Sidebar

Thứ Hai
06.05.2024

Từ bỏ mình vác thập giá

 

Thánh Clara là thiếu nữ xinh đẹp của một gia đình giàu có ở Assisi. Thánh nữsinh năm 1193 tại Assisi miền Umbria, thuộc dòng họ danh giá Offreducciô. Người ta nói thánh nữ sinh ra với nụ cười trên môi và không bao giờ thấy Ngài khóc. Khi được mười tám tuổi, trong một lần lắng nghe bài giảng của thánh Phanxicô Assisi, ngài đã được đánh động bởi tiếng kêu gọi sống hiến dâng cho Thiên Chúa. Vì thế ngài đã cương quyết noi gương các tu sĩ Phanxicô, quyết tâm sống khó nghèo và tận hiến cho Thiên Chúa. Gia đình ngài hoảng sợ nên đã dùng vũ lực để ép buộc ngài phải trở về nhà; nhưng một đêm kia, ngài đã trốn ra khỏi nhà qua "cánh cửa người chết" (cánh cửa nhỏ để khiêng người chết ra ngoài), và đến với các tu sĩ Phanxicô.

Trong một nhà nguyện nhỏ bé ở ngoại ô, thánh Phanxicô đã cắt mái tóc của Clara và trao cho thánh nữ chiếc áo nâu thô kệch làm chiếc áo dòng. Sau đó thánh nữ sống với các nữ tu dòng Bênêđíctô cho đến khi có thêm những phụ nữ khác cũng gia nhập, trong đó có cả người mẹ góa bụa của ngài và các phụ nữ thuộc gia đình quý tộc ở Florence.

Cộng đoàn nhỏ bé ấy dần dần được biết đến dưới tên gọi Các Chị Em Hèn Mọn (các tu sĩ Phanxicô là Anh Em Hèn Mọn). Khi tu hội được thành lập, thánh Phanxicô đề nghị Clara làm bề trên, nhưng ngài từ chối cho đến khi được hai mươi mốt tuổi. Các nữ tu trong dòng tận tụy trong việc cầu nguyện, chăm sóc bệnh nhân và thi hành việc bác ái cho người nghèo và người bị ruồng bỏ.

Họ sống theo một quy luật khắc khổ hơn bất cứ nữ tu thuộc tu hội nào khác trong thời ấy. Tuyệt đối khó nghèo cả về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Họ đi chân đất, không có giường, mà nằm trên các khúc gỗ được kết lại và chăn mền là vỏ cây gai dệt thành. Họ ăn rất ít và không bao giờ ăn thịt. Thực phẩm của họ là tất cả những gì xin được. Bất kể sự khắc khổ của đời sống là như thế, nhưng những người theo thánh nữ lại là những thiếu nữ xinh đẹp nhất Assisi và lúc nào họ cũng có niềm vui vì được sống gần Thiên Chúa.

Với một đời sống luôn lấy Chúa làm cùng đích, thánh Clara đã luôn tâm niệm: "Tất cả cho Chúa, tất cả vì phần rỗi các linh hồn". Thánh nữ hằng tâm niệm: "Không có chi không thể, không có chi nặng nề hay khó khăn đối với tình yêu". Thánh nữ đã sống đời sống thánh thiện và luôn giúp các chị em Hội dòng nên thánh. Thánh Clara làm bề trên tu viện trong bốn mười năm mà trong đó hai mươi chín năm ngài luôn đau yếu. Nhưng lúc nào ngài cũng vui vẻ vì cho rằng đó là sự phục vụ Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng các nữ tu đau yếu là vì quá khắc khổ. Ngài nói: "Họ nói chúng tôi quá nghèo khổ, nhưng một tâm hồn có được Thiên Chúa vĩnh cửu thì có thực sị nghèo hay không?"

Sau một cuộc đời tận tụy, thánh nữ đã về với Chúa trong bình an ngày 11 tháng 8 năm 1253 trước sự thương tiếc của mọi người.

Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình theo Chúa. Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.

Chúa Giêsu muốn chúng ta từ bỏ ngay cả ý muốn của bản thân mà chọn lấy ý muốn của Chúa. Tự do cá nhân thường rất lớn trong mỗi con người. Chính vì muốn thõa mãn sự tự do bản thân mà ông bà nguyên tổ Ađam và Eva đã phạm tội. Ông bà đã làm theo ý mình. Cuộc sống quá đầy đủ và hạnh phúc của ông bà nơi vườn địa đàng đã làm cho tâm hồn của hai người trở nên kiêu ngạo và muốn trở giống như Thiên Chúa. Điều này cũng dễ dàng lập lại nơi bản thân mỗi người chúng ta trong cuộc sống hiện đại đầy đủ ngày nay, chúng ta dễ cảm thấy thỏa mãn tiện nghi vật chất và muốn rời xa Thiên Chúa.

Vậy từ bỏ mọi sự, vác thập giá theo Chúa, chúng con sẽ được gì? Đây có thể là điều mà ta sẽ hỏi Chúa Giêsu khi Chúa mời gọi ta theo Ngài. Chúa Giêsu đã thực hành theo thánh ý Chúa Cha, đã sẵn sàng mang lấy thân phận yếu hèn như chúng ta ngoại trừ tội lỗi, rồi đi đến cùng của sự vâng phục là chấp nhận cái chết đầy ô nhục trên thập giá như một tên tử tội. Nhưng sau cái chết thì Chúa Giêsu đã phục sinh vinh hiển, đã hoàn thành thánh ý Chúa Cha và hưởng niềm hạnh phúc viên mãn nơi bên hữu Chúa Cha. Qua đau khổ sẽ đến vinh quang, Chúa cũng sẽ trả công xứng đáng cho bất cứ ai dám từ bỏ chính mình, vác thập giá theo Chúa mỗi ngày. Phần thưởng lớn lao nhất Chúa dành cho ta sẽ là Nước trời mai sau.

Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.

Từ bỏ chính mình là “quăng mình” cho tiếng gọi của Thiên Chúa, là dám lội ngược dòng trước những cám dỗ, những dễ dãi, ích kỉ, nhỏ nhen, thói hư tật xấu đang có trong bạn. Chính khi từ bỏ mình, bạn cũng đồng thời vác lấy thập giá mình một cách phi thường, để sống các giá trị Tin Mừng trong tình yêu mến và noi gương Thầy Giê-su.

          Bỏ mình là ra khỏi chính mình, quy hướng về Chúa, thành ra mọi sự thuộc về Chúa và trong Chúa. Khi lòng ta đã ra trống rỗng, vì trút bỏ được nhiều thứ hỗn độn của thế trần, lúc ấy chỉ còn ta với… Chúa mà thôi. Chính Chúa sẽ lấp đầy trong ta và làm cho biến đổi như thay máu con tim. Lúc ấy trong ta tràn chảy một Sự Sống mới, làm ta vui vẻ đón nhận mọi sự với sức chịu đựng dẻo dai, làm cho nên nhẹ nhàng mọi thập giá đời mình. Thập giá có Chúa cùng đi, cùng vác sẽ biến đổi trở nên Thánh Giá nhẹ nhàng trên đường rộng mở thênh thang. Trong Tình Yêu Vĩ Đại, mọi gánh nặng lại trở nên nhẹ nhàng. Khó khăn đau khổ có đó, mà người ta chẳng nề, không rên la, như chứng nhân anh dũng bước theo Chúa Ki-tô Phục Sinh. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá. Chúa không bao giờ đặt trên vai chúng ta một thập giá nặng hơn đôi vai của chúng ta.

Chúa không bảo chúng ta đi tìm Thập giá, nhưng là hãy vác lấy Thập giá mình. Một cách nào đó, không ai có thể thoát khỏi Thập giá trong cuộc sống…Đau khổ không phải là một đày đọa con người phải gánh chịu, mà là một phương thế nên thánh. Mỗi người một Thập giá, mỗi ngày một Thập giá. Ai trong chúng ta cũng đang chịu một đau khổ nào đó. Ước gì khổ đau thanh luyện chúng ta để mỗi lúc được kết hợp với Chúa mật thiết hơn.

 

 

 

2347    10-08-2017