Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả

Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu

St 3:6-10,16-18; Tv 128:1-24-5; Mt 23:27-32

SỨ MẠNG CỦA GIOAN TẨY GIẢ

          Có những cái chết để lại cho đời  niềm thương nhớ khôn nguôi .Có những sự ra đi làm cho con người thương nhớ ,nhắc nhớ tên người chết mãi mãi không ngơi. Có những cái chết khiến người khác trề môi,phỉ nhổ. Chết là trở về nơi cũ. Chết là ra đi. Chết là trở về với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và tác sinh. Cái chết của thánh Gioan tẩy Giả, Giáo Hội mừng kính hôm nay khiến nhân loại phải ghi nhớ, khiến nhiều người thương tiếc,nhưng cũng không khỏi nguồn rủa sự điên rồ, ngạo nghễ và dại gái, khôn nhà dại chợ của Hêrôđê, một vị vua tàn ác và thiếu tư cách làm người .

Qua lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Ðó là những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.

Thánh Gioan tẩy giả là người anh họ của Đức Chúa Giêsu. Thân mẫu ngài là thánh nữ Êlizabeth và thân phụ ngài là ông Zacaria. Chương đầu tiên của Tin mừng theo thánh Luca thuật lại biến cố sinh nhật tuyệt vời của thánh Gioan. Và Tin mừng theo thánh Marcô, nơi chương thứ 6, các câu 14-29, kể lại những chi tiết tàn bạo về cái chết của Gioan tẩy giả.

Vua Hêrôđê lấy vợ của anh mình là bà Hêrôđia. Gioan nói cho Hêrôđê biết điều ấy là sai, nhưng Hêrôđê và Hêrôđia không muốn nghe và giữ giới luật của Thiên Chúa. Họ chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Và Gioan tẩy giả đã phải trả giá cho lòng tốt của ngài !

Tuy nhiên, thánh nhân không thể hành động theo cách khác được. Ngài không im lặng trước tội lỗi và bất công. Sứ mệnh của Gioan là mời gọi người ta cải hối cuộc đời; và ngài mong muốn cho hết thảy mọi người được ơn giao hòa cùng Thiên Chúa.

          Hêrôđê đã đi vào con đường tội lỗi . Sự dại gái,khôn nhà, dại chợ của Hêrôđê đã khiến vị vua này trở nên ngông cuồng điên dại.Sống trong tội lỗi,tâm hồn của Hêrôđê đã trở nên mù quáng, tối tăm.Ở trong bóng tối, Hêrôđê đã không còn biết phân biệt đâu là phải,đâu là trái. Ông  đã hành động tùy tiện việc nước, đã ăn chơi,chè chén trác táng. Ông không còn biết nhận ra sự thật. Số là Hêrôđê đã cướp vợ của ngay người em mình. Sự loạn luân không thể tha thứ, đã làm cho Gioan Tẩy Giả phải lên tiếng quở trách nặng lời hành động vô luân của Hêrôđê và Hêrodias, vợ loạn luân của Hêrođê. Đúng như lời Kinh Thánh nói: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về  ánh sáng…” (Ga 1, 6-7) .

           Gioan không phải là ánh sáng,nhưng Gioan tới để minh chứng về ánh sáng . Vì chứng minh cho Chúa Giêsu là sự thật, là ánh sáng. Gioan đã không bao giờ chịu khuất phục trước những việc chướng tai gai mắt của con người,của xã hội đương thời và của nhân loại. Gioan đã có lần nói: “Có Đấng đến sau Ông và Ông không xứng đáng cởi giây dép của Ngài”. Gioan quả thực đã tới trần gian để dọn đường cho Chúa cứu thế. Làm công tác dọn đường, Gioan đã sống đích thực sứ mạng của vị tiên tri .

Ngôn sứ phải nói lên sự thật và không bao giờ sợ nguy hiểm cho dù công tác của vị ngôn sứ luôn gặp sự hiểm nguy. Để làm chứng cho Đấng cứu thế, Ngài đã nói công khai với mọi người khi họ lầm tưởng Gioan là Đức Kitô: “Người phải lớn lên,còn tôi phải nhỏ lại”. Gioan đã lớn lên trong sự minh chứng cho sự thật. Chống lại hành động loạn luân và dâm dật của đôi dâm phụ Hêrôđê và Hêrodias.

Gioan Tẩy Giả đã phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời ngôn sứ của mình: cái chết. Hêrôdias vì không chấp nhận sự thật, không chịu nổi lời quở trách của vị tiên tri. Nên đã căm thù tìm cơ hội khử trừ vị ngôn sứ đầy uy tín. Với sự nhảy múa cuồng nhiệt nhân ngày sinh nhật, Hêrodiađê đã làm ngây ngất vua Cha. Cái đầu, vẫn là sự căm tức ngông cuồng của Hêrôdias. Đầu của vị ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã nằm gọn trong chiếc dĩa trước mặt Hêrôđê.

          Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời, Gioan Tẩy Giả vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị ngôn sứ. Mọi tiên tri đều phải trả giá cho lời chứng của mình. Gioan Tẩy  Giả đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình.Cái đầu phải trả là giá nặng nề và đáng nguyền rủa nhất của vị ngôn sứ sau cái chết chịu đóng đinh nơi thập giá đối với người Do Thái lúc đó. Gioan Tẩy Giả đã tự xóa nhòa mình để cho Đấng cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại.

Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói lên sự thật muôn đời là Gioan đã hoàn toàn đáp trả hoàn toàn lời mời gọi của Thiên Chúa: “Ngài không sợ hãi,lớn tiếng trước mặt các vua chúa.Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý”.

Thánh Gioan tẩy giả rao giảng phép rửa sám hối, chuẩn bị cho người ta đón nhận Đấng Mêsia. Ngài đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu trong dòng sông Giođan và được hưởng kiến niềm vui vì sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu đã khởi sự. Gioan tẩy giả đã khích lệ các môn đồ của mình đi theo Đức Chúa Giêsu. Ngài biết rằng danh Chúa phải tỏa sáng ra, còn danh mình phải lu mờ đi.

Trong chương thứ nhất Phúc âm theo thánh Gioan, thánh Gioan tẩy giả nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, chỉ thức tỉnh người ta hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng mà thôi! Thánh nhân mời gọi mọi người hãy sẵn sàng để chuẩn bị đón nhận Đấng Mêsia.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống hoàn toàn đúng nghĩa của một vị ngôn sứ chân chính, đích thực, Ngài đã hoàn toàn đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa: “Ngài đã không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các Vua Chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý”.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã vạch mặt chỉ tên mọi người sống bê tha, tội lỗi. Lời rao giảng sám hối và phép rửa cải tà qui chánh, cải hoá nội tâm của Ngài đã nói lên một sự thực muôn đời: “Tất cả đều phải sám hối và ăn năn”. Thánh nhân đã không chùn bước trước những thế lực mạnh nhất lúc đó là Hêrôđê. Ngài đã can đảm nói lên việc Hêrôđê cướp vợ của anh mình là Philíp, nàng Hêrôđia…

Sự can đảm và cương quyết của Ngài đã bị cường bạo đè bẹp bằng lời hứa thật đê hèn và thô bạo. Nhưng cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả đã minh chứng cho chân lý ngàn đời: “Sự thật sẽ giải phóng tất cả”. Gioan Tẩy Giả đã chết đi để bảo vệ cho sự thật, minh chứng cho Chúa Giêsu: “Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6).

Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.

 

2136    27-08-2018