Sidebar

Thứ Tư
08.05.2024

Hãy đong đầy tình yêu

23/05/2019

Thứ Năm Tuần V Mùa Phục Sinh

Cv 15, 7-21; Ga 15, 9-11

HÃY ĐONG ĐẦY TÌNH YÊU 

Thánh Gioan trong bức thư thứ nhất đã định nghĩa : Thiên Chúa là Tình Yêu. Và Thánh Phaolô cũng đã xác quyết : Hiện nay chỉ còn lại tin cậy mến, nhưng trong bộ ba đó, thì đức mến là quan trọng hơn cả.Chúng ta có thể áp dụng lời xác quyết trên trên vào đời sống gia đình, như Đức Thánh Cha Piô XI đã viết trong thông điệp “Casti connubii” : Tình yêu là rường cột vững chắc cho mọi gia đình.       

Chúa Cha đã yêu mến Chúa Con. Chúa Con đã ở trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Cha. Nhưng Chúa Con cũng đã yêu thương các môn đệ bằng chính tình yêu này và các môn đệ cũng có thể ở lại trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Con. Như vậy đối với Chúa Con: yêu thương và vâng phục là một. Chúa Con yêu mến Chúa Cha bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài, các môn đệ cũng phải yêu mến Chúa Con bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài.

Do đó yêu thương thật sự và trọn hảo là sẵn sàng hy sinh quan điểm của mình để tin tưởng người khác, nhưng không phải do sợ hãi hoặc tính toán, mà là để làm theo ý muốn và ước nguyện của người mình yêu. Không có sự kết hợp của hai ý muốn, tình yêu sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Sự tuân phục lẫn nhau là tiêu chuẩn đích thực của một tình yêu trưởng thành.

Cành nho và thân nho có một mối liên hệ khăng khít: cành nho phát xuất từ thân nho; cành nho chỉ là cành nho khi thuộc về thân nho chứ không phải bất cứ một loại thân nào khác. Ngược lại, thân nho sinh cành nho để nó sinh hoa trái; cành nho không cho trái là cành nho làm hại thân nho; mà muốn có trái thì cành nho phải gắn liền với thân nho (c.4)…

Khi khẳng định: “Thầy là cây nho, anh em là cành”, Chúa Giêsu muốn nói lên mối quan hệ duy nhất giữa Ngài và người môn đệ, “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” Chẳng làm gì được, nghĩa là không thể sinh hoa trái; mà cành nho không sinh hoa trái là cành nho vô dụng, chỉ để làm mồi cho lửa mà thôi (c.6).

“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, đó là lời mời gọi của Đức Giêsu đối với các môn đệ, và cũng là lời mời gọi cho bất kỳ ai muốn nên nghĩa thiết với Ngài, và muốn có được niềm vui trọn vẹn. “Hãy” đó là một sự mời mọc, sự khuyến khích đầy yêu mến và tế nhị, vì Đức Giêsu luôn tôn trọng tự do của các tông đồ, cũng như tôn trọng tự do đáp trả của mỗi chúng ta. Ngài mời gọi các tông đồ hãy “Ở lại trong”, đây quả là một điều hết sức đặc biệt được thánh sử Gioan diễn tả về mối thâm tình kết hiệp giữa thầy Giê-su và các môn đệ, giữa Thiên Chúa và con người. “Ở lại trong” chứ không phải “ở lại với” (diễn tả một sự liên hệ gần kề, mang tính thể lý), “ở lại trong” diễn tả một sự liên kết mật thiết hơn nhiều, đó là sự đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, Đức Giêsu ở trong Chúa Cha, các môn đệ ở trong Đức Giêsu, và như thế có nghĩa rằng tất cả nên một bản vị, một Hiện hữu duy nhất không thể tách lẻ hay chia rời.

Thế nhưng làm sao chúng ta có thể ở lại trong Đức Giêsu? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời, nếu chúng ta không thực sự biết yêu mến với lòng khiêm tốn và khát khao Ngài.

Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ chìa khóa, để các ông mở cánh cửa chính đi vào mối tương quan nhiệm hiệp với Thiên Chúa (Ở lại trong), đó là giữ các điều răn của Ngài. Và chính Đức Giêsu là một ví dụ về việc tuân giữ các điều răn ấy từ Chúa Cha. Để làm điều đó:

Trước hết, các ông cần xác tín rằng, tình yêu Đức Giêsu dành cho từng người các ông là vô biên, là trọn hảo, là toàn vẹn, tình yêu ấy giống như tình yêu mà Chúa Cha đã dành cho Ngài. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.

Sau cùng, các ông cần thực hành nghĩa là tuân giữ những điều mà Đức Giêsu đã truyền dạy, cũng như chính Ngài đã tuân giữ các điều răn của Chúa Cha dạy. Khi thực hành như thế tức là các ông đang được ở trong tình yêu của Đức Giêsu, cũng có nghĩa là ở trong tình yêu của Chúa Cha.

Chính khi các tông đồ thực hiện những điều ấy, thì các ông mới được ở trong niềm vui của Đức Kitô, và như vậy niềm vui của các ông mới được nên trọn vẹn. Quả thế, niềm vui của Đức Giêsu là yêu mến và vâng phục Chúa Cha; niềm vui của Đức Giêsu cũng chính là niềm vui của người môn đệ, mà chính Ngài đã chia sẻ cho họ. Do vậy, niềm vui của người môn đệ chính là yêu mến và vâng phục Đức Giêsu, và qua đó họ vâng phục Chúa Cha.

Con người chúng ta qui hướng về tình yêu. Thực vậy, người ta ca ngợi tình yêu, nhưng đồng thời người ta cũng oán hận tình yêu. Và tình yêu đã trở nên một yếu tố cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Nhân danh tình yêu, người ta sẵn sàng làm việc, chấp nhận hy sinh và khổ đau. Cuộc sống con người là như một chuyến phiêu lưu của tình yêu đầy cam go và thử thách. Có thể là thành công rực rỡ, nhưng có thể là thất bại ê chề.

Từ thẳm sâu cõi lòng, cái ước vọng thầm kín nhất của con người vẫn là cái ước vọng yêu và được yêu. Lý do hiện hữu của con người cũng chính là tình yêu, bởi vì chúng ta được dựng nên bởi tình yêu và cho tình yêu. Như chiếc lá lìa cành sẽ bị tàn úa. Cũng vậy, sống cô đơn, thiếu vắng tình yêu sẽ làm cho con người hụt hẫng…. Đói cơm, đói gạo có thể giết chết hàng triệu người mỗi năm. Thế nhưng đối với tình yêu còn nguy hiểm và có sức tàn phá hơn nhiều. Nó chia rẽ lòng người. Nó phân hóa nhân loại. Nó biến gia đình trở thành một nhà tù, và cuộc đời trở thành một sa mạc cát nóng. Rồi nữa, trong tình yêu cũng có biết bao nhiêu hiểu lầm tệ hại. Danh từ tuyệt vời này đã gây nên biết bao nhiêu ngộ nhận cay đắng. Bởi vì người ta chưa biết yêu cho đúng đắn. Họ tưởng mình yêu người, nhưng lại hóa ra yêu mình, không quảng đại san sẻ cho nhau.

Tình yêu là một con đường một chiều, khởi đi từ bản thân chúng ta để tiến tới người mình thương mến. Tiến tới không phải để chiếm đoạt, nhưng để cho đi, để trao ban. Nếu chúng ta chỉ chiếm đoạt người yêu cho riêng mình, không bao giờ biết cho đi, không bao giờ biết trao ban, thì chắc hẳn tỉnh tình yêu sẽ chết. Hay nói một cách khác : hành động như thế là chúng ta đi ngược với con đường vào tình yêu… Đừng hỏi rằng người yêu đã làm gì cho tôi, nhưng hãy xét xem : tôi đã làm gì cho người tôi thương. Để yêu cho đúng nghĩa thì hãy dám từ bỏ để dấn thân phục vụ. Càng cho đi nhiều thì càng yêu mến nhiều. Chúa Giêsu đã nói : “Không ai yêu hơn người hiến mạng sống vì bạn hữu”. Nếu chúng ta cho đi để đòi lại theo kiểu hòn đất ném đi, hòn chì ném lại thì chúng ta chẳng được gì hết. Trái lại, chính lúc cho đi một cách quảng đại, thì chúng ta sẽ được nhiều nhất, sẽ được tất cả…

Mẫu gương đáng cho chúng ta noi theo đó là Chúa Giêsu với cái chết trên thập gía vì yêu thương chúng ta. Hôm nay Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ : “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Lưu lại trong tình yêu con người sẽ được tình yêu tắm gội và biến đổi. Nhưng muốn ở lại trong tình yêu, con người phải tuân giữ lệnh truyền yêu thương của Ngài, một tình yêu hướng về người khác và trao ban điều tốt lành cho người khác. Vì yêu thương Thiên Chúa đã thông ban sự tốt lành cho các thụ tạo của Ngài, Ngài đã cho con người được chung hưởng tình yêu của Người.

Ta dễ dàng thấy rằng hễ đã yêu thương ai, hẳn chúng ta muốn sống bên cạnh người ấy để chia sẻ và lấy sở thích của người ấy làm sở thích của mình. Tình yêu giữa con người với nhau còn như thế, huống chi là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Chúa Giêsu rất mực yêu thương các môn đệ, Ngài muốn họ ở với Ngài cũng như Ngài hằng mơ ước với Thiên Chúa; Ngài muốn họ thực hành Lời Ngài cũng như Ngài luôn vâng lệnh truyền của Chúa Cha.

Trong xã hội ngày nay, lời mời gọi “Hãy ở lại trong tình thương của Chúa” luôn là một động lực mạnh mẽ, thúc bách người Kitô hữu đến gần Chúa hơn. Năm Lòng Chúa Thương xót như là một phương thế cụ thể mà Đức Giêsu qua Giáo Hội giang rộng vòng tay đón nhận và ôm ấp bất kỳ ai đến với Ngài.

591    22-05-2019