Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Chúa Nhật XIV TN A_4

BÉ MỌN THÔI CHƯA ĐỦ
Mt 11, 25-30

Hành trình rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu cũng trải qua lắm nổi truân chuyên, nhiều thành công nhưng cũng không thiếu sự thất bại bởi sự cứng lòng của con người. Nhìn lại hành trình đã qua, Chúa Giêsu nhận thấy rằng thì ra sự khôn khoan thông thái của Chúa Cha dường như "chỉ dành riêng" cho những con người bé mọn hơn là cho những kẻ tự nhận mình là uyên bác, thông thái. Lời kinh tạ ơn của Chúa Giêsu không ngoài việc chúc tụng tôn vinh công trình kỳ diệu mà Chúa Cha đang thực hiện mà còn là một lời mời gọi những ai được Cha ưu ái thương yêu hãy đồng hành với Người, chia sẻ với Người và cùng gánh lấy "ách êm ái, nhẹ nhàng của sự hiền hậu và khiêm nhường" nơi Người.

Lời kinh tạ ơn của Chúa Giêsu xem ra chẳng "ăn nhập" gì với những thất bại mà Người gặp phải trên đường rao giảng Tin mừng. Bởi ngay lúc Chúa Giêsu quở trách các dân thành cứng lòng tin, chứng kiến hầu hết các phép lạ Người thực hiện nhưng vẫn không chịu sám hối ăn năn (x. Mt 11, 20-24), Người lại dâng lời tạ ơn Chúa Cha. Vâng, Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha, bởi trong chính sự thất bại, Người khám phá ra chân lý, rằng tất cả sự thành công hay thất bại đều không nằm ngoài thánh ý của Cha Người. Không chỉ có thế, Chúa Giêsu còn thấy rằng mầu nhiệm cứu độ mà Người đang loan báo nếu chỉ thất bại trước những con người tự cho mình là khôn ngoan thông thái - những người tự cho rằng họ nắm giữ toàn quyền chìa khoá sự hiểu biết, túi khôn nhân loại; thì nay, mầu nhiệm đó lại được mở toang cho số đông những con người bé mọn, những kẻ khiêm nhường, hiền hoà nhân hậu, những con người có tâm hồn đơn sơ khó nghèo.

Thật ra trong lịch sử dân thánh, chúng ta chứng kiến nhiều trường hợp Thiên Chúa mạc khải sự khôn ngoan của mình cho những kẻ bé mọn. Một Samuel bé thơ, nhưng lời nói của em về việc Giavê Thiên Chúa trừng phạt gia tộc tư tế Hêli đã làm cho Hêli thốt lên : "Người là Giavê, xin Người cứ làm điều Người cho là tốt" (x. 1 Sm3, 1-18); một cậu bé Đavít còm cõi, tóc cháy xém vì nắng do phải chăn chiên ngoài đồng, lại được Giavê Thiên Chúa cất nhắc làm vua một dân tộc vĩ đại và là dòng dõi xuất thân của Đấng Mêsia (x. 1 Sm 16); và một Đaniel và các bạn là Khanania, Misael va Adaria được Giavê Thiên Chúa "ban ơn hiểu rộng biết nhiều về tất cả chữ nghĩa và lẽ khôn ngoan" (Đn 1, 17) để đương đầu với vua chúa và các vị bô lão trong dân vốn được xem là thông thái khôn ngoan (x. Đn 2.13). Thế nên, lời chúc tụng tạ ơn của Chúa Giêsu về điều mà Cha Người đã che giấu đối với những kẻ tự cao tự đại, nhưng lại mạc khải cho những kẻ đơn sơ bé mọn quả là chính đáng và phải lẽ. Bởi Chúa Cha đáng được chúc tụng và tôn vinh về điều tưởng chừng không đáng gì để tụng ca, nhưng lại là điều vô cùng quan trọng với những ai hiểu được thánh ý Người.

Những kẻ bé mọn được Chúa Cha mạc khải sự khôn ngoan và mầu nhiệm nước trời thông qua người con chí ái là Chúa Giêsu. Thế nhưng bé mọn thôi chưa đủ, Chúa Giêsu còn mời gọi hết những ai được Chúa Cha yêu thương hãy đến với Người và học hỏi nơi Người về lòng hiền hậu và khiêm nhường. Họ sẽ được Người chia sẻ với gánh nặng thế trần, thay vào đó là ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Người.

Ach êm ái và gánh nhẹ nhàng của Chúa Giêsu không gì khác hơn chính là đạo lý, là giáo huấn và là chính con người Chúa Giêsu. Để có được ách và gánh đạo lý này, người theo Chúa Giêsu cần phải học cho được thế nào là khiêm nhường và hiền hậu từ nơi Người. Hiền hậu là khiêm nhường là hai thái độ sống căn bản, là chìa khoá của mọi nhân đức, là điểm nối kết tình yêu giữa hai tâm hồn luôn hướng về nhau.

Khiêm nhường là biết mình. Biết mình thân phận mỏng dòn, yếu đuối, dễ sa ngã; biết mình cần sự trợ giúp, cần được tôi luyện mỗi ngày; biết mình cần đến tình yêu, cần đến sự tha thứ và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Khiêm nhường đích thực luôn hướng về Thiên Chúa chứ không phải để "đánh bóng" bản thân mình.

Còn hiền hậu vốn được xem như thái độ hướng về tha nhân. Đó chính là thái độ nhẹ nhàng, khoan dung, độ lượng và nhân ái. Hoa quả của sự hiền hậu chính là không cứng rắn cọc cằn, không hằn học bon chen, không tranh chấp oán hờn, không lên án bạo động,... Chúa Giêsu chính là mẫu gương của sự hiền hậu đích thực và Người mời gọi chúng ta bước theo Người trên con đường này, nhờ đó nhân loại được Chúa chúc lành.

Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta sống lại lời kinh tạ ơn mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện khi xưa để không ngừng tạ ơn Chúa Cha về muôn điều kỳ diệu Người đã tỏ hiện cho chúng ta - những Kytô hữu hèn mọn. Đồng thời cũng là lời thúc giục chúng ta dấn bước theo Chúa Giêsu trong khiêm nhường và hiền hậu để không ngừng sống cho Chúa và mưu ích cho tha nhân.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

NGƯỜI BÉ MỌN CỦA TIN MỪNG
Mt 11, 25-30

Tin mừng Chúa Nhật 13 vừa qua, Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy cách Thiên Chúa đánh giá các sự việc. Ngài không có những hứa hẹn bên ngoài, cũng không đánh giá trị của chúng ta dựa vào khối lượng công việc mà chúng ta thực hiện, cho bằng dựa vào động cơ thúc đẩy chúng ta làm việc đó. Nếu đó là một lý do tốt thì dù công việc bé nhỏ cũng có giá trị và được trả công xứng đáng.

Lời Chúa hôm nay tiếp tục cho chúng ta thấy một nghịch lý nhưng không vô lý của Tin mừng: đó là việc Chúa Cha mạc khải chân lý cho những người bé mọn nhưng lại giấu đối với những người hiền triết và khôn ngoan, hay nói đúng hơn, đối với những người tự cho mình là hiền triết và khôn ngoan (x. Mt 11, 25). Nhưng ai là người bé mọn mà Tin mừng muốn nói đến hôm nay?

1. Người bé mọn theo Tin mừng:Để có thể nhận ra ai là người bé mọn được mạc khải Tin mừng, chúng ta có thể điểm qua danh sách các môn đệ của Đức Giêsu, bởi họ chính là những người được mạc khải Tin mừng Nước Thiên Chúa cách rõ ràng nhất. Trong đó, chúng ta thấy có Phêrô và các bạn là những ngư phủ thất học như cái nhìn của người Do thái, có Matthêu, một quan chức nhà nước làm nghề thu thuế, một người tội lỗi theo cái nhìn của người Do Thái. Rồi sau này còn có cả Phaolô, một người Biệt Phái, dòng dõi quý phái, học trò của Rabbi Gamaliel nổi tiếng (x. Pl 3, 5). Như thế, các môn đệ của Đức Giêsu gồm đủ mọi hạng người. Điều đó, cho thấy Ngài không hề từ chối bất cứ một người nào đến với Ngài, dù đó là nam hay nữ, già hay trẻ, tầng lớp lao động hay trí thức, công chính hay tội lỗi. Nhưng chỉ cần họ sẵn sàng mở lòng là họ sẽ đón nhận được lời Đức Giêsu rao giảng.

Như thế, chúng ta có thể có một khái niệm sơ khởi về hình ảnh người bé mọn mà Đức Giêsu đề cập tới trong bài Tin mừng hôm nay. Người bé mọn không dựa vào trọng lượng cơ thể, cũng không dựa vào tuổi tác hay trình độ văn hoá, nhưng là dựa vào cách sống và cách mỗi người đón nhận sự việc.

Trước hết, người bé mọn là người không sống theo xác thịt, nhưng luôn sống theo Thánh Thần (x. Rm 8, 9). Trong cuộc sống hiện nay, do ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thực dụng, đứng trước mỗi việc, chúng ta thường lý luận và tìm cách giải quyết theo khả năng của mình và khi có kết quả, chúng ta mặc nhiên coi đó là do sự tài giỏi của mình. Nhưng thực tế, không phải là như thế, trong thư gởi tín hữu thành Corinhtô, thánh Phaolô đã từng nói: "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?" (2 Cr 4, 7), nghĩa là mọi sự chúng ta có đều do bởi ơn Chúa. Thật vậy, có ai trong chúng ta đây có thể tự tạo ra mạng sống và trí khôn cho mình đâu. Tất cả những gì chúng ta có đều được nhận lãnh.

Thật vậy, giống như một cái ly đầy nước thì không thể đổ thêm vào được, một người nghĩ rằng mình đã đầy đủ rồi thì không thể tiếp nhận thêm bất cứ điều gì. Người ta chỉ có thể đón nhận cái gì mà mình còn thiếu, chưa có. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trẻ em luôn thắc mắc vì em chưa biết nhiều. Do đó, các em dễ học được nhiều cái mới hơn người lớn. Người lớn ít thắc mắc vì hai lý do: một là đã biết rồi; hai là vì tự ái sợ người khác cho rằng mình dốt nên không dám hỏi (nhưng chúng ta quên một điều: nếu hỏi chỉ mang tiếng dốt một lần thôi, còn nếu như không hỏi sẽ dốt suốt đời), nên cũng khó đón nhận những thay đổi, những suy nghĩ khác với suy nghĩ của mình. Như thế, một cách nào đó, trẻ em chính là người bé mọn, còn người lớn là những người hiền triết và khôn ngoan. Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa không hề có thái độ kỳ thị, mạc khải cho người này, bỏ người khác, nhưng là do con người có muốn mở lòng mình ra để đón nhận mạc khải hay không.

Kế đến, người bé mọn là người không kiêu căng, hợm hĩnh nhưng là người tác tạo hoà bình. Ngôn sứ Zacharia trong bài đọc một đã mô tả về Đấng Messia của Thiên Chúa với những lời lẽ hết sức nhẹ nhàng như sau: "Nầy vua ngươi đến với ngươi... Người khiêm tốn ngồi trên con của lừa mẹ.. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim và ngựa Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người công bố hoà bình cho các dân tộc." (x. Dcr 9, 9-10). Thế đó, một vị vua không ngồi trên lưng con Thiên lý mã bách chiến, bách thắng, nhưng là cỡi trên con lừa con. Một vị vua không xây thành đắp lũy, nhưng lại loại bỏ chiến xa, phá huỷ cung tên; không gây chiến, nhưng công bố hoà bình. Một vị vua sống tinh thần bé mọn, cũng là vị vua luôn tìm cách tạo dựng bình an.

Tóm lại, người bé mọn theo Tin mừng là người nhận ra sự thiếu thốn của mình và luôn biết mở lòng để đón nhận người khác, biết tác tạo hoà bình trong đời sống. Những người như thế sẽ đón nhận được mạc khải của Nước Thiên Chúa.

Quy chiếu với đòi hỏi của Tin mừng, tôi và quý vị đang là hạng người nào? Chúng ta là những người hiền triết và khôn ngoan hay là người bé mọn? Đây là câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải tự trả lời trước mặt Chúa, nếu muốn đón nhận được mạc khải Nước Trời.

2. Gia đình sống tinh thần bé mọn:

Trong đời sống gia đình, nếu cả hai vợ chồng đều ý thức biết sống tinh thần bé mọn của Tin mừng, nghĩa là cả hai vợ chồng đều ý thức rằng mọi sự không do bởi mình, hơn nữa, mình còn phải đón nhận rất nhiều từ nơi người bạn của mình, cụ thể như: người chồng cần hiểu rằng nếu không có một người vợ tần tảo ở nhà thì tất cả những gì mình làm ra sẽ có thể không cánh mà bay; còn người vợ cũng cần ý thức: nếu không có bàn tay người chồng thì mình cũng chẳng có gì để mà tần tảo, tiết kiệm hay nói theo cách nói của cha ông chúng ta, cả hai vợ chồng cần nhớ rằng: "của chồng, công vợ". Đồng thời, luôn ý thức nhường nhịn, sống hiền lành, tạo bầu khí bình an trong gia đình theo gương Chúa Giêsu, thì ắt hẳn mầu nhiệm hạnh phúc gia đình theo tinh thần Tin mừng cũng sẽ được mạc khải cho từng người chúng ta.

Tương tự như thế, sống trong cộng đoàn, không ai trong chúng ta có thể tự lo cho mình hết mọi việc. Chúng ta cần thợ để hớt tóc, may đồ; cần có bác sĩ để chữa bệnh, cần anh công nhân làm ra các sản phẩm sử dụng mỗi ngày; cần người đánh cá, cần người quét đường... Tóm lại, không ai trong chúng ta có thể sống cho riêng mình, nhưng cần khiêm tốn, nhận ra sự thiếu thốn của mình để đón nhận người khác, và tích cực góp sức mình để xây dựng và làm phát triển cộng đoàn.

Còn ngược lại, nếu chúng ta tự cho mình là "hiền triết khôn ngoan", nghĩa là đầy đủ, không cần đón nhận ai nữa. Chắc hẳn mầu nhiệm về hạnh phúc gia đình, về bình an trong cộng đoàn cũng sẽ bị giấu kín đối với chúng ta.Giờ đây, bí tích Thánh Thể sắp cử hành trên bàn thờ đây cũng là một mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta hãy mở rộng lòng trong tâm tình của những người con bé nhỏ, sẵn sàng đón nhận Ngài ngự vào tâm hồn mình. Nhờ đó, mỗi người chúng ta được thêm ân sủng để có thể ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

NGHỊCH LÝ THẬP GIÁ CHÚA KITÔ
Mt 11, 25 - 30

Thập giá Đức Giêsu Kitô là một cớ vấp phạm cho người Do Thái và điên rồ đối với dân ngoại (x. 1Cr 1,23). Tức là một nghịch lý của cuộc đời, cho đến bây giờ vẫn thế và còn cho đến tận thế. Lúc nào Thập giá cũng là một thách đố rất lớn đối với mọi thời đại. Thập giá cũng là một chướng ngại rất lớn đến với từng con người. Đức Giêsu đã khẳng định ngay từ đầu rằng, Ngài là một viên đá - một viên đá làm cớ vấp phạm đối với những ai không nhận ra Ngài, không nhận ra chương trình cứu độ của Ngài.

Khi chỉ nhìn nhận những thực tại bên ngoài mà thôi, Thập giá là một hình phạt nặng nề của những người Roma dành cho những người tử tội. Đức Giêsu đã nhận cho mình hình phạt này. Đó không phải là một sự tôn vinh, bởi vì, Thập giá là biểu hiện của sự chết. Thập giá chỉ được tôn vinh sau khi Đức Giêsu Kitô hoàn tất chương trình cứu độ. Ngay khi Ngài ở trên Thập giá, chính Ngài cũng đã bị lời sỉ nhục của những kẻ qua đường chế nhạo, thậm chí Ngài còn bị những lời sỉ nhục của những kẻ cùng đóng đinh với Ngài trên Thập giá. Như vậy, Thập giá vẫn là một sỉ nhục, một cực hình dành cho những ai bị kết án. Đức Giêsu cũng là người bị kết án, Ngài bị kết án do tòa án của nhân loại, mà Philato tuyên án. Ngài là người bị kết án do chính những người con cái trong nhà: "Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi!". Thập giá mãi mãi vẫn là một bản án, một bản án đóng trên đầu Đức Giêsu Kitô: "Đức Giêsu Nadaret, Vua dân Do Thái". Như vậy, Thập giá không có gì đáng để tôn vinh: Thập giá là đau khổ; là kết án; là sự chết.

Vậy tại sao chúng ta suy tôn Thập giá Đức Giêsu Kitô như vậy?

Vâng! Đúng là chúng ta suy tôn Thập giá Đức Giêsu Kitô vì Đức Giêsu Kitô đã dùng Thánh giá mà cứu chuộc nhân loại. Đó là ý nghĩa mà chúng ta đang đi sâu vào tìm hiểu. Nếu Thập giá chỉ là một bản án tử hình, chỉ là một huyền thoại, một sự kết án thì mãi mãi Thập giá là một sự hổ ngươi cho tất cả những người Kitô hữu. Nhưng nếu Đức Giêsu Kitô đã dùng Thánh giá mà cứu chuộc thế gian thì đây chính là triết lý của sự khôn ngoan; triết lý của sự sống. Như vậy, trong nghịch lý hàm chứa một chân lý; ở trong bản kết án ấy lại chính là một sự xóa án. Tất cả diễn ra nơi Thập giá Đức Giêsu Kitô. Chúng ta nhìn thấy sự sống và sự chết ở cùng trên Thập giá Đức Giêsu Kitô, Ngài đã nói những lời cuối cùng, Ngài phó linh hồn cho Đức Chúa Cha. Sự sống của Đức Giêsu Kitô trên Thập giá và sự chết của Đức Giêsu Kitô cũng trên Thập giá. Sự sống và sự chết gặp nhau trên Thập giá của Đức Giêsu Kitô. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng sự sống và sự chết của Đức Giêsu trên Thập giá cũng chính là sự sống và sự chết của chúng ta. Bởi lẽ từ cạnh sườn bị đâm thâu, máu và nước chảy ra, từ đó phát sinh ra Bí tích của Hội Thánh như trong Kinh Tiền Tụng chúng ta đọc. Vậy từ Thập giá Đức Giêsu Kitô, máu và nước chảy ra: nước tượng trưng cho Bí tích Rửa Tội. Nhờ đó mà chúng ta được đi từ cõi chết đến cõi sống. Và máu, tượng trưng cho các Bí tích, những Bí tích của tình yêu thương, để tha tội, để thêm sức, để thánh hóa những tâm hồn. Chúng ta hình dung một Đức Giêsu Kitô hiến mạng sống của mình để hướng tới cái chết. Và từ cái chết ấy, mà chúng ta bắt đầu nhận được trở lại sự sống của Thiên Chúa, sự sống thật của con người theo thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa khi tạo dựng con người.

Cái sống và cái chết không chỉ đấu tranh trong con người Đức Giêsu Kitô mà trong toàn thể Hội Thánh, là nhiệm thể của Đức Kitô. Nếu Đức Giêsu Kitô không chết trên Thập giá thì không có sự hoàn tất chương trình cứu độ của Ngài. Nếu Đức Giê su Kitô không chấp nhận cái chết trên Thập giá thì bản án của nhân loại mãi mãi vẫn còn. Vì vậy trong bản án được treo trên đầu Đức Giêsu Kitô đã nói rõ vương quyền của dân Thiên Chúa: Tiên tri, Tư tế, Vương giả. Chúng ta, những người Kitô hữu cũng mang trong mình một danh Kitô, mà danh ấy là Vua Do Thái. Như vậy, trong bản án mà Đức Giêsu phải chịu bao hàm cả chức vụ Tư tế, Tiên tri, Vương đế của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Nếu không có Thập giá thì những danh hiệu ấy không có ý nghĩa gì. Cho nên, người Kitô hữu chúng ta hôm nay, đứng trước Thập giá Đức Giê su Kitô là đối diện với một mầu nhiệm, một mầu nhiệm hàm chứa nghịch lý, chân lý đan xen nhau. Không phải ai cũng nhận ra chân lý của Thập giá. Vì thế, thánh Phaolo đã diễn tả những cách thức mà mỗi một thời đại, mỗi một dân tộc tượng trưng cho một ý thức hệ, một quan điểm khác nhau, rằng: Thập giá Đức Giêsu Kitô là cớ vấp phạm cho người Do Thái và là sự điên rồ đối với dân ngoại; hoặc là sự khôn ngoan cho những người được tuyển chọn, vì đó chính là những gì mà con người được sàng lọc, được trắc nghiệm đi sâu vào tâm hồn mình để nhận ra Thập giá. Người đời đã biết áp dụng nguyên tắc Thập giá theo triết lý "Lửa thử vàng, gian nan thử đức", rằng "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Đó là triết lý của Thập giá áp dụng trong cuộc sống, vì ai cũng sợ đau khổ, ai cũng sợ sự chết. Nhưng "Lửa thử vàng, gian nan thử đức" và "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay" nghĩa là những người có ở trong tình trạng đau khổ (đoạn trường = đứt ruột) mới hiểu được,và trong đau khổ ấy người ta mới tìm được giá trị của Thập giá. Cho nên ngay ở trường đời, cũng có giá trị thập giá và người ta đã tìm ra triết lý khôn ngoan của nó. Các thánh mô tả Thập giá là sự khôn ngoan. Bởi vì Thập giá Đức Giêsu hiện nguyên hình là sự chết, vì khi không qua đau khổ và sự chết con người sẽ không đạt tới đích thật sự sống của mình.

Vì vậy, chúng ta nói về Thập giá, suy tôn Thánh giá là chúng ta đang nói tới tình yêu thương và chân lý mà Thiên Chúa muốn chúng ta đi qua sự chết để vào cõi sống; để nhìn qua những đau khổ, sự chết của Đức Giêsu Kitô nhận ra chương trình cứu độ. Vì vậy, đối với những người được tuyển chọn, Thập giá là ơn cứu độ, còn mãi mãi vẫn là cớ vấp phạm và sự điên rồ đối với những kẻ không tin hay với người quá khích.

Hôm nay và mãi mãi cho đến tận thế, Thập giá dạy chúng ta những bài học khôn ngoan để chúng ta nhận ra chân giá trị của cuộc đời. Thập giá mãi mãi vẫn là trường dạy chúng ta sự khiêm tốn, sự khôn ngoan và cho chúng ta hiểu tình yêu - một tình yêu đích thật.

Những người Kitô hữu hôm nay, đeo Thánh giá trên cổ, lần tràng hạt trên tay có Thánh giá và đặt Thánh giá trên nóc đỉnh cao của tháp Nhà thờ; Thánh giá ngày xưa còn dùng làm dấu hiệu của những người theo Đạo hay không theo Đạo, sống hay là chết: bước qua Thập giá là bỏ Đạo, là sự sống trước con mắt thế gian, còn không bước qua Thập giá là chết trước con mắt thế gian. Nhưng đó lại là các Thánh Tử Đạo!

Thập giá như là một đường ngang, đường xích đạo phân đôi địa cầu của chúng ta; đường dọc như là trục giữ cho trái đất giữ của chúng ta định vị trong vũ trụ. Đường dọc, đường ngang ấy đã tạo nên Thập giá. Đường dọc đi tới tận Thiên Chúa để Ngài tuôn đổ ơn lành xuống cho trái đất của chúng ta, không bị sai lạc vị trí của mình. Đường ngang ôm chặt lấy trục để cho chúng ta hiểu biết là: trong Thập giá, chúng ta có tình huynh đệ, tình yêu thương và chúng ta gặp gỡ nhau trong Đức Kitô.
LM Phêrô Hồng Phúc


THIÊN CHÚA KHIÊM HẠ
Mt 11, 25 - 30

Khiêm hạ là đức tính tối cần để thành công trong cuộc đời. Người tài giỏi mấy mà tự kiêu, tự mãn vẫn không được người khác tôn trọng. Đứng trước sự linh thiêng đặc biệt trước các vị thần, vị thánh, con người nhất nhất phải khiêm tốn cúi đầu. Đạo Công Giáo do Chúa thiết lập lại mang một sắc thái khác lạ bởi vì Con Thiên Chúa đã tự hạ mình mang kiếp người phàm để sống cùng, sống với, sống cho con người, nói một cách thiêng liêng, Con Thiên Chúa hạ mình trước dân của Ngài.

Cuộc lữ hành trần thế tiến về Quê trời, người Kitô hữu phải phấn đấu, hy sinh, từ bỏ, phải vất vả truân chuyên vượt qua biết bao gian nao thử thách để bảo toàn đức tin. Chúa Giêsu hiểu rõ những vất vả nặng nề của người Kitô hữu, Ngài đã động viên, khích lệ, kêu gọi: " Tất cả những ai đang vất vả nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng " ( Mt 11, 28 ).

Vâng, Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai đang phải lao đao vất vả, những kẻ hèn mọn, những người không nhà không cửa, những kẻ thấp cổ bé họng, những kẻ neo đơn, cơ nhỡ, những người vất vưởng khắp nơi, hãy đến với Ngài để Ngài an ủi, chở che, nâng đỡ và cho nghỉ ngơi lại sức. Hãy đến với Ngài tất cả những ai tội lỗi, chán nản, u buồn, Ngài sẽ xoa dịu vỗ về, an ủi và Ngài sẽ ban cho họ sự an bình.

Chúa Giêsu còn thiết tha mời gọi con người: " Anh em hãy mang lấy ách của tôi...Vì ách của tôi êm ái, và gánh của tôi nhẹ nhàng ( Mt 11, 29-30 ). Ở đây chúng ta phải hiểu " ách " là một cái cây bằng gỗ nặng, nó được thiết kế, đóng để đặt lên cổ của đôi bò, để giữ chúng lại và để chúng kéo xe. Trong cuộc đời 30 năm ở Nagiarét có lẽ Chúa Giêsu đã thấy thánh Giuse và nhiều người dân làng đã đóng những cái ách như thế để ghìm bò và giữ bò để chúng kéo xe. Qua cái ách bò, Chúa Giêsu đã muốn dạy cho nhân loại biết rằng tôn giáo do Ngài thiết lập sẽ không phải là thứ tôn giáo đè cỏ đè đầu nhân dân. Do đó, Chúa Giêsu đã nói: " Ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi thì nhẹ nhàng ".

Chúa Giêsu đã minh chứng sự khiêm hạ của Ngài như chúng ta đọc thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philip chương 2, và đặc biệt khi Chúa rửa chân cho các môn đệ trong Nhà Tiệc Ly và cái chết của Ngài trên thập giá để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, cho con người. Sự khiêm hạ của Chúa chúng ta không bao giờ nghĩ tới được bởi vì nếu Chúa không mặc khải sự khiêm hạ của người qua những hành động cụ thể thì không bao giờ chúng ta hiểu được Ngài. Ngài đã tự hạ qua tình yêu vô biên, tình yêu hoàn toàn vô vị lợi của Ngài: " Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu " ( Ga 15, 13 ) hoặc " Khi nào Ta bị đưa lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta ".

Thánh lễ tái diễn lại việc Chúa Giêsu khi xưa trên thập giá. Nên, mỗi khi chúng ta lên rước Chúa, Linh mục sẽ giới thiệu với chúng ta Mình và Máu Thánh của Chúa, làm của nuôi thần linh nuôi sống con người chúng ta.. Chúng ta đến với Chúa Giêsu vì Người hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Chúng ta đến với Chúa, Chúa sẽ bổ dưỡng và ban cho chúng ta thanh thản bình an, đúng như lời Ngài đã nói: " ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi thì nhẹ nhàng ".

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn học nơi Chúa sự khiêm hạ của Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA TÔI và HÃY HỌC CÙNG TÔI
Mt 11:25-30

Có lẽ chúng ta sẽ nghĩ rằng bài trích sách Dacaria nên đọc vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Thực ra, bài này đã được thánh Mathêu trích dẫn (Mt 21,1-11) và được đọc ngay khi bắt đầu cuộc rước. "Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ"

Dacaria không chỉ nói mơ hồ. Ông cho biết rõ ràng Đấng Messia thuộc Dòng Đavit sẽ như thế nào. Dacaria đã mong một Đấng Mesia như một thủ lãnh không dùng bạo lực. Chỉ cần liếc qua những đầu báo hôm nay cũng thấy những đàn áp vũ lực đối với các cuộc biểu tình ở Syri và Liby. Nhưng ngay cả các nước dân chủ cũng chưa chắc không dính đến bạo lực. Ngược với những kinh nghiệm thông thường của chúng ta. Dacaria mời gọi thính giả của mình chiêm ngưỡng một đấng cứu thế hiền lành, cưỡi trên lưng một con lừa, loài súc vật chở đồ cho người nghèo, chứ không phải chiến mã của các bậc đế vương.

Dacaria chờ mong đấng Messia sẽ chấm dứt các quốc gia hùng mạnh tự mãn về chính mình. Ngài sẽ không phải là một chiến binh, nhưng dẹp qua một bên những vũ khí, chiến xa, chiến mã, cung tên để loan báo hòa bình. Được một người không có đất đai, chư hầu, Đấng không muốn làm người điều khiển cỗ máy chiến tranh đứng ra lãnh đạo - đối với ngày nay có lẽ đó là kiểu lãnh đạo hoàn toàn khác biệt! Chúng ta đã từng nghe những bài phát biểu của các ứng cử viên tổng thống tiềm năng sẵn sàng cho cuộc đua đến chức tổng thống. Cái nhìn của Dacaria chắc chắn thách thức công tác lãnh đạo hiện nay và tiềm năng của đất nước chúng ta, cũng như nhận thức của chúng ta về việc lãnh đạo.

Nơi Đức Giêsu, chúng ta bắt gặp một Đấng cứu thế mà Dacaria đã tiên đoán, trong Bài Giảng Trên Núi, chúng ta nghe Người công bố luật của sự sống cho những ai đón nhận Người. Hôm nay, chúng ta được mời gọi đi vào lời cầu nguyện của Đức Giêsu, tạ ơn Chúa Cha vì đã ban cho Người các môn đệ, những kẻ bé mọn, hiền lành và khiêm nhường.

Thế giới của chúng ta không xem hiền lành và hèn mọn như những lối sống. Thực ra, đó chính là "những kẻ bé nhỏ" bị thế giới quyền lực gạt qua một bên. Người hiền lành không chỉ bị hãm hại, họ còn bị miệt thị, lợi dụng và thậm chí bị giết. Vì thế, sức mạnh và sự quả quyết thì cần thiết để chống lại sự bóc lột những kẻ cô thế cô thân để họ có thể sống trọn vẹn cuộc sống nhân loại. Làm thế nào chúng ta có thể cân bằng giữa việc làm "những kẻ bé mọn" như Đức Giêsu tán dương với Chúa Cha với nhu cầu của chúng ta hiện nay phải dùng sức mạnh để giúp con người thôi bị áp bức? Đó là một vấn đề nan giải. Làm thế nào kẻ mạnh mẽ cũng có thể hiền lành và nhẹ nhàng, thành một trong những "kẻ bé mọn" của Đức Giêsu? Sức mạnh và quyền lực không xóa bỏ sự ôn hòa, hiền lành và phó thác nơi Thiên Chúa.

Ngay trong đoạn trước của bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu bị các Pharisêu cũng như những người trong các thành Người đến rao giảng tẩy chay Người (11,20-24). Ngay cả lúc bị loại trừ, Đức Giêsu vẫn tạ ơn Thiên Chúa vì đã mạc khải sự khôn ngoan cho "những kẻ bé nhỏ". Trong bài đọc hôm nay, một lần nữa Người trình bày cho các môn đệ biết những phẩm cách của những ai là thành viên của Thiên Quốc.

Cái "ách" của luật Dothái được xem như đặc quyền của những người Dothái nhiệt thành, vì nó cho thấy hồng ân của sự khôn ngoan của Thiên Chúa tỏ ra trong sống hàng ngày. Giờ đây, Đức Giêsu xem mình như là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và ban tặng những cái ách ấy cho ai đón nhận Người. Con người có thể học từ luật lệ, phong tục và giáo huấn của đạo, nhưng nguồn mạch căn bản giúp chúng ta hiểu đường lối của Thiên Chúa thì không hệ tại nơi những kến thức đó. Nhưng là nơi việc đón nhận Đức Giêsu và sứ điệp của Người. Thực ra, việc tuân giữ lề luật cách tỉ mỉ có thể khiến cho cho người ta ra tối tăm trước tự do của Thần Khí mà Đức Giêsu ban tặngcho chúng ta. Đức Giêsu cho rằng hiểu biết về Thiên Chúa thì không phải chỉ nhờ vào những theo đuổi của con người - dù là với ý hướng tôn giáo tốt nhất. Người nói, "Cha đã giao phó mọi sự cho tôi". "Mọi sự" - mạc khải trọn vẹn về Thiên Chúa mà chúng ta tìm thấy nơi Đức Giêsu. Người sẵn sàng bày tỏ "mọi sự" về Thiên Chúa cho chúng ta.

Đức Giêsu nói cho những người nghèo, kẻ dốt nát và những ai bị áp bức. Họ phải lo lắng, vật lộn để sống qua ngày. Họ không có nhiều thời gian và cũng chẳng được đi học để mà nghiên cứu những luật lệ, truyền thống về niềm tin của họ như cách các Pharisêu thường làm. Đức Giêsu kết án các Pharisêu chất những gánh nặng lên vai người nghèo còn bản thân họ lại chẳng buồn đưa lấy một ngón tay để nhấc những gánh nặng ấy. Những người phải bươn trải kiếm sống không thể đọc hay nghiên cứu luật, vì thế họ vô tình phạm luật, và kết quả là bị những kẻ thông luật kết án.

Đức Giêsu mời gọi những người bị xem như "kẻ phạm luật", "hãy theo Tôi". Người ban cho họ một cái ách, là sự đón nhận tình yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa mà Người ra giảng. Chẳng phải họ thấy nhẹ hơn khi biết rằng mình không phải là những tội nhân, những kẻ bên ngoài như họ từng bị cáo buộc sao? Nay, qua Đức Giêsu, họ cảm nhận được lòng tha thứ của Thiên Chúa và lối sống của Đức Giêsu. Chúng ta cũng nên tắc mắc: chẳng phải sứ điệp của Đức Giêsu về tình yêu của Thiên Chúa và sự sẵn sàng tha thứ mang lại cho chúng ta một gánh nhẹ nhàng hơn và cảm nhận đến gần Thiên Chúa khi chúng ta cần đó sao?

Trong đoạn văn này của Mathêu, chúng ta có hai chọn lựa - tin hay không tin. Nhưng việc tin tưởng vào Thiên Chúa thì không hê tại ở nỗ lực của chúng ta. Nhưng, tin là hồng ân của Thiên Chúa và không tin là vì sự ngạo mạn và kiêu hãnh của những người từ chối tặng phẩm của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Hôm nay, Đức Giêsu nói cho chúng ta biết Người chính là mặc khải về Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa cho chúng ta. Người mời gọi những ai bị áp bức hãy tin vào người. Vì họ, "những kẻ bé mọn", sẽ không phải mang những gánh nặng hay trói buộc tôn giáo nào. Những "kẻ bé mọn" là những người xuất hiện trong toàn bộ Tin mừng, chẳng hạn như những người thu thuế, gái điếm và những người tội lỗi, những người đã lắng nghe và đón nhận giáo huấn của Đức Giêsu. Giờ đây, Đức Giêsu mang lại sự nghỉ ngơi lâu dài và mãi mãi của thời đại Messia, là thành quả của việc Người đến thế gian.

Chẳng phải lạ lắm sao khi mà vừa nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi lại vừa nghĩ đến chuyện mang ách?Ách là một công cụ để làm việc, cho cả con người và súc vật. Cái ách là để thi hành một tác vụ. Đối với chúng ta, đó là để phục vụ Đức Kitô. Chúng ta có đón nhận cái ách mà Đức Giêsu ban cho hay không? Một điều chúng ta thấy được từ Đức Giêsu là cái ách của Người không phải là gánh nặng; thánh Phaolô nói cái ách đó dẫn chúng ta đến tự do. Khi chúng ta đón nhận cái ách của Đức Giêsu thì chúng ta cũng đón nhận Ngài như người luôn trợ giúp chúng ta, một người "cùng mang ách" với chúng ta. Điều đó giải thích việc làm thế nào người Kitô hữu có thể hoàn thành được những nhiệm vụ hết sức khó khăn và thậm chí bất khả thi, cho dù là tử đạo, nhờ Danh Đức Giêsu.

Chúng ta đã cố hết sức để có được nền giáo dục đào tạo mà chúng ta cần để sống nốt cuộc đời này. Chúng ta muốn sự yên ổn cho chính chúng ta và gia đình mình. Chúng ta có lẽ cũng đã tăng cường vốn kiến thức và kỹ năng cho mình bằng những khóa học thêm, cố gắng hơn và tốn kém hơn. Chúng ta có lý do chính đáng để thu thập được càng nhiều kiến tthức càng tốt. Đó không phải là những gì Đức Giêsu phê phán khi người đề cập đến những kẻ "khôn ngoan và thông thái" - trừ khi việc "khôn ngoan và thông thái" ấy che đậy bản chất mỏng dòn của chúng ta và cho chúng ta cảm giác sai lầm về sự an toàn ở ngoài Thiên Chúa. Chúng ta có thể vừa "khôn ngoan và thông thái" vừa ở trong số "những kẻ bé mọn" mà hôm nay Đức Giêsu đã dâng lời cầu nguyện và tạ ơn cho.

Ở đoạn trước trong Tin mừng Mathêu, Đức Giêsu chúc phúc cho những ai "có tinh thần nghèo khó" (Mt 5,3) như thể đã có được nước trời làm sản nghiệp. Những người đọc Sách Thánh sẽ nhận ra rằng khi Đức Giêsu nói đến "những kẻ bé mọn" là người đang lấy lại hình ảnh của Kinh Thánh bản Hippri, từ "anawim" - có nghĩa là những người hèn mọn và khiêm nhường. Họ là những người không có uy thế, quyền lực, địa vị hay chức vụ cao sang. Họ chẳng có gì để có thể khoe khoang thế giới. Vì thế, họ chấp nhận phó thác nơi Thiên Chúa mà không chút do dự hay kiêu hãnh giả tạo nào.

Trong Thánh lễ này, giống như những "anawin", chúng ta đón nhận sự khao khát Thiên Chúa của chúng ta và khiêm tốn nài xin: "Con chẳng có gì để kiêu hãnh trước mặt Chúa, lạy Thiên Chúa Chí Thánh. Con hoàn toàn phụ thuộc vào ân sủng của Người". Thiên Chúa thấy được sự trống trải của chúng ta và đổ đầy trong chúng ta nguồn lương thực tốt nhất, là Mình và Máu của Đấng đang mời gọi chúng ta hôm nay, "Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường".

1599    02-07-2011 10:10:26