúa Kitô không? Là người Kitô hữu, ta có muốn là tấm bánh hữu ích, được bẻ ra và chia cho mọi người không?

SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Ga 6,51-58

Anh chị em thân mến.

Trong tác phẩm Anh phải sống của cố tác giả Khái Hưng có viết một câu chuyện cảm động như sau:

Nơi một làng quê, có một gia đình nghèo, chỉ có một khu vườn nhỏ để trồng tỉa, nên hằng ngày nếu có giờ thì hai vợ chồng cùng lên thuyền để vớt những cành củi đang trôi nổi trên dòng sông, mang về bán kiếm thêm chút thu nhập cho gia đình. Một hôm hai người đang vớt củi như bao nhiêu ngày khác, bỗng bầu trời dường như tối lại, gió mạnh thổi đến, cơn mưa đổ xuống. Chiếc xuồng nhỏ không chịu nổi cơn sóng dữ, nó bị nhận chìm, hai người đang cố sức để bơi vào bờ, nhưng người vợ càng ngày càng kiệt sức, chồng mới cố gắng để cho vợ bám vào, vừa bơi vừa la to "cố lên". Trong lúc nguy hiểm như thế, người vợ bỗng nhớ đến đứa con thơ, cô tự nhủ "nếu cả hai cùng chết thì đứa con thơ của mình sẽ ra sao? Như vậy anh phải sống." Thế rồi cô từ từ rời xa chồng và trôi theo dòng nước đang chảy xiếc cách giận dữ. Người chồng không biết lý do gì mà mình dường như nhẹ hẳn lên, anh bơi nhanh vào bờ để thoát hiểm. Anh chỉ còn biết nghỉ ngơi, nhưng bất chợt anh không còn nhìn thấy vợ mình nữa. Nhìn dòng nước đang hung hãn và được tiếp sức bởi những tiếng thét gào của cơn gió mạnh, anh chỉ còn biết ôm đầu than khóc và quay trở về với đứa con thơ của mình. Đứa con được sống và lớn lên nhờ mạng sống của người mẹ, nhờ tình yêu cao cả, dám chết cho người mình yêu thương, nên đứa con đã được sống.

Sau nầy khi người con biết được sự hy sinh cao cả đó, nó sẽ sống như thế nào cho xứng đáng?

"Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ được sống đời đời".

Chúa Giêsu không chỉ chịu chết cho con người được sống, nhưng Ngài còn nhìn thấy, con người cần được nuôi dưỡng để kéo dài sự sống. Người đã để lại một phương tiện tuyệt vời cho con người được nuôi sống, đó là chính Thịt và Máu của Người. Ngài không để cho con người phải khổ cực đi tìm của ăn nuôi sống, nhưng Ngài ban cho con người thức ăn để con người được sống mà đến với Ngài trong tình yêu thương bao la tuyệt vời.

Nhưng những người đã được cứu sống và được nuôi dưỡng, có nhận ra được tình yêu bao la nầy chăng? Hay họ không hề hay biết gì về sự sống của mình bởi đâu mà có và tại sao mình được sống đến ngày hôm nay?

Mỗi người trong chúng ta để ra một ít phút suy nghĩ về con người và sự sống của chính mình: Biết bao người đã từ giã cõi đời, người ra đi trong hạnh phúc, người ra đi trong bất hạnh, người ra đi trong vui mừng, người ra đi trong ưu phiền sầu lo. Họ ra đi và đi về đâu? Đi đến sự sống hay đi tìm cái chết. Còn chúng ta vẫn còn hiện diện trên trần gian, chúng ta cũng sẽ ra đi như họ. Vậy chúng ta đi tìm sự sống hay đi tìm cái chết? "Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ sống đời đời và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết". Lời Chúa Giêsu đã hướng dẫn chúng ta đến con đường sự sống. Biết bao người đã đi trên con đường sự sống vì họ biết dùng của ăn nuôi sống cho mình.

Chúng ta cũng nghe Lời nầy nhiều lần, chúng ta cũng biết đến của ăn nầy rất nhiều vì chúng ta cũng đã ăn rất nhiều, nhưng chúng ta có cảm nhận được sức mạnh từ của ăn mà chúng ta hưởng dùng không? Sức mạnh của Tình Yêu Thương, vì yêu thương mà Thiên Chúa dám chết để cho chúng ta được sống và cũng vì yêu thương mà Ngài đã ban của ăn nuôi sống là Chính Thịt và Máu Mình cho người mình Yêu được sống. Người mẹ đã cho đứa con mạng sống khi bà hy sinh mạng sống của mình, còn người cha thì nuôi dưỡng đứa con. Còn chúng ta, chúng ta được cho mạng sống và được nuôi dưỡng bởi Đấng yêu thương, nhưng chúng ta vẫn không cảm nhhận được để sống cho xứng với tình yêu được sao?

Nếu chúng ta biết yêu thương qua cử chỉ của hành động trong cuộc sống đời thường, nếu tất cả mọi việc làm của chúng ta biết làm vì yêu thương, thì những việc làm của chúng ta đang đưa chúng ta đến con đường sự sống. Nếu chúng ta biết siêng năng đến để ăn của ăn mà Đấng Yêu Thương đã ban thì chúng ta đang sống trong tình yêu, thì chúng ta đang đi trên con đường sự sống. Đó là chúng ta đang đáp lại Tình Yêu.

Xin cho chúng con biết siêng năng đến rước Chúa để chúng con được sống trong tình yêu thương và con đường sự sống.

CHÚA NHẬT LỄ KÍNH MÌNH và MÁU THÁNH CHÚA
Ga 6: 51-58

1. "Bánh hằng sống từ trời xuống" ở đây nghĩa là gì?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su tuyên bố: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống". Chúng ta cần phải hiểu câu nói đó theo nghĩa nào? Chắc chắn không thể hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là nghĩa vật chất được.


Viết tới đây tôi nghĩ tới Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh trong truyện Tây Du Ký: nhiều yêu tinh quyết bắt ông cho bằng được để ăn thịt, vì tin rằng cứ ăn thịt ông thì sẽ trường sinh hay trường thọ. Chắc hẳn chẳng ai trong chúng ta tin được rằng thịt của Đức Giê-su (hiểu theo nghĩa vật chất) là một thứ thuốc hễ ăn vào thì được sống đời đời theo kiểu các yêu tinh tin vào thịt của Đường Tam Tạng.


Cũng khó mà hiểu được một cách thuần túy rằng Thịt đem lại sự sống đời đời ở đây chỉ là bánh Thánh Thể mà người ta vẫn nhận lãnh khi rước lễ. Vì quả thật không thể tin được là tất cả những ai lên rước lễ dù là hằng ngày thì sẽ được sống đời đời mà không cần một thái độ nội tâm nào (xin nhấn mạnh những chữ viết nghiêng này). Nếu thế thì muốn được sống đời đời quả thật quá dễ dàng! Và nếu thế thì bánh Thánh Thể quả là một thứ phù phép hay bùa chú vượt trên mọi thứ phù phép trong mọi tôn giáo! Những phù phép trong các tôn giáo nhiều lắm thì hứa hẹn một cái gì tạm thời chóng qua, chứ không hứa hạn một quyền lợi vô cùng to lớn mang tính đời đời, mà người thụ hưởng chỉ bị đòi hỏi làm một việc mang tính vật lý quá đơn giản!


Theo tôi nghĩ, chính thái độ nội tâm của ta mới là yếu tố quyết định về phía ta để Thiên Chúa ban sự sống đời đời cho ta hay không. Vì thế, việc ăn thịt và uống máu Đức Giê-su là một thái độ hay hành vi nội tâm hơn là thể lý! Không có thái độ hay hành vi nội tâm ấy, thì có rước lễ hằng ngày suốt đời cũng chẳng thể có sự sống đời đời. Thật vậy, có ai dám bảo đảm rằng những người rước lễ hằng ngày thì chắc chắn có sự sống đời đời chăng? Riêng tôi, tôi tin tưởng chắc chắn 100% rằng những ai có thái độ nội tâm giống như Đức Giê-su thì tất nhiên sẽ được Ngài ban sự sống đời đời.


Thiết tưởng, câu nói của Đức Giê-su đang được bàn tới cần hiểu theo nghĩa tâm linh, huyền nhiệm hơn là nghĩa đen. Vì nói chung, trong bất kỳ tôn giáo nào, những câu Kinh Thánh có ý nghĩa quan trọng thường được hiểu theo nghĩa huyền nhiệm hơn theo nghĩa đen. Vả lại, chính Đức Giê-su đã từng dùng từ "lương thực" hay "thức ăn" theo nghĩa tâm linh: ""Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết". Các môn đệ mới hỏi nhau : "Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?" Đức Giê-su nói với các ông: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người"" (Ga 32-34). Thiết tưởng chữ "bánh", "của ăn", "của uống" trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nên hiểu theo nghĩa ấy.


2. Cuộc đời và bản thân Đức Giê-su là một "chiếc bánh bị ăn"


Một trong những đặc tính căn bản nhất của đồ ăn là nó không hiện hữu vì ích lợi của nó, mà hoàn toàn vì ích lợi của người ăn nó. Nói cách khác, đặc tính căn bản của đồ ăn là hoàn toàn vị tha, không vương một chút vị kỷ nào. Đức Giê-su cũng hiện hữu và sống hoàn toàn vì Chúa Cha và vì loài người, không hề vì bản thân mình chút nào. Ngài từng nói: "Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi" (Ga 6,38); "Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10).


Cả cuộc đời Đức Giê-su, dù xét một cách toàn thể hay theo từng chi tiết, từng hành động, ta thấy Ngài hoàn toàn vị tha, nghĩa là sống vì Chúa Cha và vì nhân loại. Không một hành vi nào chứng tỏ Ngài vị kỷ cả. Cụ thể và hùng hồn nhất là cuộc tử nạn hết sức thê thảm của Ngài: đau khổ đến tận cùng và chết thê thảm không vì ích lợi gì cho mình, mà hoàn toàn vì yêu thương Chúa Cha và nhân loại.


Hãy nghe Ngài cầu nguyện hai lần với Chúa Cha trước khi chịu tử nạn: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26,39; x. 26,42). Sự vị tha ấy đã có từ nguyên thủy khi Ngôi Hai xuống thế: "Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2,6-8).


Như vậy, cả cuộc đời Ngài là một cái "bánh bị ăn", nhờ thế Thiên Chúa được vinh danh. Con người cũng nhờ thế mà "được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10), được phục hồi lại sự sống đời đời đã bị mất vì tội nguyên tổ.


3. "Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời"


Đức Giê-su nói: "Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống". Điều ấy chắc chắn là sự that, nhưng phải hiểu theo nghĩa huyền nhiệm hơn là nghĩa đen. Vấn đề còn lại là "ăn thịt và uống máu" Đức Giê-su để "được sống muôn đời" là gì? Muốn "ăn thịt và uống máu" Đức Giê-su thì phải làm gì?


Khi tôi ăn hay uống một thức gì, thì thức ấy được tiêu hóa để trở thành thịt và máu tôi, thành các tế bào của tôi. Thức ấy mà bổ dưỡng hoặc có tính chữa bệnh thì tôi trở nên mạnh khỏe, và bệnh tôi được chữa lành. Nếu tôi ăn hay uống những thức độc hại, thì chất độc ấy cũng trở nên những tế bào độc hại trong thân thể tôi và làm cơ thể tôi suy yếu. Chắc chắn rằng tất cả các tế bào hiện nay của tôi sau mấy chục năm sống ở đời đều hoàn toàn được cấu tạo từ những thức tôi ăn hay uống vào từ bên ngoài. Chính nhờ thức ăn và thức uống mà tôi sống được. Nhưng tôi sống mạnh khỏe hay bệnh tật tùy thuộc vào thức ăn thức uống tôi đưa vào cớ thể, và cũng tùy thuộc cách thức tôi ăn uống nữa. Thức ăn hay thức uống tôi ăn vào từ từ thay thế những tế bào cũ bằng những tế bào mới trong thân thể tôi. Vì thế, nhiều thầy thuốc hay nhà sinh vật học chủ trương người ta có thể cải tạo lại sức khỏe bằng cách thay đổi đồ ăn thức uống và cả cách ăn uống nữa.


Từ thực tế trên, ta có thể hiểu được cách thức "ăn thịt và uống máu" Đức Giê-su. Đức Giê-su là Ngôi Lời, nên bản chất của Ngài là "Lời". Lời của Ngài cũng chính là của ăn thức uống. Đời sống và bản thân của Ngài cũng là của ăn thức uống như đã nói ở phần trên.


Ăn uống Ngài chính là dùng lời của Ngài, dùng gương mẫu đời sống Ngài, để suy niệm, thực hành, bắt chước hầu thay thế dần dần "chất của ta" bằng "chất của Ngài", nghĩa là ta càng ngày càng trở nên "có chất Giê-su" hơn trong quan niệm, tư tưởng, lời nói, và hành động của ta.


Nếu mỗi ngày ta thay thế 1% hay 1‰ "chất tôi" thành "chất Ngài" - ít hay nhiều tùy sự cố gắng hay quyết định của ta - thì chỉ một thời gian sau "chất tôi" đầy ích kỷ, tham lam, ghen ghét sẽ giảm đi, và "chất Ngài" đầy vị tha, đầy tình yêu sẽ tăng lên. Và tới một lúc nào đó, "chất Ngài" ở trong tôi trở thành viên mãn, nghĩa là đạt tới mức 100% (Đương nhiên thực tế không đơn sơ như vậy).


Lúc ấy tôi có thể nói như Phao-lô: "Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 10,20). Lúc ấy, một cách nào đấy, tôi không còn là tôi mà là Đức Ki-tô. Điều đó không có nghĩa là tôi bị vong thân, mà tôi trở nên một cái tôi hoàn hảo nhất, đúng với ước muốn sâu xa nhất của tôi là nên một con người hoàn hảo. Chính lúc ấy tôi mới tìm lại được bản thân tôi một cách trọn vẹn nhất. Đấy là cách "ăn thịt uống máu" Ngài - mà tôi nghĩ theo thiển ý mình - là hợp lý và ý nghĩa nhất. Và đó cũng là cách bảo đảm nhất để có sự sống đời đời.


Vậy thiết tưởng, mỗi khi dâng thánh lễ và lãnh nhận Thánh Thể, tức là "ăn thịt uống máu" Ngài một cách bí tích, ta cần có một thái độ hay hành vi nội tâm tương xứng là "ăn thịt uống máu" Ngài một cách huyền nhiệm hay tâm linh như đã nói trên. Có sự phối hợp bên trong lẫn bên ngoài như thế, việc lãnh nhận Thánh Thể sẽ đem lại cho ta sự sống và sức mạnh tâm linh bội phần.


4. Hãy trở nên "chiếc bánh bị ăn" như Đức Giê-su


Như vậy, "ăn thịt và uống máu" Đức Giê-su chính là suy niệm Lời và đời sống của Ngài để dần dần thay thế "chất tôi" thành "chất Ngài", biến "tôi" thành "Ngài". Nói cách khác, đó là trở nên giống Đức Giê-su hoàn toàn. Giống Đức Giê-su là giống Thiên Chúa, mà "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4,8.16). Tình yêu ở đây là thứ tình yêu hoàn toàn vị tha, không một chút vị kỷ. Vì thế, giống Đức Giê-su là biết yêu thương mọi người bằng một tình yêu vị tha, nghĩa là sẵn sàng trở nên "chiếc bánh bị ăn" như Đức Giê-su (theo cách nói của cha Antoine Chevrier, tu hội Prado). "Bị ăn" bởi những người chung quanh ta, nhất là những người gần gũi ta nhất (vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, bạn bè ta). Sống như thế, hay ít nhất là cố gắng hết sức để sống như thế, chính là "ăn thịt và uống máu" Đức Giê-su, và như thế thì chắc chắn ta sẽ được sự sống đời đời.


CẦU NGUYỆN


Lạy Cha, con muốn "ăn thịt và uống máu" Đức Giê-su bằng cách mỗi ngày nhìn vào đời sống của Ngài để biến một phần rất nhỏ "chất tôi" trong con thành "chất Giê-su". Nếu mỗi ngày con chỉ biến 1‰ (một phần ngàn) "chất tôi" thành "chất Giê-su" một cách thật nghiêm túc và thành công, thì trên nguyên tắc chỉ 1.000 ngày sau - tức khoảng 3 năm - con đã được biến đổi hoàn toàn nên giống Đức Giê-su. Đó là tính theo kiểu toán học, thực tế không đơn sơ, dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Xin cho con biết "ăn thịt và uống máu" Ngài theo kiểu ấy, để nhờ đó con có sự sống đời đời. 

John Nguyễn (nguồn vietcatholic.org)

1470    22-06-2011 09:18:03