Sidebar

Thứ Ba
07.05.2024

Lòng tin đã cứu

Trình thuật Tin mừng kể lại sự kiện một người bị bệnh ngặt nghèo đã lâu, tưởng chừng không còn hy vọng, nhưng may mắn anh đã gặp được Đức Giê-su và được Ngài chữa lành. Tin Mừng hôm nay, nếu chúng ta đặt mình vào vai bệnh nhân ba mươi tám năm, chúng ta mới cảm thấy những người hạch hỏi anh thật độc ác. Tại sao họ không thông cảm với anh khi anh bị khổ suốt ba mươi tám năm dài? Ðúng lý ra, họ phải vui mừng với anh, vì ngày hôm nay anh đã được giải phóng khỏi tình trạng khốn nạn. Còn niềm vui mừng nào hơn niềm vui được giải thoát khỏi bệnh tật hiểm nghèo, tuy nhiên Đức Giê-su lại cảnh báo anh: "Này, anh đã được khỏi bệnh.

Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước !" Như vậy, điểm nhấn quan trọng ở đây không phải là vấn đề chữa trị thân xác mà là sự chữa lành trong tâm hồn. Đức Giê-su là Đấng Messia đến để giải thoát con người khỏi xích xiềng tội lỗi. Ngài băng bó và chữa lành những tâm hồn tan nát đau thương.

Vì thế, qua trang Tin mừng, Giáo hội mời gọi mỗi Ki-tô hữu chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình, ý thức được tình trạng bệnh hoạn tội lỗi của mình, chạy đến với Đức Giê-su để xin ơn được chữa lành.

Ngày ấy bên bờ hồ Bết-da-tha có người bệnh đã ba mươi tám năm. Anh nằm đấy “chờ cho nước động,  vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên ; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi.” (c.4) Anh nằm đấy đã quá lâu trong tình trạng bất lực không thể tự giúp mình mà cũng chẳng được ai giúp đỡ để “đưa xuống hồ”. Ba mươi tám năm trời quả là vô vọng, hy vọng trong anh có thể đã tắt, nhưng anh vẫn nằm đấy – bên bờ hồ. Hôm ấy, Đức Giê-su có mặt ở đó “Ngài thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu” và hỏi: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” (c.6) Tại sao Ngài lại hỏi thế? Có lẽ Ngài muốn gợi lại cho anh ý thức về tình trạng bệnh tật của mình, khơi dậy trong anh khát vọng được chữa lành.

Ba mươi tám năm trời bệnh tật mà không được ai giúp đỡ, không có ai quan tâm có thể làm cho anh tàn lụi khát vọng. Thật lạ lùng, hôm nay lại có người quan tâm đến anh khiến anh sống lại niềm hy vọng – vị này có thể giúp đưa anh xuống hồ chăng?  Nhưng không, trên cả niềm mong đợi, khi nghe anh trình bày tình trạng bệnh tật bản thân mình, vị khách lạ ấy lại bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !"  Anh liền được khỏi bệnh, trỗi dậy vác chõng mà đi được. Thật là niềm vui lớn lao cho anh – niềm vui được giải thoát khỏi bệnh hoạn tật nguyền. Và theo quan niện Do-thái, bệnh hoạn gắn liền với tội lỗi, thì việc anh được chữa lành khỏi bệnh hoạn cũng đồng nghĩa với việc anh được giải thoát khỏi tội lỗi, và đây mới là điểm nhắm chính yếu trong việc chữa trị của Đức Giê-su.

Thường thì bệnh hoạn về thân xác, chúng ta rất dễ nhận ra. Với những lương y giỏi, chỉ cần nhìn mặt hay bắt mạch là đã biết và có thể thông báo được tình trạng bệnh tật của bệnh nhân, nhưng còn những căn bệnh trong tâm hồn, nếu không có ơn Chúa, chúng ta khó có thể mà nhận ra được.

Thế giới càng văn minh, thì bên cạnh những phát minh có tính tích cực, phục vụ con người, lại có những mặt trái có thể hủy diệt con người. Do lòng ích kỷ tham lam, người ta sáng tác, chế tạo ra biết bao độc dược đưa vào cơ thể con người qua khí hậu, môi trường, thực phẩm, đồ dùng…. Vì vậy mà thế giới ngày càng xuất hiện biết bao bệnh nan y lạ kỳ, nhiều căn bệnh mà Y học hiện đại cũng phải bó tay. Đồng thời, sự suy thoái về đạo đức luân lý, sự đề cao chủ nghĩa cá nhân, sự duy vật thực hành… làm cho đời sống tinh thần của con người cũng trở nên bệnh hoạn. Bệnh hoạn thân xác thể lý, bệnh hoạn về đời sống tâm linh, thế giới này quả là một bệnh nhân đáng thương cần được cứu chữa.

Đức Giê-su là vị lương y tuyệt vời, duy nhất mà thế giới này cần đến để được chữa lành. Ngài là vị lương y nhân lành luôn động lòng trắc ẩn trước những bệnh hoạn tật nguyền của con người. Tin mừng thuật lại không biết bao nhiêu lần Ngài đã bất chấp luật lệ của ngày sa-bát để chữa bệnh cho con người, nhưng đồng thời kèm theo lệnh truyền ‘tội con đã được tha’ và ‘đừng phạm tội nữa’.

Điều này cho thấy tội lỗi chính là đầu mối của mọi nỗi đau khổ tinh thần, thể xác của con người. Người ta chịu đau khổ vì tội của người khác, và người ta cũng phải chịu đau khổ do tội lỗi chính mình gây ra.

Ta đặc biệt lưu ý đến thái độ của người Do Thái và thái độ của Chúa Giêsu. Nhìn vào thái độ của người Do Thái, chúng ta hãy xét mình xem chúng ta có quá cứng nhắc trong các nguyên tắc, các luật lệ, đến độ vô cảm trước những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh hay không, chúng ta có lên án những người vì phục vụ lợi ích của anh chị em đồng loại mà làm những việc có vẻ như bất chấp luật lệ hay không. Phản ứng nông cạn của những người Do Thái trong bài đọc trên đây là một lời nhắc nhở để chúng ta nhớ lại cung cách sống của mình trong các tương quan với kẻ khác. Chúng ta đừng để mình rơi vào trường hợp đáng buồn như những người Do Thái.

Vậy đặc biệt trong mùa chay thánh này, người Ki-tô hữu được mời gọi sống tín thác vào tình thương Thiên Chúa; Đến với Thiên Chúa, với Đức Ki-tô là nguồn mạch chữa lành duy nhất, xin Người cứu chữa những thương tích trong tâm hồn chúng ta. Đồng thời Ki-tô hữu cũng được mời gọi thực hiện vai trò chứng nhân của mình; can đảm sống những giá trị của tin mừng để trở thành người mang Đức Giê-su đến cho thế giới và mang thế giới đến với Đức Giê-su.

 

 CTV TT VL

 

 

586    26-03-2017