Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Lòng nhân từ của Chúa lớn hơn tội lỗi của ta

Thứ Sáu tuần XIII

Am 8:4-6,9-12; Tv 119:2,10,20,30,40,131; Mt 9:9-13

LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA LỚN HƠN TỘI LỖI CỦA TA

Trang Tin Mừng hôm nay là trang Tin Mừng đẹp kể về việc Chúa đi ngang trạm thu thuế và Chúa Giêsu gọi Matthêu theo Ngài.

Lịch sử cho thấy lòng cảm thông và tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ của Ngài với các tội nhân cũng như những bài dụ ngôn của Ngài. Tha thứ thiết yếu có nghĩa là tạo ra một cơ may cho người khác.

Với người thu thuế tên là Lêvi, Chúa Giêsu đã kết nạp ông vào hàng ngũ các môn đệ của Ngài.

           Với Gia kêu, thủ lãnh của những người thu thuế, Ngài đã đến tận nhà viếng thăm. Với người đàn bà phạm tội ngoại tình, Ngài đã nói với tất cả tâm tình trìu mến: Chị hãy về, và đừng phạm tội nữa.

Với Phêrô, người môn đệ thân tín phản bội, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn với tất cả cảm thông và thương mến.

Lời mời gọi của Chúa vẫn luôn vang vọng và tha thiết: “Hãy theo Ta”. Tâm tình đáp trả còn tùy thuộc ở thái độ của mỗi người chúng ta.

Điều Thiên Chúa cần nơi con người là “lòng nhân” chứ không phải là “lễ tế”. Chính lòng mến chân thành làm nên giá trị con người trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng đánh giá cao người đàn bà góa nghèo dâng cúng chỉ có hai đồng tiền kẽm nhưng với tất cả tấm lòng chân thành (x.Mc 12, 41-44).

Trang Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chọn Matthêu, một người bị giới lãnh đạo Dothái giáo loại trừ và xem là hạng người tội lỗi, để làm môn đệ của Ngài. Vì Chúa thấu rõ con người ông hơn bất kỳ ai và ông cũng đã biết mau mắn, chân thành đáp lại lời mời gọi yêu thương của Ngài.

Thật thế, đến với Chúa, Matthêu tìm được ý nghĩa đời mình ; đến với Chúa, bọn thu thuế và tội lỗi tìm lại phầm giá của người con ; đến với Chúa, ta được sống dồi dào, sống trọn vẹn, sống đời đáng sống nhờ lãnh nhận thần lực Thánh Thể và Lời hằng sống, nhờ yêu bằng trái tim của Thiên Chúa Tình Yêu, nhờ đi trên lối nẻo của Đấng là Đường và Sự Thật. Nhưng, làm sao nghe được tiếng gọi ân tình của Chúa ? Làm sao ý chí ta đủ mạnh, tâm tư ta đủ sáng để dứt khoát đứng dậy, rời khỏi nơi ta đang ở để đến với Ngài ?

Hẳn sẽ rất cần nơi tôi, nơi bạn một tâm hồn khiêm tốn và thẳng thắn đủ để thấy rõ và chấp nhận thân phận tội lỗi của mình, để ý thức nhu cầu cần đến lòng xót thương hải hà của Chúa, để nhận ra sự thúc bách phải điều chỉnh lối sống, phải hoán cải, phải rời khỏi những gì ta đang bám víu mà, rất có thể đó là một suy nghĩ, một hành động, một chương trình sống, một mối tương quan, một thói quen, một cử chỉ hay thái độ nào đó. Ta cùng mở lòng đón đợi Lời Gọi Yêu Thương của Chúa trong giờ suy niệm này và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa.  

Matthêu thu thuế hẳn đã có lần suy nghĩ bản thân của ông : lầm lỗi, thiếu sót, tội lỗi vì đã lạm dụng quyền lực chức quyền của ông để vun quén lợi lộc cho bản thân. Và Matthêu thu thuế hẳn đã bị mặc cảm trước những lời khinh bỉ, chê trách của những người khác, về công việc của ông đang làm, chỉ làm lợi cho đế quốc Rôma, thu lợi tức của chính người Do Thái cùng màu da, tiếng nói với ông, qua việc thu thuế. Chính vì thế ông bị hiểu lầm, bị liệt vào hạng tội lỗi, bị mọi người khinh bỉ, ghen ghét, nói xấu… Những người biệt phái nói với các môn đệ Chúa rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?"

           Người thu thuế đứng dậy theo Chúa, không thắc mắc, chẳng tính toán, chẳng chần chừ. Và rồi, không biết Chúa có lên tiếng gọi hay không mà những người thuộc bọn thu thuế và quân tội lỗi đã đến đồng bàn với Ngài. Tiếng gọi của Chúa mạnh đủ để lôi kéo, thay đổi, và tái tạo trái tim nhân loại vốn đã quá đầy, quá nặng bởi đam mê, bạc tiền và quyền lực.

Xưa kia, Chúa Giêsu đã cất tiếng gọi. Ngài gọi các môn đệ, gọi anh mù, gọi các trẻ em, gọi người phụ nữ samari,... Tiếng gọi của Ngài đậm tình thân ái, tràn sự cảm thông, mênh mông nghĩa tình của Vị Thiên Chúa làm người đi giữa cuộc đời. Trên hành trình dương thế, Chúa Giêsu cảm thấu, hiểu sâu tất cả những bềnh bồng trôi nổi của kiếp nhân sinh cũng như sự trì kéo của phận người dòn mỏng. Ngài thương lắm những ai bị đẩy ra lề xã hội, bị loại trừ, bị xa tránh như thể những con chiên bị lạc đàn, bị đuổi khỏi bầy, bị bơ vơ trơ trọi giữa bầy. Ngài đặc biệt tìm kiếm những người như thế, Ngài cất lời gọi họ thật thiết tha da diết, Ngài đến với họ, ở với họ.

Ngày nay, Chúa vẫn cất tiếng gọi. Ngài gọi tôi, gọi bạn, gọi hàng hàng lớp lớp những người từ mọi nơi, mọi thời. Lời gọi được gởi đến tận cùng thế giới, đến mọi ngõ ngách cuộc đời, đến mọi khóc khuất của hồn người. Biết có mấy khi ta hỉ hả đáp lại tiếng Ngài, thanh thản bước về phía Ngài và an bình ở lại trong Ngài ?

Biết đâu mỗi người trong chúng ta cũng có những lúc yếu đuối, …khiến chúng ta mặc cảm vì quá khứ không mấy tốt đẹp. Biết đâu chính chúng ta cũng có lúc ngã lòng, chán nản, muốn buông xuôi trước những lời dèm pha, đố kị, ghen tương của những người xung quanh…

Đừng nhìn vào quá khứ để buồn đau, cô đơn, tuyệt vọng, nhưng hãy nhìn về phía trước, nhìn vào tương lai, để sống trong vui tươi, hy vọng, bình an.

Đời sống Kitô hữu vẫn luôn có nguy cơ vụ hình thức hơn là đời sống mến Chúa chân thành. Có người cố gắng giữ đúng lề luật Chúa để được Chúa nhận lời mình xin hơn là để đẹp lòng Chúa. Có người tự mãn vì thấy mình hoàn tất mọi việc một cách trọn vẹn trước mặt Chúa và người khác, nhưng lại không thực lòng yêu mến Chúa. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của mình để biết đến với Chúa với cả tấm lòng, để dành cho Chúa chỗ nhất trong cuộc đời mình. Chính Chúa phải vượt lên trên công việc của Chúa.

Đừng nhìn vào quá khứ tội lỗi của mình, để chìm sâu trong tuyệt vọng, nhưng hãy nhìn lên Chúa, là Đấng đầy lòng khoan dung, nhân từ, sẵn sàng đón nhận chúng ta, kể cả quá khứ tội lỗi của bản thân chúng ta.

"Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ" Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi". (Mt 9,13).

Cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô đã thay đổi tận căn số phận của nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng. Ðây là điều kỳ diệu trong đó được thể hiện trọn vẹn tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha, một tình yêu không ai hiểu thấu, Ðấng vì phần rỗi chúng ta, và để cứu chúng ta, Chúa đã nộp chính Con yêu.

Theo thánh nữ Faustina Kowalska, lòng thương xót Chúa đối với thế giới là vô cùng vô hạn. 

Lòng thương xót của Chúa biểu lộ ra cho mỗi người chúng ta trong Bí tích Giải tội là bằng chứng Chúa yêu thương chúng ta, xóa bỏ tội lỗi của chúng ta, để chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa và anh chị em của mình.

Chúng ta hãy luôn ca ngợi lòng thương xót của Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cứu vớt nhân loại hôm nay đầy tràn tội lỗi, được nhận biết lòng nhân từ của Chúa để sám hối, trở về với Ngài.

 

676    04-07-2018