Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Họ Đạo Rạch Vồn

z5043599551450828a49e73fa9b006592af522c56400db

Địa chỉ: ấp Định Bình, Long Thới, Tiểu Cần, Trà Vinh.

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN XIII Thường Niên

Số giáo dân: 1.389

Năm thành lập:

Giờ lễ

Chúa nhật:       04g30  ;    15g30       

Ngày thường: 04g30

Linh mục Chánh sở: Giuse Lâm Quang Thi
LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

Trước năm 1879 họ đạo Mặc Bắc thuộc về phủ Lạc Hóa, Tổng Thành Hóa Trung, làng Long Định. Các ông trưởng thượng thời xưa đã dựa vào chữ Định mà đặt cho các ấp, trong đó có ấp Định Bình. Đến năm 1921 nhà nước Pháp sáp nhập làng Long Định vào làng Ninh Thới lấy tên là Long Thới, còn các ấp thì để luôn cho tới ngày nay.

Vào khoảng năm 1900 các ấp trong xã thuộc về họ đạo Mặc Bắc nên Định Bình cũng thuộc về Mặc Bắc. Lúc đó tại ấp Định Bình có lối chừng 50 nóc gia, trong số này có gia đình ông Nguyễn Ngọc Nhân (kêu là hội đồng Nhân) là một gia đình giàu có và rất đạo đức. Ông hội đồng Nhân đã đến cha sở Hoàng (tức là cha Frison) xin lập một Họ nhánh mà ông sẵn sàng dâng một mẫu đất thổ trạch và xuất tiền cất một nhà nguyện xin cha ngày Chúa nhật đến dâng lễ cho lối 200 bổn đạo, vì ấp Định Bình quá xa nhà thờ Mặc Bắc, cha sở Hoàng đồng ý. Năm 1914 ông hội đồng một mặt thì đào mương lên líp lập vườn chung quanh miếng đất thuộc khuôn viên Nhà thờ. Trên những líp này ông hội đồng cho trồng cây sao rất nhiều (cũng như ở các chùa Miên) để sau này có gỗ sửa chữa Nhà thờ hoặc xây cất thêm cơ sở vật chất.

Năm 1915, nhà nguyện được hoàn thành, mặt tiền day xuống mé rạch Cần Chong để rước cha đi ghe đến làm lễ và có lẽ từ đó gọi là nhà thờ Rạch Vồn.

Đến 1922, cha sở Hoàng có một cặp ngựa, một con ngựa kim và một con ngựa bạch, khi đi làm lễ Rạch Vồn thì cha cỡi ngựa còn đi làm lễ ở các chỗ xa thì cha đi bằng chiếc canot có máy chạy xăng.

Sau khi cất Nhà thờ xong ông phó tổng Võ Đình Lan bán 5 mẫu ruộng ở ấp Định Thuận mua dâng cho nhà thờ Rạch Vồn cái chuông, bao nhiêu tiền còn lại định để dưỡng già, không dè bị cướp lấy hết. Cái chuông đến nay vẫn còn. Năm 1945 Việt Minh đốn sao ở chung quanh nhà thờ để hàn sông chống Pháp nên hiện nay số cây sao còn lại rất ít.

Theo lịch sử Giáo hội Việt Nam thì năm 1899 địa phận Sài Gòn thuộc về Đức cha Mossard. Đức cha qua đời thì năm 1920 Đức cha Quinton lên cai trị địa phận, khi ngài qua đời thì Đức cha Dumortier thế. Năm 1938 tòa thánh thành lập địa phận Vĩnh Long trao cho Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục, cho nên khi cất nhà thờ Rạch Vồn thì địa phận thuộc về Đức cha Mossard. Và sau Đức cha Ngô Đình Thục thì tới Đức cha Nguyễn Văn Thiện và Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu. Còn các cha sở thì sau cha sở Hoàng là cha Binh, Hưởn, Bạch, Hai.

Đến năm 1965 Rạch Vồn và Tân Thành nhập thành một dưới sự lãnh đạo của cha Pet Nguyễn Văn Triệu. Năm 1974 Nhà thờ Rạch Vồn cũ được phá bỏ hoàn toàn và xây mới. Năm 1980 Nhà thờ mới tạm hoàn chỉnh. Đức cha Mầu cho phép Rạch Vồn tách khỏi Tân Thành và giao cho cha sở hiện nhiệm cho đến ngày nay. Cũng nên nhắc lại trong khoảng thời gian từ năm 1933 - 1965 còn có các cha hưu trí đến tạm thời giúp cho họ Rạch Vồn như cha Mười (thường gọi là cha xứ), cha Tuyển, cha Bạch.

Hiện nay họ Rạch Vồn có riêng một cha sở, một thầy giúp xứ và 2 dì phước Cái Mơn, một ông trùm, 2 ông câu, 4 ông biện phụ trách 4 khu.

Tinh thần đạo đức nói chung là khá cao so với các họ chung quanh. Có tinh thần đoàn kết tốt. Hằng năm ngày 8/12 là ngày lễ bổn mạng Nhà thờ và trong tuần thánh có tổ chức tĩnh tâm chung 3 ngày. Số người tham dự rất đông.

Họ đạo qui tụ một số dòng họ lớn, có những nhân vật được nhiều người nhắc tới nhất là dòng họ Nguyễn Ngọc của ông hội đồng Nguyễn Ngọc Nhân, một gia đình có rất nhiều công với họ đạo. Trong số nay có ông 9 Nhiệm, 4 Châu, 7 Thương (cha của cha Thích), 6 Hơn ...

Trước kia Họ đạo có rất nhiều tu sĩ nam nữ. Hiện nay chỉ còn một linh mục sinh quán tại họ đạo là cha Thích và 21 tu sĩ nữ, thuộc các dòng chợ Quán, Thủ Thiêm, Cái Nhum, Cái Mơn ...

4334    22-02-2011 16:11:23