Sidebar

Thứ Ba
07.05.2024

Liên hệ mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con

Thứ Tư tuần IV MC

Ga 5, 17-30

LIÊN HỆ MẬT THIẾT GIỮA CHÚA CHA VÀ CHÚA CON

Chúa Giêsu đưa ra những chứng từ để chứng minh sứ mạng của Ngài. Thứ nhất là Chúa Cha: Mọi việc làm và lời nói của Chúa Giêsu đều nhất nhất theo ý Chúa Cha, minh chứng Ngài đến từ Thiên Chúa. Thứ hai, Kinh Thánh làm chứng cho Chúa Giêsu, vì những gì Chúa làm chứng tỏ Ngài là Đấng Mêsia mà Kinh Thánh tiên báo. Thứ ba, Gioan Tẩy Giả cũng làm chứng khi giới thiệu Chúa cho người Do thái ở sông Giođan. Sau cùng, vinh quang mà Ngài đạt được không phải do con người dành cho mà là từ Thiên Chúa. Trước khi chịu tử nạn, ngài đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Con Cha ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha.” Chúa Giêsu minh chứng như vậy để người Do thái tin Ngài và nhờ đó được ơn cứu độ. 

          Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, Đấng mang đến cho thế gian sự sống đời đời, miễn là những người trong thế gian này tin rằng Chúa Giêsu là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa sai xuống thế gian.

Mở đầu trang Tin Mừng bằng câu 17: “Đến nay, Cha tôi làm việc, tôi cũng làm việc”. Vì các thầy Do Thái cho rằng: Thiên Chúa đã nghỉ ngơi. Ngài không còn hoạt động nữa. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định: Hiện nay Cha vẫn làm việc và Ngài cũng làm việc. Điều này không những chứng tỏ về một sự mới mẻ của giáo lý, phá đổ quan niệm của các thầy Ráp-bi mà còn khẳng định Thiên Tính của Đức Giêsu. Ngài cho mình ngang hàng với Chúa Cha qua câu “Cha tôi làm việc thì Tôi cũng làm việc”. Ngài gọi Thiên Chúa là Cha, chứ không là Thượng Đế, là Thiên Chúa. Câu nói này đã gây thù hận giữa người Do Thái và Chúa Giêsu; họ tìm cách giết Chúa Giêsu (c.18) vì Ngài dám nhận mình là Đấng Thẩm phán Tối Cao.

Từ câu 19 đến câu 30 nói về một đề tài nổi bật đó là: sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con trong hoạt động ban sự sống và xét xử. Ngài nói “Người Con không thể tự mình làm điều gì nếu không thấy Chúa Cha làm; và điều gì Chúa Cha làm thì Chúa Con cũng làm y như vậy” (c.19). Chúa Giêsu không tự ý làm bất cứ điều gì. Người không tự ý xuống thế, nhập thể và ở cùng con người. Người không tự mình đi con đường cứu độ, đường Thập Giá, nhưng luôn có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cùng đồng hành. Chúa Cha đã cho Người thấy mọi công việc Chúa Cha làm (c.20) nên Người sẽ làm y như Cha đã làm (19b). Vậy ở đây công việc của Chúa Con là gì ?

Chúa Cha cho kẻ chết chỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào thì Người Con cũng…. Tùy ý (c.21). Như thế, ban sự sống là công việc của Cha và cũng là công việc của Chúa Con. Điều này nói lên sự tương quan mật thiết giữa Cha và Con trong chương trình cứu độ. Và cũng một mục đích để con người tôn kính, thờ phượng Chúa Con y như họ đã tôn kính, thờ phượng Chúa Cha (c.23) vì chính Cha đã sai Con. Chúa Giêsu nói rõ: “Ai tin… sẽ có sự sống đời đời (c.24). Ai nghe sẽ được sống (c.25).

Vậy phần thưởng sự sống đời đời được trao ban cho những ai tin và nghe lời Người Con, tức là  Lời đến từ Chúa Cha. Sự sống đời đời này xuất phát từ Chúa Cha và ở nơi Chúa Cha, thì nơi Chúa Con cũng có sự sống ấy. Như thế, sự sống giữa Cha và Con thông chuyển cho nhau. Đó là sự hiệp nhất giữa Cha và Con, sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu còn khẳng định: Đến ngày cánh chung, những ai làm điều lành sẽ được sống lại và sống muôn đời. (c.29)

Chúa Cha đã ban quyền xét xử cho Chúa Con (c.22). Như vậy câu này xác định lại một lần nữa : Chúa Giêsu chính là Đấng Thẩm Phán Tối Cao. Ngài tự nhận và không chối cãi về danh hiệu này. Nếu bất cứ ai tin vào Ngài, thì không bị xét xử, nghĩa là không phải chết muôn đời. Ở câu 27, Thánh sử nhắc lại một lần nữa: “Chúa Cha lại ban quyền xét xử cho Chúa Con, vì Chúa Con là Con Người.” Con Người trong Kinh Thánh Cựu Ước được xem là Đấng đến từ Thiên Chúa sẽ xét xử gian trần vào ngày chung thẩm. Nếu ai làm điều dữ khi còn sống trên trần gian, thì sẽ bị kết án (c.29).

Và ở câu 30, Chúa Giêsu đã nói: Tôi không tự ý làm gì… Nhưng theo ý Đấng đã sai tôi. Ở đây, Chúa Giêsu không nói về danh xưng Người Con nữa. như ở câu 19, nhưng Ngài khẳng định cách mạnh mẽ, làm chứng một cách dứt khoát “Tôi”… và Ngài còn nói “Tôi xét xử”. Như thế, Ngài tự khai mở cho người Do Thái về Thiên Tính và uy quyền của một vị Thiên Chúa đời đời của Ngài, chứ không chỉ trong danh phận Con Người  yếu đuối, giới hạn mà thôi.

Tình yêu thương nối liền giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con. Tình yêu thương đó được thể hiện bằng lòng nhân từ mà Chúa Con thực hiện cho con người, cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã mạc khải chương trình tình yêu đời đời đó và mời gọi con người hãy đáp trả và cộng tác đắc lực với chương trình yêu thương này để được sống đời đời: "Ai nghe Lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta thì sẽ được sống đời đời", khỏi bị xét xử nhưng từ cõi chết mà qua cõi sống.

Chúa Giêsu đã tỏ cho những người Do Thái thấy được mối liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa với Người như Cha với Con. Thật vậy, Thiên Chúa yêu mến Người và ban cho Người mọi quyền năng và uy lực để cứu chữa và phán xét. Mối quan hệ đó mật thiết và mầu nhiệm đến nỗi, có thể nói, sự hiện diện của Người chính là sự hiện diện của Thiên Chúa. Thế nên, mọi việc Người làm đều xuất phát từ ý định của Thiên Chúa, chứ không phải ý muốn của riêng Người.

 Vì vậy, Chúa Giêsu mời gọi mọi người tin vào Người như là Đấng đã được Thiên Chúa sai đến, để rao giảng Tin Mừng và mang lại ơn cứu độ cho họ.

1908    15-03-2021