Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Tín trung với Chúa

28/11/2018

Thứ Tư Tuần XXXIV TN

Kh 15, 1-4; Lc 21, 12-19

TÍN TRUNG VỚI CHÚA

Lời Chúa hôm nay lại gợi lên một thực tế đi ngược cuộc sống sung túc và luôn nỗ lực đạt đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Làm sao người tín hữu có thể thuyết phục con người thời đại tin vào Chúa Giêsu khi mà kết cục của những kẻ theo Người thật quá kinh khủng: bắt bớ, ngược đãi, bị nộp cho các hội đường, ra trước mặt vua chúa, tù tội, bị chính những người thân yêu nhất từ bỏ và cuối cùng là cái chết?

Thật sự mà nói, đứng trước chọn lựa mạo hiểm này, quả thật, đặt người ta trước bước ngoặt quan trọng nhất của toàn bộ lịch sử cuộc đời mình. Dù vậy, Thiên Chúa chưa bao giờ vắng bóng trong tất cả những thử thách ấy. Người đi vào cuộc sống của từng con người và ở ngay bên cạnh để nâng đỡ họ trong những giờ phút gian nan nhất, đến nỗi “dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (Lc 21,18).

Chúa Giêsu tiên báo: vì Ngài mà các môn đệ sẽ bị bách hại, bị ghét bỏ, ngay trong gia đình, nơi những người thân thuộc. Nhưng đó là một cơ hội cho sứ mệnh của họ. Ðức Giêsu hứa sẽ trợ giúp các môn đệ khi các ông gặp gian nan khốn khó. Các môn đệ sẽ phải chịu những gì Thầy mình đã chịu. Họ sẽ bị bắt, bị ngược đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đạo, tòa đời (c. 12). Họ sẽ bị nộp bởi chính người thân, bị mọi người thù ghét, và thậm chí bị giết hại (cc. 16.17). Tất cả những gì các môn đệ phải chịu đều là vì danh Thầy (cc. 12. 17).

“Danh” là tên gọi của một người và cũng chỉ toàn bộ con người họ nữa. Nhưng “danh” còn có nghĩa là danh vọng, tiếng tăm và là một trong ba cám dỗ lớn nhất của đời người: “danh- lợi- thú”. Do đó, người đời bảo nhau sống làm sao phải để lại “danh thơm tiếng tốt”: “Đã mang tiếng ở trong trời đất phải có danh gì với núi sông”. Người Kitô hữu không chỉ sống làm sao để làm rạng danh bản thân, dòng tộc nhưng còn có bổn phận làm rạng danh Chúa; không chỉ có danh hữu hạn ở đời này nhưng còn mong ước có danh ở cõi đời đời.

Để làm rạng danh Chúa, người môn đệ có thể phải chịu nhiều hy sinh và mất mát: bị kẻ thù và ngay cả những người thân thương nhất (cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu) ghét bỏ, bắt bớ, ức hiếp và giết chết vì “…thế gian chỉ thích những gì thuộc về nó” (Ga 15, 19).

Nhưng cái gì đã làm môn đệ Chúa, khi bị bắt bớ, bị bách hại lại cho đó là cơ may? Thánh Augustino giải thích: Cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Chúa. Nếu tôi yêu mình đến coi rẻ Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi coi là thất bại.

Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tôi mà thôi; cái căn bản là tình yêu đốỉ với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời ta.

Đối với Chúa Giêsu, giây phút đứng trước tòa là giây phút quan trọng. Người môn đệ có cơ hội công khai làm chứng cho Thầy (c. 13). Đức Giêsu không để họ một mình đối diện với sức mạnh của quyền uy. Ngài hứa sẽ giúp họ trả lời những cáo buộc của tòa án (c. 15; Cv 6, 10). Thế nên họ chẳng có gì phải xao xuyến, lo âu (c. 14). Tòa án trở thành nơi làm chứng tuyệt vời của người môn đệ. Điều quan trọng khi bị bách hại là phải kiên trì (c. 19). Có nhiều kiểu hành hạ nhằm làm cho người môn đệ bỏ cuộc. Nhưng một sợi tóc anh em cũng không bị mất (c. 18) nghĩa là Chúa sẽ lo từng li từng tí cho môn đệ của mình. Mạng sống của các môn đệ ở đời này có thể bị mất (c. 16), nhưng nếu họ kiên trì và trung tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau. Chúng ta cầu cho nhau được ơn kiên trì giữa thử thách của thời đại mới.

Nỗi khó nhọc nơi biết bao gian nan xảy đến cho người môn đệ sẽ trở nên cơ hội làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng đã tự nguyện hiến mình vì nhân loại. Con người chỉ có thể đón nhận tất cả những điều ấy qua cái nhìn của đức tin. Như Đanien khi xưa tràn đầy thần khí của Thiên Chúa đã đọc được những chữ viết trên tường mà không một người nào trong hoàng cung vua Bênsátxa có thể đọc được (x. Đn 2, 1-28).

Chỉ vì tình yêu trung tín đối với Thầy và giáo huấn của Thầy đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau và cái chết. Không phải chỉ chối Thầy cách công khai mới mang tội bất trung. Không phải chỉ bước qua thập giá mới là phản bội. Bất cứ khi nào chúng ta bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô giáo, như sự thật, sự sống, công bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do, lương tâm, khi ấy chúng ta chối bỏ Đức Kitô Giêsu. Bất cứ khi nào chúng ta dám xả thân để sống cho những giá trị đó, chúng ta đã làm chứng cho Ngài rồi. Gioan Tẩy Giả đã chết vì nói sự thật mất lòng với Hêrôđê. Maria Goretti đã chết vì muốn sống trong sạch. Maximilien Kônbê đã xin chết thay cho người khác vì lòng bác ái. Tất cả đều được Giáo Hội tôn kính như những vị tử đạo, dù họ không chết vì tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.

Dẫu rằng người đời coi là ngu dại và vô nghĩa, biết bao môn đệ đã cương quyết chọn theo Chúa, trung tín với Chúa trong muôn vàn thử thách. Họ có thể bị người đời quên lãng nhưng lại được Thiên Chúa chúc phúc và ghi nhớ. Như thế, họ đã can đảm làm rạng danh Chúa và ghi tên mình vào trong sổ trường sinh. Thế giới ngày nay, nhiều người dựa vào vật chất, quyền lực, phương tiện truyền thông, thậm chí cả gây scandal để đánh bóng tên tuổi, để mua sự nổi tiếng, để câu like… Tôi đang viết tên mình trên cát dễ tan biến hay đang khắc đời mình trên đá tảng vững chắc là chính Chúa?

Trong thực tế, muốn biết ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống xem ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, tham vọng không hợp ý Chúa, thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, ta dám hy sinh tất cả vì Chúa, lúc đó ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Chúa.

Trang Tin Mừng hôm nay động viên mỗi người trên hành trình theo Chúa với những biến cố vui buồn, biết nhận ra con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực của đời mình. Con đường đó, không gì khác hơn, chính là con đường của Nước Trời mà viễn tượng huy hoàng của nó đã được sách Khải Huyền mô tả: “Người muôn nước sẽ về phủ phục trước tôn nhan, vì ai ai cũng đều thấy rõ những phán quyết công minh của Ngài” (Kh 15,4b).

Là Kitô hữu, những người theo Chúa Kitô, chúng ta cũng phải can đảm đón nhận những thử thách, những khó khăn trong cuộc sống chấp nhận chịu thiệt thòi vì Ngài bằng những hành động chân thật, không gian dối, không làm điều ác, xấu...

 

 

1507    24-11-2018